Mối nguy lớn khi Triều Tiên thử bom H

Thứ Hai, 11/09/2017, 14:39
Ngày 3-9, Triều Tiên tuyên bố thử thành công bom nhiệt hạch (bom H), loại bom có sức công phá lên tới cả trăm kiloton (mỗi kiloton tương đương 1.000 tấn thuốc nổ) Thế giới đang thực sự lo ngại.

Cảnh báo về hậu quả khôn lường có thể xảy ra, trao đổi với báo giới, ngày 5-9, tại trụ sở Liên hiệp quốc, Tổng Thư ký Liên hiệp quốc Antonio Guterres đã nhấn mạnh, khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên là mối nguy lớn nhất trong 3 thách thức an ninh mà cộng đồng thế giới đang phải đối mặt.

Binh sĩ Hàn Quốc tập trận. Ảnh: AOL.com.

“Rung chấn” ở Đông Bắc Á

Tổng Thư ký LHQ cho rằng vụ thử hạt nhân mới nhất của Triều Tiên gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh khu vực và quốc tế. Ông lên án những hành động gần đây của Triều Tiên khi phá vỡ các nguyên tắc quốc tế về cấm thử vũ khí hạt nhân, phớt lờ tiếng nói của cộng đồng quốc tế.

Tại sao vụ thử hạt nhân mới nhất Triều Tiên lại khiến LHQ và nhiều quốc gia lo lắng tới như vậy? Sức mạnh quả bom này lớn tới đâu? Theo Báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) ngày 5-9, giới chuyên gia nhận định ngọn núi có bãi thử Punggye-ri, nơi Triều Tiên tiến hành các vụ thử hạt nhân gần đây có nguy cơ sụp đổ và có thể gây rò rỉ phóng xạ ra khu vực xung quanh, trong đó có cả Trung Quốc.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un kiểm tra quá trình sản xuất vũ khí. Ảnh: The New York Times.

Các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Khoa học-Kỹ thuật Trung Quốc tại thành phố Hợp Phì, tỉnh An Huy, đưa ra nhận định trên dựa vào việc đo đạc và phân tích sóng xung kích phát ra từ vụ nổ, cùng dữ liệu đo rung chấn tại hơn 100 trung tâm quan sát ở Trung Quốc và các nước.

Theo dữ liệu của nhóm nghiên cứu này, vụ thử hạt nhân ngày 3-9 của Triều Tiên có sức công phá tương đương 108,3 kiloton, mạnh hơn gần 8 lần so với quả bom nguyên tử Mỹ thả xuống thành phố Hiroshima (Nhật Bản) năm 1945. Trong khi đó, một nhóm nhà khoa học tại Na Uy ước tính năng lượng phát ra từ vụ thử hạt nhân hôm 3-9 mạnh gấp 10 lần so với sức công phá của quả bom nguyên tử mà Mỹ thả xuống thành phố Hiroshima.

Còn giới chức Nhật Bản và Hàn Quốc cho biết vụ nổ có cường độ mạnh gấp 10 lần vụ thử hạt nhân thứ 5 cách đây 1 năm. Trong khi đó, Lassina Zerbo, người đứng đầu Cơ quan Giám sát lệnh cấm hạt nhân CTBTO, nói: “Loại thiết bị nổ được sử dụng trong vụ thử ngày hôm nay cho thấy quy mô lớn hơn nhiều những gì từng diễn ra vào năm 2016 và trước đó”.

Nói về sức mạnh đáng sợ từ vụ thử bom nhiệt hạch của Triều Tiên, trang mạng sina.com.hk (Hong Kong) dẫn nguồn tin Đài Truyền hình quốc gia Triều Tiên (KCTV) cho biết Triều Tiên đã thử một quả bom H có thể gắn lên tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM). Lệnh tiến hành thử bom nhiệt hạch do đích thân nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đưa ra.

Cuộc thử nghiệm thành công là bước tiến lớn trong việc hoàn thành chương trình vũ khí hạt nhân và cho thấy rõ Bình Nhưỡng đã tiến thêm một bước trong việc thực hiện tham vọng của mình. Theo bài báo, Triều Tiên tuyên bố nước này đã trở thành cường quốc nhiệt hạch.

KCNA dẫn thông cáo của Bình Nhưỡng cho biết cuộc thử nghiệm nhằm kiểm tra và xác minh độ chính xác, tin cậy trong công nghệ làm chủ sức mạnh được áp dụng vào sản xuất bom nhiệt hạch. Đây là quả bom mạnh chưa từng thấy và đánh dấu bước phát triển quan trọng trên con đường hoàn thiện sức mạnh hạt nhân của Triều Tiên.

CHDCND Triều Tiên tuyên bố đang nắm giữ công nghệ chế tạo bom H, đồng nghĩa với việc họ thực sự đạt được bước tiến vượt trội trong quá trình chế tạo bom hạt nhân. Bom nhiệt hạch là loại vũ khí hạt nhân có sức công phá mạnh nhất hiện nay. Hiện có 5 cường quốc hạt nhân là Mỹ, Nga, Anh, Pháp và Trung Quốc tuyên bố sở hữu bom H. Các nước khác như Ấn Độ và Pakistan chỉ sở hữu loại bom nguyên tử thông thường.

Một quả bom, một thành phố

Giáo sư kỹ thuật hạt nhân thuộc trường Đại học Quốc gia Seoul, ông Kune Y Suh cho rằng cuộc thử nghiệm ngày 3-9 vừa qua là “cuộc thử nghiệm làm thay đổi cuộc chơi”. Ông Suh còn cho biết thêm Triều Tiên đã thực sự trở thành một đất nước sở hữu vũ khí hạt nhân.

Giáo sư chuyên nghiên cứu về Triều Tiên thuộc trường Đại học Kookmin ở Seoul, ông Andrei Lankov, cho rằng với vũ khí hạt nhân như vậy, có thể "thổi bay" toàn bộ thành phố New York và đương nhiên không ai có thể sống sót, trong khi với một quả bom nguyên tử thì chỉ có thể giết chết nhiều nhất một nửa dân số của Manhattan.

Tháng 7 vừa qua, Triều Tiên đã 2 lần tuyên bố thử thành công tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) với khả năng chạm tới phần lớn các mục tiêu trên lãnh thổ Mỹ. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng họ chỉ có thể đạt được mục tiêu này khi đủ sức giảm trọng lượng các đầu đạn hạt nhân hiện có. Phát triển bom H có thể là chìa khóa để Bình Nhưỡng tiến tới việc thu nhỏ kích cỡ và giảm trọng lượng các đầu đạn hạt nhân hiệu quả, bởi loại thiết bị nổ này có sức công phá rất lớn so với trọng lượng và kích thước vốn có của nó.

Vài giờ trước vụ thử, truyền thông chính thức của Triều Tiên công bố các bức ảnh chụp nhà lãnh đạo Kim Jong-un đang quan sát một thiết bị có hình dạng như một hạt lạc và tuyên bố đó chính là bom H đã được thiết kế để gắn vào ICBM mới. Hình dáng thon dài của thiết bị này cho thấy một khác biệt lớn so với hình ảnh của thiết bị có hình cầu mà Triều Tiên công bố hồi tháng 3 năm ngoái.

Khu vực Triều Tiên tiến hành vụ thử. Ảnh: AFP.

Các chuyên gia cho rằng hình dáng của thiết bị mới cho thấy nó cũng có thể là một loại vũ khí nhiệt hạch 2 tầng. KCNA dẫn nguồn từ Viện Vũ khí hạt nhân Triều Tiên khẳng định vụ thử ngày 3-9 xác nhận sức công phá và hiệu quả của bom H, trong đó có “sự phân hạch đạt tới cường độ năng lượng lớn và tất cả các đặc điểm vật lý khác phản ánh chất lượng của vũ khí nhiệt hạch hạt nhân hai tầng”.

KCNA cũng nhấn mạnh, lần đầu tiên Triều Tiên đã đề cập tới khả năng sử dụng bom xung điện (EMP) trong các tuyên bố của mình. Nhiều người lo ngại Triều Tiên có thể cho phát nổ một quả bom ở ngoài khí quyển, thay vì nhằm tên lửa tầm xa tới Mỹ.

Một số nhà lập pháp và chuyên gia Mỹ đã tỏ ra rất lo ngại về nguy cơ xảy ra một cuộc tấn công tương tự nhằm vào Mỹ, một vụ tấn công có thể tạo ra một trường điện từ rất lớn và phá hủy mạng lưới điện cùng các cơ sở hạ tầng trọng yếu của quốc gia này. Người Mỹ đang đứng ngồi không yên khi lần đầu tiên Triều Tiên đề cập tới khả năng cũng như cách thức tấn công bằng xung điện từ (EMP).

"Loại bom H mới thử nghiệm có thể được kích nổ ở độ cao lớn, tạo ra những vụ tấn công bằng xung điện từ (EMP) cực kỳ nguy nguy hiểm", hãng KCNA cho hay. Bom xung điện từ có khả năng phá hoại hệ thống điện lưới của đối phương và các cơ sở chỉ huy, tiền đồn quan trọng.

Do các cơ sở hạ tầng hiện nay đều phụ thuộc vào điện, điện tử, một cuộc tấn công xung điện từ sẽ khiến mạng lưới điện, sóng di động, giao thông, hệ thống phân phối thực phẩm bị vô hiệu hóa hoàn toàn. Vì vậy, theo một cách gián tiếp, một vụ nổ EMP ở tầng trên nếu về lâu dài có thể cướp đi sinh mạng hàng triệu người, tức là khủng khiếp hơn cả một vụ tấn công hạt nhân.

Không thể hành xử “hồ đồ” với bom H

Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres cho rằng tình hình hiện nay xung quanh việc Triều Tiên gia tăng thử tên lửa đạn đạo và vũ khí hạt nhân là "cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất" mà cộng đồng quốc tế đang phải đối mặt, tương đương với những gì khiến Chiến tranh thế giới 1 nổ ra. Ông nhấn mạnh, các cuộc chiến tranh thường không bắt đầu bằng "một quyết định chóng vánh" thay vào đó Chiến tranh thế giới 1 diễn ra "từng bước" với việc căng thẳng dần leo thang.

Ông hoan nghênh việc Hội đồng Bảo an LHQ tiến hành cuộc họp khẩn cấp ngày 4-9 vừa qua, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc các nước thành viên trong Hội đồng Bảo an đoàn kết nhằm đối phó với khủng hoảng, cũng như hối thúc các nước hợp tác tìm ra một giải pháp chính trị.

Để đối phó với những tình huống xấu nhất, Nhật Bản đã tổ chức diễn tập trên đảo Oki ở biển Nhật Bản. Nước này cũng đã đề ra phương án sơ tán kịp thời hàng chục nghìn người đang công tác hoặc du lịch tại Hàn Quốc khi xảy ra bất thường. Truyền thông nhà nước Trung Quốc ngày 6-9 đưa tin không quân nước này đã tiến hành các cuộc diễn tập gần Bán đảo Triều Tiên nhằm thực hành phòng thủ trước một "cuộc tấn công bất ngờ" trên biển.

Tàu chiến Hải quân Hàn Quốc tập trận. Ảnh: Defense World.

Trang mạng quân đội chính thức www.81.cn thông báo, một tiểu đoàn phòng không đã tiến hành diễn tập vào sáng 5-9 gần Bột Hải, vùng vịnh của Hoàng Hải vốn ngăn cách Trung Quốc với Bán đảo Triều Tiên. Theo trang mạng trên, đây là lần đầu tiên quân đội Trung Quốc sử dụng những vũ khí nhất định để bắn hạ các mục tiêu tầm thấp trên biển, song không cho biết thêm chi tiết.

Nước láng giềng Hàn Quốc cũng đã có các cuộc diễn tập hải quân với quy mô lớn để không bị bất ngờ trước mọi tình huống. Trong một động thái mới nhất, Ngày 7-9, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc thông báo việc triển khai "theo kế hoạch" Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) đã được hoàn tất, gọi đây là một biện pháp khẩn cấp để đối phó với các mối đe dọa từ phía Triều Tiên.

Thông báo trên được đưa ra ngay sau khi các lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc (USFK) vận chuyển thêm 4 bệ phóng tên lửa đánh chặn vào căn cứ mới của họ ở thị trấn Seongju, cách thủ đô Seoul khoảng 300 km về phía nam. Trước đó, khoảng 10 xe quân sự của Mỹ mang các trang thiết bị THAAD được xác nhận đã rời căn cứ không quân Osan, cách Seoul khoảng 70 km về phía nam tiến về căn cứ ở thị trấn Seongju.

Do sự nguy hiểm quá lớn của loại bom nhiệt hạch mà Triều Tiên vừa tuyên bố thử thành công, các nước vô cùng thận trọng trong cách giải quyết vấn đề hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên. Ngày 6-9, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố hành động quân sự chống Triều Tiên không phải là lựa chọn đầu tiên và ông đã có một cuộc thảo luận thẳng thắn và mạnh mẽ qua điện đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình về vấn đề này.

Hai nhà lãnh đạo giữ quan điểm về tình hình hiện tại trên Bán đảo Triều Tiên. Ông Tập Cận Bình cho biết Trung Quốc giữ vững lập trường ủng hộ giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên bằng biện pháp đối thoại và hướng tới giải pháp hòa bình.

Trong bối cảnh không thể tìm được một giải pháp quân sự nào có thể chấp nhận được, có lẽ Tổng thống Mỹ Donald Trump cuối cùng chẳng còn lựa chọn nào khác ngoài việc tìm kiếm cơ hội ngoại giao để chấm dứt cuộc khủng hoảng liên quan đến chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên.

Bom nhiệt hạch, được Mỹ bắt đầu nghiên cứu phát triển vào những năm đầu thập niên 1950, được cho là có sức công phá mạnh gấp hàng nghìn lần bom nguyên tử - loại vũ khí lấy năng lượng từ quá trình phân hạch, hay còn gọi là phân rã hạt nhân. Bom nguyên tử hoạt động theo nguyên lý phân hủy các hạt nhân nặng - không bền như urani hay plutoni thành các hạt nhân nhẹ hơn và giải phóng năng lượng.

Quá trình nổ bom nguyên tử xảy ra theo một phản ứng dây chuyền, bắt đầu khi một neutron (hạt trung hòa điện trong hạt nhân nguyên tử) va chạm với một hạt nhân urani hoặc plutoni, làm hạt nhân này vỡ ra thành các nguyên tố bền hơn (thường là barium và krypton). Quá trình này giải phóng năng lượng dưới dạng nhiệt, phóng xạ tia gamma và một số neutron. Các neutron này lặp lại quá trình trên cho tới khi hết nhiên liệu phản ứng.

Phản ứng dây chuyền này diễn ra trong thời gian rất ngắn, cỡ một phần triệu giây. Sức công phá của một quả bom nguyên tử tương đương với từ 1 kiloton (1.000 tấn thuốc nổ TNT) cho tới đến vài trăm kiloton.

Bom H thực chất là quả bom kép, bao gồm một quả bom nguyên tử và một quả bom hydrogen. Khi được kích hoạt, hai quả bom sẽ nổ gần như đồng thời. Lượng nhiệt sinh ra từ quá trình nổ bom nguyên tử được dùng để làm mồi cho vụ nổ thứ hai, vốn cần rất nhiều nhiệt lượng nhưng sức tàn phá cũng lớn gấp hàng trăm lần bom nguyên tử.

Hoa Huyền
.
.