Liên minh Nga – Iran gặp trục trặc

Thứ Năm, 25/08/2016, 11:35
Chưa đầy một tuần sau khi Iran cho Nga mượn căn cứ quân sự để tấn công IS và các lực lượng đối lập tại Syria, ngày 22-8, Tehran thông báo không tiếp tục cho Moskva mượn không phận. Phát biểu trên truyền hình Kênh 2 của Iran ngày 22-8, Bộ trưởng Quốc phòng Iran Hossein Dehghan tỏ ra không hài lòng vì Nga công khai việc sử dụng căn cứ không quân của nước này để tấn công khủng bố ở Syria.

Theo ông Dehghan thì Nga “phô trương thái quá” trong nỗ lực như là muốn “thể hiện vai trò siêu cường”. “Tất nhiên, người Nga muốn thể hiện họ là một siêu cường, một quốc gia có ảnh hưởng và đang tích cực tham gia vào các vấn đề an ninh trong khu vực cũng như thế giới.

Theo Bộ trưởng Quốc phòng Iran, đằng sau việc loan báo các cuộc tấn công từ một căn cứ ở Iran, có một mong muốn “phô trương mà Nga không chú ý” đến nước chủ nhà Iran. "Trong bất kỳ trường hợp nào, chúng tôi không cung cấp căn cứ quân sự cho Nga. Họ đến đây không phải để mãi mãi" - ông Dehghan nói thêm.

Chỉ ít phút sau đó, một đại diện của Bộ Ngoại giao Iran tuyên bố rằng Iran đã yêu cầu Nga đình chỉ việc sử dụng căn cứ Hamadan. Hiện chưa có phản ứng gì từ phía Nga trước tuyên bố trên của Iran.

Ngày 16-8, những máy bay ném bom chiến lược Tu-22M3 của Nga đã có lần xuất phát đầu tiên từ Iran để thực hiện những cuộc không kích ở Syria. Bộ Quốc phòng Nga cho biết những cuộc không kích xuất phát từ căn cứ không quân Hamedan nhắm mục tiêu vào những phần tử chủ chiến IS và các nhóm vũ trang chống chính quyền tại Syria.

Đây là lần đầu tiên Nga sử dụng lãnh thổ của một nước thứ ba để thực hiện cuộc tấn công tại Syria kể từ khi nổ ra chiến dịch quân sự vào tháng 9-2015. Ban đầu, Nga muốn sử dụng căn cứ quân sự ở Syria nhưng các oanh tạc cơ của Nga quá lớn. Còn nếu đặt căn cứ tại Iran, Moskva tiết kiệm được rất nhiều nhiên liệu vì thời gian bay ngắn, và cũng vì thế mà các oanh tạc cơ có thể mang thêm nhiều bom. Bay từ căn cứ không quân Hamedan thay vì căn cứ của Nga tại Mozdoko ở phía bắc dãy Kavkaz giúp thu ngắn quãng đường từ gần 2.000 km xuống còn dưới 700 km.

Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng của Hội đồng Liên bang Nga, Viktor Ozerov, cho biết quãng đường bay ngắn hơn sẽ tăng độ chính xác cho những cuộc không kích của Nga và cho phép phi công tránh được tên lửa đất đối không tiên tiến trong kho vũ khí của phiến quân Syria.

Sự hợp tác cao nhất này của Nga với Iran đã khiến Mỹ lo ngại. Báo chí Mỹ tuần trước viết, các quan chức chóp bu Mỹ từng nói rằng đối với họ, sự hợp tác quân sự giữa Nga và Iran không phải là điều bất ngờ, nhưng rõ ràng việc máy bay Nga cất cánh từ căn cứ Iran đi tiêu diệt IS đã khiến Nhà Trắng choáng váng vì không bao giờ lường đến tình huống này.

Tuy nhiên, mối quan hệ bất ngờ này đang xuất hiện dấu hiệu rạn nứt. Trên thực tế, Nga và Iran có nhiều bất đồng, đặc biệt về mục tiêu tấn công hoặc vai trò trao cho Tổng thống Al-Assad. Sự kiện Nga dùng sân bay Iran là một chủ đề rất nhạy cảm với Tehran vì Hiến pháp nước này cấm cho nước ngoài đóng quân trên lãnh thổ của mình. Trong quá khứ, Iran cũng không muốn phô trương các mối quan hệ của mình với bên ngoài kể cả bạn lẫn thù.

Trong khoảng thời gian từ năm 1951 đến 1979, Iran công nhận tính hợp pháp của nhà nước Do Thái và từ đó quan hệ giữa hai nước phát triển mạnh mẽ từ quân sự, trao đổi thông tin tình báo đến mua bán dầu mỏ... Thậm chí, vua Reza Pahlavi của Iran khi đó còn trở thành nhà cung cấp dầu mỏ lớn nhất cho Israel và từng dùng nhà nước Do Thái là nơi trung chuyển dầu từ Iran sang Địa Trung Hải thông qua một hệ thống đường ống dẫn do hai nước cùng đầu tư, quản lý.

Tuy nhiên, công việc làm ăn giữa Tehran và Tel-Aviv vẫn phải giữ kín vì Iran không muốn các nước Arập biết. Để che giấu sự hợp tác này, nhiều công ty tư nhân đã được cả hai phía lập ra nhằm tung hỏa mù về các giao dịch tài chính và quan hệ giữa hai nước.

Tuy nhiên đến khi Cách mạng Hồi giáo nổ ra, ông Ayatollah Khomeyni lên nắm quyền đã cắt đứt mọi hợp tác buôn bán dầu giữa Iran và Israel. Iran từ chối đàm phán và yêu cầu Israel trả lại toàn bộ số tiền trước đó đã đầu tư làm ăn cùng Tel-Aviv để tránh lộ thông tin hợp tác kinh tế giữa hai nước. Israel không chịu và thế là hai bên lao vào một cuộc kiện tụng suốt từ đó đến nay.

Mãi tới hồi tháng 7 vừa qua, Tòa Trọng tài ở Thụy Sĩ ra phán quyết chung cuộc buộc Israel phải bồi thường 1,2 tỉ USD cho phía Iran liên quan tới các thương vụ làm ăn chung cách nay gần 4 thập kỷ.

Có lẽ người Nga quên bài học này khi liên minh với Iran.

   

Bộ trưởng Quốc phòng Iran Hossein Dehghan.

Đan Kô (tổng hợp)
.
.