Lời kể của những nạn nhân bị nhân viên vũ trang Trung Quốc hành động thiếu nhân đạo

Thứ Ba, 27/10/2009, 22:25
Nhóm lính Trung Quốc leo lên từng con tàu ngư dân tránh bão, bắt mọi người tập trung lại giữa khoang, ngồi đưa hai tay lên bẻ quặt đầu úp xuống gối. Anh Tàu cho hay, bọn người kia đã cướp của tàu anh 1 máy bộ đàm 6 băng, 1 máy tầm ngư, 1 máy định vị, 1 máy định vị quét hải đồ, 9 bộ đồ lặn, 10 ĐTDĐ... Thậm chí 2.000 lít dầu và 5 can nhớt cũng bị lấy sạch.

Đã xảy ra không ít vụ nhân viên vũ trang Trung Quốc có hành động xua đuổi, đe dọa, đánh đập, cướp bóc tài sản của ngư dân Việt Nam khi họ vào quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam tránh bão. Mới đây, là vụ xảy ra với 16 tàu ngư dân Quảng Ngãi, hơn 200 lao động tránh bão vừa qua.

Dùng súng đe dọa, xua đuổi không cho ngư dân vào tránh bão

Cơn bão số 9 đi qua đã gần một tháng, song kể lại cho chúng tôi nghe về những hành động phi nhân đạo của các nhân viên vũ trang Trung Quốc tại đảo Trụ Cầu (đảo Phú Lâm), thuộc quần đảo Hoàng Sa, nhiều ngư dân xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi, vẫn chưa hết bàng hoàng, lo lắng. Vì, những ngư dân "ăn sóng, nói gió" chân chất, hiền lành, cả một đời gắn bó với biển khơi, không thể ngờ được, các nhân viên vũ trang Trung Quốc trên quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đã bị phía Trung Quốc ngang nhiên chiếm giữ, lại có hành động cực kỳ thiếu nhân đạo như thế.

Trung tá Huỳnh Tấn Phước, cán bộ Công an huyện Bình Sơn đưa chúng tôi vượt qua con đường đầy sình lầy từ trung tâm huyện về đến được ngôi làng bé nhỏ của ngư dân thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu, thì trời đã xế chiều. Đến được Châu Thuận Biển vào thời điểm này thì hầu hết các ngư dân thoát nạn trở về từ quần đảo Hoàng Sa, cũng đang lo tập trung sửa chữa lại tàu, thuyền dưới cảng Sa Kỳ.

Lần này, chúng tôi lại phải cậy nhờ anh Tiêu Viết Thạnh, Trưởng Công an xã Bình Châu, chạy đôn, chạy đáo đi tìm gọi... Chẳng mấy chốc đã gọi được mọi người tập trung về nhà ngư dân Nguyễn Văn Tàu (43 tuổi), một trong số chủ tàu của 3 con tàu ngư dân xã Bình Châu, cùng 13 tàu ngư dân Lý Sơn vào tránh bão số 9 tại đảo Trụ Cầu.

Anh Bay (bên phải) đang kể chuyện bị đe dọa, xua đuổi, đánh đập, cướp bóc khi cho tàu vào quần đảo Hoàng Sa tránh bão.

Theo lời kể của anh Tàu, tàu đánh cá mang số hiệu QNg 5012TS của anh có công suất 70CV, rời cảng Sa Kỳ vào ngày 20/9, trên tàu có 10 ngư dân. Họ ra đánh bắt hải sản ở khu vực 66,04 độ vĩ Bắc và 115,01 độ kinh Đông. Cùng rời cảng Sa Kỳ với con tàu QNg 5012TS còn có tàu mang số hiệu QNg 5940TS (công suất 37CV), trên tàu có 11 lao động, do ông Nguyễn Văn Tẩn (54 tuổi) làm thuyền trưởng và tàu QNg 90078TS của ông Trương Minh Quang (37 tuổi), có công suất 105CV, với 13 lao động. "Cũng nhờ tàu anh Quang có công suất lớn nên mới lai dắt được con tàu bị hỏng máy của tui trở về".

Một thoáng rùng mình, và câu chuyện như nghẹn lại trong nước mắt của người ngư dân từng trải trên đầu ngọn sóng. Sáng sớm ngày 27/9, các con tàu của anh Quang, anh Tàu, anh Tẩn đều nhận được thông báo của anh Nguyễn Nam qua máy ICOM, cho biết, bão số 9 đã vào biển Đông, cần phải nhanh chóng tìm nơi trú bão.

"Bão đã áp sát sau lưng nên không còn cách nào khác, anh em tui phải cho tàu nhắm hướng quần đảo Hoàng Sa chạy miết. Mặc dù biết được quần đảo Hoàng Sa đã bị phía Trung Quốc chiếm giữ, song chỉ có vào được đó, anh em tui mới thoát nạn nên cứ thế cho tàu chạy. Vả lại, lúc đó mọi người đều nghĩ, người Trung Quốc và người Việt Nam cũng đều là con người, lẽ nào mình vào tránh bão mà họ không cứu giúp. Thế nhưng, mọi việc diễn ra không như anh em tui suy nghĩ...". Anh Tàu nghẹn ngào nói.

Anh Nguyễn Văn Bay (41 tuổi), em ruột anh Tàu, tiếp tục câu chuyện, nói rằng: Đến khoảng 11h ngày 27/9, cả ba con tàu vào đến địa điểm cách bờ đảo Trụ Cầu trên 50m. Lúc này tại cửa vào vũng tránh bão cũng có 13 tàu, với trên trăm lao động của ngư dân Lý Sơn. Tuy nhiên, các con tàu phải dừng lại, không thể vào cập bờ. Bởi vì, từ trong bờ, nhân viên vũ trang Trung Quốc dùng súng AK bắn ra không cho vào. Trong khi đó, gió bão bắt đầu thổi mạnh cấp 9, cấp 10; từng đợt sóng biển hung dữ ầm ầm quăng quật đoàn tàu 16 chiếc giữa trùng khơi.

Đánh đập ngư dân, cướp tài sản

Từ trưa ngày 27/9 cho đến khuya, các nhân viên vũ trang Trung Quốc từ trong bờ thay nhau liên tục dùng súng bắn không cho các con tàu ngư dân Quảng Ngãi vào tránh bão. Ban ngày chỉ nghe tiếng súng nổ hòa trong tiếng sóng ầm ầm; còn ban đêm thì đạn lửa kẻ dọc, kẻ ngang như đan lưới. Cho đến 21h, gió càng mạnh, sóng biển càng to; một số ngư dân trên tàu đã bật khóc trong tuyệt vọng.

Anh Bay và anh Tàu càng lo lắng, hoang mang, nhưng họ cũng không biết làm cách nào... Đến chiều ngày 28/9, mọi người nhìn thấy một số tàu ngư dân Lý Sơn nổ máy tiến vào bờ. Phía trong bờ, nhân viên vũ trang Trung Quốc nổ súng đe dọa, xua đuổi. Anh Bay bảo: "Không vào mà ở lại chắc chắn sẽ bị bão biển vùi xuống đáy đại dương, thôi thì làm liều. Anh em tui nhờ tàu anh Quang lai dắt tiến theo tàu các ngư dân Lý Sơn...". Tàu anh Tẩn cũng nối đuôi theo, mặc cho súng của các nhân viên vũ trang Trung Quốc từ phía bờ nổ từng tràng...

Nhưng vào tới được bờ đâu đã yên, 16 con tàu ngư dân Quảng Ngãi bị gió bão, sóng biển đánh xoay ngang, xoay dọc. Hễ chiếc nào xoay gần tàu quân sự của Trung Quốc đang đậu ở đây thì lính trên tàu bắn, rồi dùng đá cục ném... Mọi người trên từng con tàu phải hè nhau giữ lái để tàu không bị gió đánh xáp gần tàu quân sự của Trung Quốc để tránh mưa đạn và đá cục.

Anh Bay và các ngư dân có mặt khẳng định với chúng tôi, đó là những con tàu quân sự, vì họ thấy trên tàu có gắn súng lớn. Trong đêm 28 và sáng ngày 29/9, các nhân viên vũ trang Trung Quốc vẫn giữ nguyên tình trạng đối xử như thế với các tàu ngư dân vào tránh bão.

Đến ngày 30/9, gió bão giảm dần... Mọi người chưa kịp hoàn hồn thì một tàu quân sự của Trung Quốc nổ máy chạy ra chắn giữ cửa ra vào của vũng tránh bão. Trên tàu rất đông lính Trung Quốc mặc áo quần rằn ri, tay lăm lăm súng chĩa về hướng tàu các ngư dân vô tội.

Tiếp theo đó, có 3 chiếc canô, trong đó có 1 chiếc chở 4 người lính mặc áo rằn ri tay lăm lăm súng AK và 2 chiếc, mỗi chiếc chở 5-6 người, mặc quần đùi, áo phao. Chưa ai kịp hiểu điều gì thì 2 canô có số thanh niên mặc quần đùi, áo phao áp sát vào từng chiếc tàu ngư dân, có sự yểm trợ của ca nô chở lính cầm súng. Rồi những người mặt mày hung ác kia mang theo cuốc chim, rựa, búa, dao, xà beng... leo lên từng con tàu ngư dân, bắt mọi người tập trung lại giữa khoang, ngồi đưa hai tay lên bẻ quặt đầu úp xuống gối, không được nhìn ngó. Còn chúng tha hồ đập phá đồ đạc, lấy tài sản...

Anh Bay kể, trong số người bận quần đùi, áo phao leo lên tàu của anh, có một người nói tiếng Việt khá sõi. Hắn ra lệnh cho các ngư dân đến ngồi bó đầu úp mặt vào gối, giữa khoang tàu, sau đó hắn cao giọng: "Ai là thuyền trưởng tàu này?". Anh Tàu lên tiếng: "Tui đây!".

Một tên trong bọn lập tức lôi anh Tàu ra khỏi các ngư dân, tay lăm lăm chiếc búa cầm tay, xổ một tràng tiếng Trung Quốc. Một gã nói tiếng Việt sõi liền quát: "Điện thoại di động của mày đâu?". Không có điện thoại di động nên anh Tàu thản nhiên trả lời: "Tui không có". Thế là tên kia giơ cao búa định đập xuống đỉnh đầu anh Tàu. "Lúc đó, thấy bọn họ quá hung ác, tui làm liều nói: "Tui không có thì nói không, các ông đánh tui chết đi cho rồi!".

Gã nói tiếng Việt, nói lại với tên kia và hắn dừng lại không bổ búa vào đầu tui. Nhưng, chúng đi lục lọi từng ngăn, từng hốc trên con tàu tui, đập phá nát bét hết các thuyền thúng và đồ đạc...". Anh Tàu cho hay, bọn người kia đã cướp của tàu anh một số trang thiết bị, gồm: 1 máy bộ đàm 6 băng, 1 máy tầm ngư, 1 máy định vị, 1 máy định vị quét hải đồ, 9 bộ đồ lặn, 10 điện thoại di động... Thậm chí 2.000 lít dầu và 5 can nhớt mang theo cũng bị họ lấy sạch, cùng với hàng tạ tôm, cá đã đánh bắt được; thiệt hại ước tính trên 175 triệu đồng.

Anh Tàu chỉ những vị trí con tàu của mình bị các nhân viên vũ trang Trang Quốc đập phá.

Thuyền trưởng Nguyễn Văn Tẩn cũng kể, khi lên tàu lục soát, cướp tài sản, những người kia bảo các ngư dân xắn áo lên lục, thò tay vào cả quần lót của họ mà khua, xem thử họ có giấu tiền bạc, vàng, hay điện thoại di động không. Anh Tẩn lắc đầu buồn bã: "Một nghìn đồng chúng cũng lấy, chứ nói gì tới điện thoại di động. Hỏi ngư dân nào chúng cũng cầm cái sim điện thoại di động màu đỏ của Trung Quốc hỏi, "Sim đây, máy đâu?". Cứ lắc đầu là chúng bợp tai, đấm đá. Nhất là khi phát hiện dây sạc điện thoại là chúng truy ra bằng được điện thoại di động mới thôi".

Do vậy, mà chúng đánh đập, bóp cổ anh Trương Minh Quang, chủ tàu QNg 5940TS suýt chết... Tàu anh Tẩn bị cướp mất tài sản, trang thiết bị đánh bắt hải sản trị giá 120 triệu đồng; còn tàu anh Quang thiệt hại 215 triệu đồng...

Đến sáng 1/10, bão tan hẳn, các tàu chiến Trung Quốc rời chỗ tránh bão ra khơi. Sau khi các con tàu này đi hết, những nhân viên vũ trang Trung Quốc cầm súng đứng trên bờ mới vẫy đuổi các tàu ngư dân Quảng Ngãi ra. Con tàu QNg 5012TS của anh Tàu lại được tàu anh Quang lai dắt theo đoàn tàu ngư dân thoát nạn.

Cho đến chiều ngày 6/10, họ mới về được đến cảng Sa Kỳ... Anh Tàu nói buồn: "Ngư dân tui chỉ có nghề đánh bắt hải sản nuôi sống gia đình. Mà ra biển thì gặp bao bất trắc, bị tàu lạ tấn công; gặp bão núp tránh cũng bị người ta đánh đập, đe dọa mạng sống, cướp bóc... Không biết nỗi khổ này bao giờ mới hết được!..."

Long Vân
.
.