Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII: Một kỳ họp ghi nhiều dấu ấn

Thứ Hai, 29/06/2015, 10:40
Sau hơn một tháng làm việc, chiều 26/6, kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIII đã bế mạc. Đây được xem là kỳ họp để lại nhiều dấu ấn với nhân dân và cử tri cả nước khi cùng với việc cho ý kiến về 16 dự án luật, Quốc hội đã thông qua 11 Luật và Nghị quyết, trong đó có những nghị quyết sẽ tác động trực tiếp tới hàng trăm ngàn người lao động hoặc quyết định sự phát triển đối với vùng động lực phát triển phía Nam và cả nước, tác động đến nhiều ngành, lĩnh vực...

1- Là kỳ họp đầu tiên của năm 2015, tại kỳ họp này, Quốc hội đã tập trung xây dựng pháp luật để triển khai thi hành Hiến pháp 2013; đồng thời giám sát, quyết định những vấn đề quan trọng về kinh tế - xã hội của đất nước.

Tại kỳ họp này, Quốc hội đã thông qua 11 dự án luật và các dự thảo nghị quyết; cho ý kiến về 16 dự án luật khác. Đây là một nội dung trọng tâm của kỳ họp, với số lượng lớn dự án luật được xem xét, thông qua nhằm tiếp tục đưa Hiến pháp vào cuộc sống, góp phần hoàn thiện thể chế, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới.

Nghị quyết của Quốc hội tán thành xây dựng Cảng hàng không Quốc tế Long Thành đạt cấp 4F theo phân cấp của ICAO.

Trong đó có nhiều dự án luật quan trọng góp phần hoàn thiện hệ thống chính trị, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước từ trung ương đến cơ sở như: Luật tổ chức Chính phủ (sửa đổi), Luật tổ chức chính quyền địa phương, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi), Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật...

Trong số những dự thảo luật trình Quốc hội cho ý kiến lần này, có những dự thảo bộ luật lớn, sẽ tác động, điều chỉnh tới mọi mối quan hệ xã hội cả về dân sự và hình sự, đó là dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi), dự thảo Bộ luật Tố tụng Dân sự (sửa đổi), dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) và dự thảo Bộ luật Tố tụng Hình sự (sửa đổi). Các dự thảo bộ luật này đều có rất nhiều sửa đổi, bổ sung để phù hợp với quy định của Hiến pháp và những quy định quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Vì vậy, dù mới trình để lấy ý kiến lần đầu, nhưng khi thảo luận, các đại biểu đều rất tâm huyết góp ý  xây dựng luật với mong muốn xây dựng bộ luật vừa bảo vệ tối đa quyền con người nhưng cũng giữ được sự nghiêm minh của pháp luật. Như khi tham gia góp ý dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi), dù đều thống nhất nên giảm án tử hình, nhưng các đại biểu đều rất thận trọng khi cho rằng cần phải tính toán kỹ bỏ tử hình với tội danh nào để đảm bảo pháp luật vừa đảm bảo tính nhân đạo nhưng vẫn nghiêm khắc để đấu tranh phòng chống tội phạm.

Hay khi thảo luận dự thảo Bộ luật Tố tụng Dân sự (sửa đổi), đã có rất nhiều ý kiến góp ý với quy định "Tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng".

Trong những dự án luật trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp này, có hai dự án luật do Bộ Công an chủ trì soạn thảo là: Luật tổ chức cơ quan điều tra Hình sự và Luật tạm giữ, tạm giam. Thảo luận hai dự án luật này, các đại biểu đánh giá cao sự công phu  của Bộ Công an khi soạn thảo. Cả hai dự thảo luật đều phù hợp với Hiến pháp 2013, sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật; ghi nhận, tôn trọng và bảo đảm quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và cá nhân trong hoạt động điều tra hình sự; cụ thể hóa quy định của Hiến pháp 2013 về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ với các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan đến thực hiện chế độ tạm giữ, tạm giam...

Nhiều đại biểu tán thành sự cần thiết ban hành hai luật này khi cho rằng luật tạm giữ, tạm giam thể hiện tính nhân đạo, tính nhân văn, tính ưu việt của chế độ, đảm bảo quyền con người, quyền được sống, bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe, chăm sóc y tế, quyền tiếp cận thông tin và một số quyền dân sự khác; luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự sẽ thể chế hóa đường lối, chính sách của Đảng về cải cách tư pháp và đổi mới tổ chức, hoạt động của Cơ quan điều tra, bảo đảm tính thống nhất và sự đồng bộ trong hệ thống pháp luật của Nhà nước, tạo cơ sở pháp lý toàn diện, đồng bộ, cụ thể và nâng cao hiệu quả hoạt động điều tra hình sự trong tình hình mới.

2- Cùng với những Luật được thông qua, có 2 Nghị quyết sẽ quyết định cuộc sống của hàng trăm ngàn người lao động trong các doanh nghiệp và sự phát triển đối với vùng động lực phát triển phía Nam và cả nước là Nghị quyết về việc thực hiện chính sách hưởng bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần đối với người lao động sau một năm nghỉ việc và Nghị quyết xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Theo Nghị quyết của Quốc hội từ ngày 1/1/2016, người lao động tham gia BHXH bắt buộc sau một năm nghỉ việc mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH, khi có yêu cầu thì được nhận BHXH một lần. (Ảnh minh họa).

Cuối tháng 3/2015, công nhân tại Công ty TNHH PouYuen Việt Nam (TP HCM) đã đình công để bày tỏ quan điểm không đồng tình với quy định tại Điều 60 của Luật BHXH năm 2014 về giải quyết BHXH một lần. Lý do người lao động đưa ra là đời sống của người lao động, đặc biệt là lao động ở các khu công nghiệp còn nhiều khó khăn, lao động làm việc trong các khu công nghiệp chủ yếu là người các tỉnh từ khu vực nông thôn, đều muốn làm việc một số năm và trở về quê tiếp tục lập nghiệp, vì vậy họ muốn thanh toán BHXH một lần để có tiền đảm bảo cuộc sống trước mắt là chính đáng để giải quyết khó khăn tức thời.

Sau đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, UBND TP HCM đã kiến nghị việc sửa đổi Luật cho phù hợp với tình hình thực tiễn và nguyện vọng của công nhân theo hướng nếu người lao động không đủ thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu thì được hưởng BHXH một lần.

Từ những kiến nghị này, Nghị quyết của Quốc hội đã thống nhất từ ngày 1/1/2016, khi Luật BHXH 2014 có hiệu lực, điều khoản về điều kiện hưởng BHXH một lần (Điều 60) sẽ có sự điều chỉnh như sau: "Trường hợp người lao động tham gia BHXH bắt buộc sau một năm nghỉ việc, người tham gia BHXH tự nguyện sau một năm không tiếp tục đóng BHXH mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH, khi có yêu cầu thì được nhận BHXH một lần". 

Với nghị quyết này đã khẳng định Quốc hội luôn lắng nghe những phản ánh từ cuộc sống để ban hành chính sách phù hợp nhất.

Với dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Theo Nghị quyết, Quốc hội tán thành xây dựng Cảng Hàng không quốc tế Long Thành đạt cấp 4F theo phân cấp của Tổ chức Hàng không Dân dụng quốc tế (ICAO); là cảng hàng không quốc tế quan trọng của quốc gia, hướng tới trở thành một trong những trung tâm trung chuyển hàng không quốc tế của khu vực.

Nghị quyết nêu rõ: Dự án được đầu tư xây dựng để đạt công suất 100 triệu hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm. Dự án được áp dụng các công nghệ hiện đại trong việc xây dựng, quản lý và vận hành như các cảng hàng không quốc tế tiên tiến trên thế giới, bảo đảm năng lực khai thác đồng bộ theo tiêu chí an toàn, thuận tiện, chất lượng và hiệu quả.

Tổng mức đầu tư toàn bộ Dự án là 336.630 tỉ đồng (tương đương 16,03 tỉ USD, áp dụng đơn giá của năm 2014), trong đó giai đoạn 1 là 114.450 tỉ đồng (tương đương 5,45 tỉ USD). Dự án được sử dụng một phần vốn ngân sách nhà nước, vốn cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước của ngành hàng không, vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn doanh nghiệp, vốn đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) và các loại vốn khác theo quy định của pháp luật...

Để đất nước phát triển, luôn cần có những chính sách, pháp luật phù hợp. Vì vậy cử tri, nhân dân luôn mong mỗi kỳ họp, Quốc hội sẽ có những quyết sách đúng đắn, để mỗi kỳ họp là một dấu ấn trong hành trình phát triển.

Nguyễn Thiêm
.
.