Mặt trận mới chống IS của phương Tây

Thứ Tư, 24/02/2016, 13:50
Vụ oanh kích vào một trại lính của Tổ chức nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) hôm 19-2 đã mở màn chiến dịch quân sự mới của Mỹ tại Lybia. Vụ việc này cho thấy thực tế là Mỹ đang đánh IS hay IS đang quần Mỹ?

Ngày 19-2, Không quân Mỹ đã tiến hành đợt không kích mạnh mẽ vào một trại lính của IS tại thành phố Sabratha, thành phố ven biển phía tây bắc Lybia, nơi những chiến binh khủng bố nước ngoài đang được huấn luyện, tiêu diệt ít nhất 43 phần tử cực đoan.

Sau đợt không kích, Nhà Trắng tin rằng họ đã tiêu diệt được Noureddine Chouchane, thủ lĩnh cấp cao của IS tại Tunisia. Chouchane là người chỉ huy đứng sau hai cuộc tấn công khủng bố vào Bảo tàng Bardo và một khu nghỉ mát tại Tunisia năm 2015, giết hại 61 người.

Căn cứ không quân ở Sirte gần Địa Trung Hải thuận lợi cho IS tiến hành các cuộc không kích cảm tử hướng đến châu Âu.

Như vậy những dự báo trước đó của truyền thông quốc tế về khả năng can thiệp của Mỹ vào Lybia là đúng. Ngày 29-1-2016, Nhà Trắng cho hay, trong cuộc họp của Hội đồng An ninh Quốc gia, Tổng thống Barack Obama ra chỉ thị cho các cố vấn "tiếp tục các nỗ lực… hậu thuẫn cho các chiến dịch chống khủng bố tại Libya".

Theo một giới chức cao cấp Bộ Quốc phòng Mỹ, được AFP dẫn lời, "cần hành động trước khi nước này trở thành một pháo đài" của quân thánh chiến, Mỹ không thể để cho Libya trở thành "một Iraq hay Syria".

Cũng theo giới chức nói trên, Washington đang chuẩn bị nhiều khả năng can thiệp quân sự, từ không kích cho đến tham gia vào một chiến dịch được Liên Hiệp Quốc bảo trợ. Trong nhiều tháng gần đây, Mỹ đã cử nhiều đơn vị đặc nhiệm tới Libya để nắm tình hình tại chỗ và bắt liên lạc với các lực lượng địa phương Libya. Sở dĩ Mỹ cũng như các đồng minh phương Tây, đặc biệt là Pháp, Italia, còn do dự chưa can thiệp quân sự tại Libya là do một chính phủ đoàn kết dân tộc tại đây chưa chính thức ra đời, như yêu cầu của Liên Hiệp Quốc. Cần phải có một giải pháp chính trị trước khi có một giải pháp quân sự.

Theo người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Mỹ: "Libya cần một chính phủ đoàn kết quốc gia để có thể phối hợp với cộng đồng quốc tế".

IS diễu hành ở thành phố cảng Sirte, Libya.

Những cuộc thương lượng cho việc lập một chính phủ như vậy là hết sức khó khăn. Điều này phải được sự đồng thuận trước hết của hai quốc hội. Libya có hai quốc hội với hai chính phủ, một ở miền Đông, một ở miền Tây, thành lập kể từ năm 2014. Mỗi phe được sự hậu thuẫn của một số nhóm vũ trang, và nhiều chiến binh nổi dậy từng lật đổ chế độ Gadhafi năm 2011.

Trước tình trạng bất định này, các cường quốc phương Tây tính toán phải quyết định ra tay sớm. Theo các nhà quan sát, cho dù rất muốn tham gia, Mỹ dường như không muốn đảm nhiệm vị trí đứng đầu cuộc can thiệp tại Libya, do đã ở tuyến đầu trong hai chiến dịch tại Iraq và Syria. Lãnh đạo liên quân sắp tới - bao gồm trước hết là Mỹ, Pháp, Anh - rất có thể sẽ do Italia dẫn đầu. Italia là một trong những quốc gia châu Âu chịu ảnh hưởng trực tiếp nhất do khủng hoảng Libya. Theo Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, Italia cho biết sẵn sàng đứng đầu liên quân.

Ngày 28-1, Bộ trưởng Quốc phòng Italia Roberta Pinotti thông báo, cuộc họp Bộ trưởng Quốc phòng các nước trụ cột của liên quân chống IS tại Paris tuần trước đã đạt được một "thỏa thuận hoàn toàn" trong việc cam kết hậu thuẫn cho một chính quyền Libya thống nhất. Lãnh đạo Quốc phòng Italia nói rõ, các cường quốc đang chuẩn bị cho can thiệp quân sự chống IS, cho dù chính quyền thống nhất chưa ra đời trong thời gian trước mắt.

Ngày 2-2, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry công du Roma để hội kiến với các đồng nhiệm châu Âu. Tổng thống Obama đã tiếp đồng nhiệm Italia tại Nhà Trắng vào ngày 8-2 để thảo luận ý định Italia tham gia liên quân chống IS tại Libya.

Phương Tây, đặc biệt là Mỹ, đã nháo nhào vì từ nhiều tháng qua IS đã mở rộng địa bàn sang Lybia. Sau khi bị dồn ép và đánh dữ dội tại Iraq và Syria trên cả hai lĩnh vực, quân sự và tài chính, IS tìm đường sang Lybia. Tờ Wall Street Journal ra ngày 29-11-2015, cho hay chỉ trong vòng một năm qua, quân IS tại thành phố Sirte, cách thủ đô Tripoli của Lybia 450 km về phía đông, đã tăng từ 200 lên 5.000 người.

Một trại lính của IS tại Lybia bị Mỹ oanh kích hôm 19-2.

Tờ báo Mỹ dẫn nguồn tin riêng cho biết, hiện các thủ lĩnh IS đã đưa ra lời kêu gọi tất cả các lực lượng khủng bố hãy tập trung về Libya để thực hiện ý đồ đánh chiếm các mỏ dầu và các nhà máy lọc dầu ở gần Sirte. Và kể từ ngày 4-1-2016, với khoảng 3.000 chiến binh, IS đã tiến hành nhiều cuộc tấn công nhắm vào các cảng và trạm tiếp dầu ven biển, đặc biệt tại Ras Lanouf và Al Sedra, thủ phủ dầu mỏ của Libya.

Theo Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter, IS đã lập nhiều trại huấn luyện tại quốc gia này, để thu hút nhiều chiến binh nước ngoài, như đã làm tại Iraq và Syria những năm gần đây. Vấn đề là ở Lybia hiện nay không có một lực lượng có tổ chức nào tại địa phương có thể chặn được đà tiến của IS về phía các mỏ dầu, hầu hết nằm ở Sirte.

Wall Street Journal cho rằng, IS có sẵn "kế hoạch B" là đại bản doanh mới ở Libya, quốc gia đang chìm trong hỗn loạn. Đối với các nhóm khủng bố quốc tế, Libya nay là "đất Thánh" quyến rũ hơn cả Iraq hay sa mạc Syria - rộng lớn hơn và giàu có hơn. Vùng duyên hải rộng mênh mông phía Địa Trung Hải và vùng biên giới Sahara rất dễ xâm nhập cũng như đào thoát. Thành phố cổ Subratha có 100.000 dân nằm giữa biên giới Thổ Nhĩ Kỳ và Tripoli đã bị IS chiếm tháng 12-2014, cũng là nơi huấn luyện những kẻ khủng bố đã tấn công Tunisia, Bảo tàng Bardo và thành phố biển Sousse.

Libya có vị trí địa lý đặc biệt là tâm điểm của các tuyến đường buôn lậu lớn tại châu Phi, đồng thời có thể trở thành cơ sở nền tảng để IS mở các cuộc tấn công khủng bố tại châu Âu ở khoảng cách rất gần. Nhà khoa học chính trị Mỹ George Friedman cảnh báo năm 2016, IS sẽ mở rộng hoạt động tại Arab Saudi, Ai Cập, Yemen, Libya, vùng hạ Sahara và Tây Nam Á.

Việc Mỹ mở không kích IS tại Lybia đã chính thức xác nhận IS đang mở rộng địa bàn. Nhưng xét về hiệu quả và tương lai của những chiến dịch oanh kích này, các chuyên gia cho rằng khi bản thân các chiến dịch của Mỹ và đồng minh tại Iraq và Syria đang thất bại thì khả năng đánh bại IS tại Lybia là zero.

Thực tế cho thấy, IS đã làm đảo lộn tính toán chiến lược của Mỹ ở khu vực Trung Đông, Bắc Phi và vùng Vịnh. Kể từ khi rút quân khỏi vùng Vịnh, Mỹ chọn cách đánh không trực tiếp giao tranh trên bộ mà chỉ không kích và hậu thuẫn những lực lượng hay phe cánh đồng minh bản xứ ở trên bộ. Nhưng tới nay, tất cả các nước được Mỹ hậu thuẫn đều rối về nội bộ, trong khi khủng bố vẫn hoành hành.

Mỹ cùng lúc phải tiến hành yểm trợ ở nhiều mặt trận, chống khủng bố không triệt để (kiểu nửa vời) khiến phạm vi hoạt động của bọn chúng ngày càng rộng và cứ như thế Mỹ càng khó thành công. Rõ ràng IS đang lôi kéo Mỹ và đồng minh sa lầy ở Trung Đông và Bắc Phi. Chống khủng bố kiểu này không biết bao giờ mới kết thúc.

Mộc Thạch (tổng hợp)
.
.