Một năm “Tuyên bố chung Bình Nhưỡng”: Nhóm lên hy vọng hòa bình!

Thứ Tư, 25/09/2019, 16:05
Khoảng thời gian này một năm về trước, bầu không khí hy vọng tràn ngập bán đảo Triều Tiên. Năm nay, niềm hy vọng về hòa bình và phi hạt nhân hóa một lần nữa lại được “nhóm” lên bởi những chuyến đi và lời hứa hẹn.

Nhìn lại một sự kiện

Trong Hội nghị Thượng đỉnh liên Triều diễn ra trong hai ngày 18 và 19-9-2018 tại Bình Nhưỡng, Tổng thống Moon Jae-in và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đã nhất trí loại bỏ nguy cơ chiến tranh trên toàn bán đảo, cam kết xóa bỏ thù địch quân sự vốn tồn tại từ Hiệp định đình chiến chiến tranh Triều Tiên (1950-1953), để viết nên một trang sử mới.

“Tuyên bố chung Bình Nhưỡng” bao gồm 5 điểm chính: Thứ nhất, hai bên nhất trí mở rộng việc ngừng các hoạt động quân sự thù địch ở các khu vực đối đầu nhau như Khu phi quân sự (DMZ), loại bỏ thực chất mối đe dọa chiến tranh trên toàn Bán đảo Triều Tiên và giải quyết căn bản mối quan hệ thù địch. Thứ hai, hai bên nhất trí theo đuổi các biện pháp thực chất để thúc đẩy hơn nữa việc trao đổi và hợp tác dựa trên tinh thần hai bên cùng có lợi và thịnh vượng chung, nhất trí phát triển nền kinh tế dân tộc một cách cân bằng.

Thứ ba, hai bên nhất trí tăng cường hợp tác nhân đạo để giải quyết căn bản vấn đề gia đình ly tán. Thứ tư, hai bên nhất trí tích cực thúc đẩy trao đổi và hợp tác trong nhiều lĩnh vực khác nhau để tăng cường bầu không khí hòa giải, thống nhất và để thể hiện tinh thần dân tộc Triều Tiên/Hàn Quốc cả từ bên trong lẫn ở bên ngoài. Thứ năm, hai bên chia sẻ quan điểm cho rằng Bán đảo Triều Tiên phải được chuyển đổi thành mảnh đất hòa bình, không có vũ khí hạt nhân, đe dọa hạt nhân và nhanh chóng đạt được bước tiến bộ thực chất hướng tới mục tiêu này.

Một tháng sau khi ký “Tuyên bố chung Bình Nhưỡng”, Hàn Quốc và Triều Tiên đã tổ chức cuộc hội đàm cấp cao, xây dựng kế hoạch thực hiện các nội dung được nhất trí theo từng lĩnh vực. Hai bên tán thành lịch trình hợp tác đường sắt, đường bộ, lâm nghiệp, y tế, thể thao, vấn đề gia đình bị ly tán. Tiếp đó, hai miền cũng tổ chức các cuộc hội đàm cấp chuyên viên theo từng lĩnh vực, tổ chức lễ khởi công kết nối và hiện đại hóa tuyến đường sắt, đường bộ liên Triều.

Nội dung được triển khai nhanh chóng và thuận lợi nhất chính là lĩnh vực quân sự. Nhân Hội nghị Thượng đỉnh tại Bình Nhưỡng, hai miền đã ký kết “Biên bản nhất trí thực thi Tuyên bố Bàn Môn Điếm trong lĩnh vực quân sự”, bao gồm các biện pháp thực chất nhằm giải tỏa căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên, chẳng hạn như dừng toàn bộ hành vi thù địch lẫn nhau trên mặt đất, trên biển và trên không; phi vũ trang Khu vực an ninh chung (JSA) Bàn Môn Điếm; rút thí điểm trạm gác phía trong Khu phi quân sự liên Triều (DMZ). Sau đó, hai bên đã hoàn tất việc rút thí điểm trạm gác, binh lực và vũ khí phía trong JSA.

Từ ngày 1-11-2018, hai miền đã dừng toàn bộ các hành vi thù địch lẫn nhau, đồng thời tiếp tục rút thí điểm trạm gác trong DMZ, tiến hành công tác kiểm chứng chung. Tuy nhiên, cuộc hội đàm chính thức lần cuối cùng giữa hai bên lại là cuộc hội đàm ở lĩnh vực thể thao, diễn ra vào ngày 14-12-2018.

Việc Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai không đi tới thỏa thuận nào khiến quan hệ liên Triều rơi vào bế tắc kéo dài. Hai bên thậm chí đã không thể tổ chức được cuộc hội đàm Chữ thập đỏ liên Triều nhằm thảo luận về việc khôi phục trung tâm đoàn tụ các gia đình bị ly tán ở núi Geumgang.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Chủ tịch CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un tại Bình Nhưỡng, hôm 19-9-2018.

Hướng tới tương lai

Trái ngược với nửa cuối năm 2018 đầy sôi động, bước sang năm 2019, quan hệ liên Triều lâm vào cục diện “ảm đạm” kéo dài, khó có thể kỳ vọng về việc tiếp tục triển khai thực hiện các nội dung được nhất trí. Thêm vào đó, trong năm 2019, CHDCND Triều Tiên hoàn toàn “thờ ơ” với đối thoại và hợp tác liên Triều, chỉ chú tâm vào đàm phán trực tiếp với Mỹ. Đặc biệt, CHDCND Triều Tiên còn 10 lần thử tên lửa tầm ngắn và pháo phản lực, làm gia tăng mức độ uy hiếp quân sự đối với Hàn Quốc.

Dù vậy, bầu không khí dường như đang có sự thay đổi sau khi Thứ trưởng Ngoại giao Choe Son-hui đề xuất nối lại đối thoại cấp chuyên viên với Mỹ vào cuối tháng 9. Do đó, dư luận đang quan tâm đến vai trò “chất xúc tác” của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tại Hội nghị Thượng đỉnh Hàn-Mỹ diễn ra bên lề khóa họp của Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc ở New York sắp tới.

Bộ Thống nhất Hàn Quốc vừa qua cũng nhấn mạnh, Seoul sẽ nỗ lực hết sức để thúc đẩy việc nối lại đàm phán phi hạt nhân hóa và đảm bảo tiến trình này sẽ đạt kết quả tốt thông qua việc hợp tác chặt chẽ với Mỹ và duy trì các kênh liên lạc mở với CHDCND Triều Tiên.

Hội nghị Thượng đỉnh Hàn-Mỹ một lần nữa khiến dư luận chú ý đến vai trò “chất xúc tác” của Tổng thống Moon Jae-in. Phủ Tổng thống Hàn Quốc cho biết tại cuộc gặp sắp tới, lãnh đạo hai nước sẽ thảo luận phương án hợp tác nhằm phi hạt nhân hóa một cách toàn diện, thiết lập hòa bình vĩnh viễn trên Bán đảo Triều Tiên.

Điều này cho thấy Tổng thống Moon Jae-in sẽ nỗ lực thúc đẩy đối thoại Mỹ-Triều, từ đó tiến tới tổ chức thành công Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 3. Dư luận cũng hết sức quan tâm tới phương án mà Tổng thống Moon sẽ đưa ra nhằm thu hẹp bất đồng giữa Washington và Bình Nhưỡng.

Rất có khả năng, ông Moon sẽ đưa ra một “gợi ý” về lộ trình phi hạt nhân hóa và kế hoạch thực hiện theo từng giai đoạn. Để phi hạt nhân hóa, các bên liên quan cần phải giải quyết rất nhiều vấn đề phức tạp, từ việc định nghĩa khái niệm “phi hạt nhân hóa” cho tới kế hoạch thực hiện cụ thể và rất khó để giải quyết tất cả cùng một lúc.

Do vậy, ưu tiên hàng đầu giờ đây là Mỹ và CHDCND Triều Tiên cần phải tìm ra một điểm chung để có thể thu hẹp bất đồng. Điều này đòi hỏi vai trò của tổng thống Hàn Quốc, người hiểu rõ lập trường của Mỹ và CHDCND Triều Tiên và có thể thuyết phục cả Washington và Bình Nhưỡng.

Cùng với đó, dư luận cũng quan tâm tới thông điệp của CHDCND Triều Tiên mà Tổng thống Moon sẽ chuyển tới Tổng thống Trump. Một quan chức Phủ Tổng thống không xác nhận cũng không bác bỏ thông tin liệu ông Moon sẽ truyền đạt thông điệp của Bình Nhưỡng tới Washington hay không và chỉ nói rằng có những nội dung mà lãnh đạo Hàn-Mỹ cần phải trao đổi trên phương diện đồng minh.

Hà Phương (tổng hợp)
.
.