Libya hỗn loạn trong “canh bạc” từ bên ngoài

Thứ Tư, 17/04/2019, 09:11
Libya trước nguy cơ chìm sâu vào nội chiến khi xung đột vũ trang đang gây ra thương vong lớn cho các phe phái, đặc biệt là dân thường. Giao tranh tại Tripoli ngày một khốc liệt bất chấp kêu gọi ngừng bắn của Liên Hiệp Quốc và các tổ chức quốc tế.

Sự can dự của các thế lực nước ngoài đằng sau trận chiến ở Libya hay các cuộc biểu tình ở Algeria khiến nhiều người lo ngại về một sự hỗn loạn mới ở Trung Đông và Bắc Phi đang dần trở nên mất kiểm soát.

Chia rẽ chính trị và bạo lực

Kể từ sau cuộc chính biến năm 2011 lật đổ chính quyền của nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi, Libya vẫn đang trong tình trạng chia rẽ chính trị và bạo lực leo thang. Ở quốc gia Bắc Phi này hiện tồn tại hai chính quyền, với các lực lượng vũ trang riêng. LNA trung thành với tướng Haftar ủng hộ chính quyền ở miền Đông, trong khi Chính phủ Đoàn kết dân tộc Libya (GNA) được quốc tế công nhận hoạt động ở thủ đô Tripoli.

Xung đột giữa hai bên đã bùng phát và đẩy lên một nấc thang mới sau khi Tướng Haftar ngày 4-4 ra lệnh cho các lực lượng ở miền Đông tiến về miền Tây, tấn công Tripoli với tuyên bố “giải phóng Tripoli, tiêu diệt khủng bố, xóa sổ các băng nhóm tội phạm”.

Trong bối cảnh giao tranh tại thủ đô Tripoli của Libya giữa lực lượng quân đội trung thành với chính phủ với lực lượng kiểm soát miền Đông Libya vẫn đang diễn ra ác liệt, ngày 14-4, tại Phủ Tổng thống ở Cairo, Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi đã có cuộc gặp với tướng Khalifa Haftar, người chỉ huy lực lượng tự xưng Quân đội Quốc gia Libya (LNA) ủng hộ chính quyền ở miền Đông. Về những nội dung hai bên bàn thảo, tờ báo nhà nước Al Ahram của Ai Cập đưa tin hai bên “đang thảo luận về những diễn biến mới nhất tại Libya”.

Liên Hiệp Quốc cảnh báo các cuộc giao tranh có thể làm bùng phát thảm họa nhân đạo. Ảnh: Sputnik International.

Người phát ngôn của Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc, ông Stephane Dujarric nhấn mạnh diễn biến mới nhất tại Tripoli khiến Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc lo ngại sẽ xảy ra thảm họa nhân đạo, đồng thời kêu gọi một lệnh ngừng bắn nhân đạo để tạo điều kiện viện trợ khẩn cấp cho dân thường, đặc biệt là những người bị thương. Về phần mình, Liên minh châu Âu (EU) hối thúc lực lượng của tướng Khalifa Haftar ngừng chiến dịch tấn công thủ đô Tripoli.

Nhiều nước trên thế giới trong đó có Mỹ, Pháp, Đức, Italy, Anh, Nga và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) cũng đã ra tuyên bố chung kêu gọi các bên kiềm chế và chấm dứt các hành động quân sự, nhấn mạnh sự cần thiết phải theo đuổi giải pháp chính trị ở Libya, đồng thời cảnh báo các nguy cơ quân sự sẽ đẩy Libya trở lại cảnh hỗn loạn như trước đây.

Về giải pháp tại Libya, người đứng đầu Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định: “Không có giải pháp quân sự cho xung đột tại Libya”. Ông cũng hối thúc tất cả các bên liên quan “ngừng khẩn cấp leo thang những căng thẳng”.

Ngoại trưởng Mỹ cũng khẳng định Washington sẽ tiếp tục hối thúc giới lãnh đạo Libya cùng với các đối tác quốc tế trở lại tiến trình đàm phán chính trị do đặc phái viên Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc về Libya Ghassan Salame làm trung gian.

Nói thì dễ nhưng thực hiện thì không dễ. Trên thực tế, tướng Haftar là nhân vật đầy quyền lực song cũng gây nhiều tranh cãi, vừa được xem là “người hùng” trong cuộc chiến chống lại các nhóm Hồi giáo cực đoan, trong đó có tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Libya, song ông cũng bị coi là “mối hiểm họa tiềm tàng” đối với nền hòa bình của quốc gia nhiều bất ổn này.

Ông vốn chủ trương hậu thuẫn cho chính quyền đối lập ở Libya đóng ở miền Đông nước này và đã từng nhiều lần từ chối hợp tác với GNA. Về phần GNA, mặc dù nhận được sự ủng hộ của Liên Hiệp Quốc và được quốc tế công nhận, song hiện tại, GNA vẫn chưa thể thành lập lực lượng quân đội mà vẫn phải dựa vào sự hỗ trợ của các nhóm vũ trang để bảo vệ thủ đô.

Chính vì GNA không đủ khả năng kiểm soát tình hình đất nước, một số ý kiến cho rằng tướng Haftar mới là người duy nhất có thể ngăn chặn tình trạng hỗn loạn ở Libya và những việc làm của ông Haftar được không ít người ủng hộ.

Người dân Libya đang sống trong cảnh chia rẽ và bạo lực. Ảnh: Public Radio International.

Nguy cơ nội chiến từ “lực đẩy” bên ngoài

Các cuộc giao tranh ác liệt đang diễn ra tại Libya cho thấy Libya đang bị phân chia và cạnh tranh quyền lực khiến nguy cơ nước này chìm sâu vào vòng xoáy nội chiến mới, thậm chí có thể là kịch bản tồi tệ nhất kể từ cuộc nội chiến năm 2011 lật đổ chế độ của Tổng thống Moamer Gadhafi.

Chiến sự ác liệt tại Libya đã làm lung lay hy vọng về khả năng những nỗ lực ngoại giao con thoi của Liên Hiệp Quốc trong một năm qua nhằm tháo gỡ các “nút thắt” trong cuộc khủng hoảng ở Libya có thể dẫn tới cuộc bầu cử theo đúng lộ trình tại quốc gia Bắc Phi này.

Tình hình trên cũng cho thấy dù Hội nghị Dân tộc Libya do Liên Hiệp Quốc đề xuất nhằm tìm kiếm một lối thoát cho cuộc xung đột kéo dài 8 năm tại Libya dự kiến có sự tham gia của tất cả các phe phái chính trị, quân sự, có diễn ra theo đúng kế hoạch thì cũng khó thu được thành công khi các lực lượng của tướng Haftar đã giành quyền kiểm soát nhiều khu vực ở trong và xung quanh thủ đô Tripoli.

Cán cân quyền lực giữa phe miền Đông và miền Tây đã thay đổi theo hướng có lợi cho tướng Haftar. Điều này khiến con đường hòa giải và đối thoại chính trị ở Libya đang trở nên mù mịt. Giới phân tích nhận định cuộc khủng hoảng tại Libya chỉ có thể đạt hiệu quả nếu các bên đối địch ở quốc gia Bắc Phi này gạt bỏ toan tính riêng và cùng đưa ra những thỏa hiệp cần thiết.

Những diễn biến xung quanh căng thẳng gần đây ở Bắc Phi và Trung Đông cho thấy khu vực này có thể trở thành ngòi nổ cho những hỗn loạn mới. Câu hỏi nhiều người đặt ra là cuộc chiến này sẽ đi đến đâu? Để trả lời câu hỏi này cần hiểu rõ các thế lực nước ngoài nào đằng sau trận chiến Tripoli. Cùng nhìn lại lực lượng của hai phe sẽ thấy tại sao lại có sự hỗn loạn như vậy.

Kể từ năm 2014, đất nước Libya thời kỳ hậu Gaddafi chia thành 2 khu vực chính. Miền Tây nằm dưới sự kiểm soát của Chính phủ Đoàn kết dân tộc (GNA) đứng đầu là Thủ tướng Fayez al-Sarraj, có trụ sở tại thủ đô Tripoli. Miền Đông nằm dưới sự kiểm soát của Thống chế Khalifa Haftar, lãnh đạo lực lượng bán vũ trang mang tên Quân đội Quốc gia Libya (LNA). Liên minh với Chính phủ Đoàn kết dân tộc gồm nhiều lực lượng vũ trang khác nhau, trong đó có các đơn vị dân quân địa phương Hồi giáo Salafiste, một số nhóm vũ trang ở Misrata, thành phố lớn thứ ba của Libya...

Lực lượng của tướng Haftar kiểm soát phần lớn miền Đông nhưng cũng hiện diện ở miền Trung và miền Nam, được sự hậu thuẫn của nhiều bộ tộc. Cũng giống như các lực lượng vũ trang miền Tây, “quân đội” miền Đông cũng bao gồm nhiều cựu sĩ quan chế độ cũ và kể cả các tín đồ Hồi giáo Salafiste.

Canh bạc của Tướng Haftar

Kể từ đầu tháng 2-2019, tướng Haftar khởi sự chiến dịch chiếm lĩnh vùng Tây Nam, khu vực giáp giới với Cộng hòa Tchad và Algeria, một vùng dầu mỏ quan trọng của Libya, nhưng cũng là nơi tình hình được coi là bất ổn định. Lý do chính thức mà Tướng Haftar đưa ra là nhằm loại trừ “các nhóm khủng bố và tội phạm”. Vùng Tây Nam Libya là địa bàn cư trú của nhiều bộ tộc không trung thành với chính quyền Tripoli.

Sau khi kiểm soát được một phần khu vực Tây Nam, quân đội của tướng Haftar chuyển qua phía Bắc, nhắm vào thủ đô Tripoli. Chiến dịch này đã gặp phải sự kháng cự mạnh của nhiều lực lượng trung thành với GNA. Ngày 7-4, GNA tuyên bố khởi sự chiến dịch “Núi lửa nổi giận”, với mục tiêu giải phóng toàn bộ các thành phố Libya khỏi các lực lượng “bất hợp pháp” của tướng Haftar.

Các cuộc giao tranh gần Tripoli làm hàng trăm người chết và bị thương. Ảnh: Al Jazeera.

Câu hỏi nữa là tại sao chỉ trong một thời gian ngắn, lực lượng của các bên lại có nhiều vũ khí và tiềm lực như vậy để có thể đủ sức tham chiến? Có những thế lực nước ngoài nào đằng sau các lực lượng tham chiến? Trước hết, rất khó đưa ra một tổng hợp đầy đủ về các thế lực nước ngoài đứng sau các lực lượng tham chiến, bởi có nhiều nhóm tham chiến và nhiều thế lực bên ngoài, với sự ủng hộ khi công khai, khi ngấm ngầm.

Thứ hai, đây không phải là một cuộc chiến phân rõ thành hai phe, một số thế lực hoàn toàn ủng hộ bên này để chống lại bên kia, được một số thế lực khác hậu thuẫn. Pháp và Nga dành sự ủng hộ cho cả hai bên, với các mức độ khác nhau, trong khi một số quốc gia Trung Đông như Qatar hay Saudi Arabia đứng về một trong hai phe.

Cụ thể là chiến dịch đánh xuống miền Tây Nam của tướng Haftar - bàn đạp cho cuộc tấn công vào Tripoli sau đó - đã nhận được sự ủng hộ, hoặc công khai, hoặc ngấm ngầm, của Saudi Arabia, Ai Cập, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Pháp. Nga và Italy cũng ủng hộ chiến dịch này. Mục tiêu của nhiều quốc gia là không để cho miền Tây Nam Libya trở thành thánh địa của các lực lượng khủng bố.

Pháp ủng hộ chiến dịch này với một trong các lý do chính là nó cho phép đẩy lùi các nhóm đối lập vũ trang với Tchad. Cộng hòa Tchad là quốc gia đồng minh số một của Paris trong các hoạt động đảm bảo an ninh tại vùng Sahel, phía Nam sa mạc Sahara, chống lại các lực lượng thánh chiến Hồi giáo, trong đó có nhiều nhóm Salafiste.

Trận chiến Tripoli cho thấy sự phân hóa rõ nét giữa các thế lực ủng hộ và chống lại tướng Haftar? Về trận chiến Tripoli, sự phân hóa giữa các thế lực nước ngoài dường như đang trở nên rõ nét hơn. Italy, Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar ủng hộ chính quyền Tripoli. Italy vốn từng quản lý vùng Tripolitania (tức miền Tây Libya) thời thuộc địa và hiện có nhiều quan hệ làm ăn với Tripoli trong lĩnh vực dầu khí, hay trong việc khống chế dòng người tị nạn châu Phi vượt biển sang Italy qua ngả Libya.

Động lực chính của Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar khi đứng về phía Tripoli là để chống lại các ảnh hưởng của Saudi Arabia và Ai Cập tại miền Đông Libya. Bộ ba Saudi Arabia, Ai Cập và UAE hậu thuẫn tướng Haftar, nhân danh cuộc chiến chống tổ chức Anh em Hồi giáo (một phong trào Hồi giáo chính trị hệ phái Sunni có ảnh hưởng rộng lớn được Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar ủng hộ) và các phong trào Hồi giáo bị coi là cực đoan nói chung.

Theo nhiều nhà quan sát, rất có thể tại Libya sẽ tái diễn dưới một hình thức khác cuộc chiến tàn khốc tại Yemen giữa Saudi Arabia và các đồng minh với phe Iran, trong đó các lực lượng tại chỗ chỉ là những con tốt trên bàn cờ.

Nhà báo Frédéric Bobin, trong một bài nhận định trên Le Monde cho biết, nếu không có sự bảo đảm của Riyad, tướng Haftar sẽ không bao giờ dám mạo hiểm mở một chiến dịch như vậy. Trận chiến Tripoli là thời điểm quyết định buộc các thế lực quốc tế phải chọn bên. Hiện còn sớm để khẳng định điều này.

Tại Liên Hiệp Quốc, bầu không khí căng thẳng bao trùm giữa 5 thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an, khi những tranh cãi nổ ra về cáo buộc liên quan đến sự hỗ trợ cho các phe phái trong cuộc khủng hoảng tại Libya. Quan điểm khác biệt nằm trong một dự thảo nghị quyết lên án tình trạng lún sâu vào bạo lực ở Libya và buộc tướng Haftar phải chịu trách nhiệm.

Tuy nhiên, Nga, Trung Quốc và Pháp đã phản đối nghị quyết này. Về phần mình, Bộ Ngoại giao Mỹ đã phát một thông điệp cứng rắn tới Haftar, kêu gọi ông này rút các lực lượng của mình về vị trí trước khi chiến dịch quân sự bắt đầu vào ngày 5-4.

Ở góc nhìn khác, tướng Haftar dường như đang đặt cược vào khả năng chiến dịch quân sự của phe miền Đông tại thủ đô Tripoli sẽ tiếp tục thu hút được một số “thế lực” trong khu vực và quốc tế hậu thuẫn. Hoặc ít nhất, trong trường hợp lực lượng miền Đông phải rút lui trước áp lực quốc tế, sự hậu thuẫn này có thể giúp Haftar bảo đảm việc rút quân diễn ra an toàn và giữ vững các vị trí tiến công để có thể làm bàn đạp thực hiện một chiến dịch khác ở giai đoạn tiếp theo.

Tuy nhiên, chiến dịch quân sự tốn kém của LNA có thể nhanh chóng làm cạn kiệt các nguồn lực tài chính của bộ chỉ huy quân sự ở miền Đông. Do đó, hoạt động càng kéo dài, nguy cơ tiêu hao đối với lực lượng LNA ở phía Tây càng lớn. Giới phân tích cho rằng những gì tướng Haftar “đặt cược” vào chiến dịch quân sự này là rất lớn. Tướng Haftar sẽ không bao giờ dám mạo hiểm mở một chiến dịch như vậy nếu không có sự hậu thuẫn từ bên ngoài.

Hoa Huyền
.
.