Mỹ - Triều liên tiếp “nắn gân” nhau
Đây được xem là một động thái gây sức ép mạnh mẽ, có thể dẫn đến một “cú chiếu tướng” Mỹ của chính quyền Triều Tiên vào dịp Noel này.
Ngày 14-12, hãng thông tấn nhà nước KCNA dẫn lời một phát ngôn viên của Học viện Khoa học quốc phòng Triều Tiên cho biết nước này đã thực hiện thành công một cuộc thử nghiệm tại địa điểm phóng vệ tinh Sohae. KCNA không nêu rõ hình thức thử nghiệm nào đã diễn ra.
Trong một phát biểu sau đó được KCNA loan tải, Tổng Tham mưu trưởng Triều Tiên Pak Jong Chon nói rằng các cuộc thử nghiệm được thiết kế để củng cố hệ thống phòng thủ của Triều Tiên bằng cách phát triển vũ khí mới.
Đây là cuộc thử nghiệm thứ hai tại cơ sở Sohae trong khoảng thời gian một tuần. Chủ nhật tuần trước, KCNA nói Triều Tiên đã thực hiện một cuộc thử nghiệm rất quan trọng vào ngày 7-12 cũng tại địa điểm phóng vệ tinh này, một cơ sở thử nghiệm tên lửa.
Bản tin của KCNA gọi sự kiện ngày 7-12 là “một cuộc thử nghiệm thành công có tầm quan trọng to lớn”. Bộ trưởng Quốc phòng Triều Tiên Jeong Keong-doo cho biết đó là cuộc thử nghiệm động cơ.
Truyền hình Hàn Quốc đưa tin về vụ thử nghiệm của Triều Tiên ngày 14-12. |
Các cuộc thử nghiệm được này diễn ra trước hạn chót cuối năm nay mà Triều Tiên đã đưa ra cho Mỹ để từ bỏ việc Washington nhất quyết đòi Bình Nhưỡng đơn phương giải trừ hạt nhân. Từ khi lên nắm quyền đến nay, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đầu tư thời gian đáng kể để cố gắng thuyết phục Triều Tiên từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân vốn đã phát triển thành mối đe dọa đối với Mỹ, nhưng có rất ít tiến bộ dù ông Trump đã gặp nhà lãnh đạo Kim Jong-un 3 lần. Bình Nhưỡng đã cảnh báo, họ có thể đi một con đường mới trong bối cảnh các cuộc đàm phán với Mỹ bị đình trệ.
Giới quan sát cho rằng, Triều Tiên không hài lòng với cái mà họ cho là thiếu linh hoạt, thiếu sáng tạo của các nhà đàm phán Mỹ. Do vậy, điều gì sẽ xảy ra tiếp theo chắc chắn sẽ là mối quan tâm của chính quyền Tổng thống Trump, đặc biệt khi Bình Nhưỡng đặt ra hạn chót cuối năm nay cho Washington để có được những điều khoản đàm phán tốt hơn.
Bình Nhưỡng “đánh tiếng” tiếp sau đây có thể tái thử nghiệm bom hạt nhân và tên lửa liên lục địa (ICBM) nếu Washington không đưa ra những nhân nhượng trong các cuộc đàm phán đang bị bế tắc. Một vụ thử ICBM hay thử hạt nhân của Triều Tiên sẽ bị coi là “khiêu khích” hơn một vụ thử vệ tinh và chắc chắn sẽ buộc chính quyền Tổng thống Trump phải lưu tâm.
Trước khi Bình Nhưỡng có những hành động “khích tướng” trong tuần qua, ngày 11-12, Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Kelly Craft nói tại một phiên họp của Hội đồng Bảo an rằng Hoa Kỳ “sẵn sàng linh hoạt... và công nhận cần có một thỏa thuận cân bằng, đáp ứng được những quan ngại của tất cả các bên”.
Nhưng bà nhấn mạnh Washington “không thể tự mình làm được. Triều Tiên cũng phải đưa ra quyết định khó khăn nhưng táo bạo là làm việc cùng chúng tôi (Mỹ)”. Adam Mount, chuyên gia cấp cao tại Hiệp hội Các nhà khoa học Mỹ, nói cho dù Bình Nhưỡng lựa chọn món quà hay con đường mới nào cũng sẽ không khiến chính quyền Tổng thống Trump ngạc nhiên.
Ngày 15-12, đặc phái viên Mỹ về Triều Tiên Stephen Biegun trong chuyến thăm 3 ngày từ 15 tháng 12 tới Hàn Quốc nói không có hạn chót đàm phán hạt nhân với Bình Nhưỡng, nhấn mạnh Mỹ sẽ “không bỏ cuộc” đến khi đạt mục tiêu. Đặc phái viên Mỹ cũng cho biết đội ngũ của ông sẵn sàng khôi phục các cuộc đàm phán với Triều Tiên.
Sau 3 cuộc gặp thượng đỉnh, Mỹ chưa có bất cứ biện pháp nới lỏng cấm vận nào với Triều Tiên, bất chấp phía Bình Nhưỡng có những nhượng bộ nhất định như tháo dỡ hay đóng cửa hoặc cho thanh sát viên vào các cơ sở hạt nhân của nước này. Washington muốn Bình Nhưỡng phải giải giáp “trọn gói” các vũ khí hạt nhân thì mới mong có được sự nới lỏng của Mỹ.
Trong khi Triều Tiên thì muốn dỡ bỏ từng phần và hễ nước này cứ lùi một bước thì Mỹ cũng phải có “đáp lễ” tương ứng. Câu chuyện như vậy cứ giậm chân tại chỗ trong suốt một năm qua. Không phải Mỹ hay Triều Tiên không hiểu yêu sách của nhau mà họ cố tình giữ vững quan điểm của mình.
Theo giới quan sát, tất cả những gì chính quyền Mỹ đang làm chỉ là câu giờ. Nên biết rằng từ xưa đến nay, hầu hết những vấn đề đối nội ở Mỹ đều có ảnh hưởng nhất định với chính sách đối ngoại của nước này. Tổng thống Trump đang trong quá trình tái tranh cử. Một thỏa thuận hạt nhân với Triều Tiên sẽ là điểm cộng rất lớn, thậm chí có thể giúp ông tái cử bất chấp việc ông đang bị phe đối lập khởi động tiến trình luận tội. Nhưng tại sao ông chưa tung ra lá bài Triều Tiên vào lúc này?
Theo giới chuyên gia, giờ có lẽ chưa phải là thời điểm thích hợp vì phải gần một năm nữa mới diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ (3-11-2020). Từ giờ đến đó, ông Trump sẽ còn phải trải qua nhiều rào cản do phe đối lập dựng lên. Do đó nếu ông không biết suy tính sẽ khó mà tái cử. Tuy nhiên, nếu ông “già néo” cũng có khi vấn đề Triều Tiên trở thành con dao hai lưỡi khiến ông phải hối hận.
Điều này đã được Tổng Tham mưu trưởng quân đội Triều Tiên Pak Jong Chon cảnh báo. Ông Pak cho rằng “các thế lực thù địch”, bao gồm cả Mỹ không nên kích động Triều Tiên nếu muốn chứng kiến một năm mới hòa bình.
Trước mắt chiến thuật tạm thời của Tổng thống Mỹ với Triều Tiên vẫn sẽ là giữ cho dây không quá căng. Harry J.Kazianis, Giám đốc Chương trình nghiên cứu về Triều Tiên - Trung tâm Lợi ích Mỹ, Tổng biên tập The National Interest, cho rằng sắp tới Mỹ và Triều Tiên có thể thỏa thuận đóng cửa các cơ sở tại Trung tâm hạt nhân Yongbyon, đổi lại Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm vận xuất khẩu than và dệt may cho Triều Tiên, đồng thời đảm bảo không tìm cách thay đổi chế độ ở Bình Nhưỡng.
Các bước tiếp theo thì không ai lường trước được với một vị tổng thống có tính khí khó lường như ông Trump.