Một trật tự thế giới mới đang được thiết lập sau Brexit?

Thứ Hai, 20/02/2017, 16:20
Không chỉ đe dọa làm tan rã Liên minh châu Âu (EU) cùng nhiều tổn thất kinh tế, quyết định của người dân Anh nói “có” với kịch bản rời khỏi “ngôi nhà chung”, còn gọi là Brexit trong cuộc trưng cầu ý dân diễn ra ngày 26-6 năm ngoái đang hé lộ khả năng một cuộc sắp xếp lại quyền lực, các mối quan hệ kinh tế, các đường biên giới và các hệ tư tưởng trên toàn thế giới.

Sắp xếp lại quyền lực

Giới phân tích cho rằng kết quả bỏ phiếu gây choáng váng để Anh rời khỏi EU đã kích động việc tổ chức lại với quy mô lớn các lực lượng kinh tế và chính trị trên toàn cầu, củng cố khuôn mẫu của một trật tự thế giới mới nghiêng về phía Moscow, Bắc Kinh và các cường quốc đang lên ở châu Á và châu Phi. Như Washington đã công nhận một cách đầy lo lắng, sẽ có một sự giảm sút về tầm ảnh hưởng của Mỹ, EU và Tổ chức hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), trong đó EU và NATO từng đóng vai trò các công cụ cho sự thống trị toàn cầu của Mỹ.

Cho tới nay, khối EU gồm 28 thành viên (sắp còn 27) đồng thuận với NATO gồm 28 thành viên về phương hướng chống Nga của họ. Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên của NATO nhưng ngày càng ít khả năng được vào EU, dường như thể hiện sự thỏa mãn về Brexit (“Liên minh viễn chinh đổ vỡ”) và rõ ràng đã tiến gần hơn tới Moscow.

Kể từ cuộc đảo chính bất thành ngày 15-7-2016, Ankara đã buồn phiền trước sự hỗ trợ hờ hững từ EU và Mỹ (Ngoại trưởng John Kerry đã tới thăm Ankara 45 ngày sau cuộc đảo chính bất thành), và giận dữ trước việc Washington từ chối dẫn độ giáo sỹ Fethullah Gülen, người mà họ tin rằng đã đứng đằng sau chỉ đạo nỗ lực lật đổ chế độ. Sau đó Tổng thống Recep Tayyip Erdoðan đã tới thăm St Petersburg (ngày 9-8-2016) để cứu vãn nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ đang ngày càng yếu kém, vốn đã phải chịu một đòn tấn công chính diện là các hạn chế thương mại và đi lại từ phía Moscow sau vụ bắn rơi máy bay Su-24 của họ ở Syria.

Một lý do không được nhắc tới là nhu cầu đạt được một sự hiểu biết về vấn đề Syria, vì nó mà các cuộc đối thoại với Tehran đã được khởi động.

Bên cạnh đó, một sự hội nhập kinh tế gần gũi hơn của châu Âu với Nga, điều mà châu Âu hết sức mong mỏi, có thể thay đổi các nhận thức an ninh theo hướng có hại cho sự bá quyền của Mỹ và NATO. Trong những tháng tới, London được trông đợi sẽ cố gắng cắt giảm chi tiêu quân sự ngay cả khi Lầu Năm Góc nhận ra rằng họ không thể buộc các đồng minh của mình gia tăng ngân sách quốc phòng và hỗ trợ cho các cuộc phiêu lưu quân sự của mình.

Theo giới phân tích, Brexit dường như đã tạo ra một tình huống giống với sự sụp đổ đột ngột của Liên Xô vào tháng 12-1991 sau khi Bức tường Berlin sụp đổ vào tháng 11-1989, sau đó là sự kết thúc của Hội đồng Tương trợ kinh tế (Comecon) và khối Hiệp ước Warszawa. Điều này đã mở đường cho một sự toàn cầu hóa về địa chiến lược và tài chính do Mỹ chi phối mà đã gây ra sự bất bình đáng nghiêm trọng ở các cấp độ địa phương, khu vực và toàn cầu, cùng với đó là tình trạng thất nghiệp hàng loạt và chính sách khắc khổ không thể chịu nổi.

Brexit không chỉ là câu chuyện của riêng châu Âu mà còn là của toàn thế giới.

Ai lợi, ai hại?

Với Anh, Brexit không đáng ngạc nhiên vì London luôn tỏ ra dè dặt đối với mức hội nhập với châu Âu, và đã không gia nhập Khu vực đồng euro vào những năm 1990. Thái độ cách biệt với đồng tiền chung đã cách ly Anh khỏi cuộc khủng hoảng đồng euro diễn ra sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, điều đã để lộ các thiếu sót về thể chế của đồng tiền chung. Giải pháp duy nhất của châu Âu là hội nhập hơn nữa bằng việc tạo ra một liên minh ngân hàng, sau đó là liên minh tài chính và chính trị gần gũi hơn.

Với Mỹ, Washington đã kiểm soát phương Tây trong 7 thập kỷ sau khi Thế chiến hai kết thúc. Nhưng, như trợ lý Bộ trưởng Tài chính Mỹ Paul C. Roberts nhận xét, không có EU và NATO, Washington không thể buộc các quốc gia EU do dự phải áp đặt các biện pháp trừng phạt thương mại đối với Nga, điều gây tổn hại tới nền kinh tế của chính họ. Washington cũng không thể phá hủy 7 quốc gia Hồi giáo trong 15 năm mà chỉ phải chịu chút ít phí tổn. Chẳng có gì ngạc nhiên khi Brexit ngay lập tức kích động các yêu cầu chấm dứt ngay lập tức các lệnh trừng phạt lên Nga.

Với Nga, Brexit chắc chắn sẽ củng cố cho Moscow, vốn đã bị kiềm chế trong nhiều năm bởi sự mở rộng về phía Đông của NATO và các biện pháp trừng phạt do Washington hậu thuẫn được áp đặt sau việc sáp nhập Crimea, vốn là một lời đáp trả cho việc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) tổ chức cuộc đảo chính ở Kiev và thiết lập một chế độ với một vài thành viên theo chủ nghĩa Quốc xã mới.

Giờ đây phương Tây lo sợ rằng Nga có thể trở nên táo bạo và lạm dụng sức mạnh quân sự của mình ở Georgia và Ukraine; Tổng thống Putin đã cho người ta biết rằng cuộc khủng hoảng Crimea năm 2014 chưa chấm dứt và chiến tranh có thể tiếp diễn ở Ukraine trong tương lai.

Với Thổ Nhĩ Kỳ, Ankara nhìn nhận Brexit là sự khởi đầu cho sự tan rã của EU. Phó Thủ tướng Nuretti Canikli nói: “Sự tan rã của EU đã bắt đầu và Anh là nước đầu tiên từ bỏ”. Brexit đã diễn ra giữa một thỏa thuận di cư Thổ Nhĩ Kỳ-EU đầy kịch tính bao gồm việc miễn thị thực cho công dân Thổ Nhĩ Kỳ thay cho một thỏa thuận tái tiếp nhận; thỏa thuận này đang sụp đổ khi Brussels muốn ngăn chặn dòng người di cư bất thường (từ Syria) vào EU, và Thổ Nhĩ Kỳ đang khăng khăng đòi hỏi miễn chế độ thị thực.

 Brexit - từ một chiêu bài chính trị để tranh thủ lá phiếu đã biến thành hiện thực, làm tiêu tan sự nghiệp của người đưa ra nó, làm thay đổi trật tự kinh tế thế giới, thậm chí định hình kết cấu địa chính trị trên toàn cầu. Vậy nên dễ dàng nhận thấy, giới tinh hoa chính trị Anh trong nhiều thập kỷ qua đã lợi dụng các thế lực chính trị, kinh tế hùng mạnh trên thế giới để giành lợi ích cho đất nước mình.

Song giờ đây, chính họ cũng lại bị những thế lực hùng mạnh hơn điều khiển để phục vụ cho những mưu đồ chiến lược hoặc lôi kéo họ vào các cuộc cạnh tranh quyền lực với các thế lực khác trên toàn cầu.

Bảo Trân (tổng hợp)
.
.