Mỹ - Nhật tập trận tại Biển Đông: Vì những mối lo chung

Thứ Hai, 06/07/2020, 12:16
Tàu chiến Mỹ đã hoàn thành diễn tập với tàu Nhật Bản ở Biển Đông. Cuộc tập trận song phương giữa hai đồng minh tại vùng biển quan trọng này có nhiều ý nghĩa chiến lược.

Mục tiêu Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở

Theo các nguồn tin, tàu tác chiến ven bờ USS Gabrielle Giffords (LCS 10) của Hải quân Mỹ và tàu huấn luyện JS Kashima (TV-3508) cùng JS Shimayuki (TV-3513) của Lực lượng phòng vệ trên biển Nhật Bản (JMSDF) đã tiến hành tập trận trên Biển Đông từ ngày 23-6.

Hiện tại Hải quân Mỹ đã hoàn thành các cuộc tập trận song phương với Nhật Bản tại Biển Đông nhằm tăng cường năng lực tác chiến, liên lạc và phối hợp. Trước đó hồi tháng 4, tàu Gabrielle Giffords của Mỹ cùng với tàu khu trục JS Teruzuki (DD 116) của Nhật Bản hoạt động tại Biển Andaman.

Tàu chiến Mỹ đã hoàn thành diễn tập với tàu Nhật Bản ở Biển Đông.

Đô đốc Fred Kacher, Chỉ huy Nhóm tấn công Viễn chinh số 7, cho biết các cuộc tập trận song phương này là một sự trợ giúp hiệu quả để duy trì một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Các chiến hạm của Mỹ và Nhật Bản triển khai các bài tập liên lạc song phương, chiến thuật chia tách, cơ động chính xác. Cuộc tập trận này là cơ hội quan trọng trong việc phối hợp cùng đồng minh trên biển và khả năng sẵn sàng chiến đấu cũng như góp phần tăng cường quan hệ đối tác.

Ông Kacher nói: “Thực hiện các kỹ năng hàng hải phức tạp với JMSDF cho phép hai lực lượng xây dựng khả năng tương tác và sẵn sàng chiến đấu khi duy trì một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở”.

Trong khi đó, Đô đốc Yagi Kouji, chỉ huy đội tàu tập trận của JMSDF nói: “Các sĩ quan mới của JMSDF không chỉ phát huy kỹ năng lái tàu cơ bản mà còn biết được tầm quan trọng của việc cải thiện khả năng tác chiến giữa JMSDF và Hải quân Mỹ. Tôi cũng hy vọng họ hiểu rằng các cuộc tập trận song phương mà chúng tôi tiến hành ngày hôm nay là nhằm tăng cường quan hệ đối tác với Hải quân Mỹ và mối quan hệ đối tác này sẽ tạo thành cơ sở để thúc đẩy an ninh và ổn định trong khu vực”.

Chiến thuật đa mục đích

Các tàu Nhật Bản JS Kashima và JS Shimayuki đã tham gia với tàu chiến đấu Mỹ USS Gabrielle Giffords như một phần của Chương trình huấn luyện tuần tra trên biển năm 2020, qua đó tạo cho các thủy thủ Nhật Bản cơ hội học hỏi các kỹ năng và kiến thức phối hợp cần thiết với một lực lượng đồng minh. Tàu USS Gabrielle Giffords đang triển khai luân phiên đến khu vực Hạm đội 7 của Mỹ. Hạm đội 7 là hạm đội lớn nhất của Hải quân Mỹ và hoạt động tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Tập trận song phương lần này là một trong những nỗ lực nâng cấp Hải quân Nhật Bản, đánh dấu một trong những lần triển khai gần đây cho Hải quân Nhật Bản. Chiếc tàu chiến cuối cùng trong tổng số 8 tàu khu trục Nhật Bản, có khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo, đã rời cảng hôm 30-6. Được trang bị hệ thống Aegis Ashore, chiến hạm này có thể bắn nhiều loại vũ khí khác nhau, ngoài phòng thủ tên lửa đạn đạo. Với chiều dài 170m và được trang bị hệ thống phóng thẳng đứng 96 Mk 41, chiến hạm mới nhất này là một sự bổ sung hiện đại cho hạm đội Nhật Bản.

Hệ thống phòng thủ hải quân mới này được xem như một sự thay thế cho hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo trên đất liền. Do những vấn đề kinh phí và kỹ thuật, Nhật Bản đã đình chỉ chương trình vũ khí phòng thủ tên lửa đạn đạo trên đất liền hồi đầu tháng này. Hệ thống phòng thủ này dự kiến sẽ đặt ở phía Bắc và phía Nam của hòn đảo và các quan chức Nhật Bản đặc biệt viện dẫn Triều Tiên là lý do cho sự bấp bách của họ.

Bên cạnh đó, mối đe dọa ở phía Tây không phải là mới, song những động thái gần đây đã khiến các quan chức Nhật Bản cảnh giác cao độ. Tuần trước, Tokyo tuyên bố họ vẫn cảnh giác sau khi Triều Tiên thông báo các kế hoạch đưa quân trở lại các địa điểm vốn là biểu tượng của sự hợp tác liên Triều. Động thái này đã làm vô hiệu hóa thỏa thuận năm 2018 giữa Triều Tiên và Hàn Quốc vốn nhằm giảm bớt căng thẳng quân sự tại khu vực biên giới.

Chánh Văn phòng Nội các Yoshihide Suga phát biểu trong một cuộc họp báo hồi tuần trước: “Chúng tôi vẫn cảnh giác để đối phó với bất kỳ tình huống nào”. Nhật Bản đã phản ứng bằng cách triển khai hệ thống tên lửa phòng không Patriot (PAC-3) đến căn cứ Ichigaya ở Tokyo để hỗ trợ các tên lửa đánh chặn của họ.

Chiến hạm Mỹ, Nhật tập trận chung trên Biển Đông.

Trong khi các hoạt động chung giữa hải quân Mỹ và Nhật Bản trong tuần này đơn thuần là cho mục đích huấn luyện, thời gian và địa điểm của chúng có thể được hiểu như một sự phô trương sức mạnh. Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã không ngừng khai thác và quân sự hóa các rạn san hô ở Biển Đông.

Chính quyền Mỹ dưới thời Tổng thống Trump đã tăng cường các chiến dịch tuần tra tự do hàng hải, đồng thời tiến hành nhiều cuộc tập trận song phương và đa phương với các đồng minh và đối tác ở Biển Đông. Giới chuyên gia nhận định cuộc tập trận Mỹ-Nhật mới đây cũng nhằm ngăn chặn các hoạt động gây hấn của Trung Quốc tại khu vực này.

Với Nhật Bản, không chỉ tại Biển Đông, khi Trung Quốc liên tục xâm nhập với tần suất kỷ lục vào vùng biển quanh quần đảo Senkaku trên Biển Hoa Đông, Nhật Bản đã lên kế hoạch thành lập đơn vị tác chiến điện tử gây nhiễu tín hiệu và sẵn sàng cho những diễn biến leo thang căng thẳng.

Đơn vị tác chiến điện tử đầu tiên của Nhật Bản đóng quân tại doanh trại Higashi-Chitose, Hokkaido, nơi có vị trí đắc địa và từng phát huy hiệu quả trong việc chặn các tín hiệu của Liên Xô cũ. Tuy nhiên, Biển Hoa Đông đang nổi lên như một ưu tiên mới hơn trong chính sách quốc phòng của Nhật Bản.

Trong những tuần gần đây, các tàu Trung Quốc liên tục xâm nhập với tần suất kỷ lục vào vùng biển xung quanh quần đảo Senkaku, nơi Bắc Kinh cũng tuyên bố chủ quyền và gọi là quần đảo Điếu Ngư. Vì vậy, việc thành lập đơn vị tác chiến điện tử mới ở phía Nam được cho là rất cần thiết, một phần do bất đồng giữa Nhật Bản và Trung Quốc không ngừng gia tăng liên quan tới khu vực nhạy cảm này.

Hà Phương (Tổng hợp)
.
.