Mexico: Tân tổng thống và cuộc thay đổi lớn

Thứ Tư, 26/12/2018, 11:17
Vừa nhậm chức vào ngày 1-12, tân Tổng thống Mexico Andres Manuel Lopez Obrador đã "xắn tay áo" thực hiện ngay những việc mình đã hứa trước cử tri khi tranh cử. Những gì ông đang làm cho thấy một hình ảnh tổng thống mới khác hoàn toàn, thậm chí trái ngược với những người tiền nhiệm.


Không thể xa rời nhân dân

Phát biểu trước cử tri lúc tranh cử, ông Andres Manuel Lopez Obrador (thường gọi là AMLO) đã hứa rằng ông sẽ làm một cuộc "cách mạng" nhằm thay đổi hoàn toàn đất nước Mexico. AMLO cam kết, nếu được bầu ông sẽ thực hiện một số chấn chỉnh quan trọng như: xử lý triệt để vấn nạn tham nhũng, chấm dứt tình trạng dung túng tội ác, củng cố nền kinh tế đất nước, mang lại cuộc sống yên bình, xóa bỏ bất công và tăng sức mạnh cho thành phần yếu thế trong xã hội.

Tổng thống Mexico tuyên thệ nhậm chức.

Thông điệp mạnh mẽ này đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt liệt của cử tri Mexico, từ đó giúp ông có được chiến thắng áp đảo trước đối thủ trong cuộc bầu cử tháng 7-2018 vừa qua, đồng thời giúp đảng Phong trào Phục hưng Quốc gia (MORENA, ông sáng lập năm 2011) lần đầu giành được thế đa số ở cả hai viện Quốc hội.

Đến nay chưa tròn một tháng cầm quyền, nhưng AMLO đã cho thấy ông không hề tuyên bố suông để giành phiếu cử tri. Một loạt chính sách ông tuyên bố đã và đang được triển khai một cách quyết liệt. AMLO hiểu rất rõ rằng khi ông đưa ra những cam kết lớn lao cho nhiệm kỳ đầu tiên, chắc chắn nhiều người Mexico, nhất là thành phần đối lập, sẽ đặt câu hỏi: Phải chăng Mexico đang đứng trước một bước ngoặt phát triển hay lại là một sự thất vọng mang tính lịch sử? Nếu không làm được như kỳ vọng, AMLO chắc chắn không tránh khỏi búa rìu của công chúng và cả các đảng phái chính trị đối lập. Đương nhiên, thành công luôn là điều mọi người mong đợi nhất.

Năm nay 65 tuổi, AMLO xuất thân từ bang Tabasco, miền nam Mexico, tốt nghiệp đại học chuyên ngành khoa học chính trị. Bước đầu tham gia hoạt động chính trị, AMLO đi theo đảng Cách mạng Thể chế (PRI) vào năm 1976, đảm nhận một số vị trí trong chính quyền, nhưng sau đó rời chính quyền để hoàn tất chương trình đại học dang dở. Sau khi tốt nghiệp, AMLO tiếp tục làm việc trong chính quyền của đảng PRI đến năm 1989 thì chuyển sang đầu quân cho đảng Cách mạng Dân chủ (PRD). Năm 2011, ông tách khỏi đảng PRD và sáng lập đảng MORENA.

AMLO được đánh giá là một người gần gũi dân chúng, nhất là dân nghèo ở những vùng nông thôn. Điều này xuất phát từ giai đoạn ông khởi đầu sự nghiệp chính trị, khi đó ông tham gia các hoạt động giúp đỡ người nghèo ở bang Tabasco, quê hương ông. Kể từ đó, cho dù sau này thăng tiến lên các chức vụ cao hơn, lên thủ đô Mexico City để làm chính trị thì AMLO vẫn cố gắng duy trì mối liên hệ chặt chẽ với quê nhà, với quần chúng nghèo khó, yếu thế.

Phong cách AMLO từ khi tranh cử cho đến sau khi nhậm chức vẫn như một, và trái ngược hoàn toàn với người tiền nhiệm Enrique Pena Nieto. Ông Pena Nieto xuất thân gia đình thượng lưu có nhiều mối quan hệ với giới chính trị cấp cao ở Mexico, cho nên khi lên lãnh đạo ông đã khoác cho mình một tác phong bị xem là "xa cách và cao ngạo". Pena Nieto luôn biết cách đánh bóng hình ảnh bản thân, luôn tạo vẻ bề ngoài đạo mạo, sang trọng để báo chí quay phim, chụp ảnh. Đồng thời lại luôn ra vẻ "không hài lòng" với những người xung quanh mình.

AMLO thì ngược lại, luôn tỏ ra là người dễ gần, luôn muốn làm một "người bình thường trong những người bình thường". Khi AMLO mở toang cánh cửa Dinh Tổng thống và mời người dân vào tham quan, vui chơi và thưởng thức các chương trình giải trí, ông đã làm một việc mà nhiều thập kỷ qua không người tiền nhiệm nào làm. Đó là ông đã thực hiện được một lời hứa với cử tri. AMLO cũng từng tuyên bố ông sẽ không sử dụng Dinh Tổng thống làm nơi ở, thay vì thế ông sẽ tiếp tục cư ngụ trong ngôi nhà cũ quen thuộc của mình ở khu Nam Mexico City cho đến khi con trai nhỏ của ông học hết tiểu học, rồi sau đó ông sẽ tìm một ngôi nhà "vừa đủ ở" gần Dinh Tổng thống để vừa tiết kiệm ngân sách vừa tiện cho công việc.

Từ khi nhậm chức, AMLO vẫn tiếp tục di chuyển trên chiếc Volkswagen "cà tàng", đồng thời ra lệnh giải tán đơn vị mật vụ Dinh Tổng thống (đơn vị chuyên bảo vệ Tổng thống), chỉ yêu cầu khoảng 20 vệ sĩ thông thường, không vũ trang, đi theo mình.

Những vệ sĩ này được tuyển chọn từ tất cả các thành phần kinh tế - xã hội, không phân biệt nhà nước hay tư nhân. AMLO giải thích với tờ New York Times của Mỹ: "Tôi không muốn đánh mất mối quan hệ gần gũi với nhân dân. Tôi không muốn bị cách ly khỏi họ". Và trong khi Pena Nieto rất hiếm khi tiếp xúc hay trả lời câu hỏi của báo chí, thì AMLO ngược lại, từ khi nhậm chức đến nay ông hầu như tổ chức họp báo hàng ngày, có truyền hình trực tiếp hẳn hoi. Việc này vừa thể hiện văn hóa dễ gần gũi của lãnh đạo quốc gia, vừa giúp AMLO định hướng sẵn thông tin báo chí liên quan đến công việc của chính phủ trong ngày.

Tiết kiệm để phát triển đất nước và giúp người nghèo

Động thái quyết liệt nhất của AMLO chính là quyết định cho dừng dự án xây dựng sân bay tiêu tốn đến 13 tỉ USD ngân sách, đã được ông đưa ra ngay cả trước khi tuyên thệ nhậm chức, sau một cuộc trưng cầu dân ý không chính thức do đảng MORENA tiến hành vào cuối tháng 10 vừa qua. Lý do để AMLO dừng dự án này là nó quá lãng phí và quá nhiều sai phạm, tham nhũng. Với quyết định này, AMLO cũng thực hiện thêm một lời hứa với cử tri: xử lý triệt để vấn nạn tham nhũng và lãng phí.

Chưa hết, ngay trong những ngày làm việc đầu tiên, ông đã ra quyết định cắt giảm mức lương cao nhất, đồng thời nâng mức lương thấp nhất. Theo đó, bản thân Tổng thống AMLO cũng bị cắt giảm hơn 50% mức lương, chỉ còn khoảng 5.350 USD/tháng.

Quyết liệt "thắt lưng buộc bụng", nhưng AMLO lại ưu tiên chi tiêu để nâng cao mức sống cho người nghèo, các đối tượng khó khăn, như tăng lương tối thiểu 16% trên cả nước, nâng mức chi an sinh xã hội cho người cao tuổi, mở rộng các chương trình học bổng cho sinh viên nghèo, và chi hàng tỉ USD từ ngân sách tiết kiệm được cho các chương trình đào tạo nghề và tạo việc làm cho thanh niên thất nghiệp, tập trung ở những bang miền nam Mexico.

An Châu (tổng hợp)
.
.