Libya: Nguy cơ bùng nổ chiến tranh toàn diện

Thứ Tư, 10/04/2019, 10:44
Giao tranh xảy ra quyết liệt ở vùng ngoại ô thủ đô Tripoli khi lực lượng thuộc Quân đội Quốc gia Libya (LNA) dưới quyền chỉ huy của tướng Khalifa Haftar đang tiến về đánh chiếm thủ đô. Cuộc tiến công của quân LNA đang dấy lên nỗi lo ngại về một cuộc nội chiến khốc liệt tái diễn tại đất nước giàu dầu mỏ ở vùng Bắc Phi này.


Sự trỗi dậy của tướng Haftar

Theo giới phân tích, các nỗ lực của Liên Hiệp Quốc (LHQ) nhằm đảm bảo hòa bình, ổn định cho Libya đến giờ phút này hầu như giẫm chân tại chỗ và có nguy cơ phá sản do không thể hóa giải được tham vọng của tướng Haftar. Hơn 7 năm sau khi dùng vũ lực quân sự để lật đổ nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi, phương Tây đã không thể hàn gắn được một đất nước Libya chia năm xẻ bảy.

Mọi nỗ lực gầy dựng một chính phủ thống nhất Libya đã không thành do chính phủ ở Tripoli không đủ thực lực để thu phục hàng chục nhóm phiến quân vốn từng giúp họ lật đổ ông Gaddafi.

Trải qua nhiều cuộc hỗn loạn tranh giành quyền lực, rốt cuộc LHQ đành tạm chấp nhận thực tế Libya hiện đang tồn tại 2 chính phủ song song: một chính phủ đóng tại Tripoli do LHQ và phương Tây hậu thuẫn, xung quanh là nhiều nhóm phiến quân vũ trang, không thể buộc họ giải giáp.

Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres (bên trái) gặp tướng Haftar tại Benghazi hôm 5-4.

Còn một chính phủ nữa, gọi là chính phủ Đông Libya, hiện đóng đô ở thành phố Tobruk thuộc miền Đông, được sự hậu thuẫn của Các tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE), Ai Cập và sự ủng hộ, công nhận của Pháp và Nga. Chính phủ Đông Libya được quân đội LNA của tướng Haftar trung thành bảo vệ và hiện đang bắt đầu nuôi tham vọng tiến về kiểm soát thủ đô Tripoli ở phía Tây.

Sức mạnh của quân đội LNA dưới sự chỉ huy của tướng Haftar đang là thế lực mà LHQ phải “nói chuyện” nếu muốn hoàn thành mục tiêu “ổn định Libya”. Nhưng ngay cả điều này cũng đang trở nên khó khăn. Vị tướng già 75 tuổi hiện đang nuôi tham vọng lớn là thâu tóm thủ đô Tripoli và nắm quyền kiểm soát về quân sự toàn bộ đất nước Libya. Tướng Haftar từng tuyên bố chính ông là giải pháp duy nhất cho sự ổn định của Libya chứ không phải thành phần nào khác do “bên ngoài” dựng lên.

Từng là một sĩ quan quân đội dưới thời nhà lãnh đạo Gaddafi, Haftar đã tham gia các cuộc chiến tranh của Libya ở miền Trung châu Phi. Tuy nhiên, đến năm 1987, sau cuộc chiến tranh với Cộng hòa Chad, Haftar dẫn một đội quân khoảng 300 người đào ngũ đi theo quân đội Mỹ và lập ra LNA. Nhờ sự dàn xếp của CIA, các nước xung quanh Libya như Zaire và Kenya mới chấp nhận cho đội quân của Haftar tạm trú thời gian ngắn trước khi được chính quyền Mỹ cho sang Mỹ diện tị nạn.

Năm 1996, Haftar dẫn đội quân LNA thực hiện một cuộc nổi dậy chống chính quyền của ông Gaddafi nhưng thất bại, đành quay trở lại Mỹ tiếp tục cuộc sống lưu vong. Đến năm 2011, nhân làn sóng biểu tình “Mùa xuân Arập”, Haftar quay trở về Libya tham gia cùng các nhóm phiến quân Libya nổi dậy lật đổ ông Gaddafi. Sau khi ông Gaddafi bị lật đổ, nhiều nhóm phiến quân vũ trang bắt đầu tranh nhau quyền kiểm soát đất nước.

Giữa cảnh hỗn loạn đó, năm 2014, Haftar phát động một chiến dịch mang tên “Chiến dịch Phẩm giá” (Operation Dignity) nhằm “thanh lọc” đất nước khỏi những đám phiến quân khủng bố. Đến tháng 7-2017, Haftar và lực lượng quân đội của mình đã nắm được quyền kiểm soát thành phố Benghazi, sau 3 năm chiến tranh đổ máu.

Năm 2018, LNA tiếp tục đánh chiếm Derna, thành phố cuối cùng của lực lượng chống đối ông Haftar. Sang tháng 1-2019, LNA tiếp tục phát động chiến dịch đánh chiếm vùng giàu dầu mỏ Fezzan ở Tây Nam Libya. Nhờ thương lượng thành công với các bộ lạc địa phương, quân đội LNA đã nhanh chóng chiếm lĩnh vùng Fezzan mà không cần đổ máu.

Có Tripoli là có tất cả

Jalel Harchaoui, nhà nghiên cứu về Libya tại Viện Clingendael ở Hà Lan nhận định rằng đánh chiếm vùng Fezzan là nước cờ chiến lược của tướng Haftar nhằm mục tiêu thâu tóm thủ đô Tripoli. Ông Harchaoui cũng nói thêm rằng, Tripoli không chỉ là thủ đô, nó còn là trái tim, là trung tâm của mọi thứ, tiền bạc, chính trị, ngoại giao, với dân cư đông đúc, là nơi mọi ngả đường đều đổ về. Vì thế, chiếm được Tripoli coi như nắm được toàn bộ đất nước Libya.

Giật mình trước đà tiến quân của LNA ở miền Nam và Tây Nam Libya, nhất là việc đánh chiếm vùng chiến lược Fezzan, LHQ vội vàng tổ chức cuộc họp hòa giải giữa Fayez Sarraj, người đứng đầu chính phủ ở Tripoli, với tướng Haftar. Cuộc họp thương lượng diễn ra vào tháng 2-2019 tại Abu Dhabi (UAE). LHQ thông báo, hai bên đã đạt thỏa thuận sẽ tổ chức một cuộc tổng tuyển cử vào cuối năm nay.

Tháng 3-2019, phái bộ của LHQ tại Libya thông báo rằng một hội nghị toàn quốc sẽ được tổ chức vào giữa tháng 4 (khoảng 14 đến 16-4) để thảo luận về cuộc bầu cử và thống nhất đất nước Libya.

Thủ tướng GNA Fayez al-Sarraj và tướng Haftar tại cuộc họp tháng 2-2019.

Nhà nghiên cứu Harchaoui cho rằng việc tướng Haftar đồng ý tổ chức bầu cử chẳng qua chỉ nhằm “câu giờ” để thực hiện tham vọng đánh chiếm Tripoli. Thứ sáu ngày 5-4, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres đã đến Tripoli để tham vấn chính phủ GNA về kế hoạch bầu cử, ngay sau đó ông đã bay đến Benghazi để họp kín với tướng Haftar. Sau cuộc họp, ông Guterres ra về và viết trên Twitter bày tỏ nỗi lo ngại sâu sắc về tình hình Libya.

Để thực hiện tham vọng thống lĩnh toàn bộ Libya, tướng Haftar quyết định phải hoàn thành việc đánh chiếm Tripoli trước khi diễn ra hội nghị toàn quốc do LHQ tổ chức nhằm nắm thế thượng phong trong hội nghị. Ngày 4-4, tướng Haftar đã ra lệnh cho quân đội LNA tiến vào Tripoli, bắt đầu bằng những trận đánh chiếm các thành phố, thị trấn xung quanh Tripoli.

Trong cuộc giao tranh đầu tiên, quân LNA của tướng Haftar đã nắm quyền kiểm soát thị trấn Gharyuan, cách Tripoli khoảng 100km về phía Nam, đặt họ vào vị trí gần Tripoli hơn. Ngay sau đó, quân LNA tiến theo hướng Bắc, đánh chiếm ngôi làng Suq al-Khamis, cách Tripoli chỉ khoảng 40km. Một diễn biến đáng lo ngại về nguy cơ nội chiến bùng nổ là hai bên đã sử dụng đến sức mạnh không quân. Cả hai đã triển khai một số cuộc oanh tạc bẳng máy bay chiến đấu nhằm tranh nhau thế thượng phong.

Cho đến chiều ngày 5-4, quân đội LNA tuyên bố họ đã chiếm giữ thêm 2 thị trấn Qasr ben Ghashir và Wadi al-Rabie ở ngoại ô phía Nam, gần sân bay quốc tế cũ của Tripoli. Sân bay này đã bị đóng cửa từ sau trận đánh khốc liệt giữa các nhóm phiến quân vào năm 2014. Tuy nhiên, khi đánh vào khu vực sân bay cũ này vào sáng ngày 5-4, quân LNA dường như đã vấp phải sự chống trả quyết liệt của các nhóm phiến quân ủng hộ chính phủ GNA ở Tripoli.

Tướng Khalifa Haftar.

Giao tranh bùng phát mạnh ở khu vực gần Tripoli hôm Chủ nhật 7-4, khi quân LNA trên đường tiến vào Tripoli đã đụng độ với lực lượng phiến quân. Sau một cuộc phục kích của các nhóm phiến quân, LNA đã bị chặn đứng tại thị trấn ven biển Zawiya. LNA cũng không thể vượt qua được các nhóm phiến quân vũ trang chốt giữ thành phố giàu có Misrata.

Con số thương vong được cả hai phía giao chiến xác nhận là khoảng 125 người, kể cả dân thường. Các nhóm phiến quân ủng hộ chính phủ GNA ra tuyên bố sau các cuộc đụng độ ở Zawiya và Misrata đã bắt giữ 145 tay súng LNA làm tù binh, thu 60 xe vũ trang.

Các cường quốc làm gì với Libya?

Sau loạt giao tranh dữ dội ở những khu vực xung quanh, an ninh tại thủ đô Tripoli được đặt trong tình trạng báo động. Trường học đã đóng cửa nhiều ngày qua để học sinh nghỉ học, người dân đã xếp hàng tại các trạm xăng dầu và các cửa hàng nhu yếu phẩm để mua tích trữ.

Cũng vì lo ngại “điều kiện an ninh không bảo đảm”, quân đội Mỹ đã tạm thời rút một bộ phận quân nhân ra khỏi Libya. Đây là lực lượng nhỏ, chỉ khoảng trên dưới nghìn người được triển khai đến Libya trong vài năm gần đây để hỗ trợ nước này chống sự xâm lấn của Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và khủng bố Al-Qaeda, đồng thời để bảo vệ các cơ sở ngoại giao nước ngoài đóng tại Tripoli.

Tướng thủy quân lục chiến Thomas Waldhauser, Tư lệnh Bộ chỉ huy châu Phi của quân đội Mỹ cho biết tình hình an ninh diễn biến ngày càng phức tạp và khó lường khiến quân đội Mỹ phải điều chỉnh lực lượng có mặt lẫn chiến lược đối với Libya. Trong khi đó, Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Sushma Swaraj cũng cho biết hôm 6-4 Ấn Độ đã rút đơn vị cảnh sát quốc gia số 15 tham gia gìn giữ hòa bình tại Libya về nước.

Các nước phương Tây đều bày tỏ lo ngại cho nguy cơ chiến tranh bùng nổ toàn diện tại Libya, bởi nước nào cũng có những lợi ích và đang tham gia hoạt động khai thác dầu mỏ tại Libya. Đại diện các nước Anh, Mỹ, Pháp, Italia và UAE (vốn hậu thuẫn tướng Haftar và LNA) đã ra một tuyên bố chung hôm 4-4 kêu gọi hai bên giao chiến “xuống thang”. Ngày 6-4, Hội đồng Bảo an LHQ tiếp tục ra lời kêu gọi lực lượng quân đội LNA của tướng Haftar “dừng các hoạt động quân sự”.

Xe quân sự của lực lượng chính phủ GNA trên đường phố Tripoli.

Bộ trưởng Nội vụ Italia Matteo Salvini bày tỏ lo ngại vì có nhiều người Italia đang làm việc trong các công ty khai thác dầu của Libya, như ENI. Ngoại trưởng Anh Jeremy Hunt hôm 8-4 cho biết ông “sẽ vận động mọi kênh để khuyến khích hai bên kiềm chế và tránh đổ máu”.

Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Mike Pompeo kêu gọi hai bên mau chóng quay trở lại bàn đàm phán, cho rằng “không thể có giải pháp quân sự cho cuộc xung đột ở Libya”. Còn đặc phái viên LHQ tại Libya Ghassan Salame khẳng định LHQ vẫn sẽ tiến hành hội nghị đa phương tại Tripoli vào tuần tới, bao gồm tất cả các phe phái ở Libya để thảo luận chung về thời gian tổ chức bầu cử tại nước này.

Thế nhưng, mọi lời kêu gọi hầu như chẳng thể ngăn cản đà tiến quân của LNA cũng như các cuộc giao tranh đang tiếp diễn tại các thị trấn điểm nóng chiến lược trên đường tiến quân vào Tripoli của tướng Haftar. Sau vụ không kích vào doanh trại của quân đội GNA tại Naqlia, ngoại ô Tripoli, quân đội của tướng Haftar đã thể hiện sức mạnh vượt trội về không quân, chủ yếu do UAE trang bị. Phương Tây bắt đầu lo ngại có sự nhúng tay của một số cường quốc trong khu vực và thế giới vào Libya.

Cụ thể, ngoài việc UAE trực tiếp trang bị một số khí tài và hỗ trợ kỹ thuật cho LNA, Washington đang quan tâm đến vai trò của Nga tại Libya, nghi ngờ Moscow đã triển khai khoảng vài trăm lính tại vùng Đông Libya để hỗ trợ tướng Haftar. Tuy nhiên, với tuyên bố rút bớt quân số khỏi Libya hôm 7-4, Mỹ cũng đã gián tiếp thừa nhận sự hiện diện của lực lượng quân sự (đặc nhiệm) tại đây.

Ngoài Mỹ, cả Anh và Pháp đều cử lực lượng tinh nhuệ đến Libya để hỗ trợ chống IS và khủng bố, bảo vệ các khu mỏ dầu. Đặc biệt, lực lượng Mỹ đã từng tiến hành hàng chục phi vụ không kích chống IS tại miền Nam Libya, đồng thời triển khai máy bay không người lái xung quanh Tripoli.

Đã có vài tiếng nói, trong đó có cựu Đại sứ Anh tại Libya Peter Millett, đòi áp dụng biện pháp trừng phạt đối với tướng Haftar. Ủy viên đối ngoại EU Federica Mogherini đang cố gắng xây dựng một mặt trận thống nhất tại một hội nghị Hội đồng Đối ngoại EU hôm 8-4 để kêu gọi trừng phạt tướng Haftar.

Trong khi đó, vấn đề ủng hộ phe nào tại Libya cũng đang gây chia rẽ trong nội bộ EU, với quan hệ giữa Italia và Pháp trở nên căng thẳng trong thời gian gần đây do việc Tổng thống Pháp Emmanuel Macron công khai ủng hộ tướng Haftar. Sau loạt trận giao tranh từ hôm 4-4, Thủ tướng chính phủ GNA của Libya đã phản đối nước Pháp.

Ngày 6-4, Tổng thống Pháp Macron đã phải điện đàm với Tổng Thư ký LHQ Guterres để giải thích rằng ông cũng đang tìm cách “gỡ rối”.

An Châu (tổng hợp)
.
.