Mỹ-Iran tiếp tục leo thang căng thẳng

Thứ Hai, 13/04/2020, 10:00
Ngày 9-4, Bloomberg dẫn nguồn tin nội bộ chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết, Washington đang có ý định ngăn Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) phân bổ khoản vay 5 tỷ USD cho Iran để nước này đối phó với dịch COVID-19.

Chính quyền Mỹ cho rằng, Chính phủ Iran có đủ tiền để đối phó với sự lây lan của COVID-19 và nếu IMF tài trợ cho Tehran thì số tiền này sẽ không được sử dụng đúng mục đích mà là để giúp nền kinh tế đang phải chịu các lệnh trừng phạt của Mỹ.

Ngoài ra, Nhà Trắng cho rằng, Tehran cũng có thể dùng số tiền trên bơm vào các quỹ tài trợ cho các đồng minh của mình ở Trung Đông. Tuy nhiên, theo Bloomberg, mặc dù là cổ đông lớn nhất của IMF, nắm trong tay phần lớn quyết định về việc phân bổ tiền nhưng Washington không thể một mình quyết định và vẫn có khả năng các thành viên còn lại của IMF bất đồng quan điểm với Mỹ và bỏ phiếu chống lại.

Trước đó, ngày 8-4, Tổng thống Iran Hassan Rouhani nhắc lại yêu cầu IMF phê chuẩn khoản vay khẩn cấp 5 tỉ USD để nước này chống đại dịch COVID-19. Chính phủ Iran đã yêu cầu khoản vay khẩn cấp 5 tỉ USD vào ngày 12-3, khẳng định Tehran cần khoản tiền này để ứng phó đại dịch COVID-19.

Iran là quốc gia Trung Đông bị ảnh hưởng nặng nhất bởi dịch Covid-19.

“Tôi kêu gọi tất cả các tổ chức quốc tế hoàn thành nhiệm vụ của mình. Chúng tôi là thành viên của IMF... nếu có bất kỳ sự phân biệt đối xử nào đối với Iran và các quốc gia khác trong việc cho vay, chúng tôi và dư luận thế giới đều không thể chấp nhận điều này”, Tổng thống Rouhani nói trong cuộc họp nội các ngày 8-4.

Hiện IMF và Ngân hàng Thế giới (WB) cam kết dành gói tài chính khẩn cấp hàng chục tỷ USD để cung cấp cho các quốc gia thành viên có thể cần hỗ trợ trong bối cảnh dịch bệnh lây lan nhanh trên khắp thế giới, đồng thời nhấn mạnh cần giúp những nước dễ bị tổn hại nhất. “Nếu các tổ chức quốc tế thực hiện nhiệm vụ của mình trong tình huống khó khăn này thì thế giới sẽ đánh giá họ theo một cách khác”, ông Rouhani nói.

Hai ngày trước đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Iran Abbas Mousavi tuyên bố nước này sẽ không bao giờ nhờ Mỹ hỗ trợ chống đại dịch COVID-19. Lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei cũng đã từng từ chối đề nghị của Washington hỗ trợ nhân đạo cho Iran. Phát ngôn viên Bộ Y tế Iran Kianoush Jahanpour cho biết tính đến ngày 9-4 nước này ghi nhận số ca nhiễm và tử vong lần lượt là 66.220 và 4.110.

Ngày 7-4, trang web The Unz Review có bài viết của nhà báo Philip Giraldi cho biết trong thời kỳ đại dịch toàn cầu, Washington không có ý định từ bỏ các biện pháp trừng phạt kinh tế bên ngoài lãnh thổ của mình - công cụ chính của Hoa Kỳ trong trường chính trị quốc tế. Theo bài báo, một số biện pháp trừng phạt đang trong quá trình soạn thảo, một số khác đã được thông qua, số còn lại đang chờ Quốc hội Hoa Kỳ bỏ phiếu.

Trong số các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh thì Iran ở vị trí đặc biệt, bởi vì nước này chịu áp lực kinh tế sau khi cắt đứt quan hệ ngoại giao với Washington vào năm 1980. Kể từ năm 2018, các lệnh trừng phạt đã liên tục được thắt chặt và có những lệnh trừng phạt mới được đưa ra: trong những tháng gần đây, chủ yếu chống lại những người mua dầu từ nước Cộng hòa Hồi giáo này. Giữa tháng 3-2020, 20 công ty ủng hộ Tehran bị cáo buộc giúp đỡ các dân quân thân Iran ở Iraq. Và một số công ty trong số đó bị Mỹ đưa vào danh sách đen.

COVID-19 gây thêm tổn thất cho nền kinh tế Iran, vốn đã khó khăn bởi các lệnh trừng phạt của Mỹ. Hồi tháng 3-2020, Tehran đã gửi đơn kháng cáo lên Liên Hợp quốc kêu gọi chấm dứt mọi hình thức gây áp lực kinh tế, cả cũ và mới, với lý do tình hình khó khăn mà Iran đang lâm vào. Từ góc độ kinh tế, áp lực của Mỹ đã cướp đi của Iran các khoản thu từ dầu mỏ mà họ có thể đầu tư vào việc chăm sóc sức khỏe.

Sau khi thắt chặt chính sách trừng phạt vào năm 2018, GDP của Cộng hòa Hồi giáo Iran đã giảm 4,8% và năm 2019 đã giảm thêm 9,5%. Tehran gọi việc Mỹ siết chặt xuất khẩu của Iran là “khủng bố về kinh tế” và gần đây là “khủng bố về y tế”. Nhưng Nhà Trắng bác bỏ những cáo buộc này. Theo quan điểm của họ, các biện pháp trừng phạt kinh tế không áp dụng đối với việc cung cấp vật tư nhân đạo cho Iran.

Rõ ràng là không thể hy vọng một thỏa thuận dàn hòa giữa Iran và Hoa Kỳ bất chấp tình hình dịch COVID-19 lan rộng. Các quan chức ở Washington, những người chịu trách nhiệm về các chính sách đối với Iran, đặc biệt là Ngoại trưởng Michael Pompeo, cáo buộc Tehran có lỗi đã không tự giải quyết được vấn đề.

Đáp lại sức ép của Mỹ, Iran đang thể hiện sự sẵn sàng chấp nhận. Ngày 1-4, Tổng thống Hassan Rouhani nói rõ rằng nước ông sẽ tự mình ngăn chặn dịch bện. Cùng ngày, Tổng thống Donald Trump cảnh báo Iran sẽ phải “trả giá cực đắt” nếu cố tình tìm cách tấn công vào quân đội hoặc tài sản của Mỹ ở Iraq. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Iran Abbas Mousavi ngay sau đó đáp lại rằng Tehran xem “sự hiếu chiến” của quân đội Mỹ ở Iraq là nguy hiểm và có thể tạo ra “những yếu tố thảm khốc” gây bất ổn cho khu vực.

Ngày 5-4, một đoạn video được tài khoản Last Defender đăng tải trên Twitter đã cho thấy quân đội Iran đã cho điều động hàng chục hệ thống tên lửa bao gồm hệ tên lửa phòng không và tên lửa phòng thủ bờ biển tới dọc eo biển Hormuz. Động thái của Iran được cho là nhằm ngăn chặn bất cứ hoạt động di chuyển nào của tàu chiến Mỹ qua khu vực.

Việc đưa hàng chục hệ thống tên lửa tới eo biển Hormuz cũng phần nào chứng minh quan điểm cứng rắn của Iran trong việc sẵn sàng đối đầu với Mỹ bất chấp khủng hoảng kinh tế sắp xảy ra và sự lây lan của bệnh dịch trên toàn cầu.

Mộc Thạch (Tổng hợp)
.
.