Một câu chuyện cảm động

Thứ Năm, 15/08/2013, 11:55

Tôi không có ý định đề cập nhiều đến thông tin về vụ chìm tàu gây hậu quả khủng khiếp tại vùng biển thuộc địa phận huyện Cần Giờ, Tp HCM khiến 9 người tử nạn vào tối ngày 2/8/2013.
Bởi vết thương nào có lẽ cũng cần được nhanh khép miệng. Còn trách nhiệm, nguyên nhân của vụ việc… là một vấn đề khác, tôi không lạm bàn.
Tôi chỉ muốn nhắc đến chi tiết đã ám ảnh tôi rất nhiều trong vụ việc ấy. Một chi tiết mà giới truyền thông chỉ thoáng nhắc qua.

1. Trên chuyến tàu không may ấy, có tổng cộng 30 hành khách. Hiệp và Thu là hai hành khách trong số đó. Tai nạn xảy ra, Hiệp tử vong, còn Thu được cứu sống. Nhưng, đó là một câu chuyện đặc biệt.

Thế nên, sau khi nghe các đồng nghiệp kể về câu chuyện của Hiệp và Thu, chiều thứ Hai tuần này (5/8), tôi có nhờ đồng nghiệp hỏi giúp thông tin để liên lạc với gia đình Hiệp hay Thu nhằm trao đổi thêm một vài chi tiết, tiếc rằng hình như tất cả họ đã đưa Hiệp về Thanh Hóa để làm lễ an táng.

Hiệp, tên đầy đủ là Trần Hữu Hiệp, năm nay vừa tròn 25 tuổi, đang là tuổi đẹp nhất của đời người. Hiệp rời quê từ huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa đến thành phố biển Vũng Tàu để làm việc tại một công ty cổ phần sản xuất ống thép.

Trong công ty mà Hiệp đang làm, có cô gái tên Thu, Thu 22 tuổi. Thu dễ nhìn hay không thì tôi không biết, chỉ biết rằng Hiệp có cảm tình với Thu.

Cái hôm định mệnh ấy, Hiệp cùng Thu và những đồng nghiệp cùng công ty đi tàu từ Gò Công Đông (Tiền Giang) về Vũng Tàu, đến khu vực Cồn Ngựa, vùng biển xã Long Hòa, huyện Cần Giờ (cách mũi Cần Giờ khoảng 7,5 hải lý) thì tàu bị chìm do sóng to, lốc xoáy.

Sau khi tàu gặp nạn, những người may mắn được lực lượng công tác cứu hộ cứu sống có kể câu chuyện nhói lòng. Họ kể: “Khi sóng đánh úp canô, chúng tôi hét lên cố dặn nhau bình tĩnh, bám chặt lấy mũi canô đang nhô lên mặt nước. Sóng cứ đánh mạnh, đẩy dạt chúng tôi ra khỏi phần nhô lên của canô. Cứ vậy, chúng tôi bị đánh dạt ra, lại cố bơi vào bám lấy cái phao cứu sinh bất đắc dĩ ấy. Những người yếu sức, bị mất tích trong những lần sóng đánh dạt người ấy”.

“Hiệp lúc này đang mặc áo phao trên người, thấy một phụ nữ trẻ đang đuối dần, đôi tay bám vào mũi canô dần lỏng đi. Hiệp tiếp cận người phụ nữ ấy, cởi áo phao mặc cho cô. Vừa mặc xong áo phao, Hiệp bị một con sóng cuốn bật ra khỏi mũi canô. Hiệp cố bơi ngược trở về, nhưng khi gần đến chiếc canô, Hiệp lại bị đánh bật ra bởi một con sóng khác… Lần này, Hiệp đã không còn đủ sức để chống chọi với cú đánh của định mệnh.

Cô gái được Hiệp nhường cho áo phao là Thu. Những đồng nghiệp may mắn sống sót của Hiệp nói thêm rằng, giữa Hiệp và Thu chưa nảy sinh tình cảm hai phía. Chỉ là thời gian gần đây, họ phát hiện ra chuyện Hiệp thầm thương trộm nhớ Thu mà thôi.

Hiệp đã ngỏ lời yêu với Thu chưa? Chắc là đã có, mà cũng có thể chưa. Nhưng điều này thì quan trọng gì chứ, khi mà Hiệp đã minh chứng bằng hành động đổi sự an toàn của mình, miễn sao Thu được bình an. Chỉ bấy nhiêu thôi, là đủ hiểu Hiệp yêu thương Thu đến chừng nào.

Hiệp đã tạo nên một câu chuyện đẹp, rất đẹp. Đáng tiếc là cái kết ấy lại không hoàn hảo. Giá mà Hiệp còn sống, giá mà Thu có cơ hội được nhìn thấy Hiệp sau biến cố đời người ấy… Hẳn nhiên họ sẽ vô cùng hạnh phúc. Người đàn ông dám hy sinh sự an toàn của mình để bảo vệ người mình thương, thì có điều gì họ lại không thể làm để mang lại hạnh phúc cho người mình yêu.

Hiệp là mảng màu sáng đối lập với những kẻ khác.

Đến sáng ngày 5/8, đội cứu hộ đã tìm thấy thi thể nạn nhân cuối cùng trong vụ chìm tàu.

2. Đã có những kẻ nhân danh tình yêu để cướp đi sinh mạng của người khác. Những kẻ ấy làm gì biết yêu đương ra sao. Khi mà cá nhân lấy cảm xúc thất vọng của chính mình ra, rồi bắt một người khác phải chịu trách nhiệm về thứ cảm xúc tồi tệ ấy, đó không phải là tình yêu. Đó chính là sự đổ vấy, một kiểu ăn vạ đúng kiểu.

Liên tiếp trong thời gian gần đây, theo quan sát của tôi, hầu như tháng nào cũng có một vụ “sát hại người tình vì bị chia tay”. Cái vòng bi kịch này luẩn quẩn lắm. Đa phần, người bị sát hại đều là phụ nữ.

Làm sao những gã được xem là đàn ông ấy lại có thể hành xử với người mình đã từng yêu thương theo cái cách thô bỉ đến mức đó, nhỉ(?!). Bởi đàn ông chân chính thì thậm chí đó không cần là người mình yêu thương, chỉ cần đó là phụ nữ, thì nói nặng một câu đã là khó lắm rồi, huống hồ gì đến chuyện động dao động kiếm.

Có gã thanh niên, tạm gọi là trí thức, yêu một cô gái thời sinh viên. Ra trường, cô gái muốn chia tay. Gã cáu lắm, gã ngồi nhẩm tính gã đã phải chi tiêu bao nhiêu, hy sinh bao nhiêu thứ cho cô gái. Vậy mà giờ đây cô gái lại chia tay với gã… Nhân danh tình yêu, gã đã hạ sát cô gái.

Có gã công nhân, quen được một cô giáo trường mầm non. Gia cảnh cô giáo trường mầm non nghèo khó, cô muốn không yêu đương nữa để chú tâm vào công tác, vì cô mới được nhận vào làm giáo viên hợp đồng. Cho rằng cô có người khác, cô phản bội gã. Gã bỏ việc, theo dõi cô. Cuối cùng, gã tước đoạt mạng sống của cô ngay trên đường cô đến trường mầm non.

Có gã là nhân viên quản lý một tiệm Internet, gã thấy cô gái là khách quen của quán xinh xắn nên tán tỉnh làm quen. Gã tán chuyện hay, cô gái cũng thích. Đang hò hẹn, thì cô gái đi Mỹ du lịch cùng gia đình. Sau chuyến đi Mỹ về, cô gái thổ lộ với gã là cô muốn đi du học, nên chuyện yêu đương cô không muốn nhắc đến nữa. Gã lên cơn điên vì cho rằng cô có người khác ở Mỹ, gã rút dao thủ sẵn trong người đâm liên tiếp vào cơ thể của cô. Cô gái tử vong tại bệnh viện sau đó.

Cách đây vài ngày, một gã nghiện ma túy dặt dẹo cũng hạ sát “người tình trong mộng” của gã ngay trên đường phố. Cô gái dang dở một lần đò này mất đi để lại cậu con thơ chưa đầy 2 tuổi và những u uất cho cả một gia đình...

Bỉ ổi hơn cả, là những gã đàn ông nhân một cơn cuồng yêu của người tình, rủ người tình chơi trò quay clip để “nhớ lấy ra xem đỡ buồn”. Chia tay, gã sử dụng những đoạn clip ấy như là một thứ vũ khí tối thượng để biến người tình xưa thành nô lệ cả về thể xác lẫn tinh thần và vật chất.

Ngay cả những nghệ sĩ mang bộ mặt đầy hào nhoáng trong làng giải trí Việt, vừa rồi cũng ầm ĩ các câu chuyện liên quan đến luyến ái sặc mùi tình - tiền hay định cư nước ngoài. Thú vị nhất là anh chàng độ 24 tuổi cặp kè với nữ triệu phú (hay có thể là tự phong mình thành triệu phú) tuổi hơn 60, đi đâu cũng ôm eo bá cổ, mắt long miệng cười, chụp một đống ảnh xong bỏ tiền nhờ báo mạng loan tin giúp để minh chứng “chúng tôi sinh ra dành cho nhau”… Yêu đương thì sá gì tuổi tác, nhưng cái cách vừa yêu vừa diễn này cho thấy mối quan hệ ấy xuất phát từ điều gì khác chứ không phải là từ tình cảm thuần túy.

Chắc chắn, yêu thật lòng không cần phải diễn. Bao nhiêu “kịch sĩ tình trường” đã diễn rồi lộ mặt. Nổi danh có hàng loạt anh đã bị Cơ quan Công an bắt giữ, Tòa án xét xử. Trên dưới đều là những gã hoàn toàn không biết yêu, tất cả chỉ là sự nhân danh một cách vô cùng khiên cưỡng.

3. Trở lại câu chuyện của Hiệp. Theo thông tin tôi được biết, Hiệp là con út trong gia đình thuần nông. Hiệp vào Tp Vũng Tàu được hơn 3 năm, vào làm công ty cũng chừng ấy thời gian. Hiệp làm được bao nhiêu tiền, đều chắt chiu gửi hết cho bố mẹ ở quê, vì bố mẹ Hiệp không còn đủ sức khỏe để lao động nặng. Một người đàn ông sống có trách nhiệm với bố mẹ, với gia đình như Hiệp, thì chắc chắn đó là một người đàn ông tốt.

Đội cứu hộ tìm thấy thi thể của một nạn nhân xấu số trong vụ chìm tàu.

Sao cho đến tận lúc này, tôi vẫn nghĩ rằng: Một con người tử tế như Hiệp, thì cho dù Thu có đáp lại tình cảm của Hiệp hay không? Thu có là người yêu của Hiệp hay không?... thì chắc chắn Hiệp vẫn sẽ nhường áo phao cho Thu. Bởi đơn giản, Hiệp là đàn ông. Và trong hoàn cảnh ấy, Thu là người phụ nữ đang cần được che chở. Hiệp làm điều này, vì Hiệp cảm thấy đây là điều cần thiết. Trong khoảnh khắc chớp nhoáng khi Hiệp cởi áo phao để mặc vào cho Thu, Hiệp hoàn toàn không đủ thời gian để xem đó là “một cơ hội để thể hiện tình cảm”. Mà cao hơn nữa, đó chính là tình người dành cho nhau, cách hành xử giữa người với người… Một kiểu hành xử hoàn toàn không vụ lợi.

Hiệp, thêm lần nữa minh chứng cho đám đông thấy bản chất của con người là cái thiện, thẳm sâu bên trong là sự bác ái… Những cá nhân như Hiệp giúp cho mọi người có thêm niềm tin vào cuộc sống từ hành động của chính mình. Hiệp cho đi trọn vẹn, Hiệp nhận về sự kính trọng. Đời sống vốn dĩ lắm trúc trắc và đầy rối rắm, may rủi liền kề nhau… chuyện của Hiệp  khiến đám đông có cơ hội nhìn lại cách hành xử của cá nhân mình.

4.Trong vụ chìm tàu đặc biệt nghiêm trọng này, có một điều mà dư luận đang băn khoăn, tại sao hai canô đi cùng đoàn nhìn thấy nạn nhân gặp nạn nhưng vẫn “làm lơ”? Anh Phan Văn Thắng - người đi trên chiếc tàu khác cùng đoàn từ Tiền Giang về TP Vũng Tàu, cho biết thời điểm con tàu H29 -BP gặp nạn anh có nhìn thấy.

“Vì khoảng cách khá xa nên chúng tôi chỉ nhìn thấy con tàu H29 - BP bất động. Tôi tưởng con tàu này hết nhiên liệu nên lấy điện thoại gọi cho em họ tôi (tức là anh Hoàng Trung Biên - nạn nhân tử nạn trong chuyến tàu định mệnh) hỏi xem có chuyện gì, nhưng không liên lạc được. Mọi người có nói lái tàu di chuyển lại xem thử, nhưng do sóng to, gió mạnh nên tàu chúng tôi không quay lại được. Khi vào đến đất liền chúng tôi có gọi điện báo tin đến cơ quan chức năng, mấy tiếng sau thì nghe tin đồng nghiệp và em tôi mất tích”, anh Thắng nói.

Anh Nguyễn Văn Cương - người đi trên con tàu gặp nạn chưa hết bàng hoàng kể lại, chiều 2/8 tàu anh xuất phát cùng hai con tàu khác của đoàn từ Tiền Giang về TP Vũng Tàu đi ăn cưới. Khi ra đến Cồn Ngựa, xã Long Hòa, huyện Cần Giờ (Tp HCM) thì bị sóng lớn đánh chìm, 30 người ngập chìm trong biển nước. Khi mọi người bấu víu được vào mạn tàu thì phát hiện cách đó khoảng 500m có hai canô của đoàn nên hò hét, giơ tay cầu cứu. Hai canô này có dừng lại chốc lát, nhưng sau đó tăng tốc bỏ đi trước sự thất vọng của những người gặp nạn.

Anh Công - người thoát chết may mắn trên con tàu bị chìm cũng khẳng định, nhìn thấy hai canô của đoàn di chuyển cách đó không xa. Tuy nhiên, theo anh Công có lẽ vì chỗ tàu gặp nạn sóng lớn, nước xoáy nên hai con tàu kia không dám tiếp cận để cứu hộ.

Về nghi vấn hai canô bỏ mặc nạn nhân, trong cuộc họp mới đây Bộ trưởng Giao thông Đinh La Thăng yêu cầu cơ quan chức năng điều tra làm rõ trách nhiệm của hai lái tàu này. Trong khi đó, ông Lê Văn Chiến - Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Tp Vũng Tàu xác nhận có nắm được thông tin có 3 canô xuất phát từ bến cá Vàm Láng (Tiền Giang) về Tp Vũng Tàu khoảng cách không xa.

Theo ông Chiến, trong trường hợp này hai canô không dám mạo hiểm để cứu người bị nạn vì đang chở nhiều hành khách và đi trong thời tiết quá xấu là chấp nhận được. Tuy nhiên, hai lái tàu này phải có trách nhiệm thông báo hoặc quay lại hiện trường giải cứu nạn nhân sau khi đưa khách vào đất liền an toàn. Phải chăng hai lái tàu này quá sợ hãi, hay canô của họ không có trang thiết bị cần thiết để có thể cứu được nạn nhân? Dư luận cho rằng, nếu công tác cứu hộ được tiến hành khẩn trương thì sẽ có nhiều hơn 21 người sống sót.

Trong vụ chìm tàu, cả 30 hành khách phải đánh đu dưới nước hơn 6 tiếng đồng hồ để giành lại sự sống. Trên con tàu gặp nạn ngày hôm đó không đủ áo phao và những dụng cụ thoát hiểm cho hành khách, ấy vậy mà con tàu này vẫn liều mình đi băng băng trong đêm tối giông bão. Tất cả những khuất tất trên rất cần các cơ quan chức năng điều tra làm rõ

Kinh Hữu - Sĩ Hưng
.
.