Mali đang trên bờ vực chiến tranh

Thứ Hai, 09/06/2014, 15:40

Bạo lực bùng phát tại Kidal đang bị Pháp và Mỹ lên án, hai nước này kêu gọi trả tự do cho các tù nhân đang bị Phong trào Quốc gia Giải phóng Azawad (MNLA) giam giữ.

Liệu người ta có thể tránh được sự bùng phát chiến tranh giữa quân đội Mali và phe ly khai người Touareg của phong trào MNLA không? Một cuộc chạy đua với thời gian đã khởi phát trước tình hình diễn ra ngày càng tồi tệ tại Kidal, Mali, nơi quân đội Mali và các chiến binh vũ trang đã đụng độ nhau hôm 17/5 vừa qua.

Phong trào Touareg bắt giữ khoảng 30 người tại trụ sở Thống đốc Kidal, phần lớn là binh sĩ và viên chức. Liên Hiệp Quốc (LHQ), Paris và Washington đồng loạt yêu cầu trả tự do cho họ. Sáng 19/5, Tổng thống François Hollande đã có cuộc đàm thoại với Tổng thống Ibrahim Boubacar Keita của Mali về vấn đề này. LHQ lên án "vụ ám sát 2 dân thường và 6 viên chức Mali", và gọi đấy là "tội ác man rợ".

Chính phủ Mali khẳng định đã điều thêm quân đội và sẵn sàng hành động để chiếm lại quyền kiểm soát thị trấn Kidal, thủ phủ của các nhóm Touareg. Còn MNLA đã gửi một đặc phái viên sang Roma để đàm phán với nhà cầm quyền Mali dưới quyền của cộng đồng Thiên Chúa giáo San Egidio (nhân tố chính trong việc giải quyết các tranh chấp ở châu Phi). Theo một nguồn tin thân cận với phong trào, MNLA đề nghị một sự trao đổi tù nhân và quy tội chính phủ đã không áp dụng cam kết trong thỏa ước Ouagadougou vào tháng 6/2013 quy định việc trả tự do cho 10 thành viên MNLA đang bị giam giữ.

Cuộc đụng độ hôm 17/5 là rất dữ dội trong lúc tân Thủ tướng Mali Moussa Mara đến thăm Kidal. Nhưng các nguồn tin không nhất quán về diễn tiến của vụ đụng độ. Chính phủ lên án MNLA đã lợi dụng cuộc viếng thăm của Thủ tướng Moussa Mara để phát động bạo lực và nhắm vào trụ sở Thống đốc Kidal. Còn phía Touareg lại cáo buộc quân đội đã nổ súng vào một nhóm người biểu tình, trong đó có cả trẻ em và phụ nữ, nên buộc MNLA phải trả đũa.

Từ nhiều tháng qua, Chính phủ Mali và MNLA đã mở nhiều cuộc đàm phán để cố tìm ra một thỏa thuận về quy chế cho miền Bắc nước này mà có thời gian MNLA đã tuyên bố độc lập. Nhưng giữa 2 phía vẫn luôn căng thẳng vì thiếu một thỏa thuận chính trị đúng thể thức.

Thủ tướng Moussa Mara (người choàng khăn) đến thăm Kidal.

Trong khi những lời chỉ trích tăng cao về sự "thụ động" của lực lượng Mũ nồi xanh của LHQ và quân đội Pháp khi xảy ra biến động tại Kidal, Paris kêu gọi trả tự do cho các tù nhân do MNLA giam giữ, đồng thời khẳng định rằng đã "trợ giúp lực lượng LHQ để giữ an ninh cho chuyến thăm của Thủ tướng Moussa Mara". Ông này đã đến nơi bằng trực thăng của LHQ và hạ cánh an toàn xuống một doanh trại của quân đội Pháp.

"Chính phủ Mali đã có điều họ muốn. Cuộc viếng thăm của Thủ tướng đến Kidal giống như một sự khiêu khích dưới mắt người Touareg vì chính phủ đã điều quân đội tăng viện nhân chuyến viếng thăm đó. Có lẽ Mali đã vượt qua một điểm không thể quay lại với hàng loạt vụ ám sát tại trụ sở Thống đốc Kidal" - một người thông thạo tình hình nhận định.

Sự bùng phát bạo lực tại Kidal đã khơi dậy những vết thương không bao giờ lành giữa dân chúng và cộng đồng Touareg vốn luôn xung khắc từ bao đời nay. Sự hiện diện của quân đội Pháp cùng hàng ngàn lính Mũ nồi xanh đã ngăn cản mọi cuộc tấn công của các nhóm vũ trang xuống phía nam. Ngược lại, sự bùng phát bạo lực mới đây đã gây tổn hại nghiêm trọng cho cơ hội có thể đạt được một thỏa thuận lâu dài giữa chính phủ và người Touareg.

Trong trường hợp quân đội thất bại tại Kidal, điều này sẽ có hậu quả ngược đối với Tổng thống Keita. Ông này rất chú trọng đến chủ quyền của Mali nên không muốn thỏa hiệp với phe MNLA từng bị cáo buộc về tội ác chiến tranh trong cuộc tấn công vào năm 2012, đặc biệt là tại Aguelhok miền Bắc Mali.

Trong khi một số người kêu gọi phải lập tức giải giáp phe MNLA, Paris lại tỏ ra thận trọng. Đây là một động thái khiến người ta khó hiểu và thậm chí tức giận, kể cả người dân cũng như chính phủ. Có lẽ là do một mối liên hệ bí mật giữa một số quan chức Pháp với người của MNLA. Theo các chuyên gia, rất có thể phe MNLA đã cung cấp thông tin tình báo của các nhóm thánh chiến ở miền Bắc Mali cho Pháp.

Hệ quả của cuộc khủng hoảng này là rất lớn. Paris vừa đưa 100 binh sĩ đến Abidjan. Hiện nay Pháp có 1.700 lính tại Mali và được tăng cường tại Kidal để phòng ngừa mọi sự cố. Chính phủ Pháp cũng vừa thông báo sẽ hoãn việc kết thúc chiến dịch Serval (chiến dịch quân sự của Pháp tại Mali) thêm vài tuần.

Tại Mali, sự ổn định tùy thuộc vào một sự hòa giải chính trị giữa miền bắc và miền Nam. Thế nhưng, trong khi các mục tiêu quân sự của Pháp xóa sổ mối đe dọa khủng bố, tiêu diệt các nhóm thánh chiến, giải thoát con tin - đã thành công vượt quá mong đợi, sự hòa giải lại tan biến. Quân đội Mali không bao giờ thực sự kiểm soát được Kidal. Tiến trình đàm phán giữa chính phủ và các nhóm vũ trang đã ngưng trệ. Hiện nay tình thế tại Kidal được một quan chức Pháp xem như là "ngòi nổ".

Quyết định của Tổng thống Keita cho quân đội tấn công Kidal mà không báo trước cho Pháp hay lực lượng LHQ khiến Chính phủ Pháp tức giận. Thất bại của quân đội Mali đã chứng tỏ rằng chiến lược của Pháp - đào tạo binh sĩ địa phương để chuyển giao trọng trách gìn giữ an ninh - đã không đạt được kết quả như mong muốn. Phải mất nhiều năm và nhiều tiền của để có thể gây dựng được một quân đội Mali đủ mạnh mẽ.

Đối với nước Pháp, hệ quả giờ đây rất nghiêm trọng. Chính phủ Pháp phải hoãn lại sự tái tổ chức hệ thống quân sự tại Nam Sahara và gửi quân tiếp viện đến miền Bắc Mali. Bạo loạn tại Kidal đã kéo theo các phản ứng thù nghịch đối với binh lính Pháp và LHQ do bị cho là quá thụ động. Từ trước nhiều người nhận định rằng phải có hòa bình trước khi tổ chức bầu cử. Nhưng Paris lại muốn rằng sự hòa giải cần phải có một nhân vật hợp pháp tại Bamako.

Tin rằng giải pháp cho Mali chỉ có thể qua con đường chính trị nên Bộ trưởng Quốc phòng Pháp đã tìm sự hậu thuẫn từ phía Algeria để tái lập lại tiến trình hòa giải Bắc - Nam. Đây là một điều tối cần thiết vì nếu không, chiến thắng của chiến dịch Serval có thể bị xôi hỏng bỏng không

Minh Luân (tổng hợp)
.
.