Mịt mờ vòng đàm phán Geneva II

Thứ Hai, 28/10/2013, 14:30

Ngày 20/10 vừa qua, Chủ tịch Liên đoàn Arập Nabil Elaraby đã thông báo ấn định ngày 23 và 24/11/2013 sẽ tiến hành vòng đàm phán hòa bình thứ hai giữa Tổng thống Syria Bashar al-Assad với phe đối lập tại Geneva (còn gọi là vòng đàm phán Geneva II). Tuy nhiên, những diễn biến thực tế tại Syria và khu vực đang khiến cho những người lạc quan nhất cũng phải lo lắng cho khả năng tiến hành vòng đàm phán này.

Thông báo của Liên đoàn Arập được đưa ra giữa lúc tình hình cuộc nội chiến tại Syria đang trong thế bế tắc suốt nhiều tháng, và phiến quân đối lập đang cố gắng gây ra những cuộc tấn công đẫm máu nhằm "khoa trương thanh thế", tranh chấp từng khu phố, điểm đóng quân với quân đội chính phủ. Những ngày cuối tuần qua được ghi nhận là có nhiều vụ tấn công đẫm máu nhất.

Theo ghi nhận của giới quan sát, vụ đánh bom xe mang đặc trưng Al-Qaeda do Mặt trận Al-Nusra tiến hành tại một chốt kiểm soát ở thành phố Hama đã gây ra số thương vong lớn, với 37 người chết và hàng chục người bị thương, trong đó phần lớn là binh sĩ quân dội chính phủ, cùng với thường dân khu vực xung quanh. 

Trước đó, ngày 19/10, phiến quân đối lập đã thực hiện một loạt vụ tấn công gần thủ đô Damascus, trong đó nghiêm trọng nhất là vụ nổ bom xảy ra tại một chốt kiểm soát ở ngoại ô Damascus giết chết 16 binh sĩ quân đội Chính phủ Syria và làm hàng chục người khác bị thương. Chưa hết, ngày 18/10, tướng Jama'a Jama'a, Chỉ huy đơn vị tình báo Syria tại tỉnh Deir al-Zour, miền Đông Syria đã bị một tay súng bắn tỉa thuộc lực lượng đối lập bắn chết ở gần nhà riêng tại khu Al-Joura, thành phố Deir al-Zour. Jama'a là một trong những tướng lĩnh có nhiều ảnh hưởng nhất trong làng tình báo Syria, từng đóng quân ở Liban, bị Ủy ban điều tra của Liên Hiệp Quốc (LHQ) thẩm vấn vì tình nghi có liên quan trong vụ đánh bom giết chết cựu Thủ tướng Liban Rafiq Hariri tháng 2/2005. Vụ bắn chết tướng Jama'a đã làm bùng phát giao tranh tại thành phố Deir al-Zour.

Những vụ tấn công đẫm máu đó dường như chỉ là những hành động phá hoại mang tính bộc phát của phiến quân đối lập, không thể gây khó khăn cho quân đội Chính phủ Syria, càng không thể tác động gì lên cán cân lực lượng giữa 2 bên tham chiến. Từ khi việc xử lý kho vũ khí hóa học của Syria được tiến hành, với phái đoàn thứ hai của LHQ được cử đến Syria để hỗ trợ tiêu hủy kho vũ khí hóa học của nước này, triển vọng chấm dứt nội chiến tại Syria đã mở ra, với những đề xuất do Nga và Mỹ chủ trì.

Tuy nhiên, cho đến nay, hầu như chưa có tiến triển nào hướng đến đàm phán hòa bình được đưa ra. Đề xuất đàm phán của Nga và Mỹ hầu như giẫm chân tại chỗ, trong khi các nỗ lực ngoại giao giữa các nước lớn vẫn đang được tiến hành.

Khói lửa vẫn ngút trời Syria bất chấp những nỗ lực ngoại giao nhằm chấm dứt nội chiến.

Một trở ngại lớn đối với vòng đàm phán Geneva II là khả năng tham gia của phe đối lập ở Syria. Cách đây 2 tuần, lãnh đạo phiến quân đối lập từng tuyên bố không chấp nhận đàm phán với Chính phủ Syria. Lực lượng này sau đó thông báo sẽ họp lại vào đầu tháng 11 tới đây tại miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ để quyết định việc tham gia vòng đàm phán Geneva II. Ngay cả khi quyết định tham gia đàm phán, việc tìm kiếm người đại diện cho lực lượng đối lập hỗn tạp, mất đoàn kết, chia rẽ sâu sắc, giao chiến lẫn nhau để tranh giành ảnh hưởng, giành quyền kiểm soát các khu vực giàu tài nguyên cũng là cả một vấn đề.

Người ta mô tả, lực lượng đối lập do Hội đồng chuyển tiếp Quốc gia (SNC) đang bị kẹp giữa quân đội chính phủ và phiến quân Hồi giáo cực đoan - lực lượng đang chiếm quân số đông nhất và đóng vai trò quan trọng nhất trong thành phần đối lập. Tháng trước, 11 nhóm Hồi giáo lớn nhất của thành phần này đã tuyên bố tách ra thành lập một liên minh riêng, không tiếp tục công nhận sự lãnh đạo của SNC. Sức mạnh của các nhóm Hồi giáo này đang thu hút ngày càng nhiều tay súng phiến quân, khiến cho SNC ngày càng thu hẹp và yếu thế.

Đặc phái viên chung của LHQ và Liên đoàn Arập Lakhdar Brahimi cho biết, đàm phán sẽ không được tiến hành nếu "một bộ phận lớn của phe đối lập không cử được đại diện tham dự". Tuy nhiên, một vấn đề lớn khác lại được đặt ra là nếu các nhóm phiến quân Hồi giáo cực đoan cử đại diện tham dự vòng đàm phán thì tình hình sẽ như thế nào? Liệu Mỹ và phương Tây có chấp nhận đàm phán với thành phần mà họ liệt vào danh sách khủng bố hay không?

Trong một diễn biến khác, ngày 18/10, Arập Xêút đã tuyên bố khước từ ghế thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ với các lý do được đưa ra là "cơ quan LHQ kém hiệu quả, đã thất bại trong việc giải quyết xung đột Israel-Palestine, trong nỗ lực chấm dứt nội chiến Syria và trong việc ngăn chặn vũ khí giết người hàng loạt trong khu vực.

Hành động của Riyadh được đưa ra vào thời điểm này đã gây bối rối cho không chỉ cơ quan LHQ mà cả những quốc gia có liên quan trong những nỗ lực ngoại giao giải quyết khủng hoảng tại Syria. Bởi vì, Arập Xêút là quốc gia Hồi giáo dòng Sunni, tuyên bố ủng hộ phiến quân Hồi giáo (dòng Sunni) chống chính phủ của Tổng thống Assad

Văn Trương (tổng hợp)
.
.