Mỹ - Trung đạt thỏa thuận cắt giảm khí thải: Bất ngờ hay đáng ngờ?
Khi Nhà Trắng thông báo về thỏa thuận cắt giảm khí thải mà Tổng thống Barack Obama đã ký với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 11/11 trong chuyến thăm chính thức nước này sau khi dự Hội nghị APEC 2014, cả thế giới đã bị bất ngờ, còn giới báo chí thì gọi đó là “bất ngờ lịch sử”, vì ngoài chuyện gây bất ngờ, đó còn là một thỏa thuận mang tính lịch sử trong việc cắt giảm khí thải, chống biến đổi khí hậu toàn cầu giữa 2 cường quốc xả thải nhiều nhất thế giới. Tuy nhiên, các nhà chuyên môn thì cho rằng thỏa thuận đó “đáng ngờ” hơn là “bất ngờ”.
Theo thông báo của Nhà Trắng, nội dung thỏa thuận chứa đựng các chỉ tiêu cam kết mới giữa lãnh đạo 2 nước. Theo đó, Mỹ cam kết sẽ tăng chỉ tiêu cắt giảm khí thải từ 26% đến 28% vào năm 2025. Trong khi đó, theo tuyên bố của Chủ tịch Tập Cận Bình tại cuộc họp báo chung Mỹ-Trung vào sáng ngày 12/11, Trung Quốc cũng sẽ đạt “đỉnh” khí thải vào năm 2030.
Bắc Kinh cũng sẽ đưa ra những chính sách theo hướng tăng dần lượng nhiên liệu tái sinh, giảm dần nhiên liệu hóa thạch, sao cho đến năm 2030 đạt 20% nhiên liệu tái sinh. Bắc Kinh cam kết sẽ nỗ lực để kéo thời gian đạt đỉnh khí thải sớm hơn, có thể là năm 2025, nhưng dư luận chung ở Trung Quốc đánh giá là sẽ rất khó đạt mục tiêu đó.
Thỏa thuận đạt được là bước đi đầy bất ngờ, và cả mang tính lịch sử, sau hàng chục năm Mỹ-Trung “cò kè” nhau chuyện ai sẽ tự nguyện cắt giảm trước và cắt giảm nhiều hơn. Nhưng nhìn vào các cam kết cả 2 bên đưa ra trong thỏa thuận thì chẳng ai thấy bất ngờ, thậm chí là “đáng ngờ”.
Các con số thoạt trông có vẻ “lớn lao” đối với nước Mỹ lâu nay cứ trồi sụt về chuyện bảo vệ môi trường, nhưng cũng cần phải xem lại nếu đặt trong bối cảnh nhiều quốc gia trên thế giới đang tích cực thực thi Nghị định thư Kyoto và các khuyến cáo của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu. Nghị định thư Kyoto lấy năm 1990 làm tham chiếu để đặt ra các chỉ tiêu về khí thải nhà kính. Và Liên minh châu Âu (EU) và nhiều nước đang áp dụng mức cắt giảm 40% vào năm 2030 so với năm 1990.
Theo tính toán sơ bộ của giới chuyên môn thì mức xả thải thấp hơn mức của năm 2005 từ 26% đến 28% thực chất chỉ giảm 10% đến 14% so với mức thải năm 1990. Như vậy, so với mức mà EU đang áp dụng thì chỉ tiêu phấn đấu Mỹ cam kết trong thỏa thuận với Trung Quốc chỉ bằng gần 1/3, thấp hơn “một cách nguy hiểm”.
Về phía Trung Quốc, những cam kết của họ cũng chẳng có gì mới. Giới chuyên môn quan sát vấn đề khí thải ở Trung Quốc cho rằng, bản thân nước này cũng đang đối mặt vấn đề về ô nhiễm không khí do lượng khí thải từ phương tiện giao thông và nhà máy sản xuất công nghiệp quá lớn.
“Trung Quốc có lý do nội tại mạnh mẽ để giảm sử dụng than” – nhận định của giáo sư Michael Gerrard, Giám đốc Trung tâm Sabin về Luật Biến đổi khí hậu tại Đại học Columbia. Và trên thực tế, Trung Quốc đã và đang áp dụng các mức giảm nhiên liệu hóa thạch và tăng sử dụng nguồn năng lượng xanh và năng lượng hạt nhân. Tuy nhiên, những biện pháp đang áp dụng này chỉ là việc nội bộ của Trung Quốc và chưa chính thức cam kết với thế giới, cho nên khi chúng được nhà lãnh đạo cao nhất chính thức cam kết thì sẽ khác.
Vấn đề được giới chuyên môn quan tâm là liệu Trung Quốc và Mỹ có thật sự nghiêm túc thực thi các cam kết trong thỏa thuận đã ký hay không. Nếu Trung Quốc và Mỹ nghiêm túc thực hiện điều đã cam kết, tất cả các nước còn lại sẽ phải noi theo và phải thực hiện nghiêm túc, chí ít là trong khả năng cho phép về vấn đề giảm khí thải, để cùng nhau đạt được các mục tiêu giảm khí thải chung toàn cầu.
Nhưng Ấn Độ đang cho thấy không sẵn sàng hưởng ứng thỏa thuận Mỹ-Trung. Chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi vừa tuyên bố là sẽ không đưa ra các chỉ tiêu cắt giảm khí thải. Thái độ của Ấn Độ là có lý do, vì những cam kết của các cường quốc về khí thải thường rất khó thực hiện và kết quả thực hiện cũng không rõ ràng.
Ngoài những chỉ tiêu mang tính tượng trưng như đã phân tích thì thỏa thuận khí thải giữa Mỹ và Trung Quốc có một ý nghĩa quan trọng, đó là nó chỉ ra một cột mốc, một hành động “nêu gương” cho thế giới, đặc biệt là đối với các quốc gia khác cũng xả thải nhiều không kém, như Ấn Độ, Nga… trước khi bước vào Hội nghị Paris vào năm tới để tìm kiếm một hiệp định mới về khí thải, nhằm cập nhật mới những chỉ tiêu đã nêu trong Nghị định thư Kyoto năm 1997, đồng thời cũng tìm ra những giải pháp mới hiệu quả hơn để giảm khí thải nhà kính mà Nghị định thư Kyoto đã không thể đạt được.
Cũng cần phải nhắc lại rằng, Nghị định thư Kyoto gần như bị “chết” một phần cũng do sự đôi co qua lại giữa Mỹ và Trung Quốc trong vấn đề giảm khí thải. Vì thế, việc Mỹ-Trung ký thỏa thuận về cắt giảm khí thải, dù các chỉ tiêu đặt ra không nhiều như yêu cầu trong Nghị định thư Kyoto, nhưng ít nhất cũng làm sống lại hy vọng các mục tiêu trong Nghị định thư Kyoto có thể đạt được.
Ở một khía cạnh khác, người ta không cần phải bàn về ý nghĩa chính trị của thỏa thuận khí thải Mỹ-Trung, đặc biệt là đối với Tổng thống Obama. Khi thỏa thuận mới vừa được thông báo đã gây nên làn sóng phản ứng khá gay gắt của phe Cộng hòa hiện đang nắm đa số ở lưỡng viện. Nhiều nghị sĩ vừa mới được bầu, như John Podesta, Mitch McConnell (bang Kentucky) chỉ trích Tổng thống Obama đang tạo ra nguy cơ gây nên những khó khăn tiềm ẩn cho người Mỹ trong tương lai.
Một số người cũng cho rằng, việc ký thỏa thuận khí thải với Trung Quốc là một nước cờ chính trị khá “cao thâm” của ông Obama nhắm đến cuộc đua vào Nhà Trắng và Đồi Capitol năm 2016. Bởi vì, tình hình chung cử tri Mỹ hiện nay đang ngày càng ý thức mạnh về vấn đề ô nhiễm môi trường, khí thải làm trái đất nóng lên, và ngày càng ủng hộ những người chủ trương giảm khí thải, giảm ô nhiễm môi trường. Đây sẽ là một tiền đề rất thuận lợi cho đảng Dân chủ vào năm 2016