Liên minh quốc tế chống IS “cuốn theo chiều gió”
Một liên minh chống Nhà nước Hồi giáo (IS) do Mỹ dẫn đầu đã được thành lập. Vấn đề đặt ra là liệu liên minh này có hoạt động hiệu quả khi mà mối quan tâm của từng nước tham gia mỗi khác nhau, chưa kể đến việc hai nước quan trọng là Iran và Syria không được mời tham dự. IS tính toán gì khi liên tiếp đem các con tin phương Tây ra chặt đầu trong những đoạn clip man rợ?
Iran và Syria bị “ra rìa”
Ngày 15/9, Hội nghị của Liên minh quốc tế chống IS do Mỹ kêu gọi thành lập đã nhóm họp tại Paris, Pháp. Đến tham dự có đại diện của gần 30 quốc gia trên thế giới và khu vực Trung Đông đã đồng ý đứng chung phe với Mỹ chống IS. Hội nghị được triệu tập khẩn cấp theo sáng kiến của Pháp, nhưng công chính cho việc hình thành liên minh quốc tế chống IS thuộc về Mỹ.
Từ hơn một tuần qua, Ngoại trưởng Mỹ Jonh Kerry đã có chuyến đi dài, khởi đầu là châu Âu và NATO, sau đó là Trung Đông, nhằm kêu gọi thành lập Liên minh chống IS.
Hội nghị này nhắm tới 3 mục tiêu. Thứ nhất, đây là cuộc gặp gỡ đầu tiên của những quốc gia đã nhận lời tham gia trong liên minh do Mỹ khởi xướng để cùng nhau đi đến mục tiêu là tận diệt nhóm IS. Thứ nhì là các quốc gia dự hội nghị sẽ cùng nhau bàn thảo một kế hoạch hành động chung và điểm thứ ba là dựa vào kế hoạch đó, các nước sẽ được phân công trách nhiệm khác nhau, miễn làm sao đạt được kết quả càng sớm càng tốt. Tức là mỗi nước sẽ giữ một vai trò khác nhau, như có nước cung cấp máy bay và đạn dược để mở các cuộc không kích nhắm vào quân IS, có nước lãnh trách nhiệm cung cấp tin tức tình báo, và đương nhiên có những nước đứng ra lãnh trách nhiệm trang trải chi phí.
Tổng thống Barack Obama từng nói là nước Mỹ không thể một mình hoàn thành chiến lược tiêu diệt IS được, mà phải có sự yểm trợ, tham gia, đóng góp của cộng đồng thế giới.
Tổng thống Pháp Francois Hollande (phải) và người đồng cấp Iraq, Fuad Masum đồng chủ trì Hội nghị quốc tế về liên minh chống IS ngày 15/9 tại Paris. |
Trong số 3 mục tiêu thì điều cuối cùng sẽ khó đạt được tại hội nghị lần này vì nhiều lý do. Hôm 12/9, ông Kerry chỉ nói là có nhiều quốc gia đồng ý tham gia trong Liên minh. Ngày 14/9, Chánh Văn phòng Nhà Trắng Denis McDonough cũng chỉ cho biết là ngày 17/9, ông Kerry sẽ ra điều trần trước Quốc hội Liên bang về vai trò của Mỹ cũng như của các nước. Có thể đến lúc đó mới biết được những quốc gia trong Liên minh sẽ đóng vai trò gì, trách nhiệm như thế nào.
Một điểm nữa khiến hội nghị này khó thành công là việc Iran và Syria không được mời tham gia liên minh. Theo các nguồn tin ngoại giao thì thoạt đầu chính phủ Pháp có ý định mời Iran nhưng Mỹ không đồng ý. Lý do là vì một mặt chính quyền Tehran ủng hộ ý kiến thành lập liên minh diệt IS, nhưng họ đặt điều kiện chỉ nên diệt quân IS ở Iraq chứ không nên mở rộng chiến dịch không kích sang Syria. Đòi hỏi đó của Iran không gây ngạc nhiên cho mọi người vì đến bây giờ Tehran vẫn ủng hộ chính phủ của Tổng thống Bashar Al-Assad, trong lúc Mỹ và nhiều nước đồng minh công khai ủng hộ lực lượng nổi dậy tại Syria.
Theo quan điểm của Mỹ, mở rộng mặt trận sang Syria có nghĩa là vừa tiêu diệt IS vừa giúp lực lượng nổi dậy có cơ hội chiếm thế thượng phong, giúp họ đạt được mục tiêu lật đổ chính phủ Al-Assad. Chính vì khác biệt đó nên Mỹ không đồng ý mời Iran dự Hội nghị Quốc tế Paris. Iran đã phản đối và cho rằng, Hội nghị Paris về chống IS chẳng qua chỉ là màn khoa trương của các nước phương Tây. IS đang hoạt động ở Syria và Iraq. Có chung biên giới với cả 2 nước này là Iran, nhưng lại không được mời dù họ cũng chống IS.
Trong bài trả lời phỏng vấn phát sóng hôm 14/9 trên kênh CBS, Ngoại trưởng John Kerry tuyên bố Mỹ cũng không có ý định hợp tác với Syria trong các chiến dịch không kích những mục tiêu của IS. Chính quyền Syria thì cho rằng nếu Mỹ và các đồng minh không kích IS trên lãnh thổ Syria mà không được sự chấp thuận của họ là vi phạm chủ quyền và họ có quyền đưa quân ngăn cản. Một nhược điểm nữa của liên minh này là không một nước nào tham gia, trừ Mỹ, cam kết oanh kích Syria.
Chỉ vài giờ sau khi đoạn video hành quyết nhà báo Steven Sotloff được công bố, Tổng thống Barack Obama đã gửi thêm 350 binh sĩ Mỹ tới Iraq. |
Tất cả các nước dự hội nghị đều có chung quan điểm là phải tiêu diệt tổ chức khủng bố IS. Điển hình là tuyên bố của Liên đoàn Arập: IS là nguy cơ cho an ninh và hòa bình của khu vực cũng như toàn cầu, và đã có một số nước Hồi giáo Trung Đông bắn tiếng cho biết sẵn sàng tham gia vào những cuộc không kích ở Iraq và Syria để tiêu diệt IS. Nhưng cần phải hiểu là “có chung quan điểm và sẵn sàng làm việc chung” không có nghĩa là các nước sẽ đồng ý với mọi đề nghị mà Mỹ nêu ra ở Hội nghị Paris.
Bởi lẽ, mỗi quốc gia có một lý do khác nhau. Chẳng hạn như Thổ Nhĩ Kỳ, nước này đang bị IS giữ 49 công dân làm con tin; Chính phủ Anh cũng bó tay vì một đạo luật ban hành từ năm 2013 cấm không được có bất kỳ hoạt động quân sự nào trên lãnh thổ Syria, còn chủ nhà Pháp thì vẫn nuôi ý tưởng Liên minh hoạt động trong khuôn khổ một nghị quyết do Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc ban hành, tương tự như nghị quyết về Lybia cách đây vài năm, chứ không phải do Mỹ chỉ huy tất cả. Điều này là khó đạt được vì nhiều khả năng Nga và Trung Quốc sẽ phủ quyết.
Khi ông Kerry nói có vài chục quốc gia ủng hộ chống IS, ta cũng nên hiểu rằng, bên cạnh những nước đóng vai trò chủ lực, có những nước chỉ đóng góp tượng trưng. Cho đến nay, mới chỉ có Australia và Pháp tuyên bố sẵn sàng tham gia chiến dịch không kích “nếu cần thiết”.
Hai đồng minh quan trọng khác của Mỹ là Anh và Đức dù ủng hộ cách tiếp cận của Mỹ nhưng tuyên bố sẽ không tham gia không kích vào Syria. Thiếu đi sự hỗ trợ thiết thực từ một số nước đồng minh thân cận sẽ ảnh hưởng ít nhiều tới hiệu quả của các chiến dịch không kích của Mỹ.
Nếu mỹ và đồng minh sa lầy thì đó cũng là thắng lợi của IS
Trong khi Mỹ đã hình thành xong liên minh với quyết tâm tiêu diệt IS, vấn đề đặt ra là IS đang tính toán gì? Sự quyết tâm của phương Tây được củng cố sau các vụ hành quyết con tin người Mỹ và Anh. IS thừa biết điều này những họ vẫn làm. Nhìn về bề ngoài, việc IS công bố hình ảnh hành quyết các con tin là câu trả lời đáp trả chiến lược tiêu diệt tổ chức này do Mỹ cầm đầu. Nhưng theo giới phân tích, qua các vụ chặt đầu con tin, IS nhắm tới hai mục tiêu.
Thứ nhất là nhóm này muốn gây phân rẽ giữa chính phủ và dư luận các nước phương Tây theo kiểu "vì chính sách của chính phủ nên các con tin mới phải chịu số phận như vậy". Do vậy, chắc chắn IS sẽ còn tiếp tục chặt đầu con tin trong thời gian tới. Thứ hai, sự khiêu khích của IS khiến Mỹ và đồng minh thêm khó xử và không còn chỗ để lùi. Sau tuyên chiến và thách chiến thì giờ là giai đoạn thực sự tham chiến. Qua đó, IS sẽ tìm cách để Mỹ và đồng minh sa lầy ở khu vực và chiến sự lây lan ra cả ngoài phạm vi Iraq và Syria. Mỹ và đồng minh thì muốn ngược lại.
Trong tất cả những phát biểu gần đây, Tổng thống Obama đều khẳng định sẽ không đưa bộ binh tham chiến trở lại Iraq. Nhưng sau mỗi màn chặt đầu con tin của IS, Mỹ lại tăng cường thêm một số lính bộ binh đến quốc gia Vùng Vịnh này. Từ đầu tháng 8 cho đến nay, tổng cộng đã có gần 1.000 lính Mỹ tới Iraq.
Bình luận về "vấn nạn" của phương Tây, nhật báo Le Figaro của Pháp viết như sau: "Những tên sát nhân của Nhà nước Hồi giáo khoan khoái một cách thâm hiểm đặt phương Tây vào thế yếu chính trị. Phương Tây chúng ta phản ứng theo những đoạn phim cắt cổ chặt đầu. Barack Obama cũng hành xử theo từng cơn xúc động".
Các nhà quan sát nhận định rằng, một khi Mỹ lao vào một chiến dịch như thế này, tình hình tại chỗ sẽ trở nên tồi tệ hơn, dẫn đến sức ép ngày càng tăng, khiến người Mỹ sẽ phải cuốn theo diễn tiến phức tạp của tình hình và Tổng thống Obama "không thể giữ lời hứa về một chiến dịch hạn chế". Nếu Mỹ sa lầy một lần nữa tại Iraq thì đó cũng là thắng lợi của IS