Libya và tham vọng cường quốc của Thổ Nhĩ Kỳ

Thứ Ba, 02/06/2020, 15:27
Cục diện chiến trường Libya bỗng có chuyển biến bất ngờ theo hướng quân đội chính phủ liên hiệp quốc gia do Liên hợp quốc bảo trợ (GNA) giành ưu thế về mặt quân sự, đẩy quân đội quốc gia Libya (LNA) của tướng Khalifa Haftar vào thế chống đỡ.

Trong vài tuần gần đây, các máy bay không người lái và các hệ thống phòng không của Thổ Nhĩ Kỳ đã giúp quân đội GNA chiếm lại hầu hết khu vực phía Tây Libya từ tay quân đội LNA của tướng Haftar. Tuần trước, tướng Haftar đã thông báo rút quân khỏi một số chiến tuyến ở thủ đô Tripoli, trong khi quân đội GNA và các lực lượng hỗ trợ tiếp tục tiến công, truy đuổi ráo riết. Hiện nay, tuy vẫn nắm quyền kiểm soát phần lớn lãnh thổ Libya nhưng quân đội LNA chỉ còn lại duy nhất một cứ địa ở miền Tây.

Cuộc chiến tại Libya giai đoạn hiện nay được giới chuyên gia quân sự mô tả là khốc liệt nhất kể từ sau Mùa xuân Arab và cuộc can thiệp bằng không quân của NATO, lật đổ dẫn đến cái chết của nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi cách đây 9 năm. Từ vài năm gần đây, Libya đã trở thành một trong những cuộc xung đột quốc tế hóa cao nhất thế giới.

Trong đó, tướng Haftar nhận được sự hậu thuẫn quan trọng nhất của Nga, theo sau là loạt quốc gia đồng minh như UAE, Ai Cập, Saudi Arabia và Jordan. ở châu Âu, Pháp và Hy Lạp ủng hộ tướng Haftar trong khi một số nước khác thì theo phe GNA. Mỹ công khai hậu thuẫn GNA nhưng đồng thời để ngỏ các kênh liên lạc riêng với tướng Haftar, bởi vị tướng này hiện vẫn mang quốc tịch Mỹ và từng làm việc cho CIA, từng có thời gian cư trú tại Bắc Virginia.

Không nhiều nhà quan sát dám tin Thổ Nhĩ Kỳ có thể làm xoay chuyển tình thế nhanh như thế. Mới cách đây chưa tới 5 tháng, tướng Haftar còn nắm thế thượng phong, trong tay nắm một lực lượng lính đánh thuê hùng hậu, được hỗ trợ bởi các hệ thống phòng thủ từ Nga và máy bay không người lái từ UAE. Ông ta kiểm soát miền Đông và Nam Libya, cùng với hầu hết các cơ sở khai thác dầu mỏ của đất nước. Lực lượng của ông ta đã tiến công đánh chiếm một số chiến tuyến quan trọng và đã chiếm được thành phố chiến lược Sirte bên bờ Địa Trung Hải vào tháng 1-2020.

Từ cuối năm 2019, nhận thấy chính phủ GNA bên bờ vực sụp đổ, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã thực hiện bước đi táo bạo là công khai tuyên bố ủng hộ GNA, ký kết thỏa thuận mới về biên giới lãnh hải và hợp tác quân sự với chính các “kẻ thù” từng chống Thổ Nhĩ Kỳ trong Địa Trung Hải, bao gồm Libya. Theo đó, chính quyền GNA cho phép Ankara tiếp cận, khai thác các khu mỏ khí đốt dưới biển Địa Trung Hải. Đổi lại, Ankara gia tăng hỗ trợ quân sự, đưa máy bay không người lái, xe bọc thép, khí tài và lính đánh thuê, các chuyên gia quân sự đến Libya.

Tháng 4-2020, Haftar tự tin tuyên bố mình “mang sứ mệnh do người dân Libya giao phó” và muốn thâu tóm Tripoli sớm nhất có thể để lên nắm quyền lãnh đạo đất nước. Tuy nhiên, ngay sau đó cục diện chuyển biến trái ngược hẳn. Quân đội của GNA với sự hỗ trợ của các chuyên gia và khí tài Thổ Nhĩ Kỳ đã chiếm lại sân bay trọng yếu Al-Watiya ở phía Nam Tripoli từ tay quân LNA, đồng thời tiến chiếm một loạt thị trấn nằm dọc bờ biển.

Tướng Khalifa Haftar đang thất thế.

Những chiến thắng bất ngờ này đã khiến quân GNA lên tinh thần và ồ ạt xông lên đánh chiếm một số hệ thống phòng không Pantsir do Nga trang bị cho tướng Haftar, gây bất ngờ và bối rối cho tướng Haftar và những đồng minh ủng hộ ông ta. Ngày 24-5, giới quan sát nhìn thấy khoảng chục chiếc máy bay chiến đấu MiG-29 và Su-24 của Nga được đưa đến Tripoli trong chiến dịch trước đó đã được rút đi, đưa về đồn trú tại thị trấn Bani Walid, cách Tripoli khoảng 150km ở vùng Đông Nam Libya.

Như vậy, chỉ trong khoảng thời gian 1 tháng, cục diện chiến trường ở Libya đã xoay chuyển nhanh chóng, với ưu thế dần nghiêng về phía quân đội GNA với sự hậu thuẫn mạnh mẽ của Thổ Nhĩ Kỳ. Đây được xem là những thành công bước đầu của Tổng thống Erdogan trong tham vọng cường quốc, khi vươn cánh tay can thiệp quân sự từ Syria đến Libya, trong đó có vùng biển giàu dầu mỏ, khí đốt trong Địa Trung Hải.

Tuy nhiên, việc Ankara đưa lính đánh thuê và khí tài quân sự từ Syria đến Libya để hỗ trợ GNA đang đặt ra một nguy cơ khác lớn hơn. Nó có thể biến Libya thành mặt trận mới trong cuộc đối đầu chiến lược giữa Ankara với Moscow trên một số mặt trận ở khu vực Trung Đông. Tại Syria, Moscow đã khuất phục được Ankara để tránh xảy ra đối đầu trực tiếp bằng hỏa lực quân sự. Còn tại Libya, việc các máy bay Nga được điều ra khỏi Tripoli bay về miền Đông là một dấu hiệu tránh đối đầu mới từ phía Nga. Ngoài ra, Moscow cũng đã lên tiếng cùng với Ankara kêu gọi ngừng bắn và tiến hành tiến trình đàm phán hòa bình do Liên Hợp quốc chủ trì.

Trong khi đó, việc để mất sân bay al-Watiya và một số thị trấn chiến lược ven biển miền Tây càng làm cho mâu thuẫn nội bộ chính quyền của tướng Haftar ở miền Đông càng thêm rạn nứt. Nhiều đồng minh chính trị, các bộ lạc không đồng tình với chính sách cai trị bằng quân đội của ông, thậm chí không còn tin tưởng vào ông kể từ sau khi Haftar tuyên bố nắm quyền kiểm soát toàn bộ miền Đông. Một số đồng minh của tướng Haftar đã bắt đầu tìm kiếm kênh đàm phán với GNA.

Trong khi đó, uy tín của tướng Haftar cũng bắt đầu suy giảm sau hàng loạt thất bại trong chiến dịch tiến chiếm thủ đô Tripoli kéo dài hơn 1 năm qua. Trong đó, giới quan sát cho rằng Nga có vẻ đang âm thầm tìm kiếm một nhân vật mới thay thế tướng Haftar. Tướng Haftar từng khiến Moscow bực mình khi phá hỏng đàm phán thỏa thuận ngừng bắn hồi tháng 1-2020. Giờ đây, Moscow đã ủng hộ sáng kiến mới của Chủ tịch Quốc hội miền Đông Aguila Saleh nhằm cải cách chính phủ miền Đông.

Cuộc chiến tại Libya trong thời gian tới sẽ diễn biến như thế nào tùy thuộc nhiều vào những bước đi tiếp theo của tướng Haftar. Nếu Haftar không thể xoay chuyển tình thế hiện nay, rất có thể Libya sẽ tiến hành một tiến trình đàm phán hòa bình toàn diện, với sự chủ trì của Liên Hợp quốc và sự tham gia chính thức của Nga, Thổ Nhĩ Kỳ.

Trương Hùng (Tổng hợp)
.
.