Luật mới cho phép gia tăng quyền lực cho tình báo Thụy Sĩ
Theo luật mới, chính quyền Thụy Sĩ được phép giám sát điện thoại, email đồng thời triển khai lắp đặt hàng loạt camera an ninh cũng như thiết bị nghe lén. Tuy nhiên, những người chống đối lo ngại luật mới đe dọa quyền tự do công dân và chế độ trung lập của Thụy Sĩ sẽ gặp nguy cơ khi hợp tác chặt chẽ hơn với tình báo nước ngoài.
Luật mới cho phép NDB tăng cường hoạt động giám sát điện tử. |
Vừa qua, khoảng 65,5% cử tri Thụy Sĩ bỏ phiếu ủng hộ dự luật mới cho phép Cơ quan Tình báo liên bang (NDB theo tiếng Đức, hay FIS theo tiếng Anh) và các cơ quan an ninh khác giám sát điện tử một nghi can sau khi có được giấy phép từ tòa án, Bộ Quốc phòng và chính phủ.
Luật gián điệp mới của Thụy Sĩ thông qua hồi năm 2015 song vẫn chưa được chính thức ban hành sau khi phe chống đối thu thập đủ số chữ ký buộc chính quyền phải tổ chức cuộc bỏ phiếu trưng cầu dân ý.
Kết quả cuộc bỏ phiếu toàn quốc về dự luật mới cho thấy người dân Thụy Sĩ đang lo ngại nước này trở thành mục tiêu tấn công của bọn khủng bố. Trong thập niên 1980, chính quyền Thụy Sĩ bị tố cáo giám sát hàng chục ngàn công dân nước này và cũng kể từ đó người dân luôn hoài nghi về hệ thống an ninh trong nước do đó, người ta hiếm gặp những chiếc camera an ninh trên đường phố và thậm chí luật về quyền riêng tư công dân Thụy Sĩ cũng hạn chế tối đa sự sử dụng Google Street View (dịch vụ bản đồ đường phố 360 độ của Google Maps).
Trạm tình báo tín hiệu của NDB ở thành phố Zimmerwald, Thụy Sĩ. |
Những vụ khủng bố kinh hoàng diễn ra tại nước Pháp láng giềng trong thời gian qua đã thật sự làm thay đổi suy nghĩ của người dân Thụy Sĩ. Đó là lý do mà đại đa số cử tri Thụy Sĩ bỏ phiếu ủng hộ luật mới trao nhiều quyền hành hơn cho cộng đồng tình báo nước này, bất chấp lập luận của phe chống đối cho rằng biện pháp tăng cường giám sát điện tử cũng không khiến cho đất nước trở nên an ninh hơn.
Theo chính quyền Thụy Sĩ, tình báo nước này được phép sử dụng quyền gián điệp điện tử 1 lần trong tháng đối với những nghi can nguy hiểm nhất. Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Thụy Sĩ Guy Marmelin trấn an người dân rằng luật tình báo mới không giống như hoạt động gián điệp quy mô của Mỹ hay những cường quốc khác. Luật tình báo trước đây chỉ cho phép NDB cũng như lực lượng an ninh trong nước dựa vào thông tin công khai hay được chia sẻ từ đối tác nước ngoài khi phải đối mặt với mối đe dọa khủng bố hay tội phạm.
Vào đầu tháng 5-2016, chính quyền Thụy Sĩ thông báo cộng đồng tình báo nước này luôn âm thầm quan sát hoạt động trên mạng xã hội của khoảng 400 người được cho là dính líu đến chiến binh thánh chiến Hồi giáo có khả năng đặt ra mối đe dọa trực tiếp đến an ninh quốc gia.
Giới chức NDB cho biết mặc dù Thụy Sĩ hiện nay rất ít có khả năng trở thành mục tiêu tấn công của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) hay các nhóm khủng bố khác do nước này không can dự vào bất cứ chiến dịch quân sự nào nhằm vào bọn chúng, song chính quyền Bern vẫn cố gắng tăng cường một số biện pháp an ninh đối phó nguy cơ tấn công tiềm ẩn - đặc biệt là sau những vụ khủng bố xảy ra tại Pháp và Bỉ.
Giới chức NDB cũng công bố hình ảnh về một hộ chiếu Thụy Sĩ và dây thắt lưng cài bom với hashtag "homesweethome" đăng trên nền tảng Twitter bởi một đối tượng nghi là chiến binh thánh chiến ở Trung Đông.
Ngoài ra, NDB cũng có trong tay một video của IS cho thấy rõ lá cờ Thụy Sĩ nằm trong số 60 lá cờ khác của các quốc gia mục tiêu. Báo cáo của NDB nêu rõ: "Những cuộc tấn công khủng bố ở Thụy Sĩ có thể xảy ra bất cứ lúc nào từ những phần tử gọi là sói cô đơn hay các nhóm nhỏ". NDB cũng giám sát chặt chẽ những đối tượng trở về Thụy Sĩ từ khu vực Trung Đông, đặc biệt là từ Syria - nơi bất cứ ai cũng có thể được bọn khủng bố huấn luyện sử dụng vũ khí và bom.
Về phần mình, giám đốc NDB Markus Seiler nhận định mối đe dọa khủng bố ở Thụy Sĩ là ở cấp độ "cao" và cần hết sức cảnh giác. Thụy Sĩ hiện nay còn đang xử lý đến 60 vụ truy tố chống lại những cá nhân được cho là dính líu đến chiến binh thánh chiến Hồi giáo.
Tháng 4-2016, một tòa án Thụy Sĩ tuyên án tù đối với 3 người di cư từ Iraq vào nước này do dính líu đến âm mưu tấn công khủng bố. Chính quyền Bern hy vọng bản án này có thể răn đe những phần tử khủng bố khác đồng thời chứng tỏ rằng Thụy Sĩ không phải là mục tiêu dễ tấn công. Cả 3 người Iraq bị an ninh Thụy Sĩ bắt giữ năm 2014 do nghi ngờ được IS hỗ trợ để nhập cư vào nước này tiến hành cuộc tấn công khủng bố.