“Mùa Xuân Arập” lại xuất hiện ở Tunisia

Thứ Tư, 17/01/2018, 09:10
Ngày 15-1, Bộ Nội vụ Tunisia cho biết, hơn 930 người đã bị bắt trong các vụ bạo động ở Tunisia. Sau làn sóng “Mùa Xuân Arập” từng bùng phát ở quốc gia Bắc Phi này năm 2011, và sau đó lan rộng khắp khu vực, đến nay, Tunisia vẫn chưa thể giải quyết được các vấn đề liên quan đến đói nghèo và thất nghiệp...

Dấu hiệu tái hiện một “Mùa Xuân Arập” ở Trung Đông - Bắc Phi?

Phong trào phản kháng xã hội tại Tunisia bắt đầu diễn ra vào đầu tháng 1-2018 với những cuộc biểu tình lẻ tẻ ở một số thành phố trước khi biến thành các cuộc bạo loạn đêm 8-1 khiến một người biểu tình đã chết không rõ ràng. Kể từ ngày 11-1 đến nay, chỉ còn một vài cuộc biểu tình nhỏ đã xảy ra ở một số khu vực tại quốc gia này.

Theo các phương tiện truyền thông địa phương, từ tối 14-1 đến 15-1, các sự cố bạo động nhỏ vẫn còn xảy ra ở vùng ngoại ô Tunis, đặc biệt là ở các khu phố nổi tiếng là Daouar Hicher và Kram, nơi những người trẻ tuổi đã đốt các lốp xe. Trong tuần vừa qua, 105 thành viên của lực lượng an ninh đã bị thương trong các cuộc đụng độ vì bị ném đá hoặc bom xăng.

Phong trào phản kháng xã hội đã bắt nguồn từ việc chính phủ nước này thông qua một ngân sách năm 2018 đã làm gia tăng thuế và đánh thuế vào sức mua do lạm phát nghiêm trọng, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng liên tục, theo công bố chính thức là 15%, mặc dù nền kinh tế nước này tăng trưởng 2% trong 2017.

Bảy năm sau cuộc cách mạng chống lại chế độ độc tài và tham nhũng, Tunisia đang gặp khó khăn về tài chính, đặc biệt là sau sự sụt giảm của ngành du lịch do một loạt các vụ tấn công chết người xảy ra trong năm 2015. Năm 2016, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã cho Tunisia vay 2,4 tỷ euro trong vòng 4 năm, đổi lại nước này cam kết đổi cắt giảm thâm hụt ngân sách và cải cách kinh tế.

Tổng thống Tunisia Beji Caid Essebsi tiếp xúc với người dân. Ảnh: The Japan Times.

Thủ tướng Tunisia Youssef Chahed cáo buộc phe đối lập kích động biểu tình. Trên thực tế, trong những năm gần đây, cứ vào đầu năm người dân ở Tunisia lại tiến hành biểu tình. Các cuộc biểu tình năm nay cũng đánh dấu 7 năm làn sóng nổi dậy tại Tunisia từ tháng 12-2010 đến tháng 1-2011 dẫn tới sự sụp đổ của chính quyền Tổng thống Zine El-Abidine Ben Ali vào ngày 14-1-2011. Đây được xem là khởi nguồn làn sóng nổi dậy được gọi là “Mùa xuân Arập” ở khu vực Bắc Phi - Trung Đông năm 2011.

Liên Hiệp Quốc đã bày tỏ quan ngại về tình hình bất ổn hiện nay ở Tunisia, đồng thời kêu gọi giới chức nước này sớm ổn định tình hình. Chính phủ nhiều nước châu Âu đã cảnh báo công dân không nên du lịch tới Tunisia vào thời điểm này.

Các nguồn tin địa phương cho biết, người biểu tình quá khích đã đốt phá một trụ sở cơ quan an ninh quốc gia ở thị trấn Thala, khiến nhà chức trách phải điều động thêm binh sĩ tới đây ổn định trật tự. Quân đội cũng đã được triển khai ở một số thành phố trọng điểm để bảo vệ các tòa nhà chính phủ, đồng thời giúp dập tắt các cuộc biểu tình có nguy cơ bạo lực.

Phát biểu trên đài phát thanh, người phát ngôn của Bộ Nội vụ Tunisia Khalifa xác nhận hàng chục cảnh sát đã bị thương trong các vụ đụng độ trên cả nước, nhiều tài sản bị hư hại, trong đó có nhiều siêu thị ở ngoại ô thủ đô Tunis bị cướp phá.

Vòng luẩn quẩn vào mùa Xuân

Kể từ sau cuộc chính biến năm 2011, quốc gia Bắc Phi này vẫn chưa thể thoát ra khỏi khủng hoảng kinh tế. Theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), sau 7 năm, tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên ở Tunisia hiện ở mức trên 35%. Đây được xem là căn nguyên sâu xa dẫn tới những bất ổn.

Ngày 13-1, Tổng thống Tunisia Beji Caid Essebsi đã triệu tập cuộc họp đại diện các chính đảng, nghiệp đoàn và giới chủ để bàn cách giải quyết các vấn đề hiện nay. Sau cuộc họp, Chính phủ Tunisia đã cống bố một loạt cải cách xã hội, trong đó có kế hoạch tăng hỗ trợ cho các gia đình nghèo, cũng như cải thiện dịch vụ chăm sóc y tế...

Trao đổi với báo giới, Bộ trưởng Xã hội Mohamed Trabelsi cho biết khoản hỗ trợ hằng tháng cho các gia đình nghèo sẽ tăng từ 150 dinar (60 USD) lên khoảng 180 đến 210 dinar (70 đến 85 USD). Ngoài ra, chính phủ cũng sẽ đảm bảo mọi người dân Tunisia có thể tiếp cận với dịch vụ chăm sóc y tế, cũng như sẽ cung cấp nơi ở cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn.

Một nguồn tin chính phủ cho biết các biện pháp cải cách trên đã được trình lên Quốc hội và sẽ được thảo luận “trong vòng 1 tuần”.

Trước đó, Tunisia đã quyết định kéo dài tình trạng khẩn cấp tại quốc gia Bắc Phi này thêm 3 tháng nữa, kể từ ngày 11-11-2017. Thông báo đã được Tổng thống Tunisia Beji Caid Essebsi đưa ra ngày 10-11-2017. Quyết định này được công bố sau cuộc họp của Hội đồng An ninh tối cao Tunisia do Tổng thống Essebsi chủ trì với sự có mặt của Thủ tướng Youssef Chahed và các quan chức an ninh cao cấp của nước này.

Ngoài tình hình an ninh trong nước, cuộc họp cũng đề cập đến việc tăng cường các biện pháp và cơ chế hữu hiệu để chống lại tình trạng bạo lực và nhập cư trái phép cũng như việc thông qua chiến lược quốc gia về an ninh biên giới. Tình trạng khẩn cấp ở Tunisia đã được ban bố kể từ tháng 11-2015 sau khi các nhân viên bảo vệ Tổng thống Essebsi bị tấn công ở trung tâm thủ đô Tunis làm 12 binh sĩ thiệt mạng. Kể từ thời điểm đó, năm nào tình trạng này cũng được kéo dài.

Trong năm nay, tình trạng trên đã được kéo dài thêm 1 tháng kể từ ngày 13-10 vừa qua. Với việc ban bố tình trạng khẩn cấp, ngoài việc được quyền ngăn chặn những cuộc hội họp bị nghi ngờ phá hoại trật tự công cộng hoặc làm tổn hại đến an ninh quốc gia, các lực lượng an ninh của Tunisia còn được trao những quyền hành đặc biệt như kiểm duyệt các phương tiện truyền thông, ngăn chặn các cuộc đình công và các hoạt động xã hội.

Trong làn sóng “Mùa Xuân Arập” từng bùng phát ở quốc gia Bắc Phi này năm 2011 và sau đó lan rộng khắp khu vực, lật đổ nhiều nhà lãnh đạo độc tài, Tunisia được coi là một câu chuyện thành công hiếm hoi. Tuy nhiên, chính quyền nước này đã không thể giải quyết được các vấn đề liên quan đến đói nghèo và thất nghiệp.

“Bóng ma” trở lại

Theo các nhà phân tích, Tunisia thường được coi là có một quá trình chuyển đổi tương đối suôn sẻ kể từ cuộc nổi dậy năm 2011. Tuy nhiên, kể từ đầu năm nay, người dân Tunisia tỏ ra thất vọng về các biện pháp kinh tế khắc khổ mà chính phủ áp dụng, được cho là sẽ khiến giá cả leo thang hơn nữa tại một nền kinh tế đang gặp khó khăn như Tunisia. Nhiều người Tunisia, đặc biệt là những người thuộc tầng lớp lao động sống tại các thị trấn, lo ngại chính phủ đang trượt dần vào cách quản lý cũ.

Người dân cũng cảm thấy bị bỏ rơi và tức giận khi chính phủ nói rằng việc giá cả tăng cao là điều cần thiết để cải thiện nền kinh tế đang gặp khó khăn và giúp nước này có đủ điều kiện để nhận viện trợ nước ngoài. Nước này đã đột ngột tăng thuế giá trị gia tăng và những đóng góp cho xã hội.

Nhà khoa học chính trị Olfa Lamloum gọi những biện pháp này là “giọt nước làm tràn ly”. Bà nói: “Những người trẻ tuổi đang thất vọng với cuộc cách mạng này, đặc biệt là bởi chi phí sinh hoạt tăng quá cao”. Bà Lamloum đã chỉ ra “những bất bình đẳng xã hội sâu sắc”, với những con số chính thức cho thấy tình trạng đói nghèo, thất nghiệp và mù chữ tại đây đang ngày càng tăng, đặc biệt là trong giới trẻ.

Theo hãng tin Reuters, giá nhiên liệu và một số hàng hóa cũng như dịch vụ tăng cao từ ngày 1-1-2018. Ngân sách năm 2018 cũng gia tăng thuế hải quan đối với một số mặt hàng nhập khẩu, còn chính phủ đang cố gắng cắt giảm tiền lương ở những bộ phận công cộng.

Lực lượng an ninh Tunisia ngăn những người biểu tình không biến thành bạo loạn. Ảnh: Reuters.

Cuộc nổi dậy năm 2011 và các cuộc tấn công chết người của lực lượng phiến quân Hồi giáo ở Tunis và Sousse năm 2015 đã làm tổn hại đến lĩnh vực đầu tư nước ngoài và du lịch, chiếm 8% hoạt động kinh tế của Tunisia. Viện Thống kê Quốc gia của Tunisia cho biết thâm hụt thương mại ở nước này trong tháng 12/2017 đã tăng lên mức kỷ lục là 6.25 tỉ USD. Tỷ lệ thất nghiệp trên toàn quốc vượt quá 15% và ngày càng nhiều khu vực bị gạt ra khỏi sự phát triển của xã hội.

Để trấn an người dân, Thủ tướng Tunisia Youssef Chahed nói rằng, ông muốn trấn tĩnh người Tunisia, “nhà nước vẫn đang đứng vững và sẽ vượt qua được thời khắc khó khăn này”. Mặc dù khẳng định tôn trọng quyền phản kháng trong hòa bình, song ông cũng hứa sẽ điều tra nghiêm ngặt các hành động bạo lực.

Sự bất bình mang tên kinh tế - xã hội

Tunisia đánh dấu 7 năm ngày lật đổ lãnh đạo độc tài Zine el-Abidine Ben Ali bằng các cuộc biểu tình kéo dài trên cả nước, một diễn biến phô bày những rạn nứt mà quốc gia này đang phải đối mặt. Theo hãng tin AP, người dân Tunisia kêu gọi tiến hành các cuộc biểu tình hòa bình để thể hiện cho các nhà lãnh đạo mới thấy rằng họ đã thất bại trong việc giải quyết những vấn đề từng khuấy động cách đây 7 năm.

Việc cựu Tổng thống Ben Ali trốn ra nước ngoài ngày 14-1-2011 đã mở ra cánh cửa cho Tunisia cải tố đất nước. Tuy nhiên, những người biểu tình cho rằng 6 chính phủ cầm quyền kể từ sau đó đã làm tiêu tan những hy vọng của người dân về công bằng xã hội và kinh tế, và khiến họ cảm thấy bị phản bội. Nỗi thất vọng này đã hiện rõ khi các cuộc biểu tình quy mô nhỏ trên khắp cả nước hồi tuần trước nhanh chóng biến thành bạo loạn.

Thực tế, theo aljazeera.com, tình trạng kinh tế của Tunisia đã ngày càng trở nên tồi tệ từ năm 2011. Nợ công từ mức tương đương 39,2% GDP trong năm 2010 đã lên tới 60,6% vào năm 2016. Đồng nội tệ dinar giảm 40% giá trị so với đồng USD. Tỷ lệ thất nghiệp duy trì ở mức cao, nhất là trong giới trẻ (ước tính ở vào khoảng 35%).

Trong khi đó, giá cả các loại hàng hóa cơ bản liên tục tăng. Người dân Tunisia thuộc mọi tầng lớp đều phàn nàn rằng điều kiện sinh hoạt của họ ngày càng đi xuống và thậm chí họ còn không thể thỏa mãn các nhu cầu thiết yếu hằng tháng. Những bất bình về đời sống kinh tế, xã hội là nguyên nhân chính kích động các cuộc biểu tình hiện nay. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến hầu hết các cuộc tuần hành mà quốc gia này từng chứng kiến suốt 7 năm qua.

Không chỉ vậy, việc chính phủ thông qua luật tài chính - chính thức có hiệu lực từ 1-1-2018 càng đổ thêm dầu vào lửa. Luật đã được thông qua từ cuối năm ngoái và vấn đề này cũng đã nhiều lần được nhắc đến trên các phương tiện truyền thông song không mấy được dư luận quan tâm. Chỉ tới khi giá cả hàng hóa leo thang do tác động từ luật mới, người dân mới bắt đầu cảm nhận được những ảnh hưởng nghiêm trọng trong đời sống kinh tế xã hội mà họ phải gánh chịu. Và giọt nước cứ thế tràn ly.

Cuộc khủng hoảng mới nhất tại Tunisia diễn ra trong bối cảnh quốc gia này vẫn chật vật với một nền chính trị vá víu từ sau sự sụp đổ từ thời ông Ben Ali. Các cuộc bầu cử năm 2014 kết thúc với hai lực lượng giành chiến thắng là đảng trung dung Nidaa Tounes và phong trào Hồi giáo Ennahdha. Nidaa Tounes, với chiến dịch tranh cử nhằm đối trọng Ennahdha, đã chấp nhận thành lập liên minh với đối thủ của mình.

Tuy nhiên, điều này lại khiến nhiều thành viên trong đảng trung dung thất vọng và “dứt áo” ra đi. Khi Chủ tịch đảng Nidaa Tounes Beji Caid Essebsi rời khỏi đảng để trở thành Tổng thống Tunisia, một cuộc khủng hoảng kế nhiệm đã bùng phát và khiến chính đảng trung dung này tan rã.

Nói một cách công bằng, ngay từ ban đầu liên minh giữa Nidaa Tounes và Ennahdha đã quá mỏng manh và lỏng lẻo bởi nó được xây dựng trên nền tảng của những hoài nghi. Sự đồng thuận, chủ yếu là kết quả giữa các thỏa thuận giữa Caid Essebsi và lãnh đạo Ennahdha Rached Ghannouchi, không được các thành viên và cử tri của hai lực lượng này đón nhận.

Liên minh chỉ tồn tại trên danh nghĩa trong khi các bộ trưởng và nghị sĩ không hề tính đến nền tảng chính trị và các mục tiêu mà đảng mình đề ra. Đa phần các điều luật và các biện pháp được thông qua chủ yếu phản ánh lợi ích của chính bản thân họ và không được người dân ủng hộ.

Những bất ổn ở Tunisia còn chỉ ra mối quan ngại khác đó là việc tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng thất bại trên các chiến trường Iraq và Syria, khiến hàng nghìn tay súng người Tunisia và Bắc Phi có khả năng sẽ trở về nước trong tương lai gần. Chính tình trạng hỗn loạn ở Libya và Tunisia đang khiến dây sẽ trở thành mảnh đất màu mỡ mới của khủng bố. Vòng luẩn quẩn vào mỗi mùa xuân có vẻ như không chấm dứt.

Hoa Huyền
.
.