Mối hoài nghi về hiệu quả của việc cấm vận Iran

Thứ Năm, 01/10/2009, 18:40
Càng gần sát thời điểm Hội đồng Bảo an dự định nhóm họp để bàn về vấn đề hạt nhân của Iran, đã xuất hiện một số dấu hiệu cho thấy nhiều khả năng sẽ có một nghị quyết mới với những điều khoản cấm vận chặt chẽ hơn đối với Tehran.

Cụ thể theo như nhận định mới nhất của quan chức đại diện cao cấp của Liên minh châu Âu (EU) về chính sách đối ngoại và quốc phòng Javier Solana, Nga và Trung Quốc sẽ không phản đối, nếu như các cường quốc phương Tây kêu gọi siết chặt hơn nữa các biện pháp cấm vận chống Iran. Nếu nhận định trên là chính xác, đây có thể coi là một bước ngoặt trong tiến trình giải quyết vấn đề hạt nhân Iran.

Có thông tin cho biết, Mỹ đã chuẩn bị kế hoạch về một loạt các biện pháp cấm vận mới trong lĩnh vực nhiên liệu - năng lượng đối với Iran. Còn các chuyên gia đang tập trung tranh luận về khả năng thông qua các biện pháp cấm vận mới trên, cũng như hiệu quả của chúng nếu được thực sự triển khai...

"Tôi hy vọng rằng, chính sách cơ bản theo hai hướng của chúng ta (vừa đàm phán với Iran, đồng thời cũng chuẩn bị các biện pháp cấm vận) sẽ được tất cả thừa nhận và ủng hộ. Tôi tin rằng, cả nhóm cũng sẽ có quan điểm thống nhất về vấn đề trên" - phát biểu của ông Solana ngay trước cuộc họp tại New York giữa các Ngoại trưởng của nhóm bộ 6 (Nga, Trung Quốc, Mỹ, Anh, Pháp và Đức) bàn về các bước chuẩn bị cho vòng đàm phán với các đại diện của Iran dự kiến vào ngày 1/10 tới tại Geneve.

Từ trước tới nay, các cường quốc phương Tây luôn nghi ngờ rằng, Iran dưới vỏ bọc của chương trình phát triển năng lượng hạt nhân vì hòa bình đang âm mưu chế tạo vũ khí hạt nhân của riêng mình. Những lo ngại chính của cộng đồng quốc tế đối với Iran liên quan đến nỗ lực gia tăng nhanh chóng công suất chế tạo uranium làm giàu để làm nhiên liệu cho lò phản ứng, nhưng với nồng độ cao hơn có thể chế tạo đầu đạn hạt nhân.

Mỹ và các đồng minh hiện đang kêu gọi Hội đồng Bảo an ngoài những giải pháp trừng phạt đang hiện hữu, cần bổ sung thêm biện pháp cấm vận nhập khẩu xăng và xuất khẩu dầu thô của quốc gia này. Lý do phương Tây đưa ra là một loạt các gói giúp đỡ về kinh tế và chính trị được họ đề xuất với Iran đã không nhận được phản ứng tích cực có thể khai thông bế tắc.

Theo nhận định của Washington, biện pháp cấm vận trọn gói về nhiên liệu - năng lượng sẽ gây khó khăn nghiêm trọng cho Iran. Do công suất các cơ sở lọc dầu trong nước còn khá thấp, Tehran phải nhập tới 1/3 tổng số xăng dầu tiêu thụ trong nước, mặt khác thu nhập từ xuất khẩu dầu thô cũng chiếm tỉ trọng lớn nhất trong ngân sách quốc gia.

Có điều những biện pháp cấm vận nghiêm khắc tương tự như trên thường nhận được sự phản đối từ Nga và Trung Quốc, hai quốc gia có quyền phủ quyết trong Hội đồng Bảo an. Nhưng giờ đây, theo các nhà quan sát phương Tây, quan điểm của Nga đã có những thay đổi. Chẳng hạn như theo họ, sau khi Tổng thống Obama tuyên bố từ bỏ kế hoạch triển khai hệ thống phòng thủ chống tên lửa tại Đông Âu, đây sẽ là cơ hội tốt nhất để Moskva phản hồi lại với thiện chí của Washington.

Hãng Reuters cho biết, một thành viên cao cấp trong phái đoàn của Nga - tới New York để tham dự lễ khai mạc phiên họp thứ 64 của Đại hội đồng LHQ - đã xác nhận phát biểu của Solana là đúng đắn. Quan chức này còn trích dẫn một tuyên bố mới đây của Tổng thống Nga Dmitri Medvedev, trong đó có nói, "trong một số tình huống, cấm vận có thể là một cách giải quyết vấn đề". Tuy nhiên, nguyên thủ Nga cũng cho rằng, trước khi nói về khả năng áp dụng các biện pháp trừng phạt bổ sung, cũng cần phải cân nhắc lựa chọn một giải pháp tự nhiên hơn.

Nếu như đã xuất hiện những tín hiệu mới từ phía Nga, thì quan điểm của Trung Quốc hiện vẫn là một câu hỏi chưa có lời giải đáp. Theo tờ Financial Times, nhiều công ty quốc gia của Trung Quốc thông qua các trung gian đang cung cấp xăng cho Iran (ước tính khoảng 1/3 tổng số xăng nhập khẩu của nước này). Nói đơn giản hơn, các công ty Trung Quốc gần như đã giành thế độc quyền tại thị trường Iran, sau khi các tập đoàn dầu khí liên quốc gia như BP của Anh hay Reliance của Ấn Độ rút khỏi nơi này. 

Bản thân nhiều chuyên gia Mỹ cũng bày tỏ sự hoài nghi về hiệu quả của biện pháp cấm vận nhiên liệu chống Iran. Như theo ý kiến của Giáo sư Hussein Ascari từ Trường đại học Tổng hợp Georgetown (Washington), cấm vận không những không làm hại, mà ngược lại còn giúp Chính phủ Iran, có lý do chính đáng để chính quyền bãi bỏ chính sách trợ cấp giá nhiên liệu đang là một gánh nặng lớn cho ngân sách. Iran nhờ đó còn xóa bỏ được nạn buôn lậu xăng dầu ra nước ngoài đang tràn lan, do giá xăng khi đó ít nhất cũng bằng với mặt bằng giá trên thế giới.

Mặt khác, hạn chế xuất khẩu dầu thô của Iran chắc chắn sẽ dẫn tới sự tăng giá nhanh chóng của vàng đen, đồng nghĩa với một đòn nặng nề giáng vào tất cả những nước nhập khẩu. Khi đó Trung Quốc - đang mua một số lượng đáng kể dầu từ các thị trường bên ngoài - gần như chắc chắn sẽ chống lại biện pháp cấm vận. Chịu thiệt hại và có thể hành động tương tự là một cường quốc khác như nước Đức. 

Giáo sư Ascari thay vào đó đề xuất nên tập trung vào các biện pháp trừng phạt về tài chính, vốn không cần phải có sự phê chuẩn của Hội đồng Bảo an, đồng thời trong một thời gian ngắn nhất có thể gây tác động tiêu cực lên nền kinh tế Iran. Đơn cử như các nỗ lực của Bộ Tài chính Mỹ đã gần như chặn đứng mối liên kết của các ngân hàng Iran với hệ thống tài chính thế giới, khiến chi phí mua hàng hóa nhập khẩu của Iran bị đội giá lên khoảng 20%

Kim Lai (tổng hợp)
.
.