Mỹ, Pháp công khai ủng hộ phe đối lập ở Syria

Thứ Hai, 18/07/2011, 23:55

Tình hình Trung Đông, đặc biệt là Syria, trong mấy ngày qua tiếp tục diễn biến phức tạp, nhất là sau khi đại sứ Mỹ và Pháp đi đến các thành phố miền Nam Syria - nơi đang diễn ra các cuộc biểu tình lớn, để bày tỏ sự ủng hộ phe đối lập. Động thái này đang làm cho phe đối lập như có thêm sức mạnh, quyết liệt cự tuyệt mọi đề nghị đối thoại của Chính phủ Syria.

Trong 2 ngày 10 và 11/7, tại thành phố nghỉ mát Demas, phía nam thủ đô Damascus, Chính phủ Syria đã chính thức mở cuộc đối thoại chính trị toàn quốc, với sự tham dự của nhiều chính trị gia ôn hòa. Đây là lần đầu tiên sau 4 tháng biến động với các cuộc biểu tình chống chính phủ, Damascus thực hiện động thái hướng đến việc đáp ứng các yêu cầu về dân chủ của phe đối lập. Theo Phó tổng thống Syria Farouk al-Shara, mục tiêu của cuộc đối thoại là nhằm bàn bạc, thảo luận thể chế pháp lý để chuyển tiếp sang hệ thống chính trị đa đảng. Sau cuộc đối thoại lần này, Chính phủ Syria dự định sẽ tổ chức thêm một hội nghị nữa để công bố hệ thống chính trị mới.

Tuy nhiên, nỗ lực đối thoại để tìm kiếm giải pháp ổn thỏa cho tình hình bất ổn chính trị trong nước của lãnh đạo Syria đã bị phá hỏng do phe đối lập quyết liệt từ chối tham dự, đưa ra yêu sách Damascus phải chấm dứt việc đàn áp và bắt giam người biểu tình. Tệ hơn, khi Chính phủ Syria đưa ra giải pháp cải cách hệ thống chính trị, phe đối lập cũng không chấp nhận. Thông điệp lần này của họ là "xóa bỏ chế độ của Tổng thống Bashar al-Assad".

Theo giới quan sát, trong những ngày qua, tình hình tại thành phố Hama, miền Nam Syria đã trở nên phức tạp bất thường. Đặc biệt là sau khi Đại sứ Mỹ tại Damascus Robert S. Ford và Đại sứ Pháp Éric Chevallier đến thăm thành phố Hama trong 2 ngày 7 và 8/7 vừa qua. Chuyến thăm của 2 nhà ngoại giao quan trọng này ngay lập tức kích hoạt một không khí phấn chấn lạ thường nơi đám đông biểu tình trong thành phố.

Một số nhà quan sát nhận định chuyến thăm Hama của 2 ông đại sứ là một hành động khiêu khích rõ nét nhất nhắm vào chế độ của Tổng thống Assad, là một hành động "không tử tế" của một nhà ngoại giao đối với nước sở tại. Mặc dù Bộ Ngoại giao Mỹ đã ra tuyên bố nói rằng Đại sứ Ford chỉ đến thăm dân thường và một bệnh viện, nhưng ai cũng dễ dàng nhận thấy đây là một động thái biểu trưng cho thái độ và quan điểm của Mỹ đối với Syria. Đó là một liều thuốc kích thích làm nên tinh thần cho phe đối lập.

Quả thực thế, phe đối lập xem Mỹ như một "chỗ dựa", một thế lực có thể lợi dụng để chống lại và lật đổ chính quyền của Tổng thống Assad. Chỉ cần một cử chỉ biểu thị sự ủng hộ cũng đủ khiến họ chống đối quyết liệt đến cùng. Hành động của Đại sứ Mỹ đã khiến cho Damascus nổi giận. Bouthaina Shaaban, cố vấn truyền thông báo chí của Tổng thống Assad cho rằng ông Ford đã tùy tiện đi đến khu vực nhạy cảm mà không xin phép nước chủ nhà là một hành động "leo thang" chống Syria.

Đại sứ quán Mỹ bị người Syria biểu tình đập phá sau chuyến thăm Hama của Đại sứ Robert Ford.

Bộ Nội vụ Syria tố cáo ông Ford đã tiếp xúc với các phần tử "phá hoại" và kích động làn sóng biểu tình, bạo lực, đồng thời xúi giục phe đối lập tẩy chay cuộc đối thoại quốc gia nhằm làm thất bại ý định tìm kiếm giải pháp hòa giải của Tổng thống Assad. Ngày 11/7, do chuyến thăm Hama kích động bạo lực của Đại sứ Ford, hàng ngàn người Syria ở thủ đô Damascus đã biểu tình vây kín Đại sứ quán Mỹ và đập phá hàng rào, biển hiệu tòa đại sứ.

Trong một diễn biến khác, ông John O. Brennon - trợ lý Tổng thống Mỹ đặc trách các vấn đề chống khủng bố và an ninh nội địa - hôm Chủ nhật 10/7 đã có cuộc tiếp xúc với Tổng thống Yemen Ali Abdullah Saleh tại một bệnh viện ở Riyadh, Arập Xêút, nơi ông đang điều trị vết thương do một vụ tấn công bằng bom hồi tháng trước. Tại cuộc tiếp xúc, ông Brennon đã thẳng thắn kêu gọi ông Saleh "hãy nhanh chóng thực thi cam kết chuyển giao chính trị một cách hòa bình và hợp hiến" như đã ký kết trong thỏa thuận do Hội đồng hợp tác Vùng Vịnh (GCC) làm trung gian. Động thái này mang một thông điệp rõ ràng từ phía Nhà Trắng là "Washington đang rất sốt ruột vì tình hình bất ổn kéo dài tại Yemen đang làm ảnh hưởng đến cuộc chiến chống khủng bố Al-Qaeda của Mỹ trên bán đảo Arập".

Cuộc đối thoại quốc gia của Chính phủ Syria đã bị phe đối lập tẩy chay.

Theo Đài Truyền hình Arập Al-Arabiya, Tổng thống Saleh đã không đáp ứng lời yêu cầu của Mỹ, đồng thời tuyên bố sẽ trở về nước nhân dịp kỷ niệm 33 năm ngày ông được bầu lên làm tổng thống. Trên website của Bộ Quốc phòng Yemen, ông Saleh đã kêu gọi mở cuộc đối thoại quốc gia bao gồm tất cả các lực lượng chính trị "bảo đảm sự thống nhất, an ninh và ổn định cho Yemen".

Từ động thái của 2 quan chức Mỹ nêu trên có thể thấy rằng, nước Mỹ đang âm thầm thực hiện những nước cờ nhằm loại bỏ những người mà họ cho là không còn có thể tin cậy được nữa trong chiến lược chung ở Trung Đông. Với Tổng thống Syria Bashar al-Assad, Mỹ càng có lý do để đẩy ông này đi, vì Syria của ông Assad là một đồng minh "bài trùng" của Iran, còn Assad thì Syria còn và kế hoạch bao vây Iran vẫn chưa thể thành công.

Còn đối với Tổng thống Saleh, lâu nay là một trong những đồng tác đáng tin cậy của Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố tại Yemen và bán đảo Arập, Washington đã thể hiện thái độ thận trọng giai đoạn đầu cuộc khủng hoảng ở Yemen. Nhưng khi tình hình đã trở nên tồi tệ hơn, Mỹ bắt đầu đánh giá ông Saleh như một trở ngại cần phải giải quyết. Mỹ muốn ông Saleh nhanh chóng chuyển giao quyền lực để chấm dứt khủng hoảng, vì sợ rằng tình hình Yemen có thể trượt sâu hơn vào sự hỗn loạn, có thể dễ dàng bị Al-Qaeda lợi dụng. Liệu những nước cờ của Nhà Trắng có thành công hay không còn phải chờ xem

Văn Trương (tổng hợp)
.
.