Mỹ-Philippines: Ván bài lật ngửa

Thứ Bảy, 29/02/2020, 11:40
Sẽ có nhiều hệ lụy xảy ra nếu quyết định chấm dứt Thỏa thuận Các lực lượng thăm viếng (VFA) với Mỹ của Tổng thống Rodrigo Duterte chính thức có hiệu lực. Một Philippines mong muốn giảm bớt sự phụ thuộc vào Mỹ trong khi Mỹ đang tìm mọi cách để không mất Philippines. Một ván bài vẫn chưa thể kết thúc cho dù các quân bài đã lật ngửa.

Mong manh "Trục phòng thủ chiến lược"

Quyết định cách đây ít ngày của Tổng thống Rodrigo Duterte đang vấp phải sự phản đối trong dư luận và báo chí Philippines. Tuy nhiên, một số tờ báo cũng chỉ ra rằng, không dễ gì để ngay tức khắc Philippines có thể rời xa Mỹ. Bởi, hiện quân đội Philippines vẫn đang muốn tiếp tục được Mỹ viện trợ, tập luyện chung.

Tổng thống Rodrigo Duterte thì phát biểu như vậy nhưng nhiều quan chức khác có vẻ chưa đồng tình. Ngoại trưởng và Bộ trưởng Quốc phòng Philippines không kêu gọi hủy bỏ thỏa thuận VFA.

Một số người thì sâu xa hơn khi đưa ra nhận định rằng, nếu Tổng thống Rodrigo Duterte đưa ra quyết định chính thức, cần phải xem điều này có được hiến pháp cho thẩm quyền đơn phương hủy bỏ hiệp định quốc tế do Thượng viện quyết định hay không. Điều cuối cùng là liệu giới quân đội thân thiết với Mỹ có hay không chấp nhận quyết định của Tổng thống Philippines?

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte trong cuộc gặp ở Manila năm 2017. Ảnh: Reuters.

Các chuyên gia dự báo, tình hình chính trường Philippines rất có thể sẽ bị khuấy động nếu quyết định ngưng hợp tác với Mỹ là quyết định của ông Duterte được thực thi khi được các cố vấn thân cận ủng hộ.

Đánh giá tác động, theo phân tích của nhiều nhà bình luận, quyết định của Tổng thống Duterte có thể sẽ gây tác hại cho nhiều đồng minh khác của Washington trong khu vực, từ Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc cho đến Australia, những bên cần sự hỗ trợ của Mỹ trong hồ sơ an ninh quốc phòng.

Đặt giả thuyết, một khi Mỹ không còn căn cứ quân sự ở Philippines thì Mỹ sẽ mất đáng kể vị thế ở Đông Nam Á và Đông Á. Khi Mỹ yếu đi, đương nhiên các cường quốc khác sẽ nổi lên.

Những ẩn ức bên trong

Câu hỏi lúc này là tại sao Tổng thống Duterte hủy thỏa thuận với Mỹ? Đây là một thỏa thuận quân sự quan trọng giữa Philippines và Mỹ được ký vào năm 1998. Kể từ sau khi quân đội Mỹ buộc phải rút khỏi căn cứ hải quân Subic và căn cứ không quân Clark ở Philippines vào đầu những năm 1990, Mỹ luôn hy vọng có thể quay trở lại Philippines, bởi sau tất cả thì hai bên vẫn là đồng minh quân sự. Vì vậy, sau nhiều năm thương lượng, Philippines và Mỹ đã đạt được một thỏa thuận với tên gọi “Các lực lượng thăm viếng”.

Thỏa thuận này quy định các điều kiện tiên quyết, phạm vi hoạt động cũng như quyền hạn pháp lý liên quan đối với binh sĩ, nhân viên và trang thiết bị quân sự của Mỹ khi tiến vào Philippines, trong đó bao gồm cả nội dung các cuộc tập trận do hai bên tổ chức. Điểm quan trọng nhất của tên gọi “Các lực lượng thăm viếng” là nói đến và ở lại Philippines theo hình thức “luân phiên” chứ không phải “thường trú” để “lách” các quy định nghiêm ngặt trong luật pháp hiện hành của Philippines. Hiến pháp Philippines không cho phép quân đội nước ngoài thường trú nhưng lại được phép “luân phiên”.

Theo giao hẹn giữa hai bên, nếu thỏa thuận bị chấm dứt, một trong hai bên sẽ thông báo cho bên kia bằng văn bản thông qua kênh ngoại giao, thỏa thuận sẽ tự động chấm dứt sau thông báo 180 ngày.

Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines, đây là quyết định của Tổng thống Duterte. Nhưng, câu hỏi là tại sao ông Duterte đột nhiên hủy thỏa thuận này với Mỹ? Phải chăng đây là sự phản ánh chân thực mối quan hệ hiện tại giữa Mỹ và Philippines, chính xác hơn, nó có liên quan đến sự can thiệp của Quốc hội và các quan chức Mỹ vào các vấn đề nội bộ của Philippines? Hay việc này còn được bắt nguồn từ dự toán ngân sách chính phủ 2020 được Quốc hội Mỹ phê chuẩn cách đây không lâu?

Mỹ đã giúp Philippines rất nhiều trong huấn luyện binh sĩ. Ảnh: news.usni.

Một điều khoản trong ngân sách chính phủ này nhắm vào những người liên quan đến vụ bắt giữ cựu Bộ trưởng Tư pháp, Thượng nghị sĩ Leila de Lima. Cựu Bộ trưởng Tư pháp Leila de Lima đã bị cảnh sát Philippines bắt giữ vào tháng 2-2017 vì nghi có liên quan đến buôn bán ma túy. Tháng 6-2018, Tòa án Tối cao Philippines xác nhận việc bắt giữ và tống giam Leila de Lima là hợp pháp. Hiện tại Leila de Lima vẫn đang bị giam giữ.

Tuy nhiên, một số nghị sĩ trong Quốc hội Mỹ đã chỉ trích Philippines, nói đó là giam cầm bất hợp pháp xuất phát từ động cơ chính trị, đồng thời kêu gọi chính quyền ông Duterte ngay lập tức trả tự do cho Leila de Lima nhưng Philippines đã từ chối.

Dường như cả hai giả thuyết trên đều có liên quan. Bởi, trước đó, Thượng nghị sĩ Mỹ Dick Durbin và Patrick Leahy cùng đưa ra đề xuất trước Quốc hội, yêu cầu phải có biện pháp trừng phạt Philippines, cấm bất kỳ quan chức tư pháp và quan chức chính phủ nào của Philippines liên quan đến vụ kiện Leila de Lima nhập cảnh Mỹ.

Điều này khiến ông Duterte rất tức giận và đưa ra 3 động thái đáp trả các biện pháp trừng phạt của Mỹ: một là, tuyên bố 2 nghị sĩ nói trên của Mỹ bị cấm nhập cảnh vào Philippines; hai là, không giữ lại chút thể diện nào cho ông Trump khi từ chối tham dự Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo Mỹ-ASEAN vào đầu tháng 3 theo lời mời của Tổng thống Trump; ba là, cấm các quan chức Philippines đến Mỹ, kể cả là đi du lịch cùng gia đình, ngoại trừ Bộ trưởng Ngoại giao Teodoro Lopez Locsin sắp tới sẽ đến Mỹ để thực hiện một số công việc đặc biệt.

Những lá bài không còn bí mật

Lá bài đã được lật ra, và rõ ràng ông Rodrigo Duterte biết hết hậu quả từ trước. Vậy tính toán cuối cùng của ông Duterte là gì? Theo giải thích của Người phát ngôn Tổng thống Philippines thì tổng thống từng cho biết đã đến lúc phải tăng cường lực lượng phòng vệ độc lập và tự chủ thay vì dựa vào các nước khác về an ninh quốc gia. Do đó, ông Duterte dường như đã có quân bài trong tay trước khả năng xảy ra cuộc khủng hoảng ngoại giao Mỹ-Philippines.

Về nguyên nhân sâu xa hơn, một người từng được gọi là "Trump của Philippines" vì tính cách có phần tương đồng với vị tổng thống Mỹ nhưng từ khi lên cầm quyền đến nay ông chưa từng đến thăm Mỹ. Đây là điều hiếm thấy trong lịch sử quan hệ Mỹ-Philippines, cho thấy ông Duterte đi ngược lại chính sách thân Mỹ của người tiền nhiệm Aquino III: áp dụng chiến lược cân bằng ngoại giao, thúc đẩy mối quan hệ với các nước láng giềng, khiến tình hình kinh tế và việc làm của Philippines có những thay đổi đáng kể, đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện, do đó tỷ lệ ủng hộ của dân chúng luôn ở mức cao.

Hằng năm Mỹ và Philippines có nhiều cuộc tập trận chung. Ảnh: dw.

Những người trung thành với Tổng thống Rodrigo Duterte tại Thượng viện đang phản đối việc đưa vấn đề VFA bị hủy bỏ ra chất vấn trước Tòa án Tối cao. Trong bối cảnh đó, đơn kiến nghị (đề xuất chất vấn việc VFA bị hủy) có thể được gửi lên Tòa án Tối cao mà trong đó Chủ tịch Thượng viện Vicente Sotto và các nghị sĩ đối lập sẽ là những "nguyên đơn".

Tổng thống Duterte phải tỏ ra cứng rắn với quyết định hủy VFA dù không có sự đồng ý của Thượng viện để bảo vệ quyết định đơn phương trước đó của ông là rút khỏi Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) khi cơ quan này điều tra cuộc chiến chống ma túy của ông. Rõ ràng, đây là thách thức pháp lý của ông Duterte khi hủy VFA đã 20 năm “tuổi” mà không tham vấn Thượng viện. Lãnh đạo phe thiểu số của Thượng viện là Franklin Drilon cho biết ông sẽ cùng ông Sotto và các nghị sĩ khác chất vấn về hành động này trước Tòa án Tối cao.

Vấn đề tương tự cũng được nêu ra hồi năm 2018, ông Duterte rút khỏi ICC khi cơ quan này chuẩn bị điều tra về các hành vi vi phạm nhân quyền tại Philippines dưới thời ông. Ông Drilon và các thượng nghị sĩ Francis Pangilinan, Leila de Lima, Risa Hontiveros và những người từng nắm vị trí thượng nghị sĩ khi đó là Bam Aquino and Sonny Trillanes đã yêu cầu Tòa án Tối cao vô hiệu hóa quyết định rút Philippines khỏi ICC vì không có sự đồng thuận của Thượng viện. Tuy nhiên, không một phán quyết nào được đưa ra.

Sẽ có những hiệp ước phải "chết"

Về phía Mỹ, nhiều nghị sĩ và quan chức quốc phòng khẳng định: “Mỹ không được để mất Philippines”. Từng là Đô đốc Hải quân Mỹ và cựu Tư lệnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và hiện là Hiệu trưởng danh dự của Trường Luật và Ngoại giao Fletcher thuộc trường Đại học Tufts, ông James Stavridis cho rằng nếu Tổng thống Rodrigo Duterte hủy VFA ký với Mỹ, hành động này sẽ tạo ra các lỗ hổng để khủng bố lợi dụng. Điều đó sẽ chẳng tốt đẹp gì đối với Mỹ và rất tồi tệ đối với Manila, hàng loạt hiệp định, hiệp ước giữa hai nước sẽ chết yểu.

Căn cứ hải quân ở vịnh Subic và căn cứ không quân Clark từng là những cơ sở hạ tầng nước ngoài lớn nhất của quân đội Mỹ. Và có lẽ, quan trọng hơn, Hiệp ước phòng thủ chung (MDT) ký với Mỹ năm 1951 quy định rằng mỗi nước sẽ đáp trả bằng hành động quân sự khi xảy ra một cuộc tấn công vào nước còn lại. Đội ngũ huấn luyện thuộc các lực lượng đặc nhiệm Mỹ đã phối hợp chặt chẽ với các đối tác Philippines trong cuộc chiến chống nhóm khủng bố al-Qaeda và các nhóm khủng bố khác tiến hành các cuộc nổi dậy nguy hiểm ở miền Nam của đảo quốc này.

Dù có nhiều vấn đề khúc mắc nhưng không thể phủ nhận lính Mỹ ở Philippines cũng mang lại những lợi ích cho người dân ở đây. Ảnh: asiafoundation.

Từ năm 2016-2019, Mỹ đã cung cấp khoản hỗ trợ an ninh trị giá khoảng 500 triệu USD cho Manila. Vì vậy, việc Philippines thông báo sẽ rút khỏi VFA, vốn cho phép quân đội Mỹ hiện diện ở nước này, là một sự việc gây sốc. Giới chức Mỹ ngỡ ngàng. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper tỏ ra ôn hòa khi ông gọi hành động này là một “bước đi sai lầm”. Dường như quyết định đó sẽ ngay lập tức chấm dứt việc binh sĩ Mỹ hoạt động với các đối tác Philippines, hủy gần 300 cuộc tập trận chung thường niên.

Giả sử việc xa rời mối quan hệ này sẽ xảy ra thì tác động đối với chiến lược của Mỹ ở khu vực sẽ là gì? Nói cách khác, Manila đóng vai trò quan trọng như thế nào đối với Washington? Câu trả lời ngắn gọn là Philippines, quốc đảo của hơn 7.000 đảo, vẫn đóng vai trò hết sức quan trọng đối với an ninh và tầm ảnh hưởng địa chính trị của Mỹ. Khi xét đến mối liên hệ mang tính chất sâu sắc mang tính thế hệ giữa Mỹ và Philippines và mối quan hệ quân sự đáng kể, người ta có thể thấy được VFA đóng vai trò cơ bản như thế nào đối với an ninh và ngoại giao đối với cả hai nước.

Bởi nếu Mỹ không thay đổi thái độ với Tổng thống Rodrigo Duterte thì VFA chính là dấu mốc thất bại thảm hại trong chính sách đối ngoại của Mỹ ở Philippines. Đặc biệt, phản ứng của giới học giả nghiên cứu về chính sách châu Á của Mỹ đối với diễn biến nói trên rất đa dạng, từ những dự đoán kinh hoàng về một cú đòn đau đối với hệ thống liên minh “trục và nan hoa” của Mỹ ở khu vực châu Á cũng như cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ.

Viết trên tờ Japan Times, học giả Brad Glosserman thuộc Cơ quan nghiên cứu RAND cho rằng VFA đóng vai trò thiết yếu đối với việc thực thi Hiệp ước phòng thủ chung (MDT) ký năm 1951. Củng cố thêm quan điểm này, Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin Jr. cho rằng nếu không có VFA thì MDT sẽ “chết yểu” và Hiệp định hợp tác quốc phòng tăng cường (EDCA) ký năm 2014 trở nên “vô dụng”.

Hoa Huyền
.
.