Loay hoay Brexit!

Thứ Hai, 27/05/2019, 15:08
Thủ tướng Anh Theresa May ngày 21-5 đã kêu gọi các bên cùng thỏa hiệp để hoàn thành Brexit trong bối cảnh bà chuẩn bị đệ trình một dự thảo “thỏa thuận mới” trước Quốc hội, bao gồm cơ hội để tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý lần 2 nhằm phá vỡ thế bế tắc về Brexit.

Dự thảo Brexit mới mà Thủ tướng Anh Theresa May sắp đệ trình Quốc hội được xem là nỗ lực cuối cùng nhằm cứu vớt số phận một thỏa thuận từng 3 lần bị bác bỏ tại cơ quan lập pháp của Anh. Trong những gì được coi là một quân bài hay con xúc xắc cuối cùng tung ra, bà May đang muốn luật hóa văn bản này để giúp đưa thỏa thuận Brexit thành luật pháp trình Quốc hội Anh vào đầu tháng 6-2019.

Tuy nhiên, không phải “muốn là được”, khó khăn vẫn đang bủa vây chủ nhân của số 10 phố Downing. Cho đến nay, Công đảng đối lập chính ở Anh tuyên bố sẽ không ủng hộ nỗ lực mới nhất của bà Theresa May và bế tắc này đang đe dọa tiếp tục đẩy Brexit vào ngõ cụt.

Động thái trên cho thấy bà May đang gia tăng nỗ lực cuối cùng nhằm giành được sự ủng hộ của Quốc hội - tổ chức vốn đang bị chia rẽ sâu sắc - đối với thỏa thuận Brexit. Giới phân tích cho rằng, thành công của nỗ lực lần thứ 4 này sẽ giúp bà May khôi phục “di sản” của một lãnh đạo từng cam kết chèo lái để đưa đất nước đang bị chia rẽ sâu sắc trải qua giai đoạn chuyển đổi mang tính chiến lược và có ảnh hưởng sâu rộng nhất trong nhiều thế hệ qua. Bà May cũng tuyên bố sẽ rời nhiệm sở ngay sau khi các biện pháp mới bà đề ra được đưa ra cuộc bỏ phiếu vào đầu tháng tới, cho dù kết quả như thế nào.

Với dự luật mới bao gồm cả những đảm bảo mới về quyền của người lao động, bảo vệ môi trường và đảm bảo cuối cùng trên đường biên giới Ireland, cũng như một “thỏa hiệp” về hải quan mà các nghị sĩ vẫn tiếp tục từ chối, Thủ tướng Anh cảnh báo việc rời EU trong đàm phán sẽ bị “chết đuối” và Brexit có thể bị chặn lại. Các nghị sĩ Anh đã 3 lần bác bỏ thỏa thuận Brexit mà Thủ tướng May đã đàm phán với EU.

Trong những gì được coi là một quân bài hay con xúc xắc cuối cùng tung ra, bà May đang muốn luật hóa thỏa thuận Brexit để giúp đưa thỏa thuận này thành luật pháp trình Quốc hội Anh vào đầu tháng 6-2019. Thủ tướng Anh đã thừa nhận rằng bế tắc đối với Brexit có thể “ăn mòn” nền chính trị Anh, thậm chí ngăn chặn tiến bộ trong các lĩnh vực khác.

Thủ tướng Anh kêu gọi lãnh đạo Công đảng đối lập gạt bỏ những bất đồng nhằm đạt được một thỏa thuận Brexit cuối cùng.

Bà May gọi những gì đưa ra trong thỏa thuận mới là “những thay đổi mới đáng kể”. Thế nhưng, con thuyền Brexit của bà có vẻ vẫn “chưa thể xuôi chèo mát mái” khi nhiều nghị sĩ có quan điểm cứng rắn đã quyết định không tham gia bỏ phiếu vào tháng 6 tới đối với dự luật mới về việc Anh rời EU. Khi đưa ra khả năng tiến hành trưng cầu dân ý lần 2 cũng như nhượng bộ về các thỏa thuận hải quan, bà May hy vọng sẽ “lấy lòng” được các nghị sĩ Công đảng đối lập, những người nắm giữ số phiếu cần thiết để bù đắp lại số phiếu thiếu hụt do chính thành viên trong đảng Bảo thủ của bà phản đối.

Tuy nhiên, lãnh đạo Công đảng Jeremy Corbyn tuyên bố đảng của ông sẽ không bỏ phiếu cho dự luật mới của bà May, miêu tả đề xuất mới của thủ tướng “cơ bản là bản cũ soạn lại” những gì mà chính phủ và đảng đối lập đã thảo luận song không đi đến thống nhất.

Bên cạnh đó, một số nghị sĩ hàng đầu của đảng Bảo thủ theo chủ nghĩa hoài nghi châu Âu như cựu Bộ trưởng Brexit David Davis và Jacob Rees-Mogg cũng tuyên bố sẽ không bỏ phiếu cho dự luật mới. Cựu Ngoại trưởng Boris Johnson và cựu Bộ trưởng Brexit Dominic Raab, vốn là ứng viên sáng giá trong nội bộ đảng Bảo thủ để thay thế bà May, cũng cho biết họ sẽ phản đối dự thảo mới.

Đảng Hợp nhất Dân chủ (DUP) của Bắc Ireland, vốn ủng hộ chính quyền của bà May, cho rằng dự thảo mới về Brexit vẫn chứa đựng những “khiếm khuyết chết người”. Đảng này lo sợ thỏa thuận “ly hôn” này có thể sẽ chia tách Bắc Ireland ra khỏi phần còn lại của Vương quốc Anh.

Động thái mới nhất của bà May - hướng tới một lực lượng mà nhiều người miêu tả là giới nghị sĩ muốn “ở lại” EU - cho thấy sự thay đổi quan điểm của nữ thủ tướng vốn trước kia luôn bác bỏ một cuộc trưng cầu dân ý thứ 2 và ở lại liên minh thuế quan với EU. Bà May có thể đang dựa trên thực tế rằng Quốc hội, vốn sẽ phải ủng hộ bất kỳ cuộc trưng cầu dân ý mới nào, lâu nay luôn phản đối bất kỳ cuộc bỏ phiếu công khai lần 2 nào và rằng một liên minh thuế quan “tạm thời” có thể đủ yếu để một số thành viên trong đảng của bà chấp thuận.

Tuy nhiên, điều này cũng cho thấy chiến lược trước đó của bà May nhằm duy trì lực lượng ủng hộ Brexit trên một chiến tuyến đã thất bại như thế nào. Nỗ lực cuối cùng nhằm giành được sự ủng hộ của các nghị sĩ Công đảng đối lập là quá muộn màng và không thấm vào đâu như một số ý kiến bình luận.

“Đó chỉ là một mánh lới của một vị thủ tướng tuyệt vọng vốn đã không còn cách nào để xoay xở, từ chối thỏa hiệp và đã bị gạt ra rìa quốc hội và đất nước trong vòng 3 năm qua”. Các nghị sĩ đảng Bảo thủ ủng hộ Brexit cũng có chung quan điểm.

Cựu bộ trưởng trong chính quyền David Jones, đã miêu tả thông điệp của bà May là “không thể chấp nhận được”, cho rằng động thái  diễn ra trước thềm bầu cử Nghị viện châu Âu (EP) bắt đầu từ ngày 23-5 sẽ chỉ giúp kích động sự ủng hộ đối với Brexit của thủ lĩnh Nigel Farage vốn có tư tưởng hoài nghi châu Âu lâu nay.

Một yếu tố khác đang bị Brexit chi phối lớn là việc Anh vẫn còn là một thành viên EU, có nghĩa là “xứ sở sương mù” vẫn có nghĩa vụ tham gia cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu (EP). Phải chiến đấu trong cuộc bầu cử là một thảm họa chính trị đối với Thủ tướng Anh Theresa May.

Các cuộc thăm dò cho thấy đảng Bảo thủ của bà sẽ xếp ở vị trí thứ tư đầy bẽ bàng khi chỉ nhận được 13% phiếu bầu trong khi các lực lượng ủng hộ EU lại tiếp tục bị chia rẽ. Kết quả này có thể “vô cùng bất lợi” đối với vị trí Thủ tướng của bà May.

Quang Nguyễn (tổng hợp)
.
.