Libya có nguy cơ trở thành cứ địa mới của IS

Thứ Tư, 24/02/2016, 13:05
Theo chuyên gia Kader Abderrahim, tổ chức IS đang kiểm soát từ 20 đến 23% lãnh thổ Libya, và một báo cáo mới đây của Liên Hiệp Quốc (LHQ) ước tính số lượng chiến binh thánh chiến là từ 2.000-3.000 người. "Tình hình tại Libya hẳn sẽ là vấn đề không thể xem nhẹ trong thời gian tới" - Thủ tướng Pháp Manuel Valls nhận định.

Bốn năm sau khi nhà độc tài Muammar Gaddafi bị hành quyết tại Syrte vào tháng 10-2011, đất nước Libya chìm sâu vào cảnh hỗn mang. Quốc hội và chính phủ được bầu lên buộc phải dời đến những thành phố xa xôi như Tobruk hay Beida trong khi lực lượng dân quân dính líu đến các nhóm Hồi giáo cực đoan chiếm lấy thủ đô Tripoli.

Từ tháng 1-2015, nhóm này đã chiếm được phần lớn lãnh thổ vùng Syrte, đặc biệt là khu vực Noufliyeh, sinh quán của Gaddafi. Theo chính quyền Tripoli, thậm chí IS còn liên kết với những kẻ thân tín với Gaddafi để giúp chúng chiếm những cánh đồng dầu hỏa trong vùng Syrte. Trong tháng 2-2015, IS đã bắt giữ và chặt đầu hàng chục người Thiên Chúa giáo tại Libya, trong đó có những người Ai Cập và Ethopia.

Phiến quân IS tại Libya.

Và từ cuối tháng 5-2015, IS đã kiểm soát phi trường. Ai cũng biết rằng Chính phủ và Quốc hội ở miền Đông (Tobruk) được cộng đồng quốc tế công nhận bị cáo buộc là hiện thân của chế độ Gaddafi trước đây. Mặt khác người ta chỉ trích chính quyền chiếm thành phố Tripoli là được hậu thuẫn bởi các dân quân Hồi giáo Fajr Libya, bị phe đối lập cho là tổ chức khủng bố, nhưng chống lại IS.

Hơn thế nữa, tình hình càng nghiêm trọng hơn khi các thế lực địa phương đan xen nhau trong cuộc xung đột sắc tộc và tín ngưỡng. Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar hậu thuẫn cho chính phủ tại Tripoli, Sudan bị nghi ngờ cung cấp vũ khí cho IS và nhóm Anh em Hồi giáo, còn Ai Cập vũ trang cho Chính phủ Tobruk để đảm bảo an ninh cho biên giới.

Sự hòa giải bất thành của LHQ và tình hình tồi tệ tại miền Bắc Libya khiến cho việc can thiệp của nước ngoài là khó tránh khỏi. Hơn nữa, cảnh hỗn mang tại Libya càng làm lợi nhiều cho IS. Chuyên gia Pierrre Servant nhấn mạnh: "Cần phải thành lập các lực lượng đặc nhiệm để tấn công và tiêu diệt IS tại Libya. Với những sự trì hoãn và các động thái lộn xộn, đất nước đang sắp bùng cháy và IS hóa ở cách biên giới chúng ta 600km. Chúng ta có thể tiêu diệt IS tại vùng Lưỡng Hà nhưng sẽ gặp lại chúng ở cửa ngõ châu Âu". Với viễn cảnh đó, "chính quyền Libya sẵn sàng phối hợp các hoạt động với Nga trong cuộc chiến chống IS ở mức độ cao nhất nếu Nga mở chiến dịch tại Libya" - Thủ tướng Lybia được quốc tế công nhận Abdallah Al-Thani cho biết. Ngoài ra, các chuyến bay thám sát và tình báo bên trên Syrte cũng đã được lên kế hoạch từ cuối tháng 11-2015 từ Hàng không mẫu hạm Charles de Gaulle.

Đến nay Pháp vẫn chưa tính đến sự can thiệp quân sự tại Libya nhưng vẫn đặt một căn cứ tạm thời tại Madama ở phía đông bắc Nigeria gần biên giới Libya. Hiện thời chính thức không có sự hiện diện của quân đội Pháp tại miền Nam Libya, nhưng khu vực này vẫn là mối bận tâm lớn về an ninh và mọi việc vẫn có thể thay đổi. "Nạn khủng bố có mặt ở mọi nơi nó chưa bị tiêu diệt. Cuộc chiến chống khủng bố không thể làm nửa vời, hoặc ta chống lại khủng bố và chiến thắng nó, hoặc ta không thể yên bình và nó sẽ sống sót" - tướng Palasset Chỉ huy chiến dịch Barkhane tại châu Phi nhận định.

Người ta biết rằng, quân đội Pháp đã đạt được những thành quả quan trọng chống những nhóm khủng bố nhưng nơi mất ổn định là Boko Haram và Libya vẫn còn đe dọa khu vực. Có khoảng 3.500 binh lính Pháp triển khai tại 5 quốc gia Mauritania, Mali, Niger, Tchad và Burkina Faso. Chiến dịch Barkhane nhằm mục đích truy lùng bọn khủng bố đang tự do đi lại giữa các biên giới lỏng lẻo. Trong bối cảnh đó, "miền Nam Libya là nơi dung dưỡng khủng bố, đó là nơi chúng sinh ra và phát triển. Còn phải làm mọi thứ. Nếu ta để lại nhiều vùng trú ẩn, đó là các hậu cứ sẽ làm suy yếu và mất ổn định một số quốc gia" - tướng Barkhane cho biết.

Căn nguyên chính là xuất hiện tình trạng xung đột bộ tộc và phe nhóm như tại Somalia với tất cả mọi hệ quả có thể thấy trước. "Các quan sát viên không hiểu rằng ý nghĩa sâu xa của chính sách vùng Sahara của Gadhafi là từ nguồn cơn của mọi việc. Bộ tộc của ông ta là Khadafa mà trái tim là thành phố Sabha hẳn là ít ỏi về số lượng, chỉ 150.000 thành viên, tuy nhiên nó lại chiếm một không gian chiến lược ở chỗ nối Tripolitaine và Cyrénaique, nhưng trước tiên là trục thẳng đứng từ Địa Trung Hải đến Sahara, từ Syrte đến Mourzuk. Bộ tộc sống trên lưng lạc đà đó buôn bán xa, giữ quan hệ với người Toubou và người Touareg, điều này giải thích cho các liên minh của chế độ Gaddafi và sự hấp dẫn của vùng nam Sahara đối với ông ấy" - chuyên gia về châu Phi Bernard Lugan giải thích.

Phóng viên Renaud Girard đã nhận định: "Được thực hiện hoàn hảo về chiến thuật, nhưng cuộc chiến chống Gaddafi năm 2011 là sai lầm chiến lược lớn nhất về mặt đối ngoại của nền Đệ ngũ Cộng hòa. Bởi vì Gaddafi không còn là kẻ thù của Pháp nữa. Ông ta đã có 2 sự nhượng bộ và giúp đỡ chúng ta 2 lần. Ông ta đã từ chối con đường khủng bố và bồi thường cho các nạn nhân Pháp. Ông ta đã từ bỏ vũ khí hạt nhân và tiết lộ những việc mua bán nguy hiểm của Abdul Qadeer Khan (Pakistan). Ông ta dứt khoát truy lùng bọn thánh chiến. Ông đã ngăn chặn đường dây buôn người giữa vùng Sahara và Địa Trung Hải".

"Người ta biết rằng các liên kết bộ tộc do Gaddafi thiết lập đã bùng nổ, đó là lời giải thích chính cho hiện thực hỗn mang trong nước. Từ đó, hoặc là tình trạng vô chính phủ sẽ kéo dài và phe Hồi giáo lên nắm quyền, hoặc 3 liên minh sẽ kết hợp lại. Và đó chính là điều họ đã làm để cộng đồng quốc tế hiểu rằng giải pháp phải từ các bộ tộc" - Bernard Lugan cho biết.

Minh Luân (tổng hợp)
.
.