Mông cổ: Tình hình đã yên ổn trở lại sau khi tình trạng khẩn cấp có hiệu lực

Thứ Năm, 10/07/2008, 13:00
Tình hình bất ổn đã bao trùm quốc gia Trung Á Mông Cổ vào những ngày cuối tháng 6 vừa qua sau cuộc bầu cử Quốc hội hôm 29/6. Nguyên nhân của tình trạng này bắt nguồn từ những tuyên bố của đảng Dân chủ vừa thất cử về khả năng gian lận kết quả bầu cử, khiến cho phe này không còn cơ hội quay trở lại nắm quyền sau 8 năm gián đoạn.

Thậm chí, những diễn biến căng thẳng leo thang trong vài tháng qua đã khiến nhiều người đã phải nhắc tới khả năng về một cuộc “cách mạng màu” mới tại Trung Á. Tuy nhiên, những biện pháp kiên quyết của chính quyền đã giúp đưa Mông Cổ phần nào thoát khỏi thời khắc khó khăn này...

Tính ra có tất cả 12 đảng phái và liên minh chính trị đã tham gia vào cuộc đua giành 76 ghế tại Quốc hội Mông Cổ, cho dù chỉ có hai đối thủ chính trên thực tế là đảng Cách mạng nhân dân cầm quyền (MPRP) và đảng Dân chủ đối lập (DP).

Cho tới thời điểm này, kết quả bầu cử Quốc hội tại Mông Cổ vẫn chưa được chính thức công bố. Tuy nhiên theo những số liệu sơ bộ, MPRP đã giành được hơn 50 trong tổng số 76 ghế tại Quốc hội, đồng nghĩa với việc có đủ điều kiện đứng ra thành lập chính phủ. Trong khi đó, đảng DP chỉ giành được 25 ghế.

Khi biết được những kết quả trên, thủ lĩnh DP, đồng thời là cựu Thủ tướng Tsakhiagiyn Elbegdorj đã tổ chức ngay một cuộc họp báo, trong đó tuyên bố đảng của ông đã bị gian lận từ 10 đến 15% số phiếu bầu. Yêu cầu đòi kiểm phiếu lại của Elbegdorj tất nhiên đã không được chính quyền chấp nhận.

Ngay sau đó, các phần tử ủng hộ DP đã tràn xuống đường phố tại thủ đô Ulan Bator, tương tự như họ đã làm hai năm về trước, sau khi MPRP đánh bại liên minh cầm quyền và tước mất chiếc ghế thủ tướng của Elbegdorj. Khi đó, những sự kiện trên đã được mệnh danh là “cuộc cách mạng lều du mục”, cho dù đã không thành công theo đúng ý muốn của DP.

Đến lần bầu cử này, các sự kiện cũng diễn ra theo một kịch bản tương tự, nhưng có phần căng thẳng và quyết liệt hơn. Những người ủng hộ phe đối lập đã tập trung tại quảng trường trung tâm Ulan Bator, sau đó khoảng 1.500 người đã tấn công trụ sở của MPRP, nơi mà theo một số nguồn tin, khi đó đang có mặt các thủ lĩnh của đảng này, kể cả đương kim Thủ tướng Sanjagiin Bayar. Sau khi tòa nhà trụ sở của MPRP liên tục bị ném đá và thậm chí có  âm mưu đốt cháy, cảnh sát đã bắt buộc phải bắn cảnh cáo, cũng như sử dụng hơi cay để giải tán đám đông nổi loạn.

Ngay chiều tối hôm đó, Tổng thống Nambaryn Enkhbayar đã phải chính thức tuyên bố áp dụng tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc trong 4 ngày. Các đơn vị quân đội cùng với xe bọc thép đã được điều đến trấn giữ các ngả đường của thủ đô. Tổng thống còn tuyên bố, những kẻ tiếp tục âm mưu làm loạn sẽ bị xử lý nghiêm khắc.

Với việc ban bố tình trạng này, tất cả những phương tiện truyền thông đại chúng tư nhân (ngoại trừ của quốc gia) đều phải tạm ngừng hoạt động. Đài Truyền hình quốc gia Mông Cổ từ sáng 2/7 cho biết, đã có ít nhất 5 người thiệt mạng trong các cuộc xô xát. Ngoài ra, còn có hàng trăm người khác bị thương, trong đó có 978 cảnh sát và 30 lính nội vụ (có 60 người trong tình trạng nguy kịch). Còn theo thông tin từ chính cơ quan cảnh sát, họ đã bắt giữ ít nhất 720 phần tử nổi loạn. Cho tới giờ, tình hình tại Mông Cổ đã tạm yên ắng trở lại sau khi tình trạng khẩn cấp có hiệu lực.

Trong cuộc bầu cử năm 2004, cả MPRP (theo đường lối thân Nga) và DP (thân phương Tây) đều không có được đa số ghế quyết định nên phải thành lập một chính phủ liên minh với Thủ tướng là Tsakhiagiyn Elbegdorj của DP. Những bất đồng gay gắt giữa các thành viên trong chính phủ liên minh đã khiến 10 bộ trưởng của MPRP tự động từ chức vào tháng 1/2006. Khi đó, những người ủng hộ DP cũng đã tràn xuống đường, đột nhập vào trụ sở của MPRP. Những vụ lộn xộn trên đã nhanh chóng được trấn áp. Cuối tháng 1/2006, một chính phủ mới được thành lập, dưới quyền kiểm soát hoàn toàn của MPRP cho tới cuộc bầu cử lần này.

Có thể nói những bất ổn vừa qua tại Mông Cổ đã thu hút được sự chú ý không chỉ xuất phát từ những lý do quan tâm đơn thuần. Quốc gia Trung Á giàu tài nguyên này đang trở thành một địa bàn tranh giành ảnh hưởng giữa Nga và phương Tây, và gần đây bắt đầu có sự tham gia của cả Trung Quốc.

Cụ thể như theo nhiều nguồn tin, Mỹ đang rất tích cực rót tiền vào ngân quỹ của DP, với hy vọng giúp đảng này lên giành chính quyền. Trong trường hợp thành công, Washington hy vọng sẽ biến Mông Cổ thành một bàn đạp quan trọng với nhiều căn cứ quân sự có thể giúp kiểm soát một khu vực rộng lớn từ phần lãnh thổ nằm trên châu Á của nước Nga cho tới Trung Quốc và Bắc Triều Tiên

Hồng Sơn (Tổng hợp)
.
.