Diễn biến mới xung quanh vụ bê bối của Tổng Giám đốc IMF:

Liệu người Trung Quốc có tiếp tục điều hành Quỹ Tiền tệ quốc tế?

Chủ Nhật, 29/05/2011, 09:15

Đã thành truyền thống kể từ khi Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF thành lập sau Thế chiến II, người đứng đầu quỹ này đến từ châu Âu. Còn người Mỹ sẽ duy trì vị trí thứ 2 tại IMF, cùng vị trí dẫn đầu trong tổ chức "anh em" với IMF là Ngân hàng Thế giới World Bank (WB). Việc Strauss-Kahn chính thức công bố lá thư từ chức bất luận phán quyết cuối cùng của tòa án ra sao đã tạo ra một cơ hội "cách mạng" của việc tìm ứng viên cho chiếc ghế tổng giám đốc bỏ trống.

Không chỉ có Mỹ, các quốc gia mới nổi như Trung Quốc và Brazil cũng cho rằng, đã đến lúc phá vỡ lối mòn, và Tổng giám đốc IMF nên đến từ một quốc gia đang phát triển.

"Đã đến lúc chúng ta cần thiết lập một chế độ mới trọng dụng người tài, lựa chọn người dẫn dắt IMF xuất phát từ năng lực thực sự chứ không chỉ vì họ là người châu Âu". Đó là thông điệp mà Mỹ và những nền kinh tế mới nổi bày tỏ trong cuộc chiến gay cấn chọn người kế nhiệm ông Strauss-Kahn.

Ai sẽ là người tiếp theo điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế? Đây là chủ đề gây tranh cãi nóng nhất những ngày gần đây trong giới tài chính toàn cầu. John Lipsky, người lãnh đạo ở vị trí thứ 2 và đang giữ tạm quyền Tổng giám đốc của IMF nói rằng, ông ta sẽ lùi lại hậu trường sau khi nhiệm kỳ này kết thúc vào cuối tháng 8.

Các ý kiến quốc tế đều đồng lòng chống lại ý tưởng người Mỹ độc quyền nắm giữ các vị trí chủ chốt của cả hai cơ quan tài chính nòng cốt là IMF và WB. Đồng thời xuất hiện khuynh hướng cho rằng người đứng đầu tiếp theo của IMF nên đến từ một quốc gia đang phát triển. Từ đó, Trung Quốc trở thành đất nước có tiếng nói rất có trọng lượng tại IMF và một cơ hội rất lớn cho ứng viên cho chức vụ chủ tịch IMF tiếp theo. Trong hàng loạt cái tên được cân nhắc như cựu Bộ trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Kemal Dervis, Bộ trưởng Tài chính Singapore Tharman Shanmugaratnam hay nhà kinh tế học người Ấn Độ Montek Singh Ahluwalia,... thì cái tên một người Trung Quốc được nhắc tới một cách khá ấn tượng.

Gần đây,  IMF đang phải trải nghiệm vụ hòa giải lớn nhất từ sau khi tổ chức này được thành lập ngay khi Thế chiến II kết thúc đến nay. Tháng 11 năm ngoái, tỉ lệ số phiếu ủng hộ cho những nước châu Âu có mặt trong IMF rớt khỏi top 3. Tuy nhiên, Trung Quốc, với 6,394% tổng số phiếu, chỉ kém Nhật Bản 0,07%, đứng thứ 3 trong danh sách. Sự thực là Trung Quốc vẫn còn ở rất xa so với Mỹ, đất nước chiếm đến 16,407%, nhưng Trung Quốc đã vượt qua Đức, Pháp, Anh, và cả Italia.

Số phiếu tăng cao đồng nghĩa với việc Trung Quốc sẽ có ưu thế rất nhiều  khi trình lên IMF những chính sách và đề xuất mới. Việc ấy đồng nghĩa rằng Trung Quốc sẽ có quyền gửi các nhà chức trách có ảnh hưởng và tham gia quyết định đường lối kinh tế cho IMF. Một trong những công việc thiết yếu của IMF đó chính là giám sát nền thương mại và cung cấp sự giúp đỡ kịp thời, việc mà Trung Quốc đang làm rất giỏi. Nếu nhà quản lý mới của IMF đến từ Trung Quốc, người đó chắc chắn khiến nền kinh tế trao đổi giữa thế giới và Trung Quốc, một quốc gia mà sức mạnh thương mại dẫn đầu và cũng là đất nước có nguồn lực dự trữ lớn nhất toàn cầu, trở nên thuận tiện hơn.

Trong những năm gần đây, rất nhiều người đã chỉ trích những phản ứng chậm chạp của IMF trước những cuộc khủng hoảng kinh tế và nạn hối lộ ở hệ thống ngân hàng khắp các quốc gia. Những phản ứng này đã thể hiện một phần sự quan tâm của họ đến sự phát triển tài chính của các nước đang phát triển. Sự cải cách toàn diện của IMF đã trở thành xu hướng của thời đại và nó sẽ trở thành một biện pháp cứu chữa hữu hiệu nếu hệ thống thiếu sót của IMF được bổ sung nhiều yếu tố đến từ Trung Quốc. Nó cũng sẽ trở nên có lợi để làm tăng thêm những mối quan tâm từ phía IMF hướng tới những nền kinh tế mới nổi, đồng thời tạo sự cân đối giữa thương mại và kinh tế giữa những nước đã, đang phát triển.

Người ta thấy một số những gương mặt sáng giá trong giới tài chính và ngân hàng đang rất được đề cao tại Trung Quốc 10 năm trở lại đây. Đầu tiên là Justin Yifu Lin, người giữ chức vụ Phó chủ tịch Ngân hàng Thế giới vài năm trước. Thứ hai là Zhu Min, người từng là cố vấn cao cấp chính thức của Strauss-Kahn vào năm 2010 và đã từng là Phó chủ tịch Ngân hàng Trung Quốc. Ông đã từng học và làm việc tại Mỹ trong vòng rất nhiều năm hẳn rất quen thuộc với những luật lệ và những điều chỉnh trên thương trường quốc tế. Hơn thế nữa, Zhu Min sẽ có khả năng dung hòa các cách thức giữa Trung Quốc với phương Tây.

Nhiều triển vọng nhất có lẽ vẫn là gương mặt của Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc Chu Tiểu Xuyên, 1 trong 10 nhân vật được coi là có sức ảnh hưởng lớn nhất toàn cầu năm 2010. Người ta gọi ông là "Nhà kỹ trị tài năng nhất Trung Quốc", "Người nắm trong tay vận mệnh của kinh tế thế giới"… và ông từng được kỳ vọng cho chiếc ghế thủ tướng của đất nước Trung Hoa. Nếu như năm 2009, Chu Tiểu Xuyên nhắc cho thế giới nhớ rằng, Trung Quốc không chấp nhận đồng USD như một sự hiển nhiên, thì năm 2010 ông cũng chứng minh cho cả thế giới thấy, Bắc Kinh hoàn toàn có thể nắm trong tay vận mệnh của kinh tế toàn cầu.

Tháng 6/2010, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc tự tin tuyên bố tham vọng quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ. Mục tiêu của họ là biến đồng tiền này trở thành đồng tiền quốc tế, tạo thế cân bằng với đồng USD trong hệ thống tiền tệ toàn cầu và sớm thay thế đồng USD của Mỹ. Đến tháng 8, Trung Quốc vượt Nhật Bản và chính thức trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, sau Mỹ.

Với những bước đi táo bạo nhằm hiện thực hóa tham vọng trên, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc Chu Tiểu Xuyên đã chứng minh cho Washington thấy, thời huy hoàng của Mỹ khi là "kẻ ra luật chơi" đối với nền kinh tế thế giới đang đi đến hồi kết. Kiên quyết phản bác mọi sức ép và cả hăm dọa từ cộng đồng quốc tế buộc Trung Quốc điều chỉnh chính sách ngoại hối, vị Thống đốc họ Chu còn ví việc định giá lại đồng Nhân dân tệ như là phép thần để có thể giải quyết mọi vấn đề hiện nay của nền kinh tế toàn cầu. Có lẽ, tuyên bố có phần "ngạo nghễ" ấy có sức nặng bởi nó được thốt ra từ ông chủ ngân hàng đang nắm lượng dự trữ ngoại hối lớn nhất thế giới 2.650 tỉ USD! 

Bởi thế, có thể nhận thấy những ứng viên đến từ Trung Quốc cho chức vụ kế nhiệm Dominique Strauss-Kahn tại IMF không hề thiếu hụt hay khiếm khuyết nào cả. Đó là một dấu hiệu rất khả quan giành sự tôn trọng  từ phía các nước khác hướng tới Trung Quốc. Đây cũng là bước tiến mang tính biểu trưng của việc lạc quan hóa hệ thống các cấp tài chính thế giới nếu 24 nhà quản trị nắm giữ cổ phần của IMF có thể nhìn thấy rõ ràng và lựa chọn Trung Quốc cho vị trí điều hành tiếp theo của IMF.

Luật sư Benjamin Brafman: Tổng Giám đốc IMF Strauss-Kahn sẽ trắng án

Luật sư Benjamin Brafman (trái) và thân chủ của ông -Strauss-Kahn tại tòa án Mahattan, New York ngày 16/5/2011.

Ngay từ phiên hầu tòa đầu tiên của thân chủ mình là Tổng giám đốc IMF Strauss-Kahn, luật sư Benjamin Brafman đã khẳng định chắc nịch: "Vụ án này có thể biện hộ được". Ông cũng phát biểu trước báo giới ngày 20-5 rằng, ông rất tin tưởng thân chủ Strauss-Kahn sẽ sớm được trao trả tự do.

Cùng với nhóm luật sư lên tới 5 người, Benjamin Brafman là người bào chữa chính cho ông Strauss-Kahn trong nghi án xâm phạm tình dục đang làm xôn xao dư luận. Vốn là luật sư nổi tiếng tại Mỹ, Benjamin từng bào chữa cho rất nhiều vụ án nổi tiếng, đặc biệt đã cãi thắng cho ông hoàng nhạc pop Michael Jackson trong vụ án lạm dụng tình dục trẻ em. Lần này, thân chủ của Benjamin và những người ủng hộ đặt rất nhiều hy vọng vào tài năng của ông trong cuộc tranh tụng cam go sắp tới.

Theo nguồn tin từ người thân của Strauss-Kahn thì luật sư Benjamin Brafman chỉ xuất hiện cùng thân chủ trong các buổi tranh tụng chính thức. Từ hơn một tuần nay, luật sư Benjamin đang âm thầm ráo riết thành lập một nhóm điều tra độc lập để tìm hiểu vụ việc tại khách sạn Sofitel, tìm kiếm bằng chứng và manh mối cho phần biện hộ của mình. Ngoài việc tìm kiếm những thông tin xác thực liên quan đến diễn biến vụ việc tại khách sạn, nhóm điều tra còn tiếp xúc các đồng nghiệp, bạn bè, những nhân vật có mối quan hệ khăng khít với ông Kahn để tìm ra một cái nhìn khách quan và đầy đủ về con người và tư cách vị Tổng Giám đốc IMF.

Có vẻ như Benjamin Brafman đang từng bước vững chắc và làm chủ "thế trận". Ông vừa tung ra với báo giới một nghi ngờ về chênh lệch mốc thời gian mà người ta cáo buộc ông Kahn. Đó là việc cựu Tổng giám đốc rời khách sạn lúc 12h28', cô phục vụ vào phòng ông Kahn lúc hơn 12h,... nhưng đến tận 13h30', nhân viên khách sạn mới gọi điện trình báo với cảnh sát về vụ tấn công. Và kỳ lạ hơn, chỉ 20 phút sau cảnh sát đã có mặt tại hiện trường.

Cú điện thoại của ông Kahn gọi về khách sạn lúc 16h cho biết ông đang có mặt tại sân bay John F.Kennedy cũng chứng tỏ vị Tổng Giám đốc không có ý đồ chạy trốn. Ngay cả việc cảnh sát tức tốc ập tới sân bay dẫn ngay ông Kahn về trụ sở làm việc cũng được luật sư và một số nhà phân tích cho rằng có lẽ không hẳn cấp thiết đến vậy. Có lẽ, ông Benjamin đang hé lộ quan điểm nghi ngờ về "cái bẫy" tinh vi nhuốm màu chính trị ở đây.

Thêm nữa, theo quan điểm của Benjamin thì những vụ lùm xùm mà người ta nêu ra về quá khứ của Strauss-Kahn như để chứng minh ông này có "tiền sử cuồng dâm" là không căn cứ. Chẳng hạn là vụ "bê bối tình cảm" với đồng nghiệp người Hungary trước đây có chăng chỉ nên xếp vào chuyện "đa tình" của ngài Tổng Giám đốc chứ chưa thể "liên hệ" sang chuyện "cuồng dâm" như một số đánh giá hồ đồ.

Còn trường hợp cáo buộc của nữ nhà văn, nhà báo Tristine Banon, luật sư Benjamin đã phải cất công sang Pháp để gặp gỡ một số nhân chứng. Bởi theo ông, rất có thể đây là "cú đánh" của luật sư bên nguyên với chủ ý chứng minh Giám đốc IMF có "bề dày truyền thống" trong chuyện "ham hố tình dục".

Trước thông tin nói các công tố viên đã tìm thấy vết máu của cô phục vụ phòng và tinh dịch của Kahn trên tấm thảm khách sạn, ngay lập tức luật sư Benjamin đã lên tiếng. Ông đưa ra giả thuyết về khả năng không thể loại trừ rằng, nếu đúng như nguồn thông tin kia thì liệu có khả năng thân chủ ông và cô gái có quan hệ tính dục đồng thuận hay không?

Trong phiên tòa tuần trước, bên khởi tố khẳng định rằng các chứng cứ hiện nghiêng về lời khai của người phụ nữ. Tuy nhiên, cho đến nay chưa rõ cảnh sát đã thu được bằng chứng nào về ADN hay chưa. Phiên lấy lời khai tiếp theo sẽ diễn ra vào ngày 6/6, trong đó Strauss-Kahn sẽ đưa ra tuyên bố chính thức của bản thân đối với lời cáo buộc. Phiên xử chính sẽ được tiến hành sau vài tháng nữa.

Sau khi nộp 1 triệu USD tiền bảo lãnh, cộng thêm 5 triệu USD trái phiếu bảo đảm, hiện cựu Tổng giám đốc  IMF được giám sát cẩn mật trong căn hộ ở tòa nhà Empire Building ở số 71 đường Broadway. Ông phải đeo một thiết bị điện tử ở tay 24/24 giờ, chịu sự giám sát của camera an ninh suốt cả ngày và xung quanh căn hộ luôn có lính canh gác phòng trường hợp ông chạy trốn.

Diễn tiến của sự việc vẫn đang hồi gay cấn nhất, tuy nhiên luật sư Brafman tuyên bố với các phóng viên: "Tất nhiên không có chuyện gì chắc chắn 100%. Nhưng theo những gì tôi nắm được trong quá trình điều tra, thì ông Strauss-Kahn có thể sẽ được tha bổng. Do không phạm tội nên sớm muộn gì ông ấy cũng sẽ được tuyên trắng án".

N.H.

Nguyễn Hải
.
.