Lối thoát nào cho cuộc khủng hoảng Malaysia – Triều Tiên?

Thứ Hai, 13/03/2017, 16:05
Cái chết của người anh cùng cha khác mẹ với nhà lãnh đạo Triều Tiên tại Malaysia hồi giữa tháng 2-2017 đang đẩy mối quan hệ thân thiết giữa Kuala Lumpur và Bình Nhưỡng vào khủng hoảng. Nguyên nhân của cái chết có lẽ sẽ còn gây nhiều tranh cãi nhưng hai nước đang cố hàn gắn quan hệ song phương đặc biệt.

Ngày 13-2-2017, Kim Jong Nam - anh trai cùng cha khác mẹ với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un bị giết tại sân bay quốc tế Kuala Lumpur 2 (Malaysia). Kết quả khám nghiệm tử thi và xét nghiệm độc chất trên thi hài Kim Jong Nam cùng hình ảnh do các camera theo dõi an ninh ở sân bay Kuala Lumpur khi xảy ra vụ án, được cảnh sát Malaysia công bố ngày 24-2 cho thấy, nạn nhân bị ám sát bằng chất độc VX, được Liên Hiệp Quốc xếp vào loại vũ khí hóa học hủy diệt hàng loạt.

Hôm 22-2, Kuala Lumpur cho biết họ muốn thẩm vấn bí thư thứ hai của Đại sứ quán Triều Tiên tại Malaysia, ông Hyon Kwang Song về vụ này. Lúc đó, lãnh đạo cảnh sát bang Selngor của Malaysia đã báo trước rằng nếu nhà ngoại giao Triều Tiên không trình diện cảnh sát, họ sẽ yêu cầu ngành tư pháp phát lệnh bắt giữ quan chức này.

Tổng cộng 8 người Triều Tiên bị truy nã vì có liên quan đến vụ ám sát ông Kim Jong Nam. Một người đang bị cảnh sát Malaysia tạm giam, 4 người dường như đã trốn về Triều Tiên, 2 người hiện còn ở Malaysia, trong đó có ông Hyong Kwang Song. Còn nghi phạm thứ 8 thì hiện không biết ở đâu.

Thủ tướng Malaysia Najib Razak hôm 9-3 nói sẽ không cắt đứt quan hệ với Triều Tiên.

Vào khoảng gần nửa đêm cùng ngày, Đại sứ Triều Tiên ở Malaysia, ông Kang Chol, mở cuộc họp báo bên ngoài nhà xác, nói với báo chí rằng Chính phủ Malaysia “có vẻ đang tìm cách che giấu điều gì” và “cấu kết với các thế lực thù nghịch”. Đại sứ Kang nói rằng Triều Tiên hoàn toàn bác bỏ kết quả khám nghiệm vì được thực hiện đơn phương và không có sự hiện diện của phía Triều Tiên.

Ngày 4-3, Malaysia ra quyết định trục xuất Đại sứ Kang Chol. Theo AFP, quyết định trục xuất Đại sứ Triều Tiên được Bộ Ngoại giao Malaysia đưa ra sau nhiều lần kêu gọi Triều Tiên xin lỗi vì những lời cáo buộc Malaysia “thông đồng” với Hàn Quốc trong vụ điều tra thủ phạm sát hại Kim Jong Nam nhưng vô hiệu. Trong thông báo trục xuất, Kuala Lumpur tuyên bố đại sứ Kang Chol là “nhân vật không được hoan nghênh”.

Theo Bộ Ngoại giao Malaysia thì “quyết định trục xuất Đại sứ Triều Tiên thể hiện mối lo ngại lãnh thổ Malaysia có thể bị Bình Nhưỡng sử dụng để làm những việc bất chính”. Ngay lập tức, Triều Tiên cho biết nước này đã chỉ định Đại sứ Malaysia tại Triều Tiên là “nhân vật không được hoan nghênh” và yêu cầu đặc sứ Malaysia phải rời khỏi Bình Nhưỡng trong vòng 48 giờ, kể từ 10 giờ sáng 5-3.

Chưa dừng lại ở đó, ngày 7-3, Triều Tiên còn ra lệnh cấm công dân Malaysia ra khỏi quốc gia này. Thủ tướng Malaysia Najib Razak cho biết Triều Tiên “về thực chất đang giữ các công dân Malaysia làm con tin” và ông hy vọng quyết định đó sẽ bị bãi bỏ ngay để ngăn chặn sự leo thang thêm nữa. Nhưng Malaysia cũng “ăn miếng trả miếng”, cấm công dân Triều Tiên rời khỏi Malaysia.

Tuy nhiên, ngày 9-3, Thủ tướng Malaysia Najib Razak cho biết Triều Tiên đã đảm bảo an toàn cho nhóm công dân Malaysia đang bị mắc kẹt ở Triều Tiên. Trên tài khoản mạng xã hội Twitter, Thủ tướng Najib viết: “Chính phủ Triều Tiên đã đưa ra sự đảm bảo an toàn. Họ tự do trong các hoạt động hằng ngày của mình, song không thể rời đất nước ấy (Triều Tiên)”.

Cùng ngày 9-3, hai công dân Malaysia làm việc cho một tổ chức của Liên Hiệp Quốc đã đến thủ đô Bắc Kinh sau khi rời Bình Nhưỡng. Hiện không rõ lý do vì sao hai người họ được trả tự do trong khi 9 công dân Malaysia khác vẫn đang bị kẹt ở Triều Tiên.

Hãng tin Reuters của Anh ngày 9-3 dẫn một nguồn tin ở Malaysia cho hay Kuala Lumpur và Bình Nhưỡng đang bí mật đàm phán để giải quyết các khúc mắc ngoại giao giữa hai nước. Reuters dẫn lời Thủ tướng Malaysia cho biết bất kỳ cuộc đàm phán nào với Triều Tiên đều diễn ra trong phòng kín.

“Tôi chỉ có thể công bố thông tin rằng Chính phủ Malaysia đang trong tiến trình xác định lý do và động cơ đằng sau những hành động của Triều Tiên”, ông Najib nói với hãng tin Anh.

Ông Najib Razak còn khẳng định sẽ không cắt đứt quan hệ với Triều Tiên. Phát biểu trong một tuyên bố trên blog cá nhân, ông Najib nói: “Quan hệ ngoại giao giữa Malaysia và Triều Tiên sẽ không bị cắt đứt, chúng ta cần tiếp tục trao đổi với họ để tìm ra giải pháp”.

Trước khi xảy ra vụ căng thẳng lần này, Malaysia và Triều Tiên là hai quốc gia có quan hệ hữu hảo đặc biệt. Malaysia là 1 trong số hơn 20 nước có Đại sứ quán đặt tại Bình Nhưỡng trong khi Kuala Lumpur là 1 trong khoảng 50 thủ đô có Đại sứ quán CHDCND Triều Tiên. Người Malaysia là những công dân duy nhất trên thế giới được miễn thị thực khi tới Triều Tiên và ngược lại, công dân Triều Tiên tới Malaysia cũng không cần thị thực.

Cùng với đó, việc Malaysia từng tổ chức đối thoại Triều Tiên - Mỹ và một trường đại học tư thục của Malaysia đã trao giải thưởng cho nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un có thể khiến dư luận tin rằng mối quan hệ Triều Tiên - Malaysia thực sự đặc biệt.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng quan hệ Malaysia - Triều Tiên không thực sự đặc biệt đến thế nếu nhìn bao quát hơn về chính sách đối ngoại của cả 2 nước. Theo nhà phân tích Prashanth Parameswaran của trang The Diplomat, trong con mắt của Bình Nhưỡng, nguồn gốc mối quan hệ này bắt nguồn từ chiến lược mở rộng quan hệ của Triều Tiên với các nước đang phát triển nói chung bên ngoài khối XHCN nhằm tăng cường vị thế ngoại giao trên trường quốc tế vào những năm 70 của thế kỷ trước.

Cảnh sát Malaysia phong tỏa đại sứ quán Triều Tiên ngày 7-3.

Định hướng này dường như vẫn được phát triển cho tới ngày nay khi mà các nước thuộc Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đều có quan hệ khá tốt với Triều Tiên.

Còn đối với Malaysia, thiết lập quan hệ với Triều Tiên là một phần của quá trình chuyển đổi sang cách tiếp cận không liên kết bằng chính sách đối ngoại độc lập hơn so với thời kỳ thân phương Tây trước năm 1967. Ngoài ra, theo ông Prashanth, quan hệ giữa Malaysia và Triều Tiên không nồng ấm như một số người nhận định bởi Malaysia luôn phải cân bằng giữa mong muốn có mối quan hệ hữu hảo với Triều Tiên và những mối quan hệ khác trong khu vực cũng như trên thế giới.

Cuối cùng, ông Prashanth cho rằng thậm chí trước khi xảy ra vụ án Kim Jong Nam, quan hệ song phương cũng đã có lúc căng thẳng vì hành động của Triều Tiên cũng như sức ép của cộng đồng quốc tế.

Trở lại vụ đàm phán bí mật đang được Malaysia và Triều Tiên tiến hành nhằm giảm căng thẳng, Reuters ngày 9-3 cho biết, không có quốc gia khác nào tham gia cuộc đàm phán, kể cả Trung Quốc, vốn có mối quan hệ thân thiết với cả hai bên.

Phát biểu trên Báo Maly Mail Online ngày 8-3, chuyên gia địa chính trị Dr Azmi Hassan cho rằng, Trung Quốc có ảnh hưởng lớn với Triều Tiên, trong khi đó Trung Quốc cũng có sự tin tưởng của Malaysia, do đó, Bắc Kinh có thể đóng vai trò là trung gian hòa giải cuộc khủng hoảng ngoại giao hiện nay giữa Malaysia và Triều Tiên.

Đồng quan điểm này, Asri Salleh, giảng viên quan hệ quốc tế tại Đại học Teknologi MARA, chia sẻ với Malay Mail Online rằng, Malaysia nên cân nhắc sự hỗ trợ hòa giải từ phía Trung Quốc.

Chuyên gia này cũng nói thêm rằng: “Điều quan trọng nhất trước hết là Malaysia phải tranh thủ càng nhiều sự ủng hộ của quốc tế càng tốt để Triều Tiên đồng ý dỡ bỏ lệnh cấm xuất cảnh, tiếp đến mới là giải quyết ổn thỏa vụ việc liên quan đến cái chết của công dân Triều Tiên”.

Tuy nhiên, hiện chưa rõ liệu Malaysia có nhờ đến sự hỗ trợ hòa giải của Trung Quốc hay không và liệu Bắc Kinh có nhận lời giúp đỡ hay không. Phát biểu với báo giới bên lề cuộc họp Quốc hội hôm 6-3, Thứ trưởng Ngoại giao Malaysia Reezal Merican Naina Merican cho rằng “quan hệ giữa hai nước đã bị ảnh hưởng và sẽ không thể trở lại như trước kia” dù Chính phủ Malaysia chưa quyết định bước đi tiếp theo, chẳng hạn như xem xét lại quan hệ ngoại giao với Triều Tiên.

Trong khi đó, phát biểu với báo giới tại sân bay quốc tế Kuala Lumpur trước khi lên đường chuẩn bị về nước, Đại sứ Triều Tiên tại Malaysia Kang Chol cho rằng hành động của Chính phủ Malaysia đã hủy hoại quan hệ song phương. “Tôi bày tỏ quan ngại sâu sắc trước những biện pháp thái quá mà Chính phủ Malaysia tiến hành, điều đó đang hủy hoại quan hệ song phương” - ông Kang Chol nêu rõ.

Bình luận về việc căng thẳng có thể leo thang tới mức nào, cựu Bộ trưởng Công thương Malaysia Rafidah Aziz hôm 7-3 cho rằng những căng thẳng này sẽ không ảnh hưởng nhiều đến kinh tế của Malaysia, và cũng không dẫn đến bất cứ hành động quân sự nào.

“Triều Tiên sẽ không tới mức dùng đến hành động quân sự. Họ biết ai mới là thù địch với họ, tất nhiên không phải Malaysia. Tóm lại, Malaysia không muốn thái độ thù địch với Triều Tiên, Malaysia chỉ muốn giải quyết vấn đề, tìm ra sự thật đằng sau vụ sát hại ông Kim Jong Nam”, ông Aziz nói.

M.T. (tổng hợp)
.
.