"Mật mã Da Vinci" - cú sốc tôn giáo
Đức Hồng y Tarcisio Bertone nói: “Cuốn "Mật mã Da Vinci" là một loại thức ăn hôi thối và bệnh hoạn. Nó chứa đầy rẫy những lời nói dối và xuyên tạc chống lại Giáo hội, chống lại lịch sử đích thực và chân chính của đạo Thiên Chúa”.
“Mật mã Da Vinci" thành công trước tiên bởi nó được viết với một bút pháp tài tình dựa trên những tình tiết nghẹt thở. Với cốt truyện vô cùng ly kỳ hấp dẫn, người đọc lập tức bị lôi cuốn bởi những con chữ biến ảo trên từng trang sách. "Mật mã Da Vinci" được mở đầu bằng vụ ám sát linh mục Jacques Saunière tại Bảo tàng Louvre ở
Langdon đã quyết định cùng Neveu chạy trốn. Cùng lúc đó, họ phát hiện ra rằng Jacques Saunière vốn là lãnh đạo của Hội Priory of Sion (vốn là một hội kín tôn giáo có thật). Vì muốn công bố những tài liệu mật liên quan đến Thiên Chúa giáo nên ông đã bị sát thủ Silas của Hội Opus Dei (cũng là một hội kín có thật khác) giết chết để bịt đầu mối. Bí mật đó liên quan đến Leonardo da Vinci, một thành viên của Hội Priory of Sion, người đã lồng vào những tác phẩm của mình những bức mật mã dẫn đường đến tung tích của chiếc Ly Thánh mà Chúa Jesus đã dùng trong Bữa tiệc cuối cùng.
Với trí thông minh của mình, bộ đôi Langdon và Neveu dần giải mã những bức mật mã của Da Vinci và hành trình đi tìm sự thật bắt đầu. Nắm được bí mật trong tay cũng là khi hai người rơi vào tình trạng nguy hiểm, bị Hội kín Opus Dei truy lùng ráo riết nhằm tiêu diệt để bịt đầu mối. Hành trình kiếm tìm chiếc ly Thánh đưa họ đến với những phát hiện chấn động làm đảo lộn nền tảng của Thiên Chúa giáo.
Đó là nữ Thánh Mary Magdalene và Chúa Jesus là hai vợ chồng (?!) và những hậu duệ của hai người (chính là Sophie Neveu) hiện vẫn tồn tại. Bí mật đó được Hội kín Priory of Sion cố gắng gìn giữ trong khi Hội kín Opus Dei cố tìm cách phá hủy để sự thật sẽ mãi chìm vào bóng đêm của sự bí ẩn.
Cuốn sách "Mật mã Da Vinci" dựa trên khá nhiều tài liệu lịch sử và giả thiết của giới nghiên cứu về tôn giáo như cuốn "Máu Thánh", "Ly Thánh Lễ Vượt Qua", "Huyết thống của Ly Thánh", v.v... Những giả thiết về việc Chúa Jesus không chết trên cây thập giá, Chúa Jesus là người bình thường cũng không phải là điều mới mẻ. Tuy nhiên, tính hấp dẫn của "Mật mã Da Vinci" nằm ở chỗ tác giả Dan Brown đã khéo léo lồng ghép những sự kiện có thật cùng những sự kiện tưởng tượng, để cho chúng xảy ra ở những địa điểm có thật, tạo thành những giả thiết gây sốc nhất.
Độc giả dần bị dẫn dắt vào một lớp sương mù dày đặc trộn lẫn giữa những sự thật và tiểu thuyết khiến đôi khi người ta không khỏi phân vân tự vấn rằng liệu những định đề trong cuốn tiểu thuyết này có phải là sự thật hay không? Chính điều đó đã khiến nhiều cuộc tranh cãi nổ ra ngay sau khi "Mật mã Da Vinci" được phát hành.
"Mật mã Da Vinci" là gì? Nếu nhìn vào bức tranh Bữa tiệc cuối cùng của danh họa Leonardo da Vinci ta sẽ thấy hình ảnh Thánh John ngồi bên phải Jesus. Tuy nhiên, “mật mã” ở đây giải thích Thánh John thực ra chính là bà Mary Magdalene vì tư thế ngồi của Mary và Chúa Jesus tạo thành chữ M (Mary Magdalene) và trên thực tế, hình ảnh của Thánh John trông rất giống phụ nữ!
Về giả thiết Chúa Jesus và bà Mary Magdalene là hai vợ chồng như trong tiểu thuyết, Giáo sư Karen King, Đại học Harvard, nhận định rằng: “Không có bằng chứng gì về việc này. Tuy nhiên, phải nhìn nhận một thực tế rằng, Mary Magdalene là một người được Chúa Jesus truyền thụ nhiều tư tưởng của Thiên Chúa giáo. Bà là người có những đóng góp lớn lao trong lịch sử Thiên Chúa giáo buổi sơ khai”.
"Mật mã Da Vinci" cũng gây ra sự phản đối gay gắt từ phía Giáo hội Công giáo. Đức Hồng y Tarcisio Bertone nói: “Các nhà sách Công giáo nên loại bỏ ngay "Mật mã Da Vinci" giật gân này. Tác giả Dan Brown đáng bị lên án. Cuốn sách là một loại thức ăn hôi thối và bệnh hoạn. Nó chứa đầy rẫy những lời nói dối và xuyên tạc chống lại Giáo hội, chống lại lịch sử đích thực và chân chính của đạo Thiên Chúa”.
Còn tác giả của "Mật mã Da Vinci", thì phủ nhận việc chống đối lại những người Kitô giáo. Ông cho rằng "Mật mã Da Vinci" chỉ “đơn giản là một cuốn tiểu thuyết khai thác một số khía cạnh của lịch sử Thiên Chúa giáo mà tôi thích”