Mỹ, Iran và bản kế hoạch của ông Macron

Thứ Hai, 07/10/2019, 11:45
Đàm phán giữa Mỹ và Iran về thỏa thuận hạt nhân 2015 đang có hy vọng tái khởi động sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Iran Hassan Rouhani đồng ý với một bản kế hoạch do Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đưa ra hôm 1-10, bên lề Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc khóa 74 tại New York.

Theo bản kế hoạch của nước Pháp, Tehran sẽ đồng ý với điều kiện theo đó “Iran sẽ không bao giờ chế tạo vũ khí hạt nhân” và sẽ “tuân thủ đầy đủ các bổn phận và cam kết về vấn đề hạt nhân và sẽ chấp thuận thương lượng lại một khung dài hạn cho các hoạt động hạt nhân cũa mình”.

Iran cũng sẽ “kiềm chế những hành động căng thẳng và sẽ tham gia xây dựng, duy trì hòa bình trong khu vực thông qua đàm phán”. Bản kế hoạch cũng nêu rõ Mỹ sẽ đồng ý “gỡ bỏ tất cả lệnh cấm vận áp dụng từ năm 2017” và “Iran sẽ có đầy đủ khả năng xuất khẩu dầu mỏ và tự do sử dụng nguồn thu của mình”.

Với những nội dung cốt lõi như trên, bản kế hoạch của Pháp cũng chứa đựng nhiều điều kiện cam kết đối với Iran hơn Mỹ. Theo các quan chức Pháp, mặc dù chương trình tên lửa đạn đạo của Iran không được nêu cụ thể trong bản kế hoạch nhưng với những ràng buộc cam kết đó, các bên đều hiểu rằng Iran có vai trò nhất định trong các cuộc đàm phán trong khu vực.

Dù thế, bản kế hoạch được xem là sản phẩm “tất cả các bên đều có lợi”. Ông Trump có thể tuyên bố mình đã đạt được mục tiêu bấy lâu nay là mở rộng Thỏa thuận hạt nhân Iran để bao hàm cả chương trình tên lửa đạn đạo và các hoạt động của Iran trong khu vực. Phía các lãnh đạo Iran cũng có thể thuyên bố rằng họ đã kháng cự chính sách của Mỹ đến cùng và đã đạt được mục tiêu là Mỹ gỡ bỏ tất cả cấm vận.

Và Tổng thống Pháp Macron cũng có thể được tôn vinh như một nhà kiến tạo hòa bình đã kịp thời tháo gỡ ngòi nổ chiến tranh ở Vùng Vịnh, từ đó khôi phục vị thế của nước Pháp như một quốc gia môi giới hòa bình toàn cầu không thể thiếu.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Tổng thống Iran Hassan Rouhani bên lề Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc khóa 74.

Tổng thống Iran Rouhani nói: “Đây là nguyên tắc mà nước Pháp đặt ra với người Mỹ và sau đó nó tiếp tục được đặt ra với chúng tôi, nguyên tắc này giờ đây đã được phổ biến trên báo chí khắp thế giới và Tổng thống Pháp đã khẳng định nó là đúng”.

Mặc dù đồng ý với bản kế hoạch tái đàm phán do Tổng thống Pháp đưa ra nhưng Tổng thống Donald Trump và người đồng cấp Rouhani vẫn không thể gặp nhau bên lề Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc (LHQ) do vẫn còn một vài điểm bất đồng mà phía ông Rouhani yêu cầu Mỹ phải đáp ứng thì mới gặp nhau. Đó là trước tiên ông Trump phải tuyên bố sẽ gỡ bỏ cấm vận. Ông Rouhani cương quyết không gặp mặt cũng không tham gia một cuộc điện đàm song phương với ông Trump do Tổng thống Macron thiết lập.

Phát biểu với báo giới, Tổng thống Iran Rouhani cho rằng chính Nhà Trắng là trở ngại lớn nhất có thể khiến cho việc thực hiện bản kế hoạch của người Pháp không đạt kết quả như mong muốn.

Trong khi đó, giới chức Pháp cũng cho rằng ông Rouhani ở vào thế buộc phải đưa ra điều kiện như thế, bởi trong nước ông còn nhiều yếu tố quyết liệt chống lại thỏa thuận với Mỹ cũng như còn e ngại, chưa tin tưởng ông Trump kể từ khi ông rút khỏi thỏa thuận hạt nhân và liên tiếp triển khai chính sách cứng rắn chống Iran.

Ngay trước khi Đại Hội đồng LHQ khóa 74 nhóm họp, lãnh tụ tối cao Iran Ali Khamenei đã tuyên bố rằng Tehran sẽ không nói chuyện với Mỹ trước khi Mỹ quay trở lại thỏa thuận hạt nhân, có tên gọi chính thức là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA).

Ông Khamenei cũng tuyên bố Iran sẽ tiếp tục giảm sự tuân thủ đối với JCPOA theo chu kỳ 60 ngày một lần, bắt đầu từ tháng 5-2019. Chu kỳ xem xét giảm tuân thủ tiếp theo sẽ diễn ra vào tháng 11-2019.

Ông Rouhani cho rằng phía Mỹ có những phát ngôn và hành động bất nhất khiến cho Tehran không thể tin tưởng vào những cam kết của họ. Ông Rouhani dẫn chứng: khi nói chuyện riêng với các đồng minh châu Âu, Mỹ nói rằng đã sẵn sàng để ký một thỏa thuận nhưng sau đó đã 2 lần tuyên bố sẽ siết chặt cấm vận, tẩy chay Iran.

“Làm sao chúng tôi có thể tin tưởng và thuyết phục người dân của chúng tôi rằng chúng tôi sẽ không bị lừa bởi những thông điệp như thế” - ông Rouhani phân tích.

Bản kế hoạch được chấp thuận là kết quả của nhiều ngày ngoại giao của Tổng thống Macron nhằm mục tiêu giải tỏa căng thẳng giữa Mỹ và Iran. Căng thẳng trong quan hệ giữa Mỹ và Iran đã bắt đầu gia tăng kể từ khi Tổng thống Trump tuyên bố rút khỏi JCPOA - ký kết năm 2015 giữa Iran với 6 cường quốc gồm 5 nước Thường trực Hội đồng Bảo an LHQ và Đức.

Theo thỏa thuận đó, Iran chấp nhận các điều kiện kiểm soát chương trình hạt nhân của mình để đổi lấy việc gỡ bỏ cấm vận quốc tế. Trên thực tế Iran đã thực hiện đúng những điều cam kết trong thỏa thuận và được Mỹ, châu Âu gỡ bỏ cấm vận một phần. Tuy nhiên, khi ông Trump lên làm Tổng thống Mỹ đầu năm 2017, lấy lý do JCPOA đã không bao gồm cả chương trình tên lửa đạn đạo và kiểm soát thế lực của Iran trong khu vực, Tổng thống Trump tuyên bố rút khỏi thỏa thuận, đồng thời tái áp dụng các biện pháp trừng phạt, cấm vận đối với Iran, với điều kiện phải đàm phán lại thỏa thuận theo các điều kiện do Mỹ đưa ra. Dĩ nhiên, trong các điều kiện đó của Mỹ luôn luôn có phần dành cho Israel và Saudi Arabia - hai đồng minh quan trọng nhất trong khu vực Trung Đông.

Giới phân tích cho rằng bản kế hoạch của Pháp chỉ là bước khởi đầu cho khả năng tái đàm phán giữa Mỹ và Iran. Tổng thống Rouhani khẳng định: một vấn đề quan trọng như thế này không thể giải quyết chỉ trong vài giờ. Mỗi bên đều có những vấn đề riêng, lợi ích riêng cần quan tâm bảo vệ, do đó đàm phán sẽ rất khó khăn.

An Châu (tổng hợp)
.
.