Liên minh NATO - Arab: Liệu có là tham vọng viển vông?

Thứ Ba, 07/08/2018, 15:44
Ý tưởng đầy tham vọng của Mỹ trong việc ấp ủ thành lập một liên minh “NATO - Arab” với các đối tác ở khu vực Trung Đông và Vùng Vịnh được xem là bước đi táo bạo, song việc hiện thực hóa ý tưởng này của Mỹ xem ra vẫn là một chặng đường gian nan với rất nhiều chông gai phía trước.

Một mũi tên trúng nhiều đích của Mỹ

Trong bối cảnh căng thẳng giữa Mỹ và Iran chưa có dấu hiệu dừng lại, truyền thông Mỹ đang rộ lên thông tin rò rỉ từ Nhà Trắng về việc Mỹ đang lặng lẽ thúc đẩy việc thành lập một liên minh chính trị - an ninh - quốc phòng với các quốc gia Arab như Bahrain, Kuwait, Oman, Qatar, Saudi Arabia, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất cùng với Ai Cập, Jordan.

Mỹ hy vọng rằng, những nỗ lực thành lập Liên minh Chiến lược Trung Đông (MESA) hay còn gọi là “NATO - Arab” sẽ giúp hợp tác sâu rộng hơn trong vấn đề phòng thủ tên lửa, huấn luyện quân sự, chống khủng bố và các vấn đề khác như tăng cường kinh tế, quan hệ ngoại giao trong khu vực.

Ý tưởng về việc thành lập một liên minh chính trị - an ninh - quân sự giữa Mỹ và các đồng minh Arab ở khu vực Trung Đông không phải bây giờ mới xuất hiện. Trong quá khứ, đã có không ít lần dư luận xôn xao về việc chính quyền Mỹ muốn thúc đẩy một liên minh chính thức, chặt chẽ hơn với các đồng minh Arab. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau mà ý tưởng tương tự chưa được hiện thực hóa.

Tuy nhiên, hiện giờ ý tưởng về việc thành lập “NATO - Arab” dường như đang có nhiều cơ hội hơn bao giờ hết khi mà quan hệ Mỹ - Iran đã trở nên rất căng thẳng kể từ khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran hồi tháng 5 vừa qua. Đồng thời, Mỹ, Saudi Arabia và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất đều cáo buộc Iran ngày càng gây mất ổn định khu vực, gây bất ổn ở một số quốc gia Arab thông qua các lực lượng ủy nhiệm và ngày càng đe dọa tới Israel.

Chính quyền Mỹ hy vọng rằng, những nỗ lực xây dựng mô hình liên minh với các đối tác ở khu vực Trung Đông có tên gọi Liên minh chiến lược Trung Đông (MESA) có thể sẽ được đưa ra thảo luận tại một hội nghị dự kiến diễn ra vào ngày 12 – 13-10 tới đây.

Phát ngôn viên của Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng cho biết, MESA sẽ là một bức tường chống lại sự xâm lược của Iran, khủng bố, cực đoan và sẽ mang lại sự ổn định cho Trung Đông.

Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman và Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Mặc dù phía Mỹ vẫn một mực khẳng định, nước Mỹ không có chính sách thay đổi chế độ hay khiến Iran sụp đổ như trong một tuyên bố mới đây của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis, song ý tưởng “NATO - Arab” được xem là một mũi tên trúng nhiều đích của Mỹ. Một liên minh giữa Mỹ với các nước Arab tại Trung Đông rất có thể chỉ là động thái “rung cây dọa khỉ” nhằm vào các đồng minh của Iran như Nga hay Syria vốn đang chiếm ưu thế trên thực địa tại chiến trường Trung Đông.

Đồng thời, liên minh MESA có thể được xem là thông điệp mà Tổng thống Donald Trump gửi đến NATO - liên minh mà ông luôn chỉ trích là thiếu hiệu quả và thiếu công bằng. Sức ép đóng góp tài chính cho ngân sách quốc phòng của NATO mà Mỹ gửi tới các quốc gia thành viên vì thế cũng sẽ có sức nặng hơn.

Theo các phân tích, chủ trương “nước Mỹ trên hết” cũng được Tổng thống Mỹ Donald Trump gửi gắm trong ý tưởng “NATO - Arab”. Cho dù ý tưởng này có thành sự thật hay không cũng sẽ một lần nữa “khuấy động” khu vực Trung Đông vốn đã không êm ả. Các cuộc chạy đua vũ trang không chỉ giữa các đối thủ mà cả giữa các đồng minh chắc chắn cũng bắt đầu được lên dây cót.

Và khi đó, kẻ được lợi nhất chính là những nhà buôn bán vũ khí của Mỹ vốn luôn sẵn sàng đáp ứng các thỏa thuận, hợp đồng khổng lồ ở bất cứ vùng chiến sự căng thẳng nào.

Tham vọng viển vông?

Giới quan sát nhận định, cho dù ý tưởng “NATO - Arab” ra đời nhằm mục đích chống lại Iran nhưng không dễ gì có thể cô lập được Iran. Iran đã từng bị cô lập trong cuộc chiến Vùng Vịnh năm 1989. Tuy nhiên, sau khi chiến tranh kết thúc, Iran đã nỗ lực thúc đẩy các liên minh chiến lược và phát triển tổ hợp công nghiệp quân sự của mình. Việc kêu gọi cô lập Iran chắc chắn sẽ chỉ càng khiến họ trở nên quyết tâm hơn và liên minh Iran - Syria hay Iran - Qatar vì thế càng được củng cố.

Một trở ngại lớn tiềm tàng đối với kế hoạch trên là sự chia rẽ 13 tháng qua giữa Saudi Arabia, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất đối với Qatar, nơi có căn cứ không quân lớn nhất của Mỹ trong khu vực. Nhiều quốc gia Arab khác cũng cáo buộc Qatar ủng hộ chủ nghĩa khủng bố - điều mà Doha hoàn toàn phủ nhận.

Hơn nữa, hai cường quốc ngày càng chiếm vị thế quan trọng trên bản đồ thế giới là Nga và Trung Quốc có rất nhiều lý do để xích lại gần hơn với Iran. Nga đã đầu tư đáng kể vào căn cứ hải quân ở Tartus (Syria) và sẽ tiếp tục hậu thuẫn Iran cùng chế độ Assad chống lại mọi sự can dự của bên ngoài.

Về phần Trung Quốc, cường quốc này coi Tehran là một đối tác quan trọng trong bối cảnh Bắc Kinh đang tích cực triển khai sáng kiến “Vành đai và Con đường” đi qua Trung Á. Một liên minh Nga - Iran - Trung Quốc sẽ trở thành vật cản vô cùng lớn với những tham vọng của một liên minh do Saudi Arabia dẫn đầu.

Có thể thấy rằng, để thành lập một “NATO - Arab” dưới sự dẫn dắt của Arab Saudi và đạt được các mục đích đề ra là một điều hết sức khó khăn trong bối cảnh hiện nay... Một vài phân tích cho rằng, Trong khi các nỗ lực nhằm cô lập Tehran có thể sẽ phản tác dụng, mục tiêu xây dựng một “NATO - Arab” bị xem là tham vọng viển vông. Thay vào đó, điều này sẽ chỉ dẫn đến một cuộc chạy đua vũ trang và khoét sâu thêm xung đột ở khu vực.

Kông Anh
.
.