Liên Hiệp Quốc lại thất bại trong cuộc chiến kiểm soát vũ khí
Nỗ lực kiểm soát việc mua bán vũ khí tràn lan trên phạm vi toàn cầu của LHQ lại bị dội thêm gáo nước lạnh sau khi các quốc gia tham dự hội nghị đàm phán về Hiệp ước Kiểm soát buôn bán vũ khí (ATT) đã không thể đi đến thống nhất ý kiến, khiến cho hiệp ước không thể được thông qua. Tất cả chỉ là lời hứa "sẽ tiếp tục đàm phán" trước khi đưa ra biểu quyết tại Đại hội đồng LHQ vào cuối năm nay.
Hội nghị đàm phán ATT đã diễn ra tại thành phố New York, Mỹ, suốt một tháng qua và vừa kết thúc hôm 27/7. Hội nghị quy tụ các phái đoàn đại biểu của hơn 170 quốc gia thành viên LHQ tham dự để thảo luận các điều khoản trong bản Dự thảo hiệp ước. Việc thông qua dự thảo hiệp ước này được tiến hành theo nguyên tắc đồng thuận, vì thế mà chỉ cần một quốc gia nào đó không tán thành và sử dụng quyền phủ quyết của mình thì việc thông qua hiệp ước bị thất bại. Và điều đó vừa xảy ra tại New York.
Nhưng khả năng tiếp tục đàm phán vẫn còn để ngỏ và bản dự thảo hiệp ước đó có thể được mang ra bàn nghị sự Đại hội đồng LHQ gồm tất cả 193 nước thành viên. Khi đó, việc biểu quyết thông qua hiệp ước sẽ theo nguyên tắc đa số 2/3 phiếu thuận. Theo các nhà ngoại giao, nhiều khả năng sẽ có cuộc bỏ phiếu thông qua tại Đại hội đồng LHQ vào cuối năm nay.
Việc kiểm soát thị trường mua bán vũ khí luôn là một vấn đề cấp bách trong thế giới đầy biến động và có nhiều xung đột vũ trang như hiện nay. Thị trường này hiện nay có giá trị giao dịch lên đến 60 tỉ USD mỗi năm. Dù muốn hay không, các loại vũ khí mua bán trên thế giới hiện nay đều có tham gia vào các cuộc xung đột vũ trang, nhất là trong làn sóng nổi dậy chống chính phủ các nước Trung Đông và Bắc Phi mang tên "Mùa xuân Arập".
Theo thống kê, cứ mỗi phút trôi qua, thế giới có một người chết vì các loại vũ khí mua bán toàn cầu. Ngay trong thời gian diễn ra các cuộc đàm phán ở New York, trên thế giới đã có thêm 50.000 người chết vì các loại vũ khí, súng đạn. Các cuộc xung đột như tại Syria, Yemen,… đang được "tiếp lửa" bởi các loại vũ khí từ nhẹ tới nặng, từ súng trường, lựu đạn cho đến súng phóng lựu, tên lửa vác vai,… được tuồn từ bên ngoài vào một cách không kiểm soát, thậm chí còn được các thế lực hiếu chiến bên ngoài "tích cực" tiếp tay. Từ đó, các nhà vận động kiểm soát vũ khí cho rằng thế giới cần có một công ước chung để kiểm soát chặt chẽ thị trường vũ khí chợ đen nhằm ngăn chặn các thứ vũ khí đó rơi vào tay các phe phái chiến tranh, các cuộc xung đột có vũ trang, ngăn chặn "ngòi nổ" chiến tranh.
Vì thế, một trong những điều khoản trong bản Dự thảo hiệp ước ATT yêu cầu các quốc gia xuất khẩu vũ khí tiến hành bước thẩm tra sơ bộ một đơn hàng vũ khí có khả năng được sử dụng để trực tiếp hoặc gián tiếp vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế về nhân quyền và nhân đạo hay không. Việc mua bán sẽ phải dừng lại ngay nếu xét thấy các loại vũ khí có nguy cơ rơi vào tay khủng bố, hay một hình thức bạo lực nào khác.
Súng lậu mỗi phút giết chết một mạng người trên thế giới. |
Hiệp ước ATT được một nhóm người đoạt giải Nobel Hòa bình do ông Oscar Arias (Tổng thống Costa Rica 2006-2010) dẫn đầu đề xuất vào năm 2003. Đến tháng 12/2006, Hiệp ước lần đầu tiên được giới thiệu trước Đại hội đồng LHQ và Đại hội đồng đã thông qua Nghị quyết 61/89 yêu cầu các quốc gia thành viên nghiên cứu, đề xuất các điều khoản để đưa vào dự thảo hiệp ước.
Tuy nhiên, việc đàm phán chính thức Hiệp ước ATT đã bị trì hoãn kéo dài nhiều năm, chủ yếu do các quốc gia xuất khẩu vũ khí lớn nhất thế giới, chủ yếu là Mỹ và một số đồng minh, quyết liệt bảo thủ lập trường không tham gia hiệp ước này vì nó đụng chạm đến quyền lợi của các nhà sản xuất vũ khí… của Mỹ và cả việc lưu hành súng đạn tại Mỹ.
Sau khi Tổng thống George W. Bush mãn nhiệm, chính quyền mới của Tổng thống Barack Obama lên thay đã thay đổi quan điểm, ủng hộ việc thông qua một hiệp ước kiểm soát việc mua bán vũ khí. Năm 2009, một nhóm công tác mở rộng thuộc LHQ đã được thành lập để chuẩn bị dự thảo và việc đàm phán thông qua dự thảo. Nhóm này đã tiến hành nhiều cuộc họp làm việc chung, trong đó có 4 cuộc họp Ủy ban trù bị (PrepCom) vào tháng 7/2010, tháng 2 và 3/2011, tháng 7/2011 và tháng 2/2012 để chuẩn bị mọi mặt cho hội nghị đàm phán tại New York tháng 7/2012. Việc hiệp ước không được các nước đồng thuận thông qua sau gần một tháng thương lượng, đàm phán là một điều đáng tiếc, vì càng kéo dài thời gian thì những tai họa do vũ khí gây ra càng nhiều thêm.
"Tổng thống Obama phải thể hiện cho được sự can đảm chính trị cần thiết để đạt cho được một hiệp ước mạnh với những điều quy định mạnh mẽ" về kiểm soát vũ khí - phát biểu của Scott Stedjan, chuyên gia cao cấp của tổ chức Oxfarm America.
Tuy nhiên, để đạt được "sự can đảm chính trị" đó quả thật không dễ đối với Tổng thống Mỹ. Ở nước Mỹ, vấn đề kiểm soát vũ khí là một vấn đề rất nhạy cảm, vì trong bản Hiến pháp Hoa Kỳ đã xác nhận quyền mang vũ khí của công dân Mỹ. Khoảng trên 50 thượng nghị sĩ Mỹ hiện đang chống lại Hiệp ước ATT vì họ sợ rằng nếu ATT chứa các điều khoản lỏng lẻo, thiếu chặt chẽ sẽ ảnh hưởng đến quyền mang vũ khí của dân Mỹ, nhưng hơn hết, quyền lợi kinh tế của ngành công nghiệp súng đạn Mỹ chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng nếu ATT được thông qua.
Chính vì vậy, một số nhà phân tích còn đang lo ngại chưa chắc Mỹ sẽ ủng hộ ATT vào cuối năm nay, dù cho Đại hội đồng LHQ có biểu quyết thông qua, vì nếu thiếu vắng Mỹ, việc thực thi hiệp ước sẽ chẳng còn mấy ý nghĩa