Lợi dụng dịch bệnh, tung tin chống phá Đảng, Nhà nước

Thứ Tư, 25/03/2020, 11:15
Đại dịch COVID-19 đang gây mối họa lớn trên toàn cầu. Các quốc gia đang bằng mọi cách phòng chống, ngăn ngừa. Thế nhưng, lợi dụng sự nguy hiểm và diễn tiến phức tạp của dịch bệnh, ở Việt Nam, nhiều đối tượng đã phao tin, bịa đặt nhằm gây hoang mang trong dân chúng, từ đó hướng lái chống phá Đảng, Nhà nước.


Phao tin, gây nhiễu để chống phá

Lợi dụng sự quan tâm của dư luận về một vấn đề, sự kiện xảy ra trong nước hoặc thế giới để châm ngòi, tạo ra “bão” chỉ trích, từ chỉ trích cá nhân, tập thể đến hướng lái nguyền rủa, miệt thị chế độ, đó là thủ đoạn khá cũ của những đối tượng thường tự nhận “quan điểm khác”.

Trước diễn tiến hết sức nguy hiểm của dịch bệnh COVID-19, những người này đã tham gia ngay từ đầu, lợi dụng hoàn cảnh để tạo và lan truyền thông tin ở mọi khía cạnh, gây hoảng loạn trong dân chúng.

Thứ nhất, khai thác triệt để tính năng của mạng xã hội như bình luận, chia sẻ hay livestream trên các tài khoản cá nhân hoặc trên các hội nhóm. Họ đưa ra những bài viết, video clip với tiêu đề giật gân, gây sốc, liên quan đến những người, số lượng người nhiễm bệnh hoặc tử vong tại các địa phương. Các đối tượng này thậm chí còn phát tán những thông tin “hướng dẫn điều trị, chữa trị bệnh tại nhà”, tẩy chay, không tuân thủ hướng dẫn của Bộ Y tế về phòng chống dịch bệnh. Tạo ra những thông tin thất thiệt, đánh vào tâm lý lo lắng của người dân.

Thông tin bịa đặt trên facebook của một cá nhân.

Khi con số bệnh nhân dừng ở mức 16, trên mạng internet xuất hiện nhiều bài viết, bình luận đặt nghi ngờ “liệu con số có xác thực”... Đặt so sánh với số người nhiễm và tử vong rất lớn ở Trung Quốc, họ cho rằng Việt Nam có chung đường biên giới với nước bạn rất dài, từ đó ám chỉ chính quyền che giấu thông tin, bưng bít về số người bị nhiễm và tử vong(?) Một số ca tử vong chưa rõ nguyên nhân, sau khi cơ quan y tế công bố âm tính với COVID-19 thì họ tìm cách chọc ngoáy, cho rằng đó là ca bệnh tử vong vì dịch COVID-19 nhưng “bị bưng bít”!

Nhiều người còn giả tạo ra những tin úp mở kiểu như “nghe nguồn tin cậy của người trong ngành Y tế” hay “xem được báo cáo mật”, từ đó gây hoang tin. Kiểu tạo ra lý do rò rỉ thông tin hay “nguồn riêng” như vậy dễ đánh vào tâm lý tò mò, hóng tin của người dân, khi tung lên Facebook, các diễn đàn mạng thì ngay lập tức nhận được chia sẻ của hàng loạt cá nhân. Tốc độ lan truyền rất nhanh và qua mỗi người lại được thêm thắt hoặc cắt xén, tạo ra sự hỗn độn khó kiểm soát. 

Cũng với chiêu tung tin hư thực lẫn lộn này, có đối tượng còn tự bịa tin của người trong cuộc, của cơ quan chức trách để “cảnh báo” người dân song thực chất là nhằm gây lo lắng, hoảng sợ trong công chúng.

Chẳng hạn, khi số bệnh nhân tăng lên kể từ ca bệnh số 17, xuất hiện nội dung tin sau: “GS Bách, thành viên BCĐ phòng chống dịch bệnh cho biết: Chúng ta chỉ có tầm 4-6 ngày để nó chuyển giai đoạn từ 30 ca lên mức 100-500 ca! Và khoảng 8-12 ngày (sau khi thiết lập mốc 500) để lên mức 1.000-5.000 ca! Rất cần truyền thông để bà con ở nhà! Hạn chế đi lại 1 tuần để đợt sóng này biểu hiện lâm sàng hết và khoanh lại!!! Rất ngắn ở mức này”.

Bộ Y tế sáng 9-3 cho biết, đây hoàn toàn là tin giả (fake news), vì trong thành phần của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch không ai có tên là Bách. Cá nhân PGS.TS Trần Xuân Bách cũng xác nhận không đưa thông tin này, đây là tin giả mạo, ông đề nghị mọi người xóa và không chia sẻ (share).

Nhiều đối tượng cũng lợi dụng tình hình dịch bệnh để tung tin thất thiệt hoặc đưa những thông tin thiếu tính xác thực, chưa được kiểm chứng, phỏng đoán theo quan điểm, nhận thức cá nhân nhằm câu view, câu like, gây hoang mang trong dư luận xã hội. Ví dụ như việc, các đối tượng đã tung tin sai lệch việc bệnh nhân thứ 17 tham dự khai trương một hãng thời trang tại phố Phạm Ngọc Thạch, TP Hà Nội (nhưng thực chất bệnh nhân đã được cách ly từ ngày hôm trước); xuyên tạc chính quyền đã chuẩn bị lò hỏa thiêu cho các địa phương; các tuyến phố ở TP Hồ Chí Minh bị cách ly, cô lập hoàn toàn; chế hình ảnh chụp lại màn hình từ của một tài khoản Facebook được cho là của cô gái nhiễm bệnh với dòng trạng thái “bệnh tình rất yếu, suy kiệt sức khỏe và xin lỗi người dân cả nước”... Việc chế ảnh, bịa đặt thông tin như trên nhằm tạo tâm lý hoang mang, hỗn loạn trong dân chúng.

Cơ quan Công an làm việc với trường hợp phao tin bịa đặt về dịch Covid-19.

Thứ hai, tạo áp lực, đưa ra các yêu sách. Bằng cách lập ra các cuộc thăm dò ý kiến trên mạng (poll), các đối tượng tạo ra những luồng thông tin nhằm gây áp lực với chính quyền trong nhiều khía cạnh khác nhau như yêu cầu “đóng cửa biên giới với Trung Quốc”, yêu cầu những doanh nghiệp, các công ty, khu công nghiệp có yếu tố người nước ngoài thuộc các quốc gia có nhiều người nhiễm bệnh như Nhật Bản, Trung Quốc hay Hàn Quốc phải đóng cửa.

Chính những điều này đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến công tác sản xuất, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, cá nhân trong nước. Thậm chí, có đối tượng còn vin cớ dịch bệnh đòi phải thả những phạm nhân bị phạt tù về các tội xâm phạm an ninh quốc gia (số chống đối ngụy biện dưới tên gọi tù nhân lương tâm).

Thứ ba, lợi dụng chống phá Đảng, Nhà nước, hướng lái việc cá nhân thành vấn đề của xã hội, của chế độ. Cùng với việc những cá nhân tung tin thất thiệt ở trong nước thì số phản động lưu vong như Việt Tân, Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời, VOICE... và các đối tượng chống đối tăng cường tạo, phát tán thông tin có nội dung chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ XHCN.

Các đối tượng và tổ chức này sẵn sàng chi hàng nghìn USD để thực hiện các quảng cáo chính trị trên Facebook nhằm tuyên truyền, xuyên tạc về tình hình dịch bệnh tại Việt Nam. Khi yêu cầu đóng cửa biên giới Việt - Trung không được đáp ứng, chúng quay sang phê phán, nói rằng việc không đóng cửa biên giới là bằng chứng cho thấy “sự lệ thuộc” của Việt Nam. Từ đó, chúng viết bài bôi nhọ lãnh đạo Đảng, Nhà nước.

Trong mấy ngày qua, khi các ca bệnh dương tính với COVID-19 gia tăng, nhất là liên quan một số cá nhân giữ chức vụ lãnh đạo trở về từ nước ngoài trên chuyến bay VN0054 từ Anh về Việt Nam, các thế lực xấu đã lợi dụng để công kích, chống phá chế độ. Bằng việc liệt kê khai báo y tế của cá nhân người bệnh sau khi trở về từ chuyến bay nói trên, dư luận chỉ trích lối sống xa hoa, lãng phí, tiêu tiền ngân sách, đồng thời gây hệ lụy đến xã hội.

Đặc biệt là liên quan ca bệnh số 21, trên mạng xuất hiện và chia sẻ rất nhiều bài viết chỉ trích và so sánh lối sống với công việc “nghiên cứu lý luận vô sản” nhằm tạo ra sự tương phản. Nguy hại nhất là từ việc chỉ trích lối sống của cá nhân mà họ tìm cách quy chụp, cho rằng đó là “bức tranh chung” của cán bộ, đảng viên hiện nay...

Liên quan đến ca bệnh số 17, khi người dân phản ứng về sự vô ý thức của người này dẫn tới bệnh lây nhiễm ra người khác thì một số đối tượng lại đá xoáy, cho rằng cô ta chỉ là “con dê tế thần” để giúp Chính phủ Việt Nam nhận tiền tài trợ từ nước ngoài, hợp thức hóa cho việc bùng phát bệnh dịch không phải do người Trung Quốc nhập cảnh vào Việt Nam gây ra.

Tựu trung, phương thức, thủ đoạn của các đối tượng là: Thiết lập nhiều trang mạng, hội nhóm, tài khoản Facebook... để tán phát, chia sẻ các bài viết, hình ảnh, video có nội dung xuyên tạc, bịa đặt, kích động về tình hình dịch bệnh tại Việt Nam. Nhiều trường hợp do thiếu hiểu biết đã góp nhặt, chia sẻ những thông tin sai sự thật, thậm chí là thông tin của các trang mạng phản động trên trang Facebook cá nhân, vô tình tiếp tay cho việc lan truyền thông tin sai sự thật trên không gian mạng.

Bên cạnh đó, có nhiều trường hợp đăng tin nhằm câu view, câu like, tăng sự tương tác, thể hiện cái tôi của mình và phục vụ mục đích bán hàng online... Thông qua chính sách mua quảng cáo trên nền tảng công nghệ Facebook, nhiều tổ chức, cá nhân phản động ở nước ngoài đã chi kinh phí để chạy quảng cáo các nội dung xuyên tạc tình hình dịch bệnh tại Việt Nam, cố tình đưa tin sai sự thật nhằm công kích Chính phủ Việt Nam yếu kém trong xử lý dịch bệnh, miệt thị cán bộ, chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ XHCN.

Cơ quan Công an làm việc với trường hợp phao tin bịa đặt về dịch Covid-19.

Tỉnh táo gạn lọc thông tin

Theo thống kê của lực lượng Công an, từ khi xuất hiện dịch bệnh COVID-19 đến ngày 13-3, trên không gian mạng đã có khoảng 300.000 tin, bài đăng trên các trang thông tin điện tử, blog, diễn đàn; khoảng 600.000 tin, bài, video clip liên quan đến dịch bệnh đã đăng trên mạng xã hội. Trong đó có rất nhiều tin, bài có nội dung chưa được kiểm chứng, xuyên tạc, sai sự thật, thu hút hàng triệu lượt bình luận, chia sẻ.

Điều 8, Luật An ninh mạng quy định các hành vi bị nghiêm cấm, trong đó nghiêm cấm thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác...

Nắm bắt tình hình thông tin trên mạng diễn biến phức tạp, lãnh đạo Bộ Công an chỉ đạo Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an các đơn vị, địa phương phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng điều tra, xác minh, làm rõ các trường hợp đăng tải thông tin sai lệch trên mạng, đấu tranh xử lý theo quy định của pháp luật. Cơ quan chức năng đồng thời yêu cầu gỡ bỏ hoặc đính chính những thông tin sai trái nói trên.

Bên cạnh đó, lực lượng cũng phối hợp với các nhà cung cấp dịch vụ để gỡ bỏ thông tin sai sự thật. Đến nay, Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã phối hợp với công an các địa phương tổ chức xác minh, đấu tranh với hơn 600 trường hợp thông tin sai sự thật trên không gian mạng và đã xử phạt hành chính trên 140 đối tượng, trong đó có một số nghệ sĩ và những người có ảnh hướng đối với xã hội.

Công tác xử lý các đối tượng phát tán thông tin giả, thông tin sai sự thật cũng gặp không ít khó khăn bởi hầu hết những thông tin này chủ yếu được đăng tải trên mạng xã hội. Các đối tượng chỉ cần có thiết bị kết nối mạng và cú click chuột là đã có thể đăng tải bất kỳ thông tin gì, bất cứ lúc nào. Với những tính năng sẵn có của mạng xã hội, đặc biệt là tính năng chia sẻ, các đối tượng có thể phát tán thông tin tức thời tới rất nhiều hội nhóm, trong đó có các hội nhóm rất lớn, có hàng chục nghìn thành viên. Do vậy, việc kiểm soát, ngăn chặn tin giả rất khó khăn đối với các cơ quan quản lý và các nhà cung cấp dịch vụ.

Trong khi cả nước đang bằng mọi biện pháp nỗ lực ngăn ngừa, chống dịch COVID-19 thì hành vi tung tin thất thiệt, bôi nhọ, miệt thị từ cá nhân đến tổ chức đảng, chính quyền là vi phạm pháp luật, gây hoang mang, hỗn loạn trong dân chúng, ảnh hưởng đến việc chỉ đạo, điều hành chống dịch của Nhà nước. Đồng thời, xét về phạm trù đạo đức, hành vi lợi dụng dịch bệnh để chống phá là vô lương, không thể biện minh sự đùa cợt, chế giễu hay vụ lợi cá nhân trên tính mạng, sức khỏe, nỗi đau thương, mất mát của con người.

Với người dân, trên không gian mạng và trong đời sống, điều cần thiết là tỉnh táo, tiếp nhận thông tin từ báo chí, cơ quan chức năng và gạn lọc những thông tin sai trái, thất thiệt, không chia sẻ, lan truyền tin độc hại.

Nguyễn Thành
.
.