Lời giã biệt mang hương vị cay đắng của Tổng thống Obama

Thứ Hai, 16/01/2017, 17:00
Ngày 10-1-2017, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã có bài diễn văn từ biệt người dân sau 8 năm cầm quyền. Trong suốt hai nhiệm kỳ ở Nhà Trắng, ông Obama đã làm được nhiều điều cho nước Mỹ và thế giới nhưng ông cũng đã khiến nước Mỹ bị chia rẽ và một trong những di sản lớn nhất của ông giờ đang bị chính quyền kế nhiệm đòi hủy bỏ.

Chỉ một ngày trước khi ông Obama đọc diễn văn tạm biệt, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump ngày 9-1, yêu cầu các nghị sĩ đảng Cộng hòa của ông ngay lập tức hủy bỏ và thay thế Obamacare (Đạo luật chăm sóc sức khỏe hợp túi tiền) do chính quyền Barack Obama đề xướng vào năm 2010.

Trả lời phỏng vấn báo New York Times, ông Trump nhấn mạnh: “Chúng ta phải bắt tay vào việc. Obamacare là một thảm họa”. Ông Trump cho biết thêm, ông muốn tiến hành cuộc bỏ phiếu bãi bỏ đạo luật y tế Obamacare vào tuần tới và sẽ không chấp nhận trì hoãn tới vài tuần cho việc tìm kiếm một đạo luật thay thế.

Ông Obama xúc động rơi nước mắt trên bục diễn thuyết ở Chicago tối 10-1-2017.

Đạo luật Obamacare giúp nhiều người Mỹ được tham gia các chương trình bảo hiểm thông qua chương trình Medicaid dành cho người nghèo và thông qua một sàn giao dịch bảo hiểm trực tuyến. Bên cạnh đó, các gia đình và cá nhân sẽ nhận được trợ cấp để có đủ khả năng chi trả cho các gói bảo hiểm.

Nhưng đảng Cộng hòa của ông Donald Trump coi việc loại bỏ Obamacare là một trong những ưu tiên hàng đầu. Có rất nhiều lý do để đảng Cộng hòa tin tưởng tại sao cử tri Mỹ cho họ cơ hội điều khiển cả hành pháp lẫn lập pháp. Một trong những lý do thường được nói tới là người dân Mỹ không hài lòng với Obamacare, muốn bỏ hẳn đạo luật được xem là “di sản chính trị” của Tổng thống mãn nhiệm (phe Dân chủ) Barack Obama.

Từ năm 2010, các nhà lập pháp thuộc đảng Cộng hòa đã thực hiện hơn 50 cuộc bỏ phiếu về chương trình chăm sóc sức khỏe này nhằm tìm cách xóa bỏ hoàn toàn hoặc sửa đổi một phần với lý do Obamacare cho phép Chính phủ Mỹ can thiệp quá sâu vào thị trường bảo hiểm sức khỏe, lãng phí ngân sách và gây tổn hại cho tăng trưởng việc làm vì buộc nhiều doanh nghiệp phải mua bảo hiểm cho người lao động khi tuyển dụng.

Ngay từ khi cuộc vận động tranh cử tổng thống 2016 khởi động, yêu cầu loại bỏ đạo luật này được nhắc lại nhiều. Theo lời ứng cử viên Donald Trump khi đó, “Obamacare là đạo luật tệ nhất, chẳng giúp được gì cho người dân”. Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan thì tuyên bố “hủy bỏ Obamacare là điều phải làm ngay tuần lễ đầu tiên”.

Còn Thượng nghị sĩ phe đa số Mitch McConnell nói: “Cử tri chọn chúng ta (Cộng hòa) vì họ mong muốn bãi bỏ Obamacare”, trách nhiệm của quốc hội Cộng hòa là “phải làm điều cử tri đã mong đợi từ năm 2010 đến giờ”. Ðiều này cũng được ông McConnell nhắc đi nhắc lại nhiều lần sau khi gặp Tổng thống đắc cử Trump, xem đó là mục tiêu đầu tiên và quan trọng nhất để đảng đương quyền làm hài lòng những người ủng hộ.

Đối mặt với một trong những di sản mà mình gây dựng suốt 8 năm qua có thể biến mất sau khi ông Trump lên nhậm chức, Tổng thống Barack Obama khẳng định: “Nếu như bất kỳ ai có kế hoạch thực sự tốt hơn những gì chúng ta đạt được về hệ thống chăm sóc sức khỏe, thì tôi sẵn sàng công khai ủng hộ nó”.

Khẳng định với kênh ABC ngày 8-1-2017, Tổng thống Obama nói ông không cảm thấy khó chịu khi đảng Cộng hòa đang tạo ra những thay đổi đối với đạo luật chăm sóc sức khỏe, thậm chí ngay cả khi họ có thể đổi tên nó từ ObamaCare sang TrumpCare.

Bỏ Obamacare là điều được phe Cộng hòa ủng hộ, nhưng có điều chính họ cũng đang âu lo là bỏ thì dễ, nhưng lấy gì thay thế. Theo lời Thượng nghị sĩ độc lập Bernie Sanders, “trong những năm qua, ngày nào tôi cũng nghe nói tới bãi bỏ Obamacare, nhưng tôi chưa thấy họ (phe Cộng hòa) đưa ra một kế hoạch nào để thay thế cho Obamacare cả”.

Ông Sanders nói tiếp “đến giờ, theo tôi hiểu, cánh Cộng hòa vẫn chưa đồng ý với nhau về kế hoạch thay thế cho Obamacare”, đồng thời nhấn mạnh rằng chính điều này “khiến những người đang được hưởng bảo hiểm y tế qua chương trình Obamacare âu lo vì không biết số phận của họ sẽ được định đoạt ra sao, có bị mất bảo hiểm y tế đang có hay không?”.

Ngay bản thân một số nghị sĩ Cộng hòa cũng bày tỏ lo âu về chương trình thay thế Obamacare của ông Trump. Trước mối lo của cử tri lẫn của các vị dân cử cùng đảng, Thượng nghị sĩ John Thune, nhân vật đứng thứ ba trong hệ thống lãnh đạo đảng Cộng hòa ở Thượng viện, cho biết có thể Obamacare “sẽ được bãi bỏ từng bước một, mỗi bước sẽ có đề nghị thay đổi đi kèm. Ðây là một đạo luật dày tới 2.700 trang, có muốn vội vã cũng không được”.

Ðiều đó có nghĩa là Thượng viện sẽ không thể hoàn tất thủ tục hủy bỏ Obamacare vào ngày 27-1-2017 như dự tính, nhưng bao giờ mới thật sự hủy bỏ luật này thì chưa rõ. Có tin nói trong những cuộc thảo luận riêng, các thượng nghị sĩ Cộng hòa ủng hộ ý kiến nên dời ngày hoàn tất bỏ phiếu vào đầu tháng 3-2017 để đủ thì giờ soạn một dự luật mới, thay thế cho luật Obamacare.

Trong khi đó ở Hạ viện, các nghị sĩ đảng Cộng hòa cũng bối rối chẳng kém. Tuần trước, Chủ tịch Hạ viện (người của đảng Cộng hòa) Paul Ryan và dàn cố vấn của Tổng thống đắc cử Trump gặp nhau cũng chỉ để thảo luận kế hoạch hủy bỏ và thay thế Obamacare.

Theo tin hành lang Hạ viện Mỹ, “cuộc họp kéo dài nhiều giờ đồng hồ đó kết thúc mà không đạt được kết quả nào cả” sau khi ông chủ tịch Hạ viện giải thích “khi tranh cử tổng thống, ông Trump có hứa sẽ giảm thuế, hứa cắt giảm chi tiêu để quốc gia không gánh thêm nợ nần, như thế lấy tiền đâu để khấu trừ thêm thuế cho những ai mua bảo hiểm y tế?”.

Thượng nghị sĩ trưởng khối thiểu số Dân chủ Charles Schumer lên tiếng kêu gọi các đồng viện Cộng hòa “bình tĩnh, đừng quá vội vã”, nhắc lại “hiện đang có hơn 20 triệu người có bảo hiểm y tế nhờ Obamacare, không một người dân nào muốn chính phủ gây thiệt thòi cho họ”.

Các chuyên gia y tế và giới quan sát cảnh báo, việc hủy bỏ chương trình này sẽ dẫn tới việc các công ty bảo hiểm rút khỏi thị trường và tiềm ẩn nguy cơ gây bất ổn xã hội rất lớn. Ông Schumer cho rằng trước khi hủy bỏ Obamacare, cánh Cộng hòa phải cho mọi người biết kế hoạch của họ như thế nào, trước khi cánh Dân chủ quyết định có cộng tác để cùng thông qua luật mới hay không.

“Họ (Cộng hòa) muốn hủy bỏ Obamacare, chúng tôi (Dân chủ) không muốn thấy điều đó. Trách nhiệm của họ là phải trình bày kế hoạch cho mọi người thấy Obamacare sẽ được thay thế như thế nào, có lợi hơn ở những điểm nào”. Ông Schumer nói tiếp: “Việc đảng Cộng hòa nằng nặc đòi hủy bỏ Obamacare không giúp nước Mỹ vĩ đại hơn (như Tổng thống đắc cử Donald Trump đã hứa) mà chỉ khiến nước Mỹ (có nhiều người) bệnh tật hơn”.

Ông còn bảo thêm đã nói chuyện với từng thượng nghị sĩ cùng đảng, tất cả đều đồng ý sẵn sàng hợp tác với đảng Cộng hòa “nếu họ đưa ra kế hoạch hợp lý. Nhưng chúng tôi không ngồi yên nhìn họ xé bỏ Obamacare, rồi sau đó họ mới nói là hai bên cùng bàn thảo với nhau xem phải làm gì (để thay thế Obamacare)”.

Chính sách cải cách bảo hiểm y tế (Obamacare) là dấu ấn đối nội lớn nhất nhưng cũng chịu nhiều chỉ trích nhất của ông Obama.

Bên cạnh đó là hố sâu chia rẽ ngày càng sâu sắc trong nền chính trị và cả xã hội Mỹ, vấn đề sắc tộc ngày càng nhức nhối, và theo kết quả thăm dò mới của AP thì cũng có tới 50% số người da màu được hỏi cho rằng ông không mang lại thay đổi gì cho cuộc sống của họ. 8 năm cầm quyền của Tổng thống Obama là 8 năm nền chính trị Mỹ phơi bày những mâu thuẫn “không thể giải quyết” giữa hai chính đảng Dân chủ và Cộng hòa vốn kiểm soát nền chính trị Mỹ.

Trong khi chính quyền Dân chủ của Tổng thống Obama ưu tiên các chính sách có lợi cho tầng lớp trung lưu và người nghèo, thì phe Cộng hòa thiên về bảo vệ các tập đoàn và giới tài phiệt Mỹ. Thế đối đầu làm nhiều dự luật bị ách tắc tại quốc hội, được thông qua với tỷ lệ sát sao hoặc thậm chí buộc ông Obama phải dùng tới quyền phủ quyết của tổng thống.

Bên cạnh những thành tựu như bình thường hóa quan hệ với Cuba và tiêu diệt thủ lĩnh al-Qaeda Osama Bin Laden, chính sách xoay trục sang châu Á - Thái Bình Dương và đạt thỏa thuận về chương trình hạt nhân Iran, “điểm đen” trong bảng thành tích của Obama theo báo chí Pháp là nước Mỹ dưới sự điều hành của ông Obama đã bị mất đi tầm ảnh hưởng trên trường quốc tế.

Báo Les Echos chua chát cho rằng, giờ khó có thể tìm được một ai bảo vệ di sản kế thừa từ ông Obama trên phương diện ngoại giao, kể cả trong số các đồng minh và những người ngưỡng mộ ông.

Theo tờ báo, thái độ chần chừ của ông Obama trước những hành động phô trương thế lực của Trung Quốc (trên Biển Đông) và của Nga tại Ukraine, Syria... đã làm cho nhiều quốc gia đồng minh thất vọng. Mặc dù bị quốc tế cấm vận nhưng Nga giờ đã lấy lại được hoàn toàn vị thế của mình trong chính trường quốc tế. Cùng với Iran và Thổ Nhĩ Kỳ, Nga thành lập một liên quân chống IS, cạnh tranh trực tiếp với liên quân do Mỹ dẫn đầu được cho là kém hiệu quả.

Và việc ông Trump vào Nhà Trắng có nguy cơ củng cố thêm vị thế này của Nga. Đến mức, báo Le Figaro thốt lên rằng: “Tại Ukraine và Syria, Obama đã tạo cảm giác đang bị dắt mũi”. Nhưng đối với Obama, đó là một điều sỉ nhục, Les Echos nhận xét. Và từ một năm nay ông đã cố gắng khoác lên người vai trò lãnh đạo một liên quân quốc tế lớn trong cuộc chiến chống IS tại Iraq và Syria.

Thế nhưng các cuộc oanh kích tại hai nơi này vẫn chưa đem lại kết quả như mong đợi. Các chiến dịch không quân đó chỉ tạm thời cản trở đà bành trướng, nhưng không ngăn chặn được quân thánh chiến.

Điều hối tiếc cuối cùng đó là Barack Obama vẫn không lật sang trang được cuộc chiến Iraq và Afghanistan. Một lời hứa ông đã đưa ra trong suốt chiến dịch tranh cử và đã mang lại cho ông giải Nobel Hòa bình năm 2009. Hơn 8.000 binh sĩ Mỹ còn đồn trú tại Afghanistan để chống lại mối họa Taliban. Và gần 4.600 binh lính Mỹ đang được triển khai tại Iraq.

Tóm lại, như nhận xét của Le Figaro, giấc mơ ra đi với khúc khải hoàn, mang vòng nguyệt quế đi vào lịch sử nước Mỹ của ông Obama đã bị người kế nhiệm Donald Trump làm cho phá sản. Với việc ông Trump kiên quyết hủy bỏ phần lớn các chính sách mà ông Obama đề ra trong 8 năm qua, thời kỳ chuyển giao quyền lực đã biến trong con người ông, thành một cuộc chiến đấu nhằm khẳng định dấu ấn và bảo vệ bảng thành tích của mình. Đó cũng chính là “Cuộc chiến đấu cuối cùng của Obama cho về sau”, như hàng tựa nhận định trên Le Figaro.

Và bài diễn văn giã biệt tối 10-1-2017 tại Chicago là điểm nhấn cho nỗ lực đó. Có điều, “Những lời giã biệt đó của Obama lại mang một hương vị cay đắng” như hàng tít lớn thông báo trên Le Figaro ra cùng ngày.

Mộc Thạch (tổng hợp)
.
.