Lộ sáng đường dây làm vé tàu giả

Thứ Tư, 18/01/2012, 18:35

Ngày 12/1/2012, Công an quận 3, TP HCM đã tiếp nhận thụ lý điều tra vụ làm vé tàu giả từ Công an phường 9 chuyển giao. Thủ đoạn kể ra cũng đơn giản, nhưng không ngờ là bọn làm vé giả cũng đã lừa được hàng chục người với số tiền lên đến hàng chục triệu đồng.

Đã qua mấy ngày nhưng chị Vũ Thị Thanh Hương (24 tuổi, hộ khẩu thường trú tại xã Nghĩa Đồng, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định, tạm trú tại 8/7 đường 49B phường Thảo Điền, quận 2, TP HCM), vẫn cứ có cảm giác lo lắng. Bỗng dưng tai họa ở đâu ập đến khiến rất có khả năng chị bị lỡ kế hoạch về quê ăn Tết vì còn phải phục vụ điều tra của bên Công an.

Ngày 9/1, do thay đổi kế hoạch đi lại, chị đến ga Sài Gòn trả vé thì được nhân viên ngành đường sắt giữ lại và cho biết chiếc vé mà chị mang đến đây là vé giả! Choáng váng như bị một cơn lên huyết áp. Chị sững sờ. Nhìn kỹ lại tấm vé: chiếc vé chị mua có số seri 0369867, đi chuyến tàu TN5, chiều đi vào từ thành phố Vinh tỉnh Nghệ An vào TP HCM, ngày bán 20/12/2011, ngày đi 28/1/2012, xuất phát lúc 20h57', vị trí toa 2 ghế mềm điều hòa số 8. Giá vé là 853 ngàn đồng. Chị mượn vé của hành khách đang vào ga để so: Hoàn toàn không khác bất cứ điều gì giữa hai tấm vé! Cũng trên cái nền có hoa văn màu hồng ấy, các màu mực cũng giống nhau. Và vé của chị cũng có mã số mã vạch chống vé giả.

Nhưng lãnh đạo ngành đường sắt đã chỉ ra chi tiết, chiếc vé thật ghi tên hành khách không có dấu tiếng Việt, trong khi cái tên Hương của chị thì có chữ ư, chữ ơ đầy đủ trong vé! (Sau này chị được tận mắt thấy  thêm các tờ vé thật đều có một dãy số mã vạch khác nhau, trong khi mấy chục chiếc vé giả đều có cùng một dãy số mã vạch như của chị). Chị Hương đành theo các anh Công an phường 9, quận 3 về phường để làm bản tường trình. Chị chỉ biết, chiếc vé này được người cô của chị tên là Khoa mua cho, chứ chị không biết gì hơn.

Ngay 13h cùng ngày, một người thanh niên đã đến Công an phường 9, quận 3 nộp 19 chiếc vé tương tự vé của chị Hương. Người này tên là Trần Trung Hiếu, 24 tuổi, hộ khẩu thường trú đường số 7, khu phố 1, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức. Hiếu cho biết, bà Khoa đã thông báo cho anh là những chiếc vé mà anh đang bán là vé giả. Hoảng hốt, Hiếu vội mang vé lên nộp cho Công an. Hiếu khai, toàn bộ số vé 51 chiếc anh mua của một phụ nữ tên là Trần Nữ Hồng Nhung.

Chiếc vé thật (trái) và vé giả (phải) bằng mắt thường rất khó phân biệt vì gần như hoàn toàn không khác nhau. Tuy nhiên những chiếc vé giả, ở dãy số dưới chân mã vạch đều giống nhau, do cùng một tấm vé được scan ra.

Ngay lập tức, Trần Nữ Hồng Nhung được mời về Cơ quan Công an làm việc và từ đây hé lộ ra một đường dây ín ấn vé giả để bán ra thị trường. Trần Nữ Hồng Nhung, 25 tuổi, có hộ khẩu thường trú tại số nhà 29/11/8 đường Đỗ Nhuận, phường Sơn Kỳ, quận Tân Phú, đang tạm trú tại 118/2B đường Lê Trọng Tấn, phường Tây Thạnh cùng quận. Nhung là đối tượng không có việc làm ổn định. Nhung khai biết việc ngày tết người về quê mua vé rất khó khăn, nên nảy sinh ý định làm ăn bất chính. Nhớ lại có quen biết với Trần Bá Dũng làm nghề in, ngày 12/2/2011 Nhung đi lấy một chiếc vé thật và đặt vấn đề in cho Nhung một số lượng lớn để tung ra tiêu thụ. Ban đầu Dũng cũng đắn đo. Vì làm như vậy là phạm pháp, là rất mạo hiểm. Nhưng trước mồi nhử là tiền, cuối cùng gã thợ in cũng phải xiêu.

Quy trình làm vé giả vô cùng đơn giản nhưng đã lừa được khá nhiều người. Dũng chỉ cần quét (scan) tấm vé thật, đưa vào photoshop chỉnh sửa sao cho giống, điền tên người rồi dùng máy in màu in ra. Thế là xong! Chỉ vài thao tác đơn giản, Dũng đã có ngay 2,6 triệu đồng do Nhung trả. Khi khám xét nơi làm việc của Dũng, Công an đã thu giữ được chiếc USB trong đó gã thợ in này đã lưu các mẫu vé đã scan để in ra, cùng với một số vật dụng phục vụ cho việc làm ra vé giả.

In xong, Nhung gọi Trần Trung Hiếu đến. Vé vào ra dịp tết quá hiếm, nên khi thấy xấp vé, Hiếu chộp lấy ngay. Nhung đã bán cho Hiếu 51 vé với số tiền là 78 triệu đồng, lấy trước 41 triệu đồng. Đa số vé giả này đều được in tuyến đường xa, nên giá vé rất cao, từ 850 ngàn đồng đến 1,5 triệu đồng/vé, đa số là vé ngồi mềm điều hòa. Số tiền thì ghi đúng bằng mệnh giá trên vé thật, nhưng khi bán cho Hiếu, Nhung lấy chênh lệch 170 ngàn đồng/vé cho chiều đi ra và 190 ngàn đồng/vé cho chiều đi vào. Vì nhu cầu, ngay lập tức đã có nhiều người sập bẫy của cách làm ăn gian dối này.

Chỉ trong một thời gian rất ngắn, Hiếu đã nhanh chóng bán được 32 chiếc vé, thu về số tiền trên 20 triệu đồng. Số 19 chiếc còn lại, theo Hiếu, chỉ trong vài ngày nữa là sẽ bán hết. Như vậy hiện nay còn rất nhiều nạn nhân của Nhung và Hiếu chưa hề biết việc mình bị lừa bán vé giả.

Những kẻ phạm tội cho biết, ý nghĩ ban đầu là chỉ làm một phi vụ rồi biến, tết năm sau khi tất cả đã xóa dấu vết và chìm vào quên lãng, sẽ làm lại. Tuy nhiên chưa kịp hô biến, phi tang thì hành vi gian lận và lừa đảo đã bị phát hiện. Hiện Nhung, Dũng và Hiếu đang được tạm giữ để phục vụ điều tra. Một lãnh đạo Công an quận 3 cho biết, khả năng trường hợp này sẽ bị khởi tố với tội danh sản xuất và tiêu thụ hàng giả.

Theo Trung tá Lâm Văn Phương, Trưởng Công an phường 9, quận 3, đây là lần đầu tiên cơ quan chức năng phát hiện và bắt giữ được cả một đường dây làm vé tàu giả. Năm 2011, Công an phường 9 cũng phát hiện hơn 10 vé giả nhưng không tìm ra được đường dây phạm tội. Còn hiện tại, Công an quận 3 vẫn đang theo dõi một đường dây làm vé tàu giả quy mô còn lớn hơn đường dây của Trần Nữ Hồng Nhung. Nhóm này làm vé giả và tung ra cho đám cò vé trước ga Sài Gòn lừa bán cho khách.

Trước tình trạng xuất hiện vé tàu giả, từ ngày 14/1, ga Sài Gòn bắt đầu kiểm tra tên hành khách đi tàu và tên in trên vé. Nếu hành khách có tên trên vé không trùng khớp với CMND (hoặc các giấy tờ tùy thân khác) sẽ bị từ chối lên tàu và nhà ga không trả lại tiền vé. Với hành khách đi theo gia đình, theo đoàn nhưng không trùng tên trên vé thì có thể đến ga trước giờ tàu chạy 24 giờ để làm thủ tục đổi tên, đổi số CMND

Tiến Hùng
.
.