Mỹ - Trung Quốc: Chạy đua vũ trang tên lửa
Quân đội Trung Quốc thật ra không ghê gớm như nhiều người tưởng, nhất là khi so sánh với Mỹ, mặc dù được trang bị rất nhiều máy bay và khí tài quân sự. Để bù đắp lại thế yếu này, Bắc Kinh có biện pháp mạnh là chế tạo thật nhiều loại tên lửa: tầm ngắn và tầm xa, đạn đạo và hành trình, dẫn hướng hay không dẫn hướng; và được phóng từ mặt đất, trên không hay trên biển.
Theo Andrew Erickson, chuyên gia phân tích về Trung Quốc, hiện nay Quân đội Trung Quốc (PLA) sở hữu khoảng 2.000 tên lửa đạn đạo và hành trình phi hạt nhân. Mặc dù trong những năm gần đây Trung Quốc có thêm nhiều loại vũ khí mới như máy bay chiến đấu, máy bay trực thăng, tàu khu trục, tàu ngầm và một tàu sân bay được "tân trang" từ chiếc tàu cũ của Nga, song Bắc Kinh vẫn còn thiếu nhiều hệ thống cơ bản và cơ cấu tổ chức cần thiết đủ để đương đầu với Mỹ - một đối thủ hùng mạnh, được trang bị cực kỳ hiện đại.
Đối đầu với Hệ thống lá chắn tên lửa của Mỹ
Giới quan chức quân sự Trung Quốc nhận định PLA "cần hiện đại hóa kho khu vũ khí hạt nhân" do hệ thống Lá chắn tên lửa của Mỹ "có nguy cơ làm giảm khả năng răn đe hạt nhân" của Trung Quốc. Và theo họ, hệ thống đánh chặn tên lửa đạn đạo Aegis BMD của Mỹ hiện đang mỏng nhưng vào năm 2020, hệ thống Lá chắn tên lửa ở châu Âu có thể chống lại những cuộc tấn công tên lửa tầm ngắn, tầm trung và cuối cùng là tên lửa liên lục địa.
Trung Quốc phụ thuộc vào vũ khí tên lửa nhiều hơn người ta tưởng. Người Mỹ tin rằng Trung Quốc sở hữu khoảng 130 - 195 tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân, gần 2.000 tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo không hạt nhân. Khi chiến sự nổ ra, Trung Quốc có thể huy động chừng 1.000 tên lửa phi hạt nhân để tấn công phủ đầu nhằm vào Đài Loan và các căn cứ quân sự của Mỹ ở Thái Bình Dương. Nhưng sự phụ thuộc quá nhiều vào tên lửa như thế lộ rõ điểm yếu của Trung Quốc vì lúc đó hệ thống lá chắn tên lửa của Mỹ bắt đầu hoạt động để vô hiệu hóa cuộc tấn công của PLA.
Hiện nay, Mỹ đang triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa ở Đông Âu và Trung Đông. Mỹ đã có một trạm radar ở Thổ Nhĩ Kỳ và tàu khu trục USS Monterey vũ trang các tên lửa đánh chặn SM-3 ở Địa Trung Hải. NATO cũng có kế hoạch triển khai tên lửa đánh chặn ở Romania vào năm 2015 và ở Ba Lan năm 2018. Trung Quốc càng lo sốt vó hơn nữa khi quân đội Mỹ sẽ tiếp tục bố trí tên lửa đánh chặn SM-3 ở Alaska và California.
Hệ thống phòng thủ tên lửa mới C2BMC của Mỹ trong chương trình "Chiến tranh giữa các vì sao". |
Để đáp trả, Trung Quốc không chỉ cố gắng cho xuất xưởng thật nhiều tên lửa mà còn tăng cường khả năng chiến đấu của chúng, như tên lửa DF-21D được cho là đủ sức tiêu diệt tàu sân bay của Mỹ! Vào tháng 7/2012, Trung Quốc đã tiến hành thử nghiệm loại tên lửa mới gọi là Đông Phong 41 (DF-41). Giới chuyên gia cho rằng, DF-41 được thiết kế đặc biệt mang nhiều đầu đạn hạt nhân nhằm tấn công vào nhiều mục tiêu trên nước Mỹ cùng một lúc.
Ngày 22/8/2012, tờ Global Times của Trung Quốc đưa tin nước này đang phát triển những tên lửa đạn đạo liên lục địa (gọi tắt là ICBM) mang nhiều đầu đạn. Còn Larry M. Wortzel - cựu sĩ quan tình báo quân đội về hưu và hiện là chuyên gia của Ủy ban Nghiên cứu an ninh và kinh tế Mỹ - Trung của Quốc hội Mỹ, cũng khẳng định Trung Quốc đang phát triển khả năng đặt 10 đầu đạn vào một ICBM (như DF-41). Wortzel cũng cho biết, thời gian gần đây Trung Quốc đã tiến hành thử nghiệm tên lửa phóng từ tàu ngầm để chống lại hệ thống dò tìm tên lửa của Mỹ.
Sun Zhe, giáo sư khoa Quan hệ quốc tế Đại học Tsinghua, Bắc Kinh, giải thích Trung Quốc đang nỗ lực tăng cường sức mạnh quân sự nhằm đối phó với những nỗ lực tương tự của các nước khác, đặc biệt là Mỹ. Thậm chí, giáo sư Sun Zhe còn tuyên bố: "Chúng tôi đã nhiều lần khẳng định Trung Quốc sẽ không là quốc gia đầu tiên sử dụng sức mạnh hạt nhân. Chúng tôi cần tự vệ và tôi e rằng mối đe dọa chính của chúng tôi là Mỹ".
Kế hoạch phát triển tên lửa tầm xa của Trung Quốc là một phần trong những tham vọng quân sự lớn hơn có khả năng thực hiện được nhờ ngân sách dành cho quốc phòng tăng mạnh. Năm 2011, Trung Quốc bắt đầu thử nghiệm chiếc "tàu sân bay" đầu tiên của nước này trên biển và có kế hoạch xây dựng thêm 5 tàu sân bay nữa. Tháng 1/2011, máy bay chiến đấu tàng hình mới J-20 của Trung Quốc cũng đã thực hiện chuyến bay thử nghiệm gần như công khai. Nhưng quy mô của chương trình tên lửa chiến lược của Trung Quốc bí mật hơn nhiều.
Theo ước tính của Lầu Năm Góc, hiện Trung Quốc có từ 55 đến 65 ICBM, và nước này cũng đang chuẩn bị triển khai 2 tàu ngầm trong đó mỗi chiếc mang 12 tên lửa. Sức mạnh này thật ra không thể so sánh nổi với Mỹ - nước đang có chương trình phá hủy 1.550 vũ khí hạt nhân chiến lược vào năm 2018 theo một thỏa thuận về kiểm soát vũ khí mới nhất ký kết với Nga. Phía Trung Quốc cũng đã ký kết Hiệp ước nghiêm cấm thử nghiệm vũ khí hạt nhân (CTBT) vào năm 1996.
Phương Tây dự đoán Trung Quốc sẽ có 20 - 32 bệ phóng tên lửa di động - hệ thống khó phát hiện để tiêu diệt trước khi nó kịp phóng tên lửa. Mỹ đã có hệ thống radar tăng cường công nghệ cao được thiết kế để dò tìm tên lửa đạn đạo. Giới chức Mỹ thường xuyên khẳng định mối lo ngại chính của họ là CHDCND Triều Tiên, quốc gia đang thử nghiệm tên lửa tầm xa và phát triển vũ khí hạt nhân. Song Trung Quốc tỏ ý nghi ngờ hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ cũng nhằm vào các quốc gia khác.
Tại cuộc triển lãm vũ khí quốc phòng tổ chức ở thủ đô Paris nước Pháp, Trung Quốc "hãnh diện" giới thiệu nhiều loại vũ khí mới như hệ thống tên lửa SR5 Multiple-Launch tự nạp đạn và xác định chính xác mục tiêu, tên lửa tầm xa WS-2 v.v…
Tên lửa dẫn đường bằng hồng ngoại AIM-9X Sidewinder mới nhất của Mỹ. |
Cuộc chạy đua vũ trang tên lửa diệt hạm
DF-21D của Trung Quốc được coi là tên lửa diệt tàu sân bay đầu tiên trên thế giới có khả năng tấn công tiêu diệt tàu sân bay khổng lồ hiện đại nhất như USS George Washington của Mỹ ở cách xa hơn 1.500km.
Theo các chuyên gia phân tích, DF-21D được lắp đặt hệ thống lái tự động và có thế mạnh là bắn trúng mục tiêu di động với độ chính xác cao nhờ thông tin từ vệ tinh. Tốc độ tên lửa vượt quá tốc độ âm thanh đến 8 lần cho nên hệ thống phòng không và phòng thủ tên lửa trên tàu sân bay khó lòng đánh chặn được, trong khi đó một tàu sân bay nếu bị 1 hoặc 2 tên lửa bắn trúng thì coi như mất khả năng chiến đấu.
Theo giáo sư Nhật Bản Toshi Yoshihara, tàu sân bay của Mỹ chỉ bị tấn công 2 lần: lần thứ nhất trong cuộc đụng độ với Nhật Bản trong Chiến tranh thế giới lần 2; và sau đó là với Liên Xô trong thời Chiến tranh lạnh. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định hãy còn quá sớm để đánh giá sức mạnh của tên lửa diệt tàu sân bay của Trung Quốc có đúng như "quảng cáo" hay không.
Ngoài vũ khí DF-21D, Trung Quốc còn khoe khoang tên lửa diệt hạm (gọi tắt là ASBM) mới YJ-85, hay C-805 của họ có khả năng là đối thủ đáng gờm của tên lửa Brahmos do Nga và Ấn Độ hợp tác sản xuất. Tên lửa C-805 trang bị hệ thống cảm biến cực kỳ tinh vi - có đường kính 670mm, dài 8m và nặng 3 tấn với tầm bắn 380km, mang đầu đạn nặng 300kg - được Trung Quốc ca ngợi là cực kỳ hiện đại, có thể phóng được từ máy bay, tàu chiến, tàu ngầm và bệ phóng di động trên đất liền.
Ngoài ra, C-805 do Học viện Công nghệ điện - cơ khí Hai Ying phát triển có khả năng "tàng hình" để qua mắt mọi hệ thống radar hiện đại nhất hiện nay trên thế giới. Tên lửa C-805 của Trung Quốc được chế tạo nhằm đối phó chương trình tên lửa diệt hạm tầm xa của Mỹ. Theo đánh giá của giới chức quân sự Mỹ, tên lửa đạn đạo diệt hạm của Trung Quốc có nguy cơ đe dọa các chiến dịch quân sự của Mỹ triển khai ở Tây Thái Bình Dương cũng như Vịnh Persia.
Tên lửa diệt hạm C-805 của Trung Quốc được thử nghiệm. |
Bắc Kinh phát triển sức mạnh ASBM ít nhất từ các năm 1995 - 1996, tức thời gian xảy ra cuộc khủng hoảng eo biển Đài Loan. PLA muốn ngăn cản Mỹ can thiệp vào những khu vực mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền. Sự quan tâm đặc biệt của Trung Quốc đối với ASBM được nêu rõ trong các báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ và Trung tâm Tình báo không gian và không trung quốc gia.
Scott Bray, sĩ quan cao cấp của ONI, nhận định sự phát triển ASBM của Trung Quốc tiến nhanh đến mức đáng kinh ngạc. Tổng thống Barack Obama ủng hộ ngân sách quốc phòng dành cho chương trình sản xuất 2 tàu ngầm một năm và đầu tư mạnh vào tàu ngầm mới trang bị tên lửa đạn đạo.
Ngày 20/1/2011, Cơ quan Nghiên cứu và phát triển trực thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ (DARPA) và Hải quân Mỹ đã ký hợp đồng trị giá 218 triệu USD với Lockheed Martin để phát triển và thử nghiệm chương trình Tên lửa diệt hạm tầm xa (gọi tắt là LRASM) nhằm đối phó với ASBM của Trung Quốc. LRASM sử dụng hệ thống cảm biến tinh vi của Công ty BAE Systems để tự động chọn mục tiêu. Dự kiến chương trình LRASM sẽ hoàn thành vào năm 2013.
Tên lửa diệt hạm Harpoon Block II mới nhất. |
Vừa qua, Mỹ đã thử nghiệm thành công tên lửa đánh chặn mới nhất của Hải quân nước này - SM-3 Block IB trên Thái Bình Dương. Tàu sân bay USS Lake Erie phát hiện và theo dõi tên lửa mục tiêu bằng hệ thống radar AN/SPY sau đó phóng SM-3 Block IB để phá hủy. Lần đầu tiên thử nghiệm tên lửa đánh chặn này diễn ra hồi tháng 5/2012.
Cơ quan Phòng thủ tên lửa Mỹ (ADM) cũng đã ký hợp đồng trị giá 230 triệu USD với Công ty Raytheon để mua 5 tên lửa đánh chặn SM-3 Block IB và 14 tên lửa đánh chặn SM-3 Block IA. Tên lửa đánh chặn SM-3 Block IA đã được triển khai trên các tàu chiến của Mỹ và Nhật Bản và vũ khí được thiết kế để vô hiệu hoá tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung của đối phương. Còn SM-3 Block IB được Raytheon tăng cường thêm hệ thống tìm kiếm hồng ngoại giúp xác định mục tiêu chính xác hơn