Mỹ-Iran gia tăng căng thẳng, ai có lợi?

Thứ Hai, 27/04/2020, 11:29
Ngày 23-4, người đứng đầu Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo của Iran tuyên bố trên đài truyền hình nhà nước rằng họ sẽ tiêu diệt các tàu chiến của Mỹ nếu an ninh của nước này bị đe dọa ở vùng Vịnh. Tuyên bố của Thiếu tướng Hossein Salami được đưa ra nhằm đáp lại lời đe dọa một ngày trước đó của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Trước đó, ngày 22-4, Tổng thống Trump viết trên Twitter rằng ông đã chỉ thị cho Hải quân Hoa Kỳ bắn vào bất kỳ tàu Iran nào quấy nhiễu lực lượng của Mỹ trên biển, nhưng sau đó ông nói thêm là ông không thay đổi các quy tắc tham chiến của quân đội. “Hoa Kỳ nên tập trung vào cứu giúp lực lượng quân sự của nước này khỏi tác động của virus Corona”, một phát ngôn viên quân lực Iran nói ngay sau dòng tweet của ông Trump.

Hồi đầu tháng này, quân đội Mỹ cho biết 11 tàu hải quân của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran đã tiến lại gần các tàu của Hải quân và Tuần duyên Hoa Kỳ ở vùng Vịnh, họ gọi các động thái đó là “nguy hiểm và gây hấn”. Tehran quy trách nhiệm vụ việc cho Mỹ, cho biết các tàu của Tehran can thiệp và giám sát các tàu Mỹ vì các khí tài này đã vi phạm quy tắc hàng hải về giao thông trong khu vực. Cũng trong ngày 23-4, Bộ Ngoại giao Iran đã triệu đại sứ Thụy Sĩ tại Tehran, người đại diện cho lợi ích của Hoa Kỳ tại Iran, để nói về những căng thẳng gần đây giữa Tehran và Washington.

Các xuồng quân sự của Iran áp sát tàu chiến Mỹ ở vịnh Persic đầu tháng 4.

“Tôi nói với phía Mỹ rằng chúng tôi hoàn toàn kiên quyết và nghiêm túc trong việc bảo vệ an ninh quốc gia, đường biên trên biển, an toàn của tàu thuyền và của lực lượng an ninh của chúng tôi, và chúng tôi sẽ phản ứng dứt khoát đối với bất kỳ sự phá hoại nào”, ông Salami quả quyết.

Căng thẳng giữa Iran và Mỹ đã leo thang kể từ năm 2018, khi ông Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân năm 2015 giữa Tehran với 6 cường quốc thế giới và tái áp đặt các biện pháp trừng phạt nặng nề. Căng thẳng bùng phát vào tháng 1-2020 sau khi tướng cấp cao Iran Qassem Soleimani bị máy bay không người lái của Mỹ ám sát ở sân bay Baghdad, Iraq. Washington cáo buộc ông Soleimani lên âm mưu tấn công khủng bố các cơ sở quân sự và ngoại giao của Mỹ.

Tehran đã đáp trả vụ không kích của Mỹ bằng một vụ tấn công tên lửa vào 2 cơ sở quân sự có quân nhân Mỹ đồn trú ở Iraq. Ông Trump sau đó tuyên bố rằng Lầu Năm Góc đã chọn ra 52 mục tiêu trên đất Iran và có thể tấn công nếu Iran tấn công người Mỹ hay tài sản của Mỹ. Iran cũng cảnh báo sẽ đáp trả bất cứ mối đe dọa nào do quân đội hoặc hải quân Mỹ gây ra.

Những căng thẳng này tưởng chừng dịu xuống do các nước bận chống dịch COVID-19. Mỹ đang là nước có số người chết vì virus Corona chủng mới và người mắc bệnh này cao nhất thế giới trong khi Iran là quốc gia Trung Đông đang bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh này. Tuy nhiên, không vì thế mà họ “quên” so găng cùng nhau.

Hồi giữa tháng 4, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết sẽ ngăn Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) phân bổ khoản vay 5 tỷ USD cho Iran để nước này đối phó với cơn khủng hoảng dịch bệnh COVID-19. Trước đó, Mỹ cũng tố cáo chính quyền Tehran giấu dịch… phía Iran đã đáp trả mạnh mẽ những tuyên bố này. Thậm chí sau đó quân đội Iran còn điều động hàng chục hệ thống tên lửa bao gồm hệ tên lửa phòng không và tên lửa phòng thủ bờ biển tới dọc eo biển Hormuz nhằm ngăn chặn bất cứ hoạt động di chuyển nào của tàu chiến Mỹ qua khu vực.

Tư lệnh của Vệ binh Cách mạng Iran Hossein Salami.

Cũng phản ứng cứng rắn giống như lần trước, ngày 22-4, ngay sau khi ông Trump chỉ thị hải quân nhắm bắn tàu Iran nếu bị quấy nhiễu, Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran thông báo nước này đã phóng thành công vệ tinh Noor lên quỹ đạo. Đây là vệ tinh quân sự đầu tiên được Iran đưa lên quỹ đạo.

Mặc dù cho rằng còn quá sớm để khẳng định liệu vụ phóng vệ tinh quân sự của Iran có thành công hay không nhưng Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho rằng vụ phóng này của Iran vi phạm một nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc vào năm 2015.

Ông Pompeo nhắc lại rằng nghị quyết Liên Hiệp Quốc có đoạn: “Iran được kêu gọi không thực hiện bất cứ hoạt động nào liên quan đến tên lửa đạn đạo được thiết kế nhằm đạt được năng lực phóng vũ khí hạt nhân, bao gồm các vụ phóng sử dụng công nghệ tên lửa đạn đạo như vậy”.

Israel, đồng minh của Mỹ và là đối thủ của Iran, sau đó lên án việc phóng vệ tinh quân sự của Iran và kêu gọi cộng đồng quốc tế đưa ra biện pháp trừng phạt bổ sung đối với Tehran.

Sự gia tăng căng thẳng lần này giữa Mỹ và Iran được giới quan sát giải thích bằng nhiều góc độ khác nhau. Nên biết rằng căng thẳng giữa hai nước diễn ra chỉ 2 ngày sau khi giá dầu Mỹ bị giảm xuống âm 38 USD/thùng và Tổng thống Trump đã phải ra lệnh hai Bộ Năng lượng và Tài chính lập kế hoạch cấp cứu ngành dầu mỏ, vốn được coi là con chim đầu đàn trong ngành công nghiệp Mỹ.

“Thúc đẩy căng thẳng địa chính trị ở Trung Đông để tạo ra nỗi lo cho nguồn cung dầu thô”, chuyên gia Ipek Ozkardeskaya của Swissquote Bank cho biết. Vịnh Persic là một tuyến đường chính cho việc xuất khẩu dầu thô sang thị trường thế giới, và bất kỳ sự gia tăng căng thẳng nào tại đây chắc chắn sẽ có tác động làm tăng giá đối với thị trường “vàng đen”.

Các nhà đầu tư coi dòng tweet của ông Trump “như một mối đe dọa đối với sản xuất và xuất khẩu” từ khu vực vùng Vịnh giàu dầu mỏ này trên toàn cầu, chuyên gia Bjornar Tonhaugen của Rystad Energy nhận định. Quả đúng vậy, ngay sau khi căng thẳng gia tăng tại vùng Vịnh, ngày 23-4, một thùng dầu thô Brent giao hàng trong tháng 6 tại London đã tăng 9,33% lên 22,27 USD so với mức đóng cửa ngày 22-4. Tại New York, giá dầu Mỹ giao tháng 6 tăng 13,79% lên mức 15,68 USD/thùng.

Trong khi đó trang vox.com cho rằng những căng thẳng này cũng nằm trong tính toán của Tehran. Trong bài báo có tựa “Tại sao Iran muốn tấn công quân đội Mỹ?”, hai nhà báo Colin P. Clarke và Ariane Tabatabai lý giải rằng bằng cách này Tehran đang muốn đánh lạc hướng dư luận về tình hình đại dịch COVID-19 và khủng hoảng kinh tế trong nước.

Tính đến ngày 20-4, Iran có hơn 83.000 trường hợp được chẩn đoán dương tính với SARS-CoV-2, 5.200 trường hợp tử vong. Nền kinh tế của Iran đang rơi vào tình trạng hỗn loạn, và giá dầu thô giảm mạnh sẽ càng làm suy yếu thêm nền kinh tế vốn đã suy yếu của Iran.

Theo các tác giả, nếu nghĩ rằng một đại dịch và các cuộc khủng hoảng kinh tế hay y tế sẽ đủ sức thuyết phục Iran ít nhất là tạm dừng nỗ lực đối đầu với Hoa Kỳ ở Trung Đông, thì bạn đã nhầm.

Mộc Thạch (Tổng hợp)
.
.