Mất đất ở Syria và Iraq, IS “bung” ra thế giới

Thứ Tư, 06/07/2016, 17:05
Vụ tấn công khủng bố tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ (45 người chết) còn chưa lắng xuống hoàn toàn, thế giới lại đón nhận tin tức về loạt tấn công mới tại nhiều quốc gia khác nhau gây thương vong hàng trăm người.

IS đã chính thức nhận trách nhiệm gây ra các vụ tấn công, đủ cho thấy mức độ nguy hiểm của tổ chức khủng bố này đang ngày càng gia tăng, đặc biệt là khi hiện nay IS đang bị đánh bật ra khỏi nhiều địa bàn lãnh thổ đã chiếm đóng thời gian qua ở Iraq cũng như Syria.

Nếu tính luôn vụ tấn công tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, từ thứ Sáu ngày 28-6 đến Chủ nhật ngày 3-7, có gần chục vụ tấn công xảy ra tại 5 quốc gia khác nhau. Ngày 28-6, 3 vụ tấn công liên tiếp tại sân bay Ataturk, Istanbul; cùng ngày, một vụ tấn công bằng lựu đạn vào đêm 28-6 xảy ra tại một hộp đêm gần Kuala Lumpur, Malaysia, không có ai thương vong.

Vụ tấn công tại Malaysia được xem là lần đầu tiên IS thực hiện thành công một vụ tấn công trên đất Malaysia. Vụ tấn công này được thực hiện theo lệnh của chiến binh IS người Malaysia tên là Muhammad Wanndy Mohamed Jedi vừa trở về từ Syria. Tuy không gây thương vong, nhưng vụ tấn công đã ghi dấu ấn hoạt động của chiến binh IS tại Đông Nam Á.

Quân đội Bangladesh đến giải cứu con tin trong vụ tấn công tại Dhaka.

Đến ngày 1-7, IS thực hiện vụ tấn công vào một quán cà phê ở thủ đô Dhaka, Bangladesh làm chết 22 người, trong đó có nhiều người Mỹ. Đặc biệt nghiêm trọng là vụ tấn công tại trung tâm thủ đô Baghdad của Iraq vào ngày Chủ nhật 3-7 làm chết hơn 200 người (theo CNN sáng 5-7).

Tại Arập Xêút, một loạt 3 vụ đánh bom tự sát xảy ra liên tiếp trong 24 tiếng đồng hồ từ ngày 4 sang rạng sáng 5-7 làm chết 4 người ở thành phố Medina và bản thân kẻ đánh bom ngay trước cổng Lãnh sự quán Mỹ tại thành phố Jedda.

Ngoài ra, thêm một số vụ tấn công khác xảy ra cùng thời gian trên tại Yemen nhưng chưa có thông tin về thương vong cũng như thủ phạm có phải là IS hay không.

Những vụ tấn công mới vừa xảy ra nêu trên đã nối dài thêm danh sách các vụ tấn công khủng bố bên ngoài lãnh thổ Syria và Iraq trong khoảng thời gian hơn một năm qua, gây ra cái chết cho hàng trăm, thậm chí hàng ngàn người, trải dài từ Trung Đông và Bắc Phi sang tận Bắc Mỹ, châu Âu đến Đông Nam Á.

Điểm chung của những vụ tấn công này là mô thức tổ chức tấn công mang dấu ấn riêng biệt của IS, do các phần tử IS đa quốc gia thực hiện và nạn nhân cũng là công dân của nhiều quốc gia khác nhau, đặc biệt là người Mỹ và Tây Âu. Trong số các vụ tấn công đó, đặc biệt nghiêm trọng là loạt vụ tấn công tại thủ đô Paris của nước Pháp do thành phần chiến binh IS từ Syria trở về thực hiện. Đây cũng là một điểm chung nhất của dạng khủng bố do các chiến binh IS từ Syria hay Iraq trở về quê hương hoặc từ nước khác đến thực hiện.

IS đã cho thấy nó đã sẵn sàng vươn vòi ra toàn thế giới, sẵn sàng thực hiện những vụ tấn công đặc biệt nguy hiểm nhắm vào các mục tiêu mà chúng xem là kẻ thù, chủ yếu là công dân các quốc gia tham gia chiến dịch không kích chống IS tại Syria và Iraq do Mỹ và Nga dẫn đầu.

Abdullah Qlazar Khan, kẻ đánh bom tự sát trước cổng Lãnh sự quán Mỹ ở thành phố Jedda, Arập Xêút.

Những vụ tấn công đó cho thấy IS đang tỏ ra hết sức nguy hiểm khi nó bị mất đi các vùng lãnh thổ chiếm đóng theo truyền thống để xây dựng caliphate. Loạt vụ tấn công tại trung tâm Baghdad diễn ra ngay sau khi Chính phủ Iraq hân hoan tuyên bố quên đội nước này, với sự hỗ trợ của lực lượng quân sự nước ngoài (Iran, Mỹ), đã giành lại được quyền kiểm soát thành phố Falluja, đẩy IS co cụm về Mosul.

Trước đó, quân đội Iraq và các lực lượng phối hợp của Mỹ và Iran cũng đã lấy lại được các thành phố khác ở miền Tây và Bắc Iraq, đồng thời lên kế hoạch tiến quân đánh vào Mosul để giải phóng thành phố này. Tại Syria, sau khi để mất một loạt thành phố, thị trấn quan trọng vào tay quân đội Chính phủ Syria và phiến quân Hồi giáo đối lập do Mỹ và đồng minh hậu thuẫn, IS co cụm về cố thủ tại "thủ đô tự xưng" ở thành phố Raqqa, Bắc Syria.

Cuối tháng 5 vừa qua, chính quyền Libya cũng đã tuyên bố lấy lại được thành phố cảng dầu mỏ quan trọng ven bờ Địa Trung Hải là Sirte.

Sự nguy hiểm của IS không chỉ được thể hiện qua loạt các vụ tấn công từ ít nguy hiểm đến đặc biệt nguy hiểm, mà còn thể hiện ở phạm vi địa bàn lãnh thổ, đối tượng tấn công và cả việc tranh giành ảnh hưởng khủng bố trên phạm vi toàn cầu.

Trong vụ tấn công tại Bangladesh, có ý kiến cho rằng IS đang muốn mở rộng lãnh thổ caliphate sang những vùng đất truyền thống của Al-Qaeda, và đây được xem là một cuộc cạnh tranh quyền lực khủng bố giữa hai tổ chức khủng bố quốc tế này. Ngay hôm sau vụ tấn công ở Dhaka, IS đã tung ra những hình ảnh chụp những chiến binh được cho là thực hiện vụ tấn công mang súng và cười vui bên cạnh những hình ảnh bên trong quán cà phê bị tấn công trước khi lực lượng an ninh Bangladesh kịp đến.

Đáp trả hành động của IS, một thông điệp của thủ lĩnh Al-Qaeda tại Tiểu lục địa Ấn Độ (AQIS) là Asim Umar đã được phát đi hôm 3-7 trong đó kêu gọi người Hồi giáo giết chết các cảnh sát và quan chức Hindu ở Ấn Độ.

Chưa hết, AQIS cũng cho phát hành tạp chí Resurgence kêu gọi thánh chiến quân tổ chức tấn công tại Bangladesh, trong khi đích thân thủ lĩnh Ayman al Zawahiri cũng kêu gọi các giáo sĩ Bangladesh tổ chức biểu tình phản đối và thực hiện "tử vì đạo".

Trương Hùng (tổng hợp)
.
.