Liên minh chiến lược Mỹ-Nhật-Ấn-Úc

Thứ Năm, 02/11/2017, 15:49
Tại cuộc gặp Ngoại trưởng 3 nước Mỹ - Nhật - Ấn, Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono đề nghị để Australia tham gia vào tiến trình đối thoại Mỹ - Nhật - Ấn. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ Raveesh Kumar ngày 27-10 cho biết New Delhi để ngỏ cho việc hợp tác với các nước có cùng tư tưởng. Rõ ràng liên minh “bộ tứ” chiến lược Mỹ-Nhật-Ấn-Úc đang hình thành.

Thúc đẩy thương mại tự do và hợp tác quốc phòng

Phát biểu trong cuộc họp báo hằng tuần, ông Kumar cho hay: "Ấn Độ để ngỏ cho việc hợp tác với các nước có cùng tư tưởng về những vấn đề thúc đẩy lợi ích của chúng tôi cũng như quảng bá cho quan điểm của mình".

Trước đó, ngày 25-10, trong cuộc trả lời phỏng vấn tờ "The Nikkei", Ngoại trưởng Kono cho rằng Nhật Bản sẽ đề xuất một cuộc đối thoại cấp cao với Mỹ, Ấn Độ và Australia. Ông cho rằng ý tưởng này giúp cho các nhà lãnh đạo của 4 nước thúc đẩy thương mại tự do và hợp tác quốc phòng trên một khu vực đại dương trải dài từ biển Nhật Bản tới Ấn Độ Dương và toàn bộ con đường tới châu Phi.

Ông Kono nói rằng mục đích của ý tưởng này là nhằm đảm bảo một khu vực trên biển hòa bình từ châu Á tới châu Phi. Theo ông, các vùng biển tự do và mở sẽ đem lại lợi ích cho tất cả các nước, trong đó có Trung Quốc và sáng kiến "Vành đai và Con đường" của nước này. Ông Kono nhấn mạnh mục tiêu của dự án là thúc đẩy đầu tư cơ sở hạ tầng chất lượng cao từ châu Á đến châu Phi.

Nhấn mạnh về mối quan hệ hợp tác 3 bên hiệu quả giữa Mỹ, Ấn Độ và Nhật Bản, bà Wells cho biết Úc là đối tác tự nhiên trong nỗ lực nói trên và Washington đang cân nhắc cuộc họp 4 bên trong thời gian gần.

Mỹ - Ấn - Nhật tập trận rầm rộ. Ảnh: AP.

Khi được hỏi Mỹ sẽ phản ứng như thế nào khi Trung Quốc xem đây là động thái tiêu cực và một phần trong kế hoạch chống lại Bắc Kinh, bà Wells cho hay: "Thật khó để xem cuộc họp của các nhà ngoại giao từ 4 quốc gia như là kế hoạch nhằm kiềm chế Trung Quốc".

Hưởng ứng sáng kiến của Mỹ, Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Taro Kono nói với trang Nikkei rằng nước này sẽ đề xuất một cuộc đối thoại chiến lược giữa các nhà lãnh đạo Mỹ, Ấn Độ và Úc nhằm đánh giá tác động của dự án "Vành đai và Con đường" (BRI). Thủ tướng Shinzo Abe dự kiến sẽ đưa ra ý tưởng này với Tổng thống Donald Trump vào ngày 6-11 khi cả hai tham dự Hội nghị Cấp cao APEC.

Quyền trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Alice Wells hôm 27-10 đã đề ra một khuôn khổ quy mô lớn cho sự hợp tác giữa Washington với Tokyo, New Delhi và Canberra hướng đến cơ chế 4 bên. Bà Wells cho biết: "Các quốc gia chia sẻ giá trị chung có khả năng đưa ra giải pháp thay thế cho những nước trong khu vực đang tìm kiếm sự đầu tư cần thiết cho cơ sở hạ tầng và phát triển kinh tế của họ. Chắc chắn rằng chúng tôi kết hợp các sáng kiến của mình và cung cấp cho các nước này những lựa chọn thay thế không bao gồm tài trợ vì mục đích lợi dụng hoặc những khoản nợ không thể trả nổi". 

Vũ khí tối tân thắt chặt quan hệ đồng minh

Mỹ cam kết cung cấp công nghệ quân sự tốt nhất để Ấn Độ đóng vai trò quan trọng tại khu vực. Ngoài thu lợi nhuận, Mỹ còn cân nhắc kỹ đến yếu tố địa - chính trị. Gần đây, quan hệ quốc phòng Mỹ - Ấn đã được cải thiện rất lớn. Chuyến thăm Ấn Độ từ ngày 24 đến 26-10 của Ngoại trưởng Mỹ tiếp tục phát đi tín hiệu quan trọng, đó là quan hệ Mỹ - Ấn phần nào đã có tính chất “đồng minh”.

Tại Ấn Độ, ông Rex Tillerson tuyên bố Mỹ sẵn sàng cung cấp “công nghệ tốt nhất” cho Ấn Độ tiến hành hiện đại hóa quân sự, trong đó gồm bán máy bay chiến đấu F-16 và F-18, bán máy phóng điện từ (lắp trên tàu sân bay) cho Ấn Độ. Ông Rex Tillerson nói: “Mỹ ủng hộ Ấn Độ thành quốc gia đi đầu, sẽ tiếp tục nỗ lực để Ấn Độ có khả năng bảo đảm an ninh khu vực. Trên phương diện này, Mỹ sẵn sàng và có khả năng cung cấp công nghệ tiên tiến cho các nỗ lực hiện đại hóa quân sự của Ấn Độ”.

Theo đánh giá của nhà nghiên cứu cao cấp Dean Cheng thuộc Quỹ Heritage Mỹ, nếu Ấn Độ lựa chọn mua máy bay chiến đấu (F-16, F-18) của Mỹ thì có nghĩa là Ấn Độ phần nào quyết định muốn xây dựng quan hệ “liên minh” chặt chẽ hơn với Mỹ về những vũ khí tiên tiến, then chốt.

Phân tích về thành quả chuyến thăm Ấn Độ của Ngoại trưởng Mỹ, tờ Kommersant Nga cũng cho rằng Ấn Độ sẽ thay thế Pakistan, trở thành “đồng minh then chốt” của Washington. Để có thể đồng thời chống lại mối đe dọa quân sự từ Pakistan và Trung Quốc, không quân Ấn Độ cần biên chế 42 phi đội máy bay chiến đấu, nhưng họ hiện chỉ có hơn 30 phi đội.

Tháng 8-2017, Công ty Boeing Mỹ tuyên bố tham gia chương trình đấu thầu của hải quân Ấn Độ, đề nghị xây dựng dây chuyền sản xuất máy bay chiến đấu F/A-18 Super Hornet ở Ấn Độ. Công ty Lockheed Martin Mỹ cũng đề nghị chuyển dây chuyền sản xuất máy bay chiến đấu F-16 từ bang Texas đến Ấn Độ, sản xuất ít nhất 100 máy bay chiến đấu cho không quân Ấn Độ.

Tháng trước, tại Quốc hội, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố ủng hộ đề nghị của hai công ty trên, cho rằng Ấn Độ cần có khả năng phòng vệ đầy đủ ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. Như vậy, Ấn Độ hiện có thêm nhiều lựa chọn trong mua sắm vũ khí. Về việc Mỹ đồng ý bán máy phóng điện từ cho Ấn Độ, chuyên gia Trung Quốc cho rằng tàu sân bay là trang bị trung tâm của hải quân, có ý nghĩa chiến lược, trong đó máy phóng điện từ là hàng công nghệ cao dẫn trước thế giới. Mỹ đồng ý bán loại trang bị này cho Ấn Độ là do họ đã cân nhắc tới yếu tố địa - chính trị, tức là Mỹ đang lôi kéo Ấn Độ.

Đến nay, hợp tác quốc phòng Mỹ - Ấn đã được tăng cường rõ rệt. Trong năm qua, Mỹ đã chào bán máy bay không người lái Sea Guardian cho Ấn Độ để tăng cường năng lực giám sát biển cho Ấn Độ. Ngoài ra, Mỹ đã phê chuẩn bán 22 máy bay không người lái MQ-9B Sky Guardian cho Ấn Độ và cho phép Ấn Độ nhập dây chuyền sản xuất máy bay chiến đấu F-16 Mỹ.

Đầu năm 2017, Không quân Ấn Độ từng đề nghị Mỹ xuất khẩu máy bay vũ trang không người lái Predator C, dự định sẽ mua 80 - 100 chiếc, trị giá khoảng 8 tỷ USD. Trong 10 năm qua, Ấn Độ đã mua tổng cộng 15 tỷ USD trang bị quân sự của Mỹ. Hai bên có triển vọng ký kết hợp đồng lớn mới về máy bay chiến đấu. Công ty Lockheed Martin Mỹ có kế hoạch xây dựng dây chuyền sản xuất ở Ấn Độ, tiền đề là Ấn Độ mua máy bay chiến đấu tổng trị giá khoảng 15 tỷ USD.

Ngoài 22 máy bay trinh sát - tấn công MQ-9B, Mỹ còn đang cân nhắc bán 90 máy bay tàng hình không người lái Avenger cho Ấn Độ. Điều này cho thấy hợp tác chiến lược Mỹ - Ấn đạt tầm cao mới. Tờ Người quan sát Trung Quốc cho hay Hãng General Atomics Mỹ đang thảo luận với phía Ấn Độ về việc cung ứng 90 máy bay tàng hình không người lái Avenger cho Ấn Độ trong vài năm tới.

Giá thành của máy bay không người lái Avenger có thể đạt 12 triệu USD. Theo cách tính giá thông thường của thị trường vũ khí quốc tế, tổng trị giá của giao dịch này có thể ít nhất đạt 3 tỷ USD.

Tuy nhiên, Ấn Độ không muốn lệ thuộc quá mức vào Mỹ về hợp tác an ninh, quân sự. Mục tiêu của Ấn Độ là thực hiện “Made in India”, chính sách này do Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đưa ra, chủ trương chế tạo các loại vũ khí trang bị như máy bay chiến đấu, tàu ngầm... ở Ấn Độ.

Phòng vệ bốn bên, nền tảng của một liên minh lớn hơn

Không chỉ tăng cường bán vũ khí cho Ấn Độ, 3 nước Ấn Độ, Mỹ và Nhật Bản còn tăng cường tổ chức các cuộc tập trận hải quân chung. Không chỉ gần gũi Mỹ, quan hệ gần gũi Ấn - Nhật cũng ngày càng chặt chẽ. Ngay khi bắt đầu chuyến công du tới Ấn Độ hôm 13-9, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã tới thăm bang Gujarat, quê hương của người đồng cấp Narendra Modi, và dự kiến tham dự lễ khởi công xây dựng dự án đường sắt cao tốc Mumbai-Ahmedabad - dự án đầu tiên kiểu này ở Ấn Độ.

Tờ Indian Express nhận định quan hệ đối tác giữa hai nước có thể sẽ là “nền tảng của một liên minh lớn hơn... ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương”. Có thể thấy rõ tính chất phức tạp hiện nay ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, do đó liên minh an ninh Mỹ - Nhật - Úc và tới đây là thêm Ấn Độ đang dần hình thành và phát triển.

Sĩ quan hải quân Ấn Độ - Nhật Bản - Mỹ chia sẻ thông tin diễn tập. Ảnh: AP.

"Diễn đàn chính sách" của Đại học Quốc gia Australia đăng bài viết của chuyên gia Ernest Bower thuộc Viện Nghiên cứu chính sách và chiến lược Australia với nhận định rằng tam giác an ninh Mỹ-Nhật-Úc đang được hình thành để thuyết phục tất cả các quốc gia ở khu vực châu Á tuân thủ các quy tắc quốc tế. Ấn Độ là đối tác quan trọng trong sự thành công cuối cùng của chiến lược dài hạn này. Ấn Độ là thành viên của cấu trúc ADMM+. Mỹ, Nhật Bản và Australia cũng đều thừa nhận vai trò quan trọng của New Delhi, đặc biệt là ở khu vực Ấn Độ Dương và Đông Nam Á.

Mỹ, Nhật Bản và Australia đang có mối quan hệ song phương tích cực với Ấn Độ và tiếp tục khai thác mục đích cốt lõi của Đối thoại An ninh tứ giác (QSD) vốn được Nhật Bản khởi xướng năm 2007. Cả Washington, Tokyo và Canberra đều biết rằng châu Á là động cơ của tăng trưởng kinh tế thế giới trong thế kỷ 21 và rằng không nước nào an toàn trừ khi tất cả các nước lớn ở châu Á đồng ý thực hiện và tuân thủ các quy tắc quốc tế.

Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Washington mới đây đã công bố báo cáo có tiêu đề “Hợp tác trên biển Australia-Nhật Bản-Mỹ”. Báo cáo kêu gọi hợp tác quân sự lớn hơn nữa giữa Mỹ và hai đồng minh chủ chốt ở châu Á và đề xuất lập một “liên minh phòng vệ” để ứng phó với “môi trường an ninh đang bị đe dọa ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Báo cáo đưa ra những khuyến nghị cụ thể để tăng cường phối hợp hoạt động tình báo và giám sát, chống tàu ngầm, các lực lượng đổ bộ và đảm bảo hậu cần, bên cạnh những nỗ lực hợp tác thường xuyên của quân đội các nước này trong việc đối phó thiên tai, cướp biển và khủng bố.

Tác giả của báo cáo, Andrew Shearer, từng là Cố vấn An ninh Quốc gia dưới thời Thủ tướng John Howard và Tony Abbott của Australia. Sự có mặt của ông tại CSIS - một tổ chức có vai trò tư vấn trong việc tăng cường sức mạnh quân sự của Mỹ chống lại Trung Quốc - là một biểu hiện nữa cho thấy sự phối hợp chặt chẽ giữa Washington và Canberra. Ông nhấn mạnh đến “mối quan tâm trước hết của các nhà hoạch định chính sách quốc phòng của Mỹ” khi các cường quốc khác đang phát triển nhiều loại vũ khí hiện đại.

Theo báo cáo trên, Nhật Bản có thể đóng vị trí trung tâm trong cuộc chiến chớp nhoáng và “có vai trò quan trọng trong việc thực hiện các chiến lược ngăn chặn từ ngoài biển. Báo cáo xác định vai trò của Australia giống như trong Thế chiến 2: “Là cơ sở hậu cần sống còn và cầu nối quan trọng giữa Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương”.

Báo cáo cũng lưu ý rằng Australia đã tham gia thảo luận về cuộc chiến trên biển và trên không với các quan chức quốc phòng Mỹ “và có thể có những đóng góp phù hợp để hỗ trợ cho những hành động nói trên... Đặc biệt, tàu ngầm của Australia có thể được huy động triển khai xung quanh các bán đảo có vị trí chiến lược giữa khu vực Đông Nam Á và Ấn Độ Dương trong bất kỳ kịch bản xung đột trên biển nào”.

Do vậy, báo cáo coi trọng sự phát triển liên minh quân sự giữa Australia và Nhật Bản, hai quốc gia được mô tả như những địa đầu phía Bắc và phía Nam trong liên minh của Mỹ ở khu vực Thái Bình Dương. Những động thái này đã được thúc đẩy từ khi 3 nước ký kết tuyên bố chung về hợp tác an ninh vào năm 2007 và đặc biệt sau khi Thủ tướng cánh hữu Shinzo Abe lên nắm quyền.

Năm 2015, chính phủ của ông Abe đã làm mọi cách để thông qua một đạo luật về “quyền phòng vệ tập thể”. Đạo luật này "mở đường" cho quân đội Nhật Bản trực tiếp tham chiến ở nước ngoài khi các đồng minh của nước này bị xâm lược.

Bản báo cáo của CSIS cũng kêu gọi các đồng minh và đối tác chiến lược khác, đặc biệt là Ấn Độ, tham gia liên minh quân sự này. Sáng kiến phòng vệ bốn bên trong đó có cả Ấn Độ được ông Abe nêu lên từ năm 2007 trong nhiệm kỳ thủ tướng đầu tiên, nhưng bị Thủ tướng Australia Kevin Rudd bác bỏ hồi năm 2008.

Việc Australia đơn phương rút khỏi sáng kiến này khiến Mỹ xa lánh Canberra và khiến ông Rudd bị phế truất bởi lực lượng Công đảng có nhiều quan hệ với Mỹ. Mặc dù cho rằng một liên minh bốn bên là một mục tiêu dài hạn, báo cáo của CSIS kết luận rằng “không còn nhiều thời gian nữa” và trọng tâm chính vẫn là tăng cường quan hệ hải quân giữa Mỹ, Nhật Bản và Australia.

Sau khi đưa ra đề xuất xây dựng liên minh chiến lược bốn bên gồm Nhật Bản, Úc, Ấn Độ và Mỹ, theo giới quan sát, chắc chắn Trung Quốc “sẽ không để yên”.

Nguyễn Hòa
.
.