Liên minh châu Âu lặp lại câu hỏi “đi hay ở”

Thứ Ba, 08/07/2014, 22:25

Ngày 27/6, Thủ tướng Anh David Cameron đã thất bại ê chề và gần như bị cô lập trong cuộc chiến 1 chọi 26 xung quanh việc đề cử cựu Thủ tướng Luxembourg Jean-Cluade Juncker cho chức danh Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) nhiệm kỳ tới sau cuộc bỏ phiếu ngày 16/7. Thất bại này đang đe dọa mối quan hệ giữa Anh và EU, đẩy nước Anh đi theo chiều hướng ra khỏi liên minh.

Cách đây đúng 20 năm, tại hội nghị cấp cao EU trên đảo Corfu, Síp, Thủ tướng Anh John Major cũng từng gặp phải một thất bại ê chề trong việc ngăn cản liên quân Pháp-Đức đề cử ông Jean-Luc Dehaene, người Bỉ theo chủ nghĩa liên bang, làm Chủ tịch EC. Ông Major đã một mình chống lại 11 nguyên thủ thành viên còn lại (EU khi đó chỉ có 12 thành viên). 20 năm trôi qua, quan hệ Anh - EU vẫn chưa có thay đổi gì nhiều, và nước Anh vẫn lạc lõng trong khối về nhiều vấn đề.

Ngày 27/6, tại Brussels, lịch sử đã lặp lại, và sự cô lập vẫn tái diễn với số lượng còn áp đảo hơn: 2 chọi 26, chỉ có Thủ tướng Hungary Viktor Orban là đồng minh duy nhất của Thủ tướng Anh. Ông Cameron cho rằng, tuy có thất vọng nhưng ông không bận tâm nhiều về thất bại này, và việc ông chống lại việc đề cử ông Juncker là một hành động theo nguyên tắc, nhằm ngăn chặn một người theo xu hướng dân tộc chủ nghĩa lên lãnh đạo châu Âu.

Chủ tịch tương lai của EC Jean-Claude Juncker.

Jean-Claude Juncker năm nay 59 tuổi và từng 19 năm làm Thủ tướng Luxembourg, vừa mãn nhiệm vào năm 2013. Với tư cách là Bộ trưởng Tài chính Luxembourg (từ năm 1989-2009, kiêm nhiệm trong thời gian làm Thủ tướng), ông Juncker còn là Chủ tịch Nhóm đồng tiền chung euro (Eurogroup, bao gồm các Bộ trưởng Tài chính các nước trong eurozone). Nhiệm kỳ của ông được đánh dấu bởi cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu, khiến cho hầu hết các quốc gia thành viên đều trong tình trạng đáng báo động, trong đó có một số quốc gia có nguy cơ phá sản.

Xét về tư cách cá nhân và những thành tựu đạt được trong cuộc đời hoạt động khoa học lẫn chính trị thì không có gì phải bàn về Juncker, với hàng chục giải thưởng, huy chương các loại. Tuy nhiên, điều mà không ít người đồng tình với Juncker chính là quan điểm, tư tưởng của ông trong nhiều vấn đề, trong đó người ta quan tâm nhất là quan điểm dân tộc chủ nghĩa và bảo thủ. Đây cũng chính là điều khiến Thủ tướng Cameron phản đối  việc đề cử Juncker.

Ông Cameron cho rằng, việc EU chọn Juncker là không đúng người, vì Juncker sẽ không chịu thúc đẩy những cải cách cần thiết cho khối EU. Nhưng Cameron lại không có đủ lực để bảo vệ quan điểm của mình.

Chỉ mỗi duy nhất lá bài "đi hay ở" trong EU thì chưa đủ để Cameron đấu với 26 quốc gia thành viên còn lại (đồng minh Hungary chưa đủ mạnh để hậu thuẫn ông). Một số nghị sĩ châu Âu cho rằng, lý do Cameron đưa ra phản đối đề cử ông Juncker là chưa thỏa đáng, vì vấn đề cải cách trong khối EU được quyết định bởi các quốc gia thành viên chứ không phải do Chủ tịch EC quyết định. Đây là điểm khác biệt cơ bản giữa nhà lãnh đạo quốc gia với lãnh đạo EC.

Thủ tướng Anh David Cameron tại cuộc họp EU ngày 27/6.

Mặt khác, việc Anh và Hungary liên minh chống việc đề cử Juncker đã cho thấy một EU đang rạn nứt. Thủ tướng Hungary bộc lộ sự bất mãn trong vấn đề nợ công và sự áp đặt "luật chơi" của một số quốc gia đầu tàu trong khối. Sự bất mãn này cũng ngấm ngầm ở một số quốc gia Đông Âu khác, như Bulgary, Ba Lan, Romania,… nhưng chưa đến mức độ thể hiện công khai như Hungary.

Sự bất mãn chủ yếu xuất phát từ cuộc khủng hoảng nợ công, nhiều nước lâm vào khó khăn về tài chính, phải trông cậy vào sự trợ giúp của khối nhưng bị áp đặt những điều kiện khắt khe phải áp dụng chính sách thắt lưng buộc bụng trong khi điều kiện cụ thể của mỗi quốc gia rất khác nhau, không thể áp đặt một tiêu chuẩn chung cho tất cả.

Một số báo đã tung tin đồn rằng, có khả năng các quốc gia Đông Âu sẽ tìm cách tách ra khỏi ảnh hưởng của những quốc gia đầu tàu trong khối EU để lập ra một liên minh mới để tự quyết những vấn đề đặc thù của riêng mình.

Giới quan sát đang nhìn về nước Anh để đánh giá những hậu quả nào sẽ xảy ra sau thất bại này. Trước mắt, dư luận vẫn đang suy đoán về nguy cơ nước Anh ra khỏi EU. Sau cuộc họp hôm 27/6, Thủ tướng Cameron vẫn để ngỏ khả năng đàm phán lại về các mối quan hệ với EU. Ông cũng hứa sẽ tổ chức cuộc trưng cầu dân ý về việc "đi hay ở" trong EU vào năm 2017, nếu ông được bầu lại làm Thủ tướng Anh. Vấn đề gay go hiện nay là sau thất bại ngày 27/6, người Anh sẽ có cái nhìn nghi hoặc hơn nữa đối với EU.

Trong một cuộc thăm dò dư luận Anh công bố hôm 27/6, ngay sau khi ông Juncker được chính thức đề cử, đa số người Anh không tin rằng EU sẽ theo đuổi những cải cách mà họ mong muốn. Điều này có nghĩa là, nếu tổ chức cuộc trưng cầu dân ý theo đúng kế hoạch vào năm 2017, nhiều khả năng đa số người Anh sẽ bỏ phiếu cho việc ra khỏi EU. Viễn cảnh này đang đặt Thủ tướng Cameron vào thế hết sức khó khăn trong việc tiếp tục duy trì nước Anh là thành viên khối EU.

Tuy nhiên, giới nghiên cứu ở Anh đưa ra lời cảnh báo rằng, việc đơn phương rút ra khỏi khối EU chỉ dẫn đến những hậu quả có hại cho nước Anh hơn là có lợi. Tờ The Observer hôm 29/6 đăng phát biểu của ông John Cridland, Tổng giám đốc Tổ chức nghiên cứu công nghiệp CBI của Anh, cho rằng việc trở thành thành viên đầy đủ sẽ có lợi nhiều hơn cho kinh tế nước Anh, giúp gia tăng công ăn việc làm cho người Anh và tăng cường đầu tư nước ngoài vào Anh. Hơn nữa, châu Âu lại là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Anh và hiện vẫn là nền tảng quan trọng cho tương lai phát triển của kinh tế Anh, vì thế mà việc rút ra khỏi khối hoàn toàn không có lợi về kinh tế.

Mặt khác, việc không còn là thành viên EU cũng khiến London mất đi năng lực ảnh hưởng lên các quyết sách của khối trong khi vẫn phải tuân thủ những quy tắc, luật lệ chung mà nhiều nước châu Âu buộc phải tuân theo. Lập luận này của ông Cridland đã nhận được sự ủng hộ của Chủ tịch Công đảng Ed Miliband và một số chính khách khác thuộc đảng Độc lập Anh (UKIP)

An Châu (tổng hợp)
.
.