Mưu đồ phản loạn của luật sư Lê Công Định

Thứ Ba, 23/06/2009, 08:15
Vóc người tầm thước, khuôn mặt đầy đặn, da trắng và cặp kính cận càng tôn lên vẻ trí thức của Lê Công Định, một luật sư khá "nổi tiếng" trong mấy năm qua bởi đã rất hăng hái nhận bào chữa cho những bị cáo như Lê Thị Công Nhân, Nguyễn Văn Đài...

Nếu như Trần Huỳnh Duy Thức, khi bị Cơ quan An ninh điều tra (ANĐT) thực hiện lệnh bắt, khám xét thì đã có những lời lẽ coi thường luật pháp, xấc xược và bất hợp tác, thì Lê Công Định lại khác hẳn: Nói năng nhỏ nhẹ, lịch lãm, tôn trọng các hoạt động của các nhân viên ANĐT và có sự hợp tác, bước đầu được các điều tra viên ghi nhận là "tương đối tích cực" bởi mau mắn khai ra địa chỉ của 15 hộp thư mà Định thường dùng và mật danh của một số đối tượng phản động nước ngoài và một số phần tử chống đối chính quyền trong nước.

Lê Công Định bị Cơ quan ANĐT bắt khẩn cấp ngay tại văn phòng ở 11A đường Phan Kế Bính, phường Đa Kao, quận 1, TP HCM. Lê Công Định sinh năm 1968 trong một gia đình nề nếp, trí thức. Năm 1989, Định tốt nghiệp khóa 10, Phân hiệu Đại học Pháp lý Hà Nội tại TP HCM, sau đó làm nhân viên Phòng Pháp chế thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, chi nhánh tại TP HCM. Sau đó Định đi làm ở Văn phòng Luật sư Nguyễn Mạnh Bách, rồi làm luật sư tập sự tại Công ty Luật Coudert Brothers... Định cũng từng học luật tại Pháp và Mỹ.

Từ năm 2000 đến 2005, Lê Công Định làm Trưởng chi nhánh Văn phòng luật sư YKVN tại TP HCM và đến tháng 12/2005 thì làm Giám đốc Công ty Luật hợp danh DC LAW, có trụ sở tại 11A Phan Kế Bính, phường Đa Kao, quận 1. Nhưng đến tháng 5 vừa rồi, Định tách ra khỏi DC LAW và thành lập Công ty Luật TNHH một thành viên Lê Công Định, đặt trụ sở  tại phòng 2206, tầng 22, 37 đường Tôn Đức Thắng. Trụ sở này rộng khoảng 80m2 được Định thuê với giá 3.200USD một tháng.

Tuy đã có văn phòng mới, nhưng tại đây hầu như chưa có hoạt động gì. Chỗ ngồi của Định tại đây là một ô rộng chừng 8m2, còn tất cả mọi hoạt động, tài liệu và khá nhiều sách vẫn đặt ở 11A Phan Kế Bính.

Lê Công Định tuy còn khá trẻ, nhưng cũng đã hai lần xây dựng gia đình. Lần thứ hai là với cô cựu hoa hậu Nguyễn Thị Ngọc Khánh. Trong lúc Cơ quan ANĐT đang thực hiện lệnh bắt khẩn cấp và khám xét đối với Lê Công Định tại 11A Phan Kế Bính thì 1 trong 7 chiếc điện thoại của Định liên tục các cuộc gọi đến của Khánh. Không thấy chồng trả lời, mãi đến hơn 14h được bạn bè thông báo là báo CAND điện tử đưa tin đã bắt Lê Công Định, Khánh mới chạy đến... Biết vợ đến, Định xin các nhân viên an ninh được đưa lại chùm chìa khóa tủ cho vợ.

Trong thời gian đi học ở Mỹ, Định đã được Nguyễn Sĩ Bình móc nối "bơm" lên thành “nhân vật của Việt Nam thế kỷ 21". Nguyễn Sĩ Bình, kẻ đang cầm đầu cái tổ chức gọi là "đảng Nhân dân hành động" tại Mỹ mà cái "đảng" này, do những hoạt động lếu láo của nó nên đã bị bà con Việt kiều yêu nước tại Mỹ gọi mỉa mai là "đảng nhân dân hành... lạc"! Từ năm 2005, được sự hỗ trợ  và chỉ đạo của Nguyễn Sĩ Bình nên Lê Công Định ngày càng bộc lộ bản chất chống phá Nhà nước Việt Nam hung hăng hơn.

Chỉ riêng trong máy tính xách tay của Định để tại 11A Phan Kế Bính, các nhân viên ANĐT đã in ra được 288 trang tài liệu, trong đó có bản "Tân Hiến pháp" do Định và nhóm Nguyễn Sĩ Bình soạn thảo, cùng nhiều tài liệu khác... Là một luật sư nên rất hiểu luật, vì vậy từng trang tài liệu in ra đều được Định ghi rất cẩn thận "Tài liệu này được in ra từ máy tính của tôi".

Đọc sơ qua một số tài liệu, đặc biệt là những kế hoạch phản loạn để lật đổ chính quyền và bôi xấu một số đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, do Định, Nguyễn Sĩ Bình và một số đối tượng khác soạn thảo, tôi thực sự ngạc nhiên và không hiểu nổi vì sao anh ta lại thâm thù với chính quyền đến thế. Không chỉ cùng với những tên cầm đầu các tổ chức phản động xây dựng kế hoạch chống phá, lật đổ Nhà nước CHXHCN Việt Nam, Định còn... làm cả thơ! Tất cả những bài thơ của Định rặt những lời hằn học cực kỳ thiếu văn hóa, khác hẳn với khuôn mặt trông khá thiện cảm của anh ta.

Lê Công Định ký vào biên bản bắt, khám xét.

Trong bài thơ có tựa đề là "Cuộc chiến vô nhân" viết ngày 22/2/2008, Định đã viết  những câu thế này: "Người ta chôn  ngàn người vô tội/ Và tự hào chiến thắng vinh quang/ Than ôi những chiến binh/ Đếm huân chương đỏ ngực/ Vì xả súng bắn đồng bào không tấc sắt/ Miệng vẫn nhăn nhở cười trong diễu hành kỷ niệm 40 năm sau... Lịch sử gần đến lúc sang trang/ Những gì ngỡ vững bền rồi sẽ mất/ Máu đòi trả máu/ Quy luật muôn đời không bao giờ thay đổi...?".

Với mật danh là "Chị Tư", Lê Công Định được Nguyễn Sĩ Bình phân công phụ trách việc "cải cách hành chính" trong "chính quyền mới" và trong giai đoạn này, Định phải tìm cách hỗ trợ về mặt luật pháp cho những người  có tư tưởng "cấp tiến, dân chủ".

Qua những tài liệu mà Cơ quan ANĐT thu được từ máy tính của Lê Công Định, thì Nguyễn Sĩ Bình và anh ta đã vạch ra "con đường" lật đổ Nhà nước CHXHCN Việt Nam  tập trung vào các việc như sau: 

Xuyên tạc đường lối, chủ trương chính sách của Đảng, Chính phủ trong xây dựng và phát triển kinh tế. Trước mắt là tập trung vào những vấn đề đang được xã hội quan tâm như khai thác bô-xít ở Tây Nguyên, xây dựng các tập đoàn kinh tế... Sự xuyên tạc này sẽ gây hoài nghi và làm giảm lòng tin của nhân dân vào  sự điều hành của Chính phủ.

Biên soạn tài liệu theo kiểu bịa đặt, viết báo, lập các trang blog bôi nhọ, vu cáo các đồng chí lãnh đạo Đảng và Chính phủ nhằm gây mất đoàn kết nội bộ ở các cơ quan lãnh đạo cao nhất.  Thời gian qua, cùng với Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Công Định đã viết nhiều bài  có nội dung bôi nhọ một số đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước.

Rồi thành lập các tổ chức chính trị đối lập và  liên kết với các tổ chức phản động nước ngoài và được sự ủng hộ giật dây của các cơ quan đặc biệt một số nước phương Tây, từ đó tạo nên sự "đa nguyên" trong nước, và xóa vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản.

Lê Công Định trao chìa khoa tủ cho vợ trước khi lên xe về trại giam.

Định đã đi Mỹ, Thái Lan nhiều lần để gặp Nguyễn Sĩ Bình trực tiếp bàn bạc và xây dựng kế hoạch gây "biến động chính trị" tại Việt Nam vào năm 2010. Định cũng trực tiếp tham gia biên soạn cuốn sách mang tính chất cương lĩnh hành động của nhóm với tên gọi là "Con đường Việt Nam". Từ năm 2005, Định viết nhiều bài báo, biên soạn nhiều tài liệu đăng tải ở một số đài, báo, trang web thù địch ở nước ngoài và tất cả những bài này đều công khai xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng, Chính phủ, lợi dụng các vấn đề đang được dư luận quan tâm để kích động tư tưởng chống phá Nhà nước...

Định cũng được giao nhiệm vụ phải tìm cách móc nối, gây dựng "cơ sở" trong một số người có tư tưởng "cấp tiến" mà họ thể hiện qua các blog, mà đặc biệt chú ý đến những người làm truyền thông, báo chí... Những âm mưu này nằm trong kế hoạch của chính quyền một số nước phương Tây là đến năm 2015, phải "nắm được và thao túng" các cơ quan truyền thông của Việt Nam.

Đưa Định ra xe về Trại giam B34.

Ngoài những nhiệm vụ này, Định còn được Bình giao cho phải thành lập các tổ chức chính trị như "đảng Lao động" và "đảng Xã hội"... Lúc đầu, Định với Trần Huỳnh Duy Thức định cùng nhau lập "đảng Lao động", nhưng sau, Trần Huỳnh Duy Thức (với mật danh Chị Ba), bất đồng chính kiến với Định nên tách ra...

Không chỉ câu kết và nhận sự chỉ đạo chặt chẽ của một số tên cầm đầu các tổ chức phản động ở nước ngoài, Đoàn Viết Hoạt, Phạm Nam Định,  Lê Công Định còn quan hệ chặt chẽ với một số phần tử chống đối trong nước.

Trong khoảng 4 năm qua, Lê Công Định là kẻ tham mưu đắc lực và hướng dẫn hoạt động cho một số đối tượng chống đối trong nước như Nguyễn Văn Đài, Lê Thị Công Nhân (ở Hà Nội), Nguyễn Văn Hải (Hải "điếu cày"), Nguyễn Tiến Trung ở TP HCM... Trong các phiên tòa xử các bị cáo này, lợi dụng việc bào chữa Định đã có những  lời lộng ngôn, nhằm biến các phiên tòa này thành nơi anh ta tuyên truyền, xuyên tạc Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước CHXHCN Việt Nam.

Việc khám xét và tìm tài liệu của Lê Công Định mất khá nhiều thời gian, nhất là ở văn phòng tại 11A Phan Kế Bính. Mặc dù Định cũng khai mật khẩu của một số hộp thư, nhưng không phải là khai hết. Các chuyên gia tin học của Cơ quan ANĐT phải mất hơn 1 tiếng đồng hồ mới mở được hộp thư cuối cùng của Định. Và nét mặt anh ta đang trắng hồng chợt trở nên xám ngoét khi những lời tuyên bố "thành lập đảng Lao động..." do anh ta soạn thảo được in ra.

Còn tại nhà riêng  ở phòng B-B34, tòa nhà Mỹ Khang, phường Tân Phú quận 7, Cơ quan ANĐT cũng thu giữ được khá nhiều tài liệu, thể hiện sự quan hệ chặt chẽ giữa Định và một số tên cầm đầu các nhóm phản động nước ngoài.

Lê Công Định tại phòng hỏi cung Trại giam B34 lúc 20h30' ngày 13/6/2009.

20h ngày 13/6, Lê Công Định được đưa lên xe về trại giam. Khi đoàn xe sắp chuyển bánh, chúng tôi thấy cựu hoa hậu Nguyễn Thị Ngọc Khánh cũng lên một chiếc taxi... Chúng tôi tưởng cô sẽ đi tiễn chồng tới tận cổng trại giam, nhưng không phải.

Cựu Hoa hậu đi đâu, chỉ mình cô biết. Còn trên xe vào trại giam lúc này, Lê Công Định luôn mồm kêu đói... Đói là phải, vì suốt từ trưa, Lê Công Định chỉ ăn mỗi chiếc bánh mỳ nhỏ kẹp thịt, bằng khẩu phần ăn của anh em ANĐT... Qua một cửa hàng bán cơm, đoàn xe dừng lại để mua cho Định một suất cơm hộp trị giá 40 ngàn đồng...!

N.N.
.
.