Mặt trận truyền thông Nga-Mỹ: Kẻ bạo tay, người mạnh miệng

Thứ Sáu, 03/03/2017, 16:20
Mỹ vừa đưa vào hoạt động kênh truyền hình bằng tiếng Nga đầu tiên kể từ sau khi chiến tranh Lạnh kết thúc. Đây được coi là để đáp trả hệ thống truyền thông bằng tiếng Anh và Pháp của Nga. Trong cuộc đấu “mồm nhôm” ấy, dường như Nga giờ không còn lép vế như trước đây, nhất là trong bối cảnh quan hệ giữa tân chính quyền Mỹ với báo chí phương Tây đang gặp vấn đề.

“Nga thì có RT, còn chúng ta thường cử đi một hạm đội tàu sân bay”!

Ngày 25-2, hãng tin Pháp AFP đưa tin, ba thập niên sau khi đã góp phần làm sụp đổ hệ thống XHCN ở Đông Âu, Đài châu Âu tự do/Đài phát thanh Tự do (RFE/RL), do Mỹ tài trợ, lại thách thức chính quyền Moskva với một kênh truyền hình tiếng Nga. Được đặt tên là “Giờ hiện tại” (Nastoiachtchee Vremia), kênh truyền hình này đã bắt đầu phát sóng trong tháng 2-2017, nhắm tới 270 triệu khán giả ở các nước thuộc Liên Xô cũ. Kênh truyền hình mới được phát sóng 24/24 giờ, từ Praha, qua vệ tinh, hệ thống cáp và Internet.

Theo lời một lãnh đạo của đài “Giờ hiện tại”, Kenan Aliev, mục tiêu của đài cũng tương tự như Đài châu Âu tự do, đó là nhắm vào chính quyền của Tổng thống Nga Vladimir Putin, với các chương trình nói về tham nhũng, nạn nghèo khó, chăm sóc y tế, ngoài các bản tin thời sự. Một số chương trình được dành cho các nước vùng Baltic, Moldova và Ukraine, nơi có những cộng đồng người Nga sinh sống.

Ông Donald Trump tại sảnh của tòa báo New York Times sau cuộc trả lời phỏng vấn ngày 22-11-2016.

Kênh truyền hình tiếng Nga do Mỹ tài trợ ra đời trong bối cảnh quan hệ giữa Moskva và phương Tây đang xấu đi rất nhiều, kể từ khi Nga sát nhập vùng Crimea và mở chiến dịch quân sự ở Syria. Nga đã phản ứng khi cáo buộc kênh truyền hình nói trên là “nơi rửa tiền” dưới danh nghĩa chống tuyên truyền của Nga.

Cũng trong ngày 25-2, tuần báo Le Nouvel Observateur của Pháp có bài: “Những tiếng nói mới của nước Nga” để nói về toan tính quốc tế của nhà nước Nga trong lĩnh vực truyền thông. Nằm ở tuyến đầu của cuộc chiến là “Russia Today” và “Sputnik”, hai phương tiện truyền thông chủ lực của Moskva, bắt đầu hoạt động mạnh ở Pháp. Theo tờ tuần báo Pháp, chủ trương của Tổng thống Putin là “phải bẻ gãy thế độc quyền của các phương tiện truyền thông Anh-Mỹ”.

Báo Le Nouvel Observateur cho biết cụ thể về kênh Russia Today, với hơn 2.000 nhân viên, khoảng 30 văn phòng trên khắp thế giới, được phổ biến bằng 3 thứ tiếng: Anh, Arập và Tây Ban Nha. Ít tháng nữa, Russia Today sẽ mở kênh tiếng Pháp. Đề nghị của Russia Today đã được cơ quan quản lý Pháp bật đèn xanh. Russia Today và Sputnik đều thuộc về Tập đoàn Rossia Segodnia (Nước Nga đương đại), thuộc nhóm các doanh nghiệp chiến lược của Moskva, với ngân sách hằng năm 250 triệu euro. Đây là khoản “vượt xa đầu tư cho văn hóa”, theo nhận định của tuần báo Pháp.

Tại trụ sở chính của Russia Today, người ta có thể thấy các nhà báo rất trẻ, tuổi không quá 30, làm việc trong không khí hài hước, nhẹ nhõm, có cảm tưởng không khác gì với một trung tâm báo chí chuyên nghiệp tại những quốc gia phương Tây. Russia Today được coi là một phương tiện ngoại giao của nước Nga, giống như Kênh CNN đối với Mỹ hay France 24 đối với Pháp.

Nhận định về vai trò của truyền thông trong cuộc đấu của Nga với phương Tây, Florent Parmentier, giảng viên thuộc Viện Khoa học Chính trị (Sciences Po), Pháp, cho rằng Nga bị đe dọa do NATO tìm cách bao vây: hấp lực của Liên minh Bắc Đại Tây Dương hoặc Liên minh châu Âu đối với các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ là kết quả của một chiến lược chủ ý thu hẹp không gian ảnh hưởng của Nga.

Ông Olivier Schmitt, phụ trách Hiệp hội Nghiên cứu về chiến tranh và chiến lược, giáo sư thỉnh giảng về Khoa học chính trị tại đại học Nam Đan Mạch, nhấn mạnh: “Một số hành động của Nga có thể được hiểu là kết quả của ý muốn xóa bỏ những định chế an ninh xuyên Đại Tây Dương. Học thuyết quân sự Nga nhận định rằng việc mở rộng khối NATO và bản thân sự tồn tại của liên minh này là một mối đe dọa sinh tồn đối với Liên bang Nga. Và Nga sẽ được bảo đảm an ninh bằng cách làm suy yếu các định chế này. Do vậy, một trong những mục tiêu là phải có khả năng phá hủy các công cụ an ninh xuyên Đại Tây Dương”.

Các nhà báo bỏ về khi biết Nhà Trắng loại nhiều cơ quan truyền thông lớn khỏi cuộc họp báo ngày 24-2-2017 tại Washington.

Vẫn theo ông Schmitt, để đạt được các mục tiêu của mình, Nga sử dụng các phương tiện không chỉ thuần túy quân sự, mà “còn có thể dưới các hình thức khá cổ điển khác như các âm mưu lật đổ, chiến tranh thông tin hoặc tài trợ cho các chính đảng dân túy có các chương trình chống lại những định chế an ninh xuyên Đại Tây Dương tại châu Âu”.

Chuyên gia này nhận thấy, mục tiêu mà Nga theo đuổi - phá vỡ sự gắn kết xã hội - chính trị của các xã hội phương Tây - lại được công luận tại một số nước châu Âu lắng nghe, bởi vì “các nước này thất vọng về nền dân chủ tự do hiện nay, họ đang chờ đợi những hô hào thay đổi. Khẩu hiệu của hãng thông tấn Nga Sputnik - chúng tôi nói với các bạn những điều mà người khác không nói cho bạn - khuếch đại tâm lý của công dân là họ bị bộ máy nhà nước tước đoạt. Như vậy, ở đây có một nhu cầu của xã hội mà Nga có thể khai thác thông qua các phương tiện truyền thông của mình”.

Cuộc chiến thông tin Nga-Mỹ được thể hiện rõ nét nhất trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vừa qua, với phần thắng nghiêng về nước Nga. Cuối tháng 12-2016, hãng tin Anh Reuters dẫn lời nhiều cố vấn an ninh mạng, đã nghỉ hưu hay đương chức tại Nhà Trắng thừa nhận rằng Mỹ đã bị lép vế trước Nga trong cuộc chiến tranh tuyên truyền.

Theo họ, trong hơn chục năm gần đây, chính quyền Mỹ đã dốc sức chuẩn bị ứng phó với những vụ tấn công tin học đến từ nước ngoài, đánh vào mạng lưới cung cấp điện, hệ thống tài chính, thậm chí hệ thống bỏ phiếu điện tử, nhưng lại thiếu đối sách rõ ràng khi Nga tung chiến dịch thông tin sai lệch trên Internet trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ.

Lúng túng đối nội

Các chuyên gia này cho rằng không phải Mỹ không quan tâm đến cuộc chiến tranh tuyên truyền mà Nga đã đẩy mạnh trở lại trong những năm gần đây. Các cơ quan tình báo Mỹ vẫn không ngừng theo dõi các chiến dịch tấn công tin học, có điều là cho đến nay, chưa thấy chính quyền Mỹ, đặc biệt là ở cấp cao, thể hiện một mối quan tâm dài hơi nào đến nguy cơ cuộc chiến tranh tuyên truyền đó lan sang Mỹ, vào lúc mà, một số nguồn tin an ninh cho rằng tuyên truyền của Nga, trong một chừng mực nào đó, có thể là đã gây ảnh hưởng đến kết quả cuộc bầu cử tổng thống vừa qua ở Mỹ.

Nguyên do của vấn đề này là đã được Clinton Watts, cựu nhân viên FBI, hiện là chuyên gia tư vấn an ninh làm việc với Viện Nghiên cứu chính sách đối ngoại nêu bật: Đó là Mỹ đã để mất đi một cỗ máy tuyên truyền tương tự như định chế Cơ quan Thông tin Mỹ - U.S. Information Agency USIA, từng hoạt động rất hiệu quả trong thời Chiến tranh Lạnh. Được Tổng thống Dwight Eisenhower thành lập vào năm 1953, cơ quan này đã hoạt động cho đến năm 1999 trong tư cách là một cơ quan tuyên truyền để “tìm hiểu, thông tin và ảnh hưởng đến dư luận ở nước ngoài nhằm thúc đẩy các lợi ích quốc gia của nước Mỹ”.

Theo ông Clinton Watts, hầu hết các chiến dịch thông tin mà Nga tung ra tại Mỹ và châu Âu đều bắt nguồn từ các cơ quan truyền thông Nga, đặc biệt là Đài Truyền hình RT và cơ quan truyền thông Sputnik News, rồi sau đó được người khác khuếch đại trên mạng Twitter hay các mạng xã hội khác. Trước mối đe dọa đến từ Nga, ông Watts cho rằng chính quyền Mỹ cần phải cấp tốc trang bị các công cụ cần thiết để theo dõi những gì đang diễn ra trên mạng và phản bác kịp thời những thông tin.

James Lewis, một chuyên gia an ninh mạng tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế, từng làm việc cho Bộ Ngoại giao, Bộ Thương mại và quân đội Mỹ, cũng cho rằng Washington cần phải thay đổi quan điểm về cái gọi là triển khai uy lực Mỹ trên trường quốc tế. Nhà nghiên cứu này đã hóm hỉnh so sánh: “Họ (Nga) thì có RT, còn tất cả những gì người chúng ta thường làm là cử đi một hạm đội tàu sân bay”.

Cuộc phỏng vấn của nhà báo Larry King với Donald Trump phát trên kênh Russia Today.

Những lời kêu gọi của giới chuyên gia phương Tây sẽ ra sao khi mà mối quan hệ giữa truyền thông của họ với chính quyền Donald Trump đang gặp phải vấn đề chưa từng có tiền lệ? Buổi họp báo của Nhà Trắng ngày 24-2-2017 không được ghi hình và truyền trực tiếp từ phòng họp báo như thường lệ trước đây mà diễn ra trong phòng họp của phát ngôn viên Sean Spicer. Trong số các cơ quan truyền thông bị cấm, có Đài Truyền hình CNN, nhật báo New York Times, trang thông tin Politico, Los Angeles Times hay hãng tin Pháp AFP.

Ngược lại, những cơ quan ngôn luận bảo thủ nhỏ hơn, như One America News Network, thường ủng hộ chính quyền mới, thì lại được tham dự. Các hãng tin vẫn thường xuyên đưa tin về Nhà Trắng như Reuters và Bloomberg, cũng có mặt, trừ hãng tin Mỹ AP tẩy chay buổi họp báo để tỏ thái độ phản đối.

Trong chiến dịch tranh cử, cũng như từ khi chính thức bước vào Nhà Trắng hôm 20-1-2017, ông Donald Trump vẫn thường xuyên lên án báo chí bằng những ngôn từ nặng nề như là "không trung thực", "yếu kém" và tuyên truyền "tin thất thiệt". Đây là lý do ông quyết định sử dụng mạng xã hội làm kênh giao tiếp chính.

Tuần trước, Tổng thống Trump bắt đầu buộc tội các báo, đài New York Times, CNN... là “tin bịa đặt” sau khi họ loan tin về những liên hệ giữa ông Trump và các cố vấn của ông với chính quyền Nga và giới tình báo Nga. Sau đó, ông Trump tăng cường độ tấn công, gọi các cơ sở đó là “kẻ thù của nhân dân”. Một điều khác Tổng thống Trump trách cứ nhà báo là các báo mô tả cách làm việc của Bộ Tham mưu Nhà Trắng trong tháng qua là “hỗn loạn”, trống đánh xuôi kèn thổi ngược, vì các cố vấn cao cấp bất đồng ý kiến.

Một studio thuộc kênh truyền hình RT của Nga.

Ông Trump cực lực bác bỏ cách diễn tả đó, ông nói rằng bộ tham mưu của ông hòa hợp và nhất trí. Ông Trump còn tố cáo rằng các báo, đài trên đã dẫn chứng từ “nguồn tin giấu tên” mà theo ông thì nhà báo không được giấu tên nguồn tin của mình.

Giám đốc nhật báo New York Times, Dean Baquet, ngày 25-2 đã ra thông cáo, trong đó nhấn mạnh: "Chưa bao giờ diễn ra chuyện như vậy ở Nhà Trắng, trong suốt một lịch sử lâu dài của báo từng đưa tin với vô số chính quyền thuộc các đảng khác nhau".

Chủ tịch Hiệp hội Các thông tín viên của Nhà Trắng (WHCA), Jeff Mason, đã lên tiếng phản đối gay gắt cách thông tin với báo chí của chính quyền Trump. Tại cuộc họp báo ngày 24-2, nhiều nhà báo khi được biết một số cơ quan truyền thông lớn bị cấm đã bỏ về.

Hành động ngăn cấm một số nhà báo của chính quyền Donald Trump bị chê là “dại dột và bất lợi”, như lời phê phán của ông Ari Fleischer, cựu phát ngôn viên báo chí Nhà Trắng thời Tổng thống George W. Bush.

Mộc Thạch (tổng hợp)
.
.