Phi hạt nhân hóa Triều Tiên: Mục tiêu xa vời?

Thứ Ba, 05/05/2015, 17:20
Diễn biến trên bán đảo Triều Tiên dường như nóng trở lại kể từ khi Bình Nhưỡng tiến hành phóng 2 quả tên lửa tầm ngắn ở bờ biển phía tây, động thái được cho là nhằm đáp trả cuộc tập trận chung giữa Mỹ và Hàn Quốc. Trong bối cảnh các cuộc đàm phán 6 bên - cơ chế đa phương chính để thương thuyết về phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên - bị gián đoạn kể từ tháng 12-2008, việc Mỹ, Hàn Quốc và Triều Tiên vẫn duy trì quan điểm không nhượng bộ, cùng với những tiết lộ về chương trình hạt nhân của Triều Tiên, một giải pháp cho vấn đề này xem như ngày càng xa vời.

Tiết lộ bất ngờ

Tại một cuộc họp kín với các chuyên gia hạt nhân Mỹ ở Viện Nghiên cứu Quốc tế Trung Quốc hồi tháng 2/2015, các chuyên gia Trung Quốc tiết lộ rằng Triều Tiên có thể đã có 20 đầu đạn hạt nhân, vượt qua ước tính của các chuyên gia Mỹ trước đó cho rằng Bình Nhưỡng chỉ có từ 10-16 quả bom hạt nhân.

Với khả năng hạt nhân của Triều Tiên, nước này có thể sản xuất một lượng plutoni đủ để tăng gấp đôi kho vũ khí hạt nhân của họ vào năm tới. Phía Trung Quốc còn đánh giá Triều Tiên hiện có nhiều nguồn lực để làm giàu urani hơn trước đây.

Ông Siegfried Hecker - cựu Giám đốc Phòng thí nghiệm Quốc gia Los Alamos của Mỹ, người từng tham gia cuộc họp kín với các chuyên gia hạt nhân Trung Quốc hồi tháng 2 vừa qua, khẳng định với con số 20 đầu đạn, Triều Tiên thật sự sở hữu một kho vũ khí hạt nhân.

Theo ông Hecker: "Triều Tiên càng tin rằng họ có một kho vũ khí hạt nhân mạnh mẽ với đầy đủ chức năng thì chúng ta càng khó để thuyết phục họ từ bỏ vũ khí hạt nhân". Thậm chí,  nếu ước tính của Trung Quốc là chính xác thì những nỗ lực phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên càng trở nên xa vời.

Trong khi đó, nhà nghiên cứu Troy Stangarone của Viện Kinh tế Triều Tiên ở Washington cho rằng: "Những gì mà chúng tôi biết được là họ đã thử nghiệm thành công cả 2 loại tên lửa có khả năng bắn tới Hàn Quốc và Nhật Bản: tên lửa Taepodong-1 và tên lửa Nodong. Người ta cũng tin rằng họ đã thu nhỏ một đầu đạn có thể gắn vào một trong hai loại vũ khí đó. Vì vậy, cả Seoul và Tokyo đều có thể nằm trong trong tầm ngắm của Triều Tiên".

Trung Quốc là nhà đầu tư, nhà tài trợ, đối tác thương mại lớn nhất của Triều Tiên trong thập niên qua, trước đây chưa bao giờ đề cao năng lực hạt nhân của Bình Nhưỡng, bao gồm cả khả năng sản xuất vật liệu phân hạch.

Tên lửa tầm trung Nodong của Triều Tiên.

"Bắc Kinh luôn đánh giá thấp những gì Triều Tiên có thể làm" - ông David Albright, chuyên gia về vũ khí hạt nhân Triều Tiên, Viện trưởng Viện Khoa học và An ninh Quốc tế, có trụ sở ở Washington, nhận xét. Tuy nhiên, ông Albright nói thêm rằng đến thời điểm hiện tại Trung Quốc đã bắt đầu lo lắng.

Theo giới phân tích, thông báo về việc sức mạnh quân sự của Triều Tiên đang phát triển có thể là lời nhắc nhở từ Trung Quốc để Mỹ chủ động hơn trong việc tìm kiếm những biện pháp đối phó.

Giải pháp nào cho vấn đề hạt nhân Triều Tiên?

Mặc dù cộng đồng quốc tế đã sử dụng biện pháp "cây gậy và củ cà rốt" để thuyết phục Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình hạt nhân. Bất chấp lệnh trừng phạt quốc tế và những lời hứa bồi thường, bao gồm cả viện trợ kinh tế, Triều Tiên vẫn không có ý định thay đổi quan điểm. Thay vào đó, Bình Nhưỡng đã tiến xa hơn trong chương trình hạt nhân của nước này.

Chính sách Byongjin của Triều Tiên nhấn mạnh sự cần thiết phải đồng thời theo đuổi vũ khí hạt nhân và phát triển kinh tế. Điều đó trở nên ngày càng rõ ràng rằng chính quyền Bình Nhưỡng không coi vũ khí hạt nhân là công cụ thương lượng để đạt được những nhượng bộ về kinh tế, mà là công cụ bảo đảm an toàn của chế độ và uy tín quốc gia.

Bình Nhưỡng biện minh cho việc phát triển vũ khí hạt nhân bằng cách chỉ ra những gì nước này gọi là cách tiếp cận "chính sách thù địch" của Mỹ.

Cụ thể, Triều Tiên coi cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn hằng năm như một mối đe dọa lớn với việc sử dụng các loại máy bay ném bom chiến lược, tàu ngầm hạt nhân và tàu sân bay trong các cuộc tập trận gần Đường giới hạn phía bắc (NLL) và Khu phi quân sự (DMZ).

Trong khi đó, cả Mỹ và Hàn Quốc đều coi các cuộc tập trận chung là nhằm phòng ngừa trước những khiêu khích quân sự của Triều Tiên, điển hình là các vụ phóng thử tên lửa đạn đạo và thử hạt nhân. 

Theo nhận định của giới chuyên gia, bất kể hành động của mỗi bên là tấn công hay phòng thủ, môi trường an ninh bất ổn trên bán đảo Triều Tiên không có lợi cho việc giải quyết các căng thẳng an ninh hoặc tình trạng tiến thoái lưỡng nan về hạt nhân.

Do vậy, Mỹ và Triều Tiên cần sớm thỏa hiệp để tạo thuận lợi cho việc khởi động lại các cuộc đàm phán thực chất. Điều này đòi hỏi cả Washington và Bình Nhưỡng cần hiểu rõ những hạn chế của các thỏa thuận trước đó.

Trong khi Mỹ cần thấu hiểu hơn về những lo ngại an ninh của Triều Tiên, thì Bình Nhưỡng cũng nên nhận ra rằng một sự chấm dứt ngay lập tức các cuộc tập trận quân sự chung Mỹ - Hàn là không khả thi.

Có thể nói, các bên nên tập trung vào việc hạn chế quy mô hoặc phạm vi của các cuộc tập trận quân sự chung Mỹ - Hàn (ví dụ cách xa khu vực NLL hoặc DMZ) để đổi lấy một lệnh cấm thử nghiệm hạt nhân dành cho Triều Tiên có thể giúp khởi động các cuộc đàm phán bị đình trệ kéo dài. Trong khi một thỏa hiệp như vậy có thể tạo thành một điểm khởi đầu thuận lợi, thì rõ ràng việc xây dựng an ninh ở khu vực là cần thiết cho một quá trình giải quyết lâu dài những căng thẳng về quân sự chứ không đơn thuần chỉ là vấn đề hạt nhân. 

Như vậy, việc nối lại đàm phán cần phải được củng cố bằng các biện pháp xây dựng an ninh và lòng tin. Giảm căng thẳng sẽ xây dựng lòng tin và cho phép đàm phán được tiến hành thuận lợi hơn, kể cả vấn đề phi hạt nhân hóa.

Các biện pháp có thể bao gồm: thiết lập một đường dây nóng trực tiếp giữa quân đội hai nước Hàn Quốc và Triều Tiên; một tiến trình tham vấn các vấn đề quân sự bất thường; thông báo trước các cuộc diễn tập quân sự, tăng cường hiện diện quân sự và triển khai vũ khí lớn; cùng nhau cam kết từ bỏ sử dụng vũ khí hạt nhân.

Việc giảm dần các mối đe dọa sẽ thực sự cần thiết cho môi trường hòa bình và ổn định trên bán đảo Triều Tiên. Theo đó, Mỹ có thể được đề nghị chấm dứt các hoạt động đổ bộ và triển khai các loại vũ khí chiến lược, nhạy cảm; đổi lại Triều Tiên đồng ý từ bỏ các vụ phóng thử tên lửa, hạt nhân. 

Các biện pháp xây dựng an ninh và lòng tin có thể tạo thành một phần của lộ trình giải giáp vũ khí trên bán đảo Triều Tiên. Mỗi bên cần phải xác định giá trị của sự nhượng bộ và trình tự tiến hành.

Khu vực Đông Bắc Á có thể học hỏi từ "Tiến trình Helsinki" và Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu trong việc làm giảm căng thẳng và ngăn chặn sự leo thang của cuộc xung đột giữa Liên Xô và khối phương Tây. Đề xuất "đàm phán thăm dò" của Hàn Quốc có thể là một điểm khởi đầu tốt cho quá trình này. 

Bảo Trân (tổng hợp)
.
.