Ly hôn - Vấn đề nổi cộm tại xứ Phù Tang

Thứ Ba, 14/06/2011, 19:30

Nước Nhật ngày nay có đủ các ấn phẩm chuyên biệt khác nhau: từ tạp chí dành cho những người ưa sưu tập các loại hộp đựng diêm, tới chuyên san của giới mê dã ngoại… Hầu như chẳng có lĩnh vực nào liên quan đến đời sống con người mà không có ấn bản riêng của mình cả. Nhưng một trong những số mới nhất của tạp chí Sutaato (Đích xuất phát - theo tiếng Nhật) chuyên về chủ đề ly hôn đã tạo ra mối lưu tâm lớn trong xã hội.

Theo giới xuất bản am hiểu, thì đây là loại tạp chí duy nhất trên thế giới đề cập tới những người đã ly hôn, hoặc những ai đang có ý định bỏ nhau. Dù rằng trên trang bìa thể hiện dòng chữ cho biết đó là dạng tạp chí chuyên với đề tài ly dị và hôn nhân, nhưng hiển nhiên vế thứ hai lại là một khía cạnh khác. Số đầu tiên được mọi người lùng mua hết nhẵn, bất chấp cái giá không phải là rẻ với một ấn phẩm dày cả 920 trang và được in trên giấy láng hạng nhất.

Các tạp chí Nhật thường lòe loẹt, nhằm mục đích lôi cuốn cả những người có trình độ học vấn thấp nhất với những hình ảnh hấp dẫn, khêu gợi… Nhưng Sutaato lại là một tạp chí nghiêm túc và có chất lượng cao. Trong số các cộng tác viên của tạp chí ta thấy có  Sigeo Saito, một ký giả nổi tiếng và là thành viên trong Ban biên tập Hãng Thông tấn Quốc gia Kyodo huyền thoại; cũng như Vakaco Adachi, nhà nữ tâm lý học hàng đầu Nhật Bản, vị chuyên gia sừng sỏ của thể loại "Lời khuyên cho lớp người trưởng thành". Ngày nào bà cũng túc trực bên số máy điện thoại 110, đáp ứng yêu cầu giải đáp của mọi công dân Nhật… Những người còn lại là các chuyên viên về các lĩnh vực khác nhau liên quan tới cuộc sống lứa đôi, giao tiếp cư xử trong xã hội, cũng như các vấn đề về tình dục và luyến ái…

Lời khuyên cơ bản của đa phần các tác giả trên Sutaato đối với các cặp vợ chồng Nhật là không nên sợ việc chia tay, nếu như cuộc hôn nhân không làm thỏa mãn mọi mối quan hệ giữa họ với nhau. Hôn nhân truyền thống "kiểu Nhật", theo tập tục thiên về tính toán vật chất và thiếu hẳn tình yêu lứa đôi tối thiểu cần phải có - một tiền đề cốt lõi cho cuộc sống hạnh phúc của họ sau này.

Thường với một ít người thì tình yêu đến muộn màng hơn sau độ một vài tháng chung sống với người bạn đời do cha mẹ xếp đặt, số khác lại an phận thủ thường - coi như định mệnh vậy. Và kiểu hôn nhân ấy cứ tồn tại truyền đời vì người phụ nữ Nhật không dám nghĩ tới chuyện ly dị, còn với người chồng chỉ đơn giản anh ta cần có thêm người giúp việc nhà mà thôi. Phụ nữ Nhật bây giờ tự chủ hơn về tài chính và dần được giải phóng khỏi những quan niệm hôn nhân cố hữu - biến họ thành những "con búp bê chăm chỉ và biết nghe lời", do vậy họ sẵn sàng nói tới chuyện ly hôn.

Một cuộc phỏng vấn của Hãng Truyền hình NHK gần đây cho thấy, cuộc sống tình dục của người Nhật thường có những khiếm khuyết tiềm ẩn. Điều này có thể là hệ quả của một thực tế, rằng khoảng 60% các đám cưới ở Nhật được thực hiện dưới sự quyết định của cha mẹ qua những ông tơ bà mối chuyên nghiệp. Thay vì giảm xuống trong bối cảnh cuộc sống hiện đại, thì trái lại, tỷ lệ này ngày một tăng - phần lớn do các "đám cưới điện tử", mà người ta dễ dàng tìm ra người bạn đờichỉ sau vài phút xử lý qua vi tính (!), bất chấp những yêu cầu khắt khe của người đăng ký.

Đương nhiên, đây cũng là hệ quả của sự kỳ thị phụ nữ tồn tại từ nhiều thế kỷ nay trong lịch sử nước Nhật. Sự phân biệt khởi đầu ngay từ lúc còn nằm nôi và tiếp tục trong các học đường - nơi người ta dạy các nam học sinh cách làm ông chủ, còn nữ sinh - nấu ăn, khâu vá và biết nghe lời. Ngay cả ngôn ngữ Nhật cũng bị chia thành hai giống, phụ nữ chỉ được phép phát âm theo "giống cái" vốn nhu mì lễ phép; còn "giống đực" mang đầy dấu ấn mệnh lệnh bắt buộc đối với người đối thoại.

Nhưng bất chấp nếp giáo dục cứng nhắc đó, vai trò lãnh đạo của người đàn ông trong thực tế hiện nay thường ngược lại. Rất nhiều đàn ông Nhật bây giờ hay cả thẹn và tự ti mỗi khi được dẫn tới các ông tơ bà nguyệt, cũng như thấy ngại về tính hình thức khi kết hôn. Thứ tình yêu cần phải đến sau mỗi cuộc hôn nhân, lẽ đương nhiên là điều rất hiếm. Các cô gái mà cha mẹ áp đặt cho các "thế cờ tốt", không còn ngộ nhận như trước nữa. Họ thấy rằng, cái anh chồng "ngoại" này, ngoài việc đưa hết tiền lương cho họ, lại để mặc vợ với những công việc nhà cũng như dạy dỗ chăm sóc con cái, đồng thời cũng chỉ là một "con tốt" trong guồng máy vô thức nơi anh ta làm việc, không dám đứng thẳng trên đôi chân của mình, cũng như khẳng định "cái tôi" của mình - là những điều mà nữ giới thời nay không màng.

Những phụ nữ như vậy thường sẵn sàng ra đi, và ly dị đang là vấn đề nổi cộm trong xã hội Nhật.  Vì một người đàn ông đã 40 tuổi rồi mà không thể tự tay đun nước pha trà cho mình, chứ chưa nói tới việc khâu cúc áo, bỗng dưng bị vợ bỏ lại một mình mà chẳng hiểu nổi lỗi do đâu. Dĩ nhiên, lỗi lại là ở… phụ nữ; nhưng lỗi cũng nằm trong tất cả các câu chuyện về nền dân chủ, tính bình quyền và sự tự chủ mà người ta thường quy tội là do… ảnh hưởng từ phương Tây.

Vì vậy việc xuất hiện một tạp chí nghiêm túc, do các chuyên gia am hiểu tạo dựng quanh các vấn đề xã hội và gia đình Nhật, có thể là bước đi đầu tiên tới việc cân nhắc xem xét lại các giá trị cố hữu của xã hội Nhật. Trong tập tục của nền văn hóa truyền thống của một sắc dân vĩ đại như dân tộc Nhật, có rất nhiều điều có ý nghĩa nên được lưu truyền; nhưng nếu cứ tiếp tục áp dụng toàn bộ mọi phong tục xưa cũ vào lối sống hiện đại, hiển nhiên sẽ nảy sinh những vấn đề hóc búa mà nạn ly hôn là một ví dụ điển hình

Quang Long (theo The Observer)
.
.