Vụ mất tích máy bay số hiệu QZ8501 của hãng AirAsia:

Một năm thảm họa với ngành hàng không Malaysia

Thứ Tư, 31/12/2014, 17:10
Chưa kịp nguôi ngoai với hai thảm họa MH370 xảy ra hồi tháng 3 và MH17 hồi tháng 7 vừa qua, Malaysia lại tiếp tục hứng chịu thêm một thảm họa hàng không thứ ba trong năm nay khi ngày 28/12 vừa qua, chiếc máy bay Airbus 320-200 mang số hiệu QZ8501 của Hãng Hàng không giá rẻ Malaysia AirAsia, chở theo 162 hành khách và phi hành đoàn, đã đột ngột mất liên lạc với trạm kiểm soát không lưu khi đang trong lộ trình từ thành phố Surabaya của Indonesia tới Singapore.

Mặc dù một chiến dịch tìm kiếm đã được mở ra với sự tham gia của nhiều nước, nhưng sau nhận định của giới chức Indonesia rằng, chiếc máy bay QZ8501 có thể đã rơi xuống biển, hy vọng về những phép màu đối với toàn bộ hành khách và phi hành đoàn có mặt trên máy bay dường như đã khép lại.

Theo xác nhận của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Indonesia, QZ8501 rời sân bay quốc tế Juanda tại Surabaya ở Đông Java (Indonesia) vào lúc 5 giờ 36 phút và theo dự kiến sẽ tới Singapore lúc 8 giờ 30 phút (00 giờ 30 phút, giờ GMT). Trước khi bị mất liên lạc với Trạm Kiểm soát không lưu, khi đang ở trên biển Java, nằm giữa Surabaya và Singapore, vào khoảng 6 giờ 18 phút ngày 28/12 (giờ Surabaya), QZ 8501 không hề phát tín hiệu cầu cứu. Bộ GTVT Indonesia và AirAsia đã cung cấp chi tiết thông tin về hành khách và phi hành đoàn.

Theo đó, ngoài 155 hành khách trên máy bay (gồm 67 phụ nữ, 70 nam, 16 trẻ em và 1 trẻ sơ sinh), đã có 23 người không tham gia chuyến bay này. Phần lớn các hành khách là người Indonesia (149 người), số còn lại gồm 3 người Hàn Quốc, 1 người Singapore, 1 người Anh và 1 người Malaysia. Phi hành đoàn gồm 6 người Indonesia và 1 người Pháp: Cơ trưởng Iriyanto, Cơ phó: Remi Emmanuel Plesel, các tiếp viên Wanti Setiawati, Khairunisa Haidar Fauzi, Oscar Desano, Wismoyo Ari Prambudi và thợ máy Saiful Rakhmad. Đại diện của AirAsia đã xác nhận, Cơ trưởng Iriyanto là người có kinh nghiệm với 6.100 giờ bay, Cơ phó 2.275 giờ bay và chiếc Airbus này mới được bảo dưỡng gần đây nhất hôm 16/11 vừa qua.

Hàng loạt nghi vấn được đặt ra

Một quan chức khác của Bộ GTVT Indonesia thì cho biết, một thời gian ngắn trước khi mất liên lạc, QZ8501 đã “yêu cầu chuyển hướng lộ trình bay và được bay ở tầm cao hơn để tránh những đám mây”, khi đó, máy bay vẫn nằm trong tầm kiểm soát của Trạm Kiểm soát không lưu Indonesia (ATC). Cụ thể, cơ trưởng đã xin được rẽ trái và nâng độ cao lên 38.000 feet (khoảng 11.78km). Song Trạm Kiểm soát không lưu mặt đất chỉ cho phép chuyển hướng bay sang trái.

Phát biểu trong cuộc họp báo tại sân bay Jakarta, Cục trưởng Cục Vận tải Hàng không, Bộ GTVT Indonesia, ông Djoko Murjatmodjo cho biết: “Chiếc máy bay trong điều kiện tốt nhưng thời tiết thì không” và thêm rằng, có báo cáo cho thấy đã xảy ra một số cơn bão ở khu vực máy bay mất tích. Mạng thông tin thời tiết toàn cầu Weather Bug cũng đã công bố thông tin có sét đánh gần tuyến đường bay của máy bay QZ8501 từ lúc 6 giờ- 6 giờ 20 phút ngày 28/12 (giờ địa phương). Tuy nhiên, CNN dẫn lời chuyên gia khí tượng người Mỹ Derek Van Dam cho rằng: Nguyên nhân một chuyến bay rơi vì thời tiết xấu là điều hiếm khi xảy ra.

Chuyên gia phân tích hàng không Mary Schiavo, nguyên Tổng thanh tra của Bộ Giao thông Mỹ, cũng hoài nghi về khả năng thời tiết: “Phi công sẽ luôn nhận báo cáo thời tiết cập nhật từ đài không lưu. Do vậy chuyện thời tiết xấu trong khu vực bay không phải là điều bí ẩn gì”. Trang Channel News Asia dẫn lời ông Elmo Jayawardena, một phi công kỳ cựu đã nghỉ hưu khẳng định: “Sấm chớp không thể gây thiệt hại nghiêm trọng tới nỗi đánh rơi một máy bay”.

Khi phát hiện mục tiêu khả nghi, các nhân viên cứu hộ sẽ thả phao đánh dấu vị trí trên mặt biển để các tàu tuần tra trong khu vực tiếp cận. Ảnh: News.asiaone.

Trong khi đó, Flighradar24, trang web chuyên theo dõi thông tin về hành trình của các máy bay trên toàn thế giới, đã công bố hình ảnh cho thấy trước khi máy bay của Hãng AirAsia bị mất tích đã có một số máy bay bay gần đó, và khẳng định không nhận được bất cứ tín hiệu khẩn cấp nào từ QZ8501. Trong một báo cáo, Basarnas cũng chỉ rõ ràng, xung quanh khu vực chiếc máy bay của Air Asia bị mất liên lạc còn có 6 máy bay khác của các hãng hàng không: AirAsia (Malaysia), Garuda, Lion Air (Indonesia) và United Arab Emirates của Các Tiểu vương quốc Arập thống nhất. Trong số này, chiếc máy bay GA 602 của Garuda bay ở độ cao 35.000 feet, LNI 763 của Lion Air ở độ cao 38.000 feet, một chiếc máy bay khác của AirAsia là QZ 502 bay ở độ cao 38.000 feet và UAE 409 của United Arab Emirates bay ở độ cao 35.000 feet, nên QZ8501 đã không được phía kiểm soát mặt đất cho phép tăng độ cao.

Ông Djoko Murjatmodjo cho biết thêm rằng, điểm cuối cùng chuyến bay QZ8501 mất liên lạc nằm trên vùng biển giữa Cape Pandang của đảo Belitung và Pontianak của đảo Kalimantan: “Vị trí mà máy bay mất liên lạc nằm giữa Tanjung Pandan và Pontianak, nằm trong bán kính 100 dặm về phí.a đông nam Tanjung Pandan”. Trong khi đó, theo tờ The Straitstimes, QZ8501 có thể đã rơi ngoài vùng biển Đông Belitung, phía đông bờ biển Sumatera của Indonesia. Tuy nhiên, vị trí đích xác mà máy bay đã rơi vẫn chưa được xác định.

Các nước đồng loạt vào cuộc

Người phát ngôn Basarnas, ông Sutono cho biết, các nỗ lực tìm kiếm máy bay QZ8501 sẽ tiếp tục được triển khai trong những ngày tới. Thời hạn tìm kiếm là một tuần và có thể kéo dài tùy theo tình hình thực tế. Phát biểu tại buổi họp báo chiều 29/12, Phó tổng thống Indonesia Jusuf Kalla khẳng định sẽ không có giới hạn nào cho chiến dịch tìm kiếm chiếc máy bay này.

Vật thể được cho là cánh cửa máy bay QZ8501. (Hình ảnh của Metro TV).

Người đứng đầu Basarnas Bambang Soelistyo cho biết, việc tìm kiếm máy bay QZ8501 được tập trung vào 7 khu vực ở giữa đảo Belitung và Tây Kalimantan. Máy bay của quân đội Indonesia phụ trách 3 khu vực trong số này, 4 khu vực còn lại sẽ do máy bay của Malaysia và Singapore đảm nhiệm. Bên cạnh đó, ông Bambang Soelistyo chia sẻ, Indonesia không có “những công cụ”, chẳng hạn như tàu ngầm, để tìm kiếm dưới đáy biển nên họ sẽ phải yêu cầu sự trợ giúp từ các nước khác. Tuy vậy Indonesia sẽ sử dụng một hệ thống phát sóng âm có thể phát hiện ra vật thể ở độ sâu tới 2km dưới biển để tìm kiếm QZ8501.

Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen xác nhận đã gửi 2 máy bay C130, 2 tàu hải quân (một tàu chiến lớp Formidable và một tàu hộ vệ tên lửa) tham gia chiến dịch của Indonesia. Nhân viên điều tra cao cấp của Cục Điều tra An toàn Hàng không Singapore, ông Steven Teo cho biết, Singapore đã sẵn sàng đưa hai thiết bị để phát hiện vị trí máy bay ở dưới nước (hydrophone) tới khu vực tìm kiếm. Hai chiếc hydrophone này có khả năng quay 360 độ và có thể tiếp nhận được tín hiệu từ hộp đen của máy bay hoặc thiết bị định vị vị trí dưới nước của máy bay (ULB), cho phép các chuyên gia có thể vạch ra một vùng tam giác bao quanh khu vực nơi thiết bị ULB có thể bị rơi dưới đáy biển. Malaysia cũng tham gia với 3 tàu hải quân và 3 máy bay. Còn Australia tới giờ vẫn chỉ khiêm tốn với 1 máy bay AP-3C Orion. Pháp, Ấn Độ và Trung Quốc cũng đã đề nghị gửi máy bay và tàu chiến tới hỗ trợ chiến dịch tìm kiếm. Hãng Hàng không Airbus sẽ hỗ trợ đầy đủ Cơ quan Điều tra An toàn của Pháp (BEA) và những cơ quan có trách nhiệm liên quan đến cuộc điều tra về sự mất tích của chiếc máy bay.

Tính tới thời điểm hiện tại, đã có 1.126 nhân viên và 57 phương tiện đã được triển khai trong chiến dịch tìm kiếm và cứu hộ QZ8501. Cũng trong ngày 30/12, theo Hãng tin CBS News, Mỹ đã đồng ý tham gia chiến dịch tìm kiếm QZ8501 do Indonesia dẫn đầu và đã điều tàu USS Sampson tới khu vực tìm kiếm. Dự kiến, USS Sampson sẽ tới địa điểm này vào tối cùng ngày và bắt đầu tham gia chiến dịch vào sáng 31/12. Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ, Chuẩn Đô đốc John Kirby, cho biết, việc hỗ trợ của Mỹ sẽ bao gồm các thiết bị trên không, trên biển và dưới nước có khả năng phát hiện vị trí của máy bay rơi.

Người đứng đầu Trung tâm Hàng không (Penerbad) Hải quân Indonesia, Thiếu tướng Sigit Setiyanta cho biết, lực lượng Hải quân đã sử dụng máy quét mìn KRI Pulau Rengat để dò tìm kim loại nhằm tìm các manh mối liên quan chiếc máy bay mất tích QZ8501. Ông Sigit tạm nhận định: chiếc máy bay của Hãng hàng không AirAsia có thể đã bị rơi tại vùng biển Tanjung Pandan, thuộc khu vực Bangka Belitung, nằm ở độ sâu khoảng 25 – 50m. Các đội tìm kiếm đang rà soát các khu vực nghi là điểm máy bay rơi. Khu vực này được xác định khá tập trung vì QZ8501 là loại máy bay thân rộng, hơn nữa các dòng hải lưu ở khu vực này không đủ mạnh để có thể đẩy máy bay đi xa.

Theo bản tin của The Straits Times đăng tải lúc 14 giờ 10 phút ngày 30/12 (giờ địa phương), các mảnh vỡ được cho là của một cánh cửa máy bay và phao trượt sử dụng trong trường hợp khẩn cấp đã được tìm thấy dưới biển tại khu vực tìm kiếm máy bay bị mất tích QZ8501.

Kênh truyền  hình Metro TV dẫn lời Phó Đô đốc Hải quân Indonesia Agus Dwi Putranto cho biết: “Chúng tôi phát hiện thấy 10 vật thể cỡ lớn và nhiều vật thể cỡ nhỏ hơn. Chúng không giống các vật thể thường xuất hiện nhiều trên mặt biển”. Ông Putranto cho biết vị trí phát hiện các vật thể này nằm cách nơi máy bay xuất hiện lần cuối trên radar khoảng 10km. Ông cũng đưa ra 10 bức ảnh về các vật thể, với hình dáng giống như một chiếc cửa máy bay, một phao trượt khẩn cấp, một vật thể như chiếc hộp hình vuông. Vị Phó Đô đốc Hải quân Indonesia nói: “Hiện chưa rõ đây là thứ gì...”.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.