Một nghề mới ở Việt Nam: Leo núi cứu nạn

Thứ Bảy, 27/10/2007, 18:30
Nhắc đến leo núi, người ta thường nghĩ tới những tay ưa các môn thể thao mạo hiểm. Nhưng với các học viên đang huấn luyện tại Trung tâm Quốc gia tìm kiếm cứu nạn đường không thì đó lại là một nội dung bắt buộc trong khóa học trước khi trở thành nhân viên cứu hộ.

Một ngày tháng 9, giữa khi cơn bão số 5 đang đổ bộ vào đất liền, chúng tôi được tin ngày mai sẽ có buổi huấn luyện leo núi của các học viên tìm kiếm cứu nạn. Bất chấp thời tiết, chúng tôi đã có mặt trên chiếc xe ca chở các học viên từ Gia Lâm cắt qua Hà Nội đi về hướng Láng – Hòa Lạc.

Địa điểm được chọn là một sườn núi thuộc địa phận huyện Quốc Oai – Hà Tây. Hai vị trí đã bố trí, một bên là chiếc thang dây kiểu Hàn Quốc, một bên chỉ có sợi dây thừng với những nút thắt cách nhau chừng 40cm. Các học viên nhanh chóng xuống xe tập hợp đội hình, làm các động tác khởi động. Trong những bộ rằn ri loang lổ, họ như lẫn vào màu xanh cây rừng.

Các giáo viên đã vào vị trí dưới thang dây. Lần lượt từng học viên vào trận. Nhiệm vụ của họ là bám vào dây và leo lên sườn núi cao. Những chiếc đai an toàn được thắt ngang lưng, mũ bảo vệ được chụp lên đầu. Dây bảo hiểm được tròng vào móc khóa.

Bắt đầu. Cánh tay cuồn cuộn cơ bắp của chàng học viên tên Chương bám chắc vào từng mấu dây thừng. Đôi giày có đế tạo độ ma sát lớn bám vào sườn núi, đôi chân Chương lợi dụng những khe kẽ, mỏm đá nhô ra làm điểm tựa để đu mình chuyển động lên cao dần.

Tôi nhìn lên, vách đá tai mèo dựng đứng nham nhở, chóng cả mặt. Năm phút sau, dáng người của Chương đã mất hút sau những mỏm đá, tán cây, chỉ còn sợi dây thừng thi thoảng lại đung đưa nhè nhẹ. Hết một lượt, đến lượt người khác.

Lại những động tác tương tự, nhưng lần này anh học viên vô tình đạp trượt chân vào sườn núi, lập tức, đá vụn cùng lá cây mục rơi rào rào lên đầu chúng tôi. Tôi chạy ra xa nhìn lên, thấy người anh bé tí như chú nhái bén đang đánh đu trên sợi dây thả lưng chừng vách núi.

Vừa tụt xuống những bước cuối cùng, buông tay khỏi dây thừng, Quân vừa thở hổn hển, gỡ chiếc mũ bảo hộ trên đầu. Mồ hôi thấm ướt cả lượt trong lớp vải mũ dày cộp. Tay Quân có một vết trầy rớm máu.

Quân cho biết, trong khi leo cần nhất là giữ thăng bằng, vì nó giống như việc đánh đu giữa sườn núi. Kết hợp với đó là những bước chân chắc chắn, lợi dụng sườn núi để lên cao. Nếu chỉ cần trượt chân hay mất thăng bằng là người có thể bị quay tròn, va đập vào sườn núi tai mèo rất dễ gây thương tích, vết trầy trên tay Quân chỉ là một sơ ý rất nhỏ gây nên.

Leo núi rất cần sự dai sức. Nếu không khởi động tốt và biết “điều tiết năng lượng” thì chỉ leo đến phân nửa đoạn đường là thấy “tay như đi mượn”, chả bám vào dây gì cả, hoặc có thể sẽ bị chuột rút mà buông mình lơ lửng, rất nguy hiểm cho tính mạng.

Vì đêm hôm trước trời mưa nhiều nên sườn núi ẩm ướt, nhiều rêu gây trơn trượt, nhưng các học viên vẫn quyết tâm không bỏ cuộc. Mỗi người sẽ phải leo hai bài, dây đu và thang dây với những mục đích huấn luyện khác nhau.

So với một sợi dây được cố định từ trên cao thả lơ lửng sát vách núi thì nhìn chiếc thang dây có vẻ “ngon ăn” hơn.

Nó cũng được buông sát sườn núi dựng đứng ở vị trí cách điểm leo dây chừng trăm mét. Mặt trong của thang có một hàng chân đế bằng thép giúp thang bám vào vách núi và cũng để cho dây khỏi bị cò cưa vào các mỏm đá mà đứt. Leo hết bài dây đu, Chương chuyển sang bài thang dây.

Dù được bám vào hai dây song song nhưng việc leo lên cao không hề dễ dàng. Chiếc thang bằng dây cứ oặt ẹo, vặn bên này, vặn bên kia khi Chương dồn lực vào chân nào đó để chân còn lại bước lên bậc trên.

Trong lượt tụt xuống, đến đoạn thang bắc qua thảm dây rừng dày đặc, các chân đế không có điểm tựa, Chương đã chủ quan, thế là cả người và thang bị xoay 180 độ, người úp vào thảm dây rừng, thang... chổng chân ra ngoài. Sau vài phút chật vật, cùng với sự hỗ trợ của giáo viên giữ đầu dưới đất, Chương  mới “lật ngược thế cờ” để trở về tư thế thông thường, tiếp tục tụt xuống, hoàn thành bài tập.

Anh Vũ Văn Sâm – Phó chỉ huy trưởng Trung tâm cho biết: “Với nội dung huấn luyện leo núi, đòi hỏi phải sát với thực tế địa hình Việt Nam trong công tác tìm kiếm cứu nạn, đặc biệt là cứu nạn đường không. Cùng với các nội dung như nhảy dù, thả thang dây từ trực thăng cứu người trên mặt đất, rừng núi, hay trên biển thì việc huấn luyện leo núi cũng là một khoa mục.

Leo núi tìm kiếm cứu nạn không đòi hỏi quá chuyên nghiệp, với các yếu tố chiến thuật, bí mật như bộ đội đặc công, nhưng cũng không quá đơn giản như leo núi bộ binh. Nếu như trong chiến đấu cần yếu tố bí mật bất ngờ thì chúng tôi phải ngược lại, càng dễ cho nạn nhân nhận ra càng tốt.

Vì thế ngoài việc mang mặc trang phục rực rỡ (quy định quốc tế cho tìm kiếm cứu nạn là màu cam) thì còn phải kết hợp phát tín hiệu, gọi loa... để người bị nạn nhận biết”.

Trung tâm Quốc gia tìm kiếm cứu nạn đường không thuộc Ủy ban tìm kiếm cứu nạn Quốc gia đặt dưới sự quản lý của Quân chủng Phòng không – Không quân. Để có được địa điểm luyện tập này, các cán bộ của Trung tâm đã mất khá nhiều thời gian tìm kiếm, đi thực địa, thậm chí là... leo thử.

Chuẩn bị cho học viên trước khi leo dây.

Địa hình đòi hỏi phải đáp ứng được các yêu cầu đặc trưng địa hình rừng núi Việt Nam và đảm bảo cho các học viên có thể thực hành các thao tác từ đơn giản đến phức tạp. Vách núi được chọn có độ cao 47 mét, đảm bảo các tiêu chí cho việc luyện tập.

Đã qua 12 giờ trưa. Những học viên vẫn miệt mài tập luyện với sợi dây neo ở lưng chừng vách núi. Đứng dưới nhìn lên, cảm giác như họ đang cố gắng leo lên trời, cao tít và mờ xa...

Nguyễn Xuân Thủy
.
.