Mỹ - Iran và vòng tròn leo thang

Thứ Sáu, 20/12/2019, 17:51
Căng thẳng Mỹ-Iran nói riêng, Iran với các "đồng minh chống Iran" của Mỹ lại tái bùng phát tới mức nguy hiểm. Nguy cơ về một cuộc chiến dường như không còn quá xa khi các bên đưa ra chính sách coi nhau như những kẻ thù.

Trong khi Mỹ tiếp tục lôi kéo các đồng minh gây sức ép tối đa với Iran, còn Iran cũng phát triển trở lại vũ khí hạt nhân... Một vòng tròn ngày càng nguy hiểm bởi cấp độ leo thang đã cao hơn.

Sức ép tối đa

Mới đây nhất, ngày 15-12, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif cảnh báo sự hiện diện quân sự của Mỹ tại Vùng Vịnh đã dẫn tới thảm họa cho các nước trong khu vực và khiến chủ nghĩa cực đoan trỗi dậy. Kênh truyền hình Press TV dẫn phát biểu của ông Zarif tại diễn đàn Doha ở Qatar, cho rằng sự hiện diện của lực lượng nước ngoài tại Vùng Vịnh chẳng những không cải thiện an ninh mà chỉ dẫn tới thảm họa.

Ngoại trưởng Iran cũng chỉ trích Mỹ lợi dụng tình trạng bất ổn và thù địch ở Vùng Vịnh nhằm tăng cường hiện diện quân sự cũng như bán vũ khí cho các bên. Ông Zarif trích dẫn số liệu cho biết các nước Vùng Vịnh chiếm gần 1/4 lượng nhập khẩu vũ khí toàn cầu trong giai đoạn 2014-2018 và Mỹ là nước xuất khẩu vũ khí sát thương lớn nhất. 

Ông Zarif cũng chỉ trích một số quốc gia trong khu vực thực thi chính sách thiếu khôn ngoan khi sử dụng nguồn thu từ dầu mỏ để mua sắm vũ khí, dẫn tới cuộc chạy đua vũ trang tại Vùng Vịnh. Một quan chức cấp cao của Tổ chức Năng lượng nguyên tử Iran (AEOI) khẳng định, Tehran đang chuẩn bị ra mắt máy ly tâm làm giàu urani thế hệ mới.

Như vậy, nỗ lực cứu vãn thỏa thuận hạt nhân Iran ngày càng mờ mịt, trong bối cảnh JCPOA đang có nguy cơ đổ vỡ. Một trong những nguyên nhân chính là sự bội ước của cả Mỹ và các nước châu Âu. Một quan chức ngoại giao châu Âu nhận định: "Tôi nghĩ cánh cửa đàm phán để cứu vãn thỏa thuận này (JCPOA) gần như không mở".

Trong những năm qua Iran đã phát triển được nhiều loại vũ khí hiện đại. Ảnh: businessinsider.com.

Hiện các nước châu Âu đang cân nhắc kích hoạt cơ chế trong thỏa thuận vốn có thể dẫn tới việc tái áp đặt các lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc (LHQ). Tuy nhiên, các nhà ngoại giao cho rằng sẽ không có quyết định chính trị nào được đưa ra cho tới tháng 1-2020, khi Iran dự kiến tiếp tục thu hẹp các cam kết trong JCPOA.

Giới phân tích nhận định nếu các biện pháp trừng phạt của LHQ được tái áp đặt và JCPOA đổ vỡ, Iran có thể rút khỏi Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT). Khi ấy, Iran và phương Tây sẽ mắc kẹt sâu hơn trong "vòng tròn leo thang" khó có thể tránh khỏi. Cựu Đại sứ Pháp tại Iran Francois Nicoullaud cho rằng căng thẳng sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới.

Bất đồng giữa Iran và phương Tây gia tăng sau khi Tehran giảm cam kết của mình trong JCPOA nhằm đáp lại quyết định của Washington rút khỏi thỏa thuận hạt nhân này hồi năm ngoái. Tehran chỉ trích Anh, Pháp và Đức vì đã không bảo vệ được nền kinh tế Iran tránh được các lệnh trừng phạt của Mỹ.

Đại sứ các nước Anh, Pháp và Đức, trong lá thư của mình đã kêu gọi Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres thông báo cho Hội đồng Bảo an LHQ rằng chương trình tên lửa của Iran là "không tuân thủ" nghị quyết của LHQ.

Đáp lại, Iran tuyên bố bức thư trên cho thấy "sự thiếu hiểu biết" của các nước này trong việc thực hiện những cam kết trong JCPOA. Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif kêu gọi Anh, Pháp, Đức không nên "cúi đầu" trước sự bắt nạt của Mỹ.

Đài Truyền hình quốc gia Iran dẫn tuyên bố của Phó Tổng thống Jahangiri nêu rõ cái mà Mỹ gọi là "sức ép tối đa" nhằm vào Iran đã thất bại khi Tehran vẫn tiếp tục duy trì các hoạt động xuất khẩu dầu mỏ của mình. Và hệ quả của việc Iran kiên quyết phản kháng Mỹ và các đồng minh của Mỹ là việc Iran cảnh báo có thể xem xét một cách nghiêm túc những cam kết của quốc gia này với cơ quan giám sát nguyên tử LHQ nếu các đối tác châu Âu và Mỹ kích hoạt một cơ chế có thể dẫn tới những biện pháp trừng phạt Tehran.

Ông Larijani cũng cảnh báo thêm, mặc dù phải chịu sức ép trừng phạt trong nhiều thập kỷ, Iran vẫn thành công trong việc phát triển vũ khí tên lửa và hiện đang sở hữu kho vũ khí tên lửa lớn hơn bất kỳ quốc gia Trung Đông nào khác. Đây là kết quả một nghiên cứu được Bộ Quốc phòng Mỹ công bố ngày 19-11, chứ không phải Iran tuyên bố.

Báo cáo mới nhất của Cơ quan Tình báo quốc phòng Mỹ cho biết: "Iran có một chương trình phát triển tên lửa quy mô lớn và độ tinh vi của các vũ khí tên lửa vẫn tiếp tục gia tăng, bất chấp các nỗ lực kéo dài hàng thập kỷ nhằm kiềm chế sự tiến bộ của chương trình này".

Các loại vũ khí hiện đại của Iran là nỗi lo của châu Âu và Mỹ. Ảnh: thedefensepost.

Thêm một cơ hội bị bỏ lỡ

Có thể thấy rõ, trái ngược với những kỳ vọng, căng thẳng giữa Mỹ và Iran có thể còn nghiêm trọng hơn. Đã không có bất cứ cuộc gặp nào giữa Tổng thống Donald Trump và người đồng cấp Iran Hassan Rouhani tại LHQ. Cả hai vị lãnh đạo đều đưa ra những quan điểm cứng rắn, đặc biệt là còn gạt sang một bên kế hoạch hòa giải từ đầu tháng 9 của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, vốn nhận được sự quan tâm rất nghiêm túc.

Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã trả lời Fox News, rằng: “Nếu chính quyền Mỹ muốn đối thoại, họ phải tạo lập các điều kiện cần thiết, một không khí tin tưởng lẫn nhau”. Đã có những dự đoán về khả năng xảy ra một vụ tấn công phủ đầu bất ngờ của Israel vào các cơ sở hạ tầng hạt nhân của Iran.

Cựu quan chức cấp cao Cơ quan Năng lượng nguyên tử Olli Heinonen nói với báo The Jerusalem Post rằng, nếu Tehran bắt đầu làm giàu urani tới mức 20% hay khôi phục hoạt động của khoảng 1.000 - thậm chí hơn - các máy ly tâm IR-2m để làm giàu urani, thời gian để họ sản xuất được một quả bom sẽ giảm từ khoảng 1 năm xuống còn 6 tháng, bởi máy IR-2m làm giàu urani nhanh hơn rất nhiều so với máy IR-1 tiêu chuẩn của Iran.

Thực tế là những vi phạm của Iran đến nay vẫn khá khiêm tốn. Như cách mô tả của Emily Landau, chuyên gia của Viện Nghiên cứu an ninh quốc gia, trong cuộc trò chuyện với The Jerusalem Post, nhìn chung, cả ông Trump và thủ lĩnh tối cao Khamenei thực sự đều không muốn có một cuộc đối đầu quân sự trực tiếp. Tuy nhiên, ông Trump sẽ không dỡ bỏ trừng phạt, còn thủ lĩnh tối cao Khamenei dường như vẫn muốn tiếp tục vi phạm thỏa thuận và gia tăng sức ép quân sự nhiều nhất có thể nhằm củng cố vị thế của họ trong bất kỳ cuộc đàm phán nào và nhờ đó Iran có thể nhanh chóng phát triển một vũ khí hạt nhân nếu họ không hài lòng với những kết quả bầu cử cuối cùng của Mỹ.

Tất cả những điều này đồng nghĩa với việc, dù không vị lãnh đạo nào muốn thế đối đầu này leo thang thành một cuộc xung đột trước khi cuộc bầu cử Mỹ 2020 diễn ra thì khả năng này vẫn có thể xảy ra nếu các bên tự đi quá giới hạn.

Câu hỏi đặt ra là lý do Mỹ tăng cường đe dọa chiến tranh với Iran là gì? Tổng thống Trump được lợi gì khi vẫn theo sát chiến dịch "sức ép tối đa" để cô lập Iran? Lý do gì khiến Mỹ phải tiếp tục gây sức ép tối đa đối với Iran? Phải chăng nước Mỹ cho rằng, Iran là một trong những quốc gia nguy hiểm nhất trên thế giới khi chế tạo tên lửa đạn đạo nhiều nhất ở Trung Đông.

Phải chăng Mỹ muốn lôi kéo các nước từng ủng hộ Iran quay sang ủng hộ Mỹ bởi những lo ngại về khả năng chế tạo vũ khí hạt nhân của Iran. Chả thế mà gần đây nhiều nước châu Âu ồ ạt đăng tin Iran sản xuất vũ khí hạt nhân. Theo các nguồn tin tình báo Đức, Iran đã từng tìm kiếm công nghệ vũ khí hạt nhân từ Đức và hiện nay lại thúc đẩy hoạt động này trở lại. Thậm chí gần đây, Iran còn biến Fordow từ một cơ sở nghiên cứu thành một nhà máy hạt nhân thực thụ khi bắt đầu làm giàu urani bằng máy ly tâm tiên tiến, một hoạt động phải được lên kế hoạch từ nhiều năm trước.

Nếu Iran cố gắng thuyết phục thế giới rằng họ không có ý định thúc đẩy việc chế tạo bom hạt nhân thì điều đó cũng khó có thể tin được do những bằng chứng của việc Iran làm giàu urani tới mức vi phạm thỏa thuận hạt nhân năm 2015; sản xuất nhiên liệu hạt nhân vượt quá giới hạn quy định.

Tổng thống Trump nhận thấy mối đe dọa, chính vì vậy đã quyết định rút khỏi JCPOA, đồng thời áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế toàn diện, hay còn được gọi là chiến lược gây sức ép tối đa, đối với Iran. Mỹ còn bán các hệ thống phòng thủ tên lửa và các thiết bị quân sự khác cho các đồng minh của mình trong khu vực nhằm giúp các quốc gia này ngăn chặn Iran.

Hơn nữa, chính quyền Tổng thống Donald Trump cũng đã tăng ngân sách quốc phòng nhằm khôi phục sự sẵn sàng cũng như cung cấp các thiết bị hiện đại cho quân đội của Mỹ.

Các cơ sở hạt nhân của Iran luôn là chủ đề tranh cãi giữa Iran với Mỹ và các nước đồng minh của Mỹ. Ảnh: washingtonexaminer.

Không chỉ là thỏa thuận hạt nhân

Có những giả thiết cho rằng, đó chỉ là thuyết âm mưu của Mỹ và phương Tây nhằm lấy cớ đè bẹp Iran. Và tranh cãi Mỹ-Iran không chỉ là thỏa thuận hạt nhân. Do phía Mỹ sử dụng vấn đề hạt nhân để làm cái cớ kiềm chế Iran, Tehran đã phản kháng bằng những bước phát triển hạt nhân mới.

Để có thể xóa bỏ hay giải quyết cuộc khủng hoảng hạt nhân Iran, Washington cần thay đổi cách tiếp cận của mình. Tuy nhiên, với các chính sách hiện thời và quan điểm cứng rắn đối với Tehran của chính quyền Tổng thống Donald Trump, gần như không có hy vọng Mỹ sẽ nới lỏng trừng phạt hay khả năng sẽ có các cuộc đàm phán giữa hai bên.

Căng thẳng hạt nhân Iran có thể tiếp tục leo thang với những xích mích ngày càng gay gắt hơn giữa Washington và Tehran khiến cuộc khủng hoảng hiện nay đang đối mặt với một tương lai u ám. Trước thêm cuộc bầu cử, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng liên tục thay đổi khi hiểu rằng không thể "cương" vào lúc này. Vì thế ông Trump đã dành những lời lẽ tích cực hiếm hoi với Tehran, đại diện các nước châu Âu và Iran gặp nhau để cố gắng duy trì đối thoại...

Ngày 7-12, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã dành những lời lẽ tích cực hiếm hoi với Iran khi cảm ơn Iran vì đã có một cuộc đàm phán “rất công bằng” để có thể đạt được một quyết định trao đổi tù binh, chứng kiến một người Mỹ được Tehran trả tự do ngay giữa lúc căng thẳng đang leo thang.

Bất chấp sự “sẵn sàng đối thoại không điều kiện” và những lời “có cánh” ông Trump dành cho Iran, Mỹ một mặt vẫn đang tìm cách đối phó với Iran. Hãng tin Pháp AFP dẫn lời một viên chức xin giấu tên cho biết Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper có dự kiến một kế hoạch gửi từ 5.000 đến 7.000 quân đến vùng Trung Đông.

Điều trần trước Ủy ban Quân lực Thượng viện Mỹ ngày 5-12, Thứ trưởng Quốc phòng John Rood bày tỏ quyết tâm này. Viên chức này không nói rõ là lực lượng tăng viện sẽ đóng ở đâu và trong khuôn khổ nào. Thậm chí, nhật báo Mỹ Wall Street Journal trước đó có nói đến việc 14.000 binh lính chuẩn bị được triển khai, một con số mà cả ông John Rood lẫn Bộ trưởng Mark Esper đều phủ nhận.

Trước những diễn biến căng thẳng trên, châu Âu cho rằng, họ đã chịu không ít thiệt hại. Đối với EU, JCPOA đại diện cho chính sách ngoại giao của khối, một thành tựu duy nhất mà các nhà lãnh đạo trong khối cho rằng đã khẳng định khả năng của EU về chính sách đối ngoại. Trong nhiều tháng, các nhà lãnh đạo châu Âu đã cố gắng đưa ra những lời trấn an thường xuyên rằng họ vẫn cam kết với thỏa thuận, ngay cả khi nó sụp đổ. Tuy nhiên, một loạt thông tin về việc Iran vi phạm nhiều điều khoản trong JCPOA - bao gồm cả động thái làm giàu uranium vượt quá giới hạn quy định - buộc các nhà lãnh đạo châu Âu phải suy nghĩ lại về cách tiếp cận của mình.

Tới đây, nhiều nhà lãnh đạo châu Âu đang ngả theo hướng EU có thể kích hoạt một điều khoản khiến châu Âu áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với Iran, giống như Mỹ đã làm. Vai trò “kẻ ngoài cuộc” của EU cũng một lần nữa được thể hiện rõ khi họ im lặng để thừa nhận rằng Tổng thống Trump đã không sai về Iran như họ nghĩ.

Hoa Huyền
.
.