Mercosur - Một liên minh kinh tế, chính trị của tương lai

Thứ Hai, 31/07/2006, 14:30

Hội nghị thượng đỉnh thương mại khu vực Mercosur diễn ra tại Cordoba (Argentina) tuần qua đã thu hút sự chú ý đặc biệt của công luận, không chỉ bởi những khía cạnh kinh tế mà còn bởi cả những yếu tố chính trị. Với sự áp đảo của các chính trị gia thiên tả, Mercosur được coi là một đối trọng thực sự đối với nền kinh tế Mỹ nói riêng và ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực nói chung.

Khối hiệp ước thương mại khu vực Mercosur (sẽ kỷ niệm 15 năm thành lập vào năm nay) ban đầu được hình thành theo Thỏa thuận Asuncion vào tháng 3/1991 bởi lãnh đạo các quốc gia Argentina, Brazil, ParaguayUruguay. Khối này được coi là một “phiên bản kinh tế” của Liên minh châu Âu với tổng diện tích chung 12 triệu km2 (gấp 4 lần diện tích chung EU), đại diện cho một thị trường tiềm năng hơn 250 triệu dân. Mục đích chính của thỏa thuận ban đầu này là đạt được một thị trường luân chuyển tự do về hàng hóa, vốn, dịch vụ và con người trong khu vực. Hiệp ước này được xem xét lại vào tháng 12/1994 với việc ký kết Thỏa thuận Ouro Preto, nhằm giúp cho khối có một quy chế quốc tế rộng rãi hơn.

Tính ra, GDP chung của cả khối Mercosur được xếp vào một trong những thị trường kinh tế lớn nhất thế giới. Bản thân khối này đã có hai nền kinh tế thuộc loại lớn nhất thế giới là BrazilArgentina. Với việc kết nạp thêm Venezuela, một quốc gia sản xuất dầu và khí gas chủ yếu của khu vực, mức độ ảnh hưởng của khối này còn tăng lên đáng kể. Cộng thêm Venezuela, cả khối đã có GDP lên tới hơn 1.000 tỉ USD, cùng với mức độ giao dịch hàng hóa trong khu vực lên tới 300 tỉ USD.

Những vấn đề trọng tâm của Mercosur

Hội nghị thượng đỉnh Mercosur lần này đáng chú ý nhất là sự có mặt ba nhà lãnh đạo cách mạng hàng đầu trong khu vực là Tổng thống Venezuela Hugo Chavez, Tổng thống Bolivia Evo Morales và Chủ tịch Cuba Fidel Castro. Chủ tịch Castro dù đã 80 tuổi vẫn trực tiếp tới Cordoba và đã có cuộc gặp gỡ ngay sau đó với ông Chavez. Cuba dù không phải là một thành viên của Mercosur, nhưng Chủ tịch Fidel Castro theo kế hoạch sẽ ký một hiệp ước thương mại với chung cả khối.

Ngay khi vừa đặt chân tới Cordoba, Tổng thống Hugo Chavez đã tuyên bố: “Hội nghị Mercosur lần này sẽ giương cao khẩu hiệu đấu tranh chống lại những bất bình đẳng xã hội, nghèo đói, nạn thất nghiệp v.v... Trọng tâm của chương trình nghị sự Mercosur là quyết tâm xóa bỏ nợ nước ngoài, giảm bớt sự mất cân bằng giữa các nền kinh tế. Ngoài những mục tiêu chiến lược như vậy, Mercosur còn là bàn đàm phán để giải quyết nhiều khúc mắc, tranh chấp về thương mại giữa các quốc gia thành viên.

Các nhà lãnh đạo Mercosur đều nhất trí sẽ tập trung vào những mục tiêu cụ thể như chống đói nghèo, tăng thêm phúc lợi xã hội và tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho người dân. Đánh giá về mục tiêu này, Tổng thống Chavez cho rằng, khối nên học tập từ những chương trình xã hội do Chủ tịch Fidel Castro đã tiến hành tại Cuba trước đó. “Mỹ Latinh có đủ mọi điều kiện để trở thành thế lực lớn trên thế giới - Tổng thống Chavez phát biểu trong hội nghị - Hãy đừng hạn chế các giấc mơ của chúng ta, mà phải phấn đấu để chúng trở thành hiện thực”.

Mercosur cũng tập trung bàn bạc các biện pháp thúc đẩy những mối liên kết kinh tế trong nội bộ khối, cũng như các thỏa thuận thương mại với EU và nhiều nước khác trên thế giới như Pakistan. Các nguyên thủ tham gia hội nghị còn hứa hẹn sẽ phấn đấu để thành lập một nghị viện chung của Mercosur (tương tự như của Liên minh châu Ââu).

Một “liên minh chính trị” (?)

Không phải ngẫu nhiên mà nhiều nhà quan sát đã nhận định như vậy về tương lai của Mercosur, nhất là sau khi có sự xuất hiện của một loạt những nguyên thủ theo đường lối cánh tả như Hugo Chavez hay Evo Morales. Trước mắt, Mercosur sẽ phấn đấu theo xu hướng trở thành một liên minh kinh tế - chính trị vững chắc và có ảnh hưởng lớn, làm đối trọng thực sự cho các chính sách thương mại tự do được Washington đề xướng trong khu vực. Tổng thống nước chủ nhà Nestor Kirchner cho biết sẽ thúc đẩy nhanh tiến trình gia nhập Mercosur của Bolivia và Mexico, nhằm mục tiêu biến khối này trở thành một thế lực hàng đầu tại châu lục và trên thế giới.

Tiêu điểm cho các hoạt động mang màu sắc chính trị tại Mercosur vừa qua là Tổng thống Hugo Chavez của Venezuela. Sau cuộc họp chính thức của Mercosur, đã có hàng ngàn người tụ tập tại Trường đại học Tổng hợp ở Cordoba để chăm chú lắng nghe bài phát biểu của ông Chavez về tình hình kinh tế và chính trị trong khu vực cũng như trên thế giới. Ngay trong hội nghị thượng đỉnh và trước những người dân Argentina, Tổng thống Chavez vẫn không quên lên án chủ nghĩa tư bản trên thế giới: “Chủ nghĩa tư bản là một thực tế bất công. Nếu bạn giàu có, bạn sẽ được chăm sóc, còn nếu bạn nghèo đói thì bạn sẽ chết”.

Nhân dịp cùng có mặt tại quê hương của người anh hùng huyền thoại Ernesto Che Guevara, hai nhà lãnh đạo Fidel Castro và Hugo Chavez đã cùng nhau đến thăm ngôi nhà cũ của Che. Chuyến viếng thăm của hai chính trị gia có uy tín rất cao tại Mỹ Latinh này đã nhận được sự đón tiếp bất ngờ của khoảng trên 2.000 người dân địa phương. Họ tập trung tại xung quanh ngôi nhà cũ của Che và hô vang những khẩu hiệu ca ngợi Fidel và Hugo.

Ngay sau khi dự Mercosur, Tổng thống Hugo Chavez sẽ lên đường bắt đầu chuyến đi thăm và làm việc tại một loạt các quốc gia khác như Belarus, Nga, Qatar, Iran, Việt Nam và Mali v.v... Vào chủ nhật vừa qua, ông Chavez đã có mặt tại thủ đô Minsk của Belarus để gặp gỡ với Tổng thống nước chủ nhà Lukashenko. Tiếp đó vào cuối ngày thứ hai, Tổng thống Chavez sẽ có mặt tại Moskva để dự lễ ký kết một loạt các hợp đồng mua vũ khí với mục đích hiện đại hóa quân đội Venezuela

Hồng Sơn (tổng hợp)
.
.