Liên Hiệp Quốc lại thất bại trong việc kiểm soát mua bán vũ khí

Thứ Tư, 03/04/2013, 09:35

Trong lúc dư luận tại Hội nghị Liên Hiệp Quốc (LHQ) đàm phán về việc ký kết Hiệp định kiểm soát mua bán vũ khí toàn cầu đang có tín hiệu lạc quan là sắp ký được hiệp định thì một diễn biến bất ngờ xảy ra: Trong phiên họp chiều ngày 28/3 do Đại sứ Australia tại LHQ Peter Woolcott chủ trì, 3 nước Iran, Syria và CHDCND Triều Tiên nhất quyết không tham gia ký kết hiệp định. Động thái này đã khiến cho những nỗ lực của cộng đồng thế giới nhằm kiểm soát phần nào tình trạng mua bán vũ khí tràn lan một lần nữa trở nên công cốc.

Vấn đề kiểm soát việc mua bán vũ khí toàn cầu là một nhu cầu cấp thiết của thế giới nhằm đưa thị trường vũ khí quy ước trị giá đến 60-70 tỉ USD mỗi năm vào trật tự, bảo đảm sự kiểm soát chặt chẽ của cộng đồng quốc tế, của cơ quan LHQ, tránh để vũ khí rơi vào các điểm nóng xung đột vũ trang hoặc rơi vào tay bọn khủng bố, thành phần tội phạm…

Vấn đề này đã được cộng đồng thế giới đưa ra bàn bạc từ rất lâu, nhưng phải đến đầu thế kỷ XXI, những nỗ lực cụ thể mới được triển khai, trong đó có việc tìm kiếm một Hiệp định kiểm soát mua bán vũ khí toàn cầu (ATT). Thế là, Dự thảo ATT do một nhóm những người đoạt Giải Nobel Hòa bình dẫn đầu là ông Oscar Arias, khi ấy là Tổng thống Costa Rica (2006-2010), soạn thảo từ năm 2003, đến tháng 12/2006 lần đầu được trình ra trước Đại hội đồng LHQ. Ngay trong lần ra mắt đầu tiên đó, đã có đến 153 nước bỏ phiếu ủng hộ hiệp định, 24 quốc gia bỏ phiếu trắng, trong đó có những quốc gia quan trọng như Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Ai Cập, Iran, Syria,… Mỹ chống lại hiệp định.

Sau nhiều nỗ lực vận động và hoàn chỉnh dự thảo, tháng 7/2012, LHQ tổ chức cuộc họp để ký kết thông qua dự thảo. Tuy nhiên, vào giờ chót, Mỹ đã rút lại và hoãn ký tên vào Hiệp định, với lý do "cần thêm thời gian để "nghiên cứu" các điều khoản trong dự thảo. Tháng 12/2012, Đại hội đồng LHQ đã nhất trí sẽ tổ chức cuộc họp lần cuối vào ngày 28/3/2013.

Tuy nhiên, một lần nữa, Dự thảo ATT lại bị "treo" vì sự không đồng thuận của Iran, Syria và CHDCND Triều Tiên. Người ta cho rằng, 3 nước này không đồng tình vì các điều khoản dự thảo còn chừa lỗ hổng để các nước xuất khẩu vũ khí lớn chui lọt, trong khi gây bất lợi cho những nước như họ.

Nguyên tắc của việc thông qua Dự thảo ATT là trên cơ sở đồng thuận của tất cả 193 thành viên LHQ thì hiệp định mới có hiệu lực thi hành. Trong trường hợp hiệp định đang bị "treo" hiện nay, nhiều nước vì nôn nóng đã có ý kiến nên linh hoạt khái niệm "đồng thuận".

Một số nước thậm chí còn đề xuất lấy theo đa số và gửi bản Dự thảo ATT kèm một lá thư cho Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon để ông trình ra trước Đại hội đồng LHQ nhằm bỏ phiếu thông qua. Tuy nhiên, ý kiến này không nhận được sự đồng tình cao, vì nguyên tắc đồng thuận là vô cùng quan trọng, không thể thay đổi được

A.C. (tổng hợp)
.
.